KHÁI QUÁT VỀ CÁC TÀI LIỆU
Trong những bài thuyết trình này, chúng ta thấy có nhiều trích dẫn từ các tài liệu khác nhau của cha thánh E-ma. Trong bài chia sẻ này, chúng ta sẽ đề cập đến các tài liệu ấy. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, vì qua những tài liệu này, chúng ta có thể xác tín về linh đạo mà cha thánh đã để lại cho chúng ta.
So với các dòng tu khác, chúng ta có một nguồn tài liệu rất phong phú về các đấng sáng lập của chúng ta là cha thánh E-ma và Mẹ Mác-gơ-rít Ghi-ô. Tại Công Hàm (Archives) của Các Cha Thánh Thể ở Rô-ma, có một số tài liệu nguyên thủy như:
- Những ghi chép cá nhân của cha thánh E-ma;
- Những Ghi Chú Tĩnh Tâm;
- Những dàn bài của các bài giảng;
- Các thơ từ;
- Những bản thảo về Hiến Pháp cho dòng nam cũng như cho các Hội Viên Tán Trợ.
- Ngoài ra, còn có một sưu tập gồm tất cả các tài liệu được đệ trình lên Tòa Thánh để xin phong Chân Phước và Hiển Thánh cho ngài. Sưu tập tài liệu này gồm những lời khai của các nhân chứng được thẩm vấn để khảo sát về đời sống của ngài. Theo nhiều lời khai của các nhân chứng này, thì khi còn sống, họ đã coi ngài là một vị thánh rồi.
- Sau cùng, Công Hàm này cũng gồm những tài liệu khác liên quan đến lịch sử của Dòng Các Cha Thánh Thể.
Tại Công Hàm ở Nhà Tổng Quyền của các Nữ Tỳ Thánh Thể cũng có một số tài liệu nguyên thủy. Đó là:
- Các thơ cha E-ma viết cho Mẹ Mác-gơ-rít và cho các Nữ Tỳ Thánh Thể.
- Các bài thuyết trình cho các chị Nữ Tỳ Thánh Thể tiên khởi.
- Những ghi chép về các cuộc thuyết trình này do Sơ Ma-ri Thánh Thể (tức Sơ Caroline de Boisgrollier) ghi lại.
- Những bản thảo về Hiến Pháp cho Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể.
- Những thơ của Mẹ Mác-gơ-rít.
- Nhật Ký của Mẹ.
- Những bài thuyết trình của Mẹ cho các tập sinh và các chị khấn.
- Những ghi chú về Thư Mục (Directory) mà cha E-ma đã viết cho Mẹ Mác-gơ-rít, cho các bề trên, và cho tất cả các chị trong Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể.
Giống như ở Công Hàm của Các Cha Thánh Thể, Công Hàm của các Nữ Tỳ Thánh Thánh Thể cũng gồm nhiều tài liệu liên quan đến lịch sử Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể.
Ở đây chúng ta sẽ cùng nhau khảo sát 7 điểm sau:
1- Các thơ của cha E-ma.
2- Tĩnh Tâm ở Rô-ma.
3- Các Hiến Pháp.
4- Những bài thuyết trình cho các Nữ Tỳ Thánh Thể.
5- Sưu Tập
6- Các sách về tiểu sử cha thánh.
7- Nhật Ký của Mẹ Mác-gơ-rít.
1- CÁC THƠ
Các thơ của thánh Phê-rô Giu-li-a-nô có một giá trị hết sức đặc biệt, vì đó là những thơ viết tay và những bản nguyên thủy vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Các Thơ này gồm nhiều loại khác nhau:
- Những thơ về việc điều hành.
- Những thơ về linh hướng;
- Những thơ liên quan đến tình bằng hữu, đặc biệt là cho các chị của ngài và cho một số gia đình bạn bè.
Chúng ta nên nhớ, trong thời gian ngài sống, chưa có điện thoại, máy Fax, mánh đánh chữ, máy sao chép. Chỉ có bút lông. Không có điện, chỉ có khí đốt. Ý thức đuợc hoàn cảnh như vậy, chúng ta mới thấy cha thánh E-ma quả là người đã viết rất nhiều. Có khi ngài viết trên xe lửa trong đi công tác. Chắc chắn một số thơ ngài viết không còn nữa, một số bị thất lạc, một số khác không được đệ trình lên Tòa Thánh trong cuộc điều tra phong Chân Phước cho ngài, vậy mà chúng ta cũng vẫn còn khoảng trên 2,200 bức thơ của ngài.
Đọc các thơ của ngài, chúng ta sẽ biết được con người và những kinh nghiệm về cuộc sống của ngài. Điều đặc biệt mà chúng ta khám phá được là ý thức phân định sắc bén và tình yêu lớn lao đối với các con linh hồn của ngài. Chúng ta có thể cảm nghiệm được lòng nhân hậu của Thiên Chúa tràn lan qua tâm hồn ngài. Chúng ta cũng có thể nhận ra được tinh thần nhậy cảm, dịu dàng và những ưu tư nơi tâm hồn ngài. Ngài chia sẻ cuộc sống của ngài với các bạn bè và dẫn đưa họ đến với Thiên Chúa, Đấng hằng yêu thương và hết mực nhân ái. Các nhân đức, như: tin tưởng, bác ái, đã đạt tới tột đỉnh hoàn thiện nơi tâm hồn ngài. Ngài luôn chân thật, luôn tử tế. Ngài là hình ảnh của Chúa Giê-su Ki-tô.
Một số thơ của ngài đã được in thành 5 cuốn theo bản nguyên thủy bằng tiếng Pháp. Một số khác được đánh máy lại, đóng thành tập và chưa xuất bản. Những thơ này được xếp thành loại theo người nhận. Gần đây các thơ này mới được xếp lại theo thứ tự thời gian và được dịch sang tiếng Anh. Một sưu tập tương tự đang được thực hiện bằng tiếng Pháp.
2- CUỘC TĨNH TÂM Ở RÔ-MA
Trong số các Ghi Chú Tĩnh Tâm, những ghi chú về cuộc tĩnh tâm thứ hai ở Rô-ma là quan trọng hơn hết. Đây là cuộc Tĩnh Tâm được gọi là “Đại Tĩnh Tâm”, vì khoảng thời gian dài, và vì tính cách đặc biệt quan trọng của cuộc Tĩnh Tâm này. Những ghi chú tĩnh tâm này còn có một giá trị đặc biệt khác là chúng ta còn giữ được chính bản viết tay của ngài.
Trong thời gian ở Rô-ma để chờ đợi kết quả những cuộc thương lượng giữa Tòa Thánh với những người Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến việc tạo mãi Nhà Tiệc Ly, cha E-ma đã không bỏ phí thời giờ, ngài đã làm cuộc Tĩnh Tâm, lúc đầu ngài dự định một tuần. Nhưng vì việc thương lượng giữa Tòa Thánh và người Thổ Nhĩ Kỳ bị trì hoãn, nên cuộc Tĩnh Tâm ấy đã kéo dài 65 ngày. Ngài đã ghi lại những suy niệm hằng ngày của ngài. Đây là khoảng thời gian khảo sát kỹ lưỡng về ngài, nhưng cũng là thời gian suy niệm sâu xa về Chúa Giê-su.
Cuộc Tĩnh Tâm này được coi là cuộc tĩnh tâm quan trọng nhất trong cuộc hành trình thiêng liêng của ngài, vì chính cuộc tĩnh tâm này đã dẫn ngài đến thực hiện lời khấn riêng ngày 21 tháng 3, 1865. Chúng ta đã thảo luận về lời khấn Hiến Lễ Bản Vị (Gift of Self), lời khấn này đã dẫn ngài đến quyết định đặt Chúa làm trung tâm của đời mình. Lời khấn ấy biểu lộ đầy đủ và đặc biệt nhất về giáo huấn và linh đạo của ngài.
3- CÁC HIẾN PHÁP
Tại Công Hàm của Các Cha Thánh Thể, có nhiều bản thảo về Hiến Pháp của Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể do chính cha thánh E-ma viết. Những bản thảo này chưa được hoàn tất khi ngài qua đời, chúng ta có thể nhận ra điều đó qua nhiều sửa chữa ở bản văn cuối cùng.
Có ba bản thảo Hiến Pháp của Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể: Bản thảo năm 1859, bản thảo năm 1863 và bản thảo 1864.
Bản thảo năm 1859 là cố gắng đầu tiên của Đấng Sáng Lập nhằm mục đích đưa ra một số qui luật cho các chị tiên khởi khi họ còn ở Pa-ri và đã bắt đầu sống theo tinh thần của Nữ Tỳ Thánh Thể. Bản thảo này được viết bằng một lối văn đơn sơ và rõ ràng. Bản thảo gồm có: hướng dẫn 3 giờ chầu hằng ngày, và giới thiệu những việc đạo đức phù hợp với đời sống cầu nguyện thánh thể. Bản thảo nhấn mạnh đến đặc điểm của Nữ Tỳ Thánh Thể là sự hiệp nhất với Chúa nơi Phòng Tiệc Ly và đời sống đơn sơ ẩn dật. Bản thảo này cũng qui định: chầu Thánh Thể là việc ưu tiên và cốt yếu, đến nỗi các chị phải có phép chuẩn đặc biệt của bề trên mới được phép thay đổi giờ chầu khi có lý do quan trọng nào đó.
Bản thảo thứ hai được mệnh danh là “Brui-ông đờ Xanh Bon-nê” (Brouillon de St Bonnet). Bản thảo này không hề đuợc áp dụng thành qui luật. Bản thảo cũng được viết bằng một lối văn đơn sơ. Đặc điểm nổi bật của bản thảo này là chương về Chầu Thánh Thể, trong đó bốn đề tài về Chầu Thánh Thể được diễn tả cách tỉ mỉ.
Bản văn thứ ba được viết ngay trước khi các chị rời Pa-ri đi Ăng-gie (Angers) để khởi đầu cuộc sống tu dòng cách công khai và chính thức. Bản đầu tiên được in ra, còn các bản khác thì chỉ được các chị chép tay mà thôi. Bản văn này có tính cách chính thức hơn, vì cha thánh Phê-rô Giu-li-a-nô đã tham khảo ý kiến với các viên chức ở Rô-ma và các dòng tu khác để biết những yếu tố cần thiết cho một bản Hiến Pháp và ngài đã sáng tác bản văn dựa theo những yếu tố ấy.
Sau khi cha thánh qua đời, Mẹ Mác-gơ-rít đã tiếp tục hoàn tất bản văn này và Đức Mục của Giáo Phận Ăng-gie (Angers) đã thêm chương về quản trị vào đó. Năm 1920 khi Bộ Giáo Luật được thi hành, một số chi tiết khác đã được thêm vào cho phù hợp với qui luật mới của Hội Thánh, nhất là những gì liên quan đến lời khấn. Tuy nhiên, tinh thần cốt yếu vẫn là của cha thánh Phê-rô Giu-li-a-nô. Hiến Pháp này được áp dụng mãi cho tới Công Đồng Va-ti-ca-nô II, khi Công Đồng yêu cầu các dòng tu duyệt lại các qui luật của mình cho phù hợp với các văn kiện của Hội Thánh và nhu cầu của thời đại. Từ đó bản Luật Sống hiện tại của chúng ta bắt đầu xuất hiện. Hiến Pháp này được Hội Thánh chứng thực là chứa đựng một nội dung hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Hiến Pháp do chính Đấng Sáng Lập viết ra, và bản văn của Luật Sống này đã được Tòa Thánh châu phê năm 1975.
4- NHỮNG BÀI THUYẾT TRÌNH
CHO CÁC NỮ TỲ THÁNH THỂ
Hiện chúng ta có 400 bài thuyết trình mà cha thánh Phê-rô Giu-li-a-nô đã chia sẻ với các chị Nữ Tỳ Thánh Thể tiên khởi của chúng ta. Những bài thuyết trình này có một giá trị thứ yếu, vì không phải là những bản văn do chính tay cha thánh viết ra. Tuy nhiên, chúng cũng có một giá trị lớn lao và đáng tin cậy về giáo huấn cũng như linh đạo của ngài. Trong khi ngài thuyết trình, Sơ Ma-ri Thánh Thể (tức Sơ Caroline de Boisgrollier) đã ghi chép, sau đó chính cha thánh đã coi lại và chuẩn nhận những điều Sơ Ma-ri Thánh Thể đã ghi. Vì thế, chúng ta có thể tin tưởng được rằng, đó chính là những tư tưởng và giáo huấn của cha thánh. Những bản này được xử dụng tại các nhà tiên khởi ở Pa-ri và Li-ông.
Vào cuối thế kỷ trước, người ta cố gắng sắp xếp những bài thuyết trình của ngài lại cách khoa học hơn. Vì thế, Sơ Ma-ri Lu-i-giờ Tay-ô (Marie Louise Thallot), dưới sự hướng dẫn của cha An-be Tes-ni-e, SSS (Albert Tesnière), đã sửa lại những bài thuyết trình này, bỏ những câu chuyện ngắn và những mẩu đàm đạo, hoàn tất những tư tưởng bỏ lửng, hoặc bỏ những gì không cần thiết. Bản văn soạn lại này đã được gởi đến tất cả các nhà của Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể và do đó người ta đã đốt những bản chính đi. Những bài thuyết trình đã được dịch sang tiếng Anh và tiếng Bồ đào Nha và được lưu hành rộng rãi.
Sau năm 1962, khi Nhà Tổng Quyền của Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể từ Pa-ri rời về Rô-ma (1967), người ta tìm được một bản gốc về các bài thuyết của cha thánh do Sơ Ma-ri Thánh Thể ghi lại. Những bản này được đưa về Pa-ri khi nhà Li-ông bị đóng cửa vào năm 1916. Các chị Nữ Tỳ Thánh Thể ở Mỹ có chụp những bản viết tay này và hiện lưu trữ tại Công Hàm của Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể ở Rô-ma. Các chị ở Ca-na-đa đã đánh máy rất cẩn thận bản văn quí giá này. Hiện thời đang có một dự án đưa tất cả các bài thuyết trình này vào máy vi tính theo thứ tự thời gian. Công việc so sánh bản gốc với những bản được soạn lại, và việc nhận ra những thay đổi hiện thời không còn là điều bất khả thi nữa.
Những bài thuyết trình này làm thành một bộ phận lớn lao nhất về giáo huấn thiêng liêng của cha thánh Phê-rô Giu-li-a-nô. Chúng ta sẽ lược qua giáo huấn này qua những đề tài về cảm nghiệm Phòng Tiệc Ly.
5- CÁC SƯU TẬP
Công cuộc tập hợp lại những tài liệu làm thành “Sưu Tập” cũng có cùng một lịch sử tương tự như các bài thuyết trình của cha thánh. Sau khi thánh Phê-rô Giu-li-a-nô qua đời, thầy An-be Tes-ni-e (Albert Tesnière), sau này là cha Tes-ni-e và là Bề Trên Tổng Quyền của Dòng Thánh Thể từ năm 1887 đến năm 1893, ngài đã thu thập lại các ghi chép của cha thánh. Chủ đích của ngài là sắp xếp những ghi chép này lại, rồi xuất bản để phổ biến cho công chúng. Trong khi thực hiện công cuộc ấy, cha Tes-ni-e đã sắp xếp các tài liệu nguyên thủy, hoàn tất những bài giảng được làm thành dàn bài sẵn trong bản văn, tóm tắt và chuẩn bị ấn bản. Những sách này đã được xuất bản dưới tựa đề: “La Divine Eucharistie” (đọc: La đi-vin Ơ-ca-ris-ti). Cuốn sách này gồm những trích dẫn từ các tác phẩm và bài giảng của thánh Phê-rô Giu-li-a-nô E-ma, vì thế, tựa đề của cuốn này phải là: “Những suy niệm dựa theo giáo huấn của cha E-ma” mới đúng. Sách này được dân chúng rất mộ mến, nhất là các chủng viện. Vì thế, sách đã được tái bản nhiều lần và bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Năm 1927, một ấn bản mới đã được ấn hành với tựa đề: “Thánh Thể và Đời Sống Ki-tô hữu”, trong thời gian cha Cu-ê (Couet) làm Bề Trên Tổng Quyền. Đây là một tài liệu dành cho giáo dân và những người có trách nhiệm hướng dẫn thiêng liêng. Sách này trích những giáo huấn thiêng liêng của cha thánh từ các thơ và không ghi rõ xuất xứ.
Vào đầu thập niên 1950, một sưu tập mới được một ủy ban thực hiện dưới sự hướng dẫn của cha Đờ Kê-xe (de Keyser), nhằm mục đích thiết lập một bộ sưu tập gần giống nhất với những ghi chép của Đấng Sáng Lập. Ủy ban đã theo một đường lối chọn lựa mới và được trình bày dưới một hình thức khác với trước đây. Nguồn tài liệu mà ủy ban xử dụng cũng chính là nguồn tài liệu mà cha Tes-ni-ê đã dùng trước đây, chỉ có cách chọn lựa đề tài và lối trình bày là khác thôi. Rất tiếc, cái chết quá sớm của cha Kê-xe đã khiến cho bộ sưu tập này chỉ giới hạn trong những nước nói tiếng Pháp mà thôi.
6- CÁC SÁCH TIỂU SỬ
Có nhiều cuốn tiểu sử và công cuộc nghiên cứu được viết về cha thánh Phê-rô Giu-li-a-nô. Chúng ta không thể đánh giá tất cả những cuốn sách đó ở đây được. Tuy nhiên, một vài nhận xét cần được nêu lên ở đây.
Trước hết, những cuốn tiểu sử về cha thánh Phê-rô Giu-li-a-nô E-ma được Dòng Thánh Thể xuất bản từ ban đầu cho đến những năm gần đây, chỉ đặc biệt chú trọng đến đặc sủng thánh thể của ngài, và coi nhẹ tầm quan trọng của những năm ngài sống trong Dòng Đức Mẹ, và những ảnh hưởng của thời gian ấy đối với công cuộc của ngài sau này.
Một số cuốn tiểu sử được viết theo thể hạnh các thánh, đó là lối văn tiêu biểu của thời bấy giờ. Tuy nhiên, nếu bỏ qua những chi tiết về thể văn hạnh các thánh, chúng ta có thể học được nhiều điều nơi những cuốn tiểu sử này, đặc biệt là hai cuốn của cha Trus-xi-ê (Troussier) viết vào năm 1928, đó là bộ sưu tập gồm những lời khai của các nhân chứng trong cuộc điều tra ở Gờ-rơ-nốp để chuẩn bị phong thánh cho ngài.
Một cuốn khác do cha Tes-ni-e (Tesnière) viết với nhan đề “Linh Mục của Thánh Thể”. Cuốn này được dịch sang nhiều thứ tiếng và rất phổ biến. Có lẽ đây là cuốn nổi tiếng nhất về tiểu sử cha thánh E-ma. Sách được tái bản nhiều lần, và mỗi lần tái bản đều được sửa chữa lại.
Trong những công trình mới được thực hiện, những tác phẩm sau đây có tầm quan trọng đặc biệt hơn cả:
- “GIỜ CỦA PHÒNG TIỆC LY” (The Hour of the Cenacle) do cha Lô-rê-a Xanh-Pi-e, SSS (Lauréat Saint-Pière) viết. Cha Xanh Pi-e là người đầu tiên đề cập đến sự phát triển trong linh đạo của cha E-ma: từ phạt tạ đến tình yêu; từ Phòng Tiệc Ly lịch sử đến Phòng Tiệc Ly Nội Tâm.
- “EYMARD: NHỮNG NĂM 1841 - 1845” của cha Đa-nơn Kê-vờ, SSS (Donald Cave). Đây là một công trình nghiên cứu về lịch sử gồm nhiều chi tiết rất đặc biệt. Cha Kê-vờ là người đầu tiên đề cập đến tầm quan trọng của những năm mà cha thánh sống trong Dòng Đức Mẹ và sự phức tạp của các biến cố đã dẫn ngài đến công cuộc lập Dòng Thánh Thể.
- “PHÊ-RÔ GIU-LI-A-NÔ E-MA” (Pière Julien Eymard) do cha An-rê Ghí-tông, SSS (André Guitton) viết. Đây là một tác phẩm có tích cách lịch sử mới nhất về cha E-ma. Tác phẩm gồm nhiều tài liệu chính xác và chi tiết về cuộc đời cha thánh. Vì thế, tác phẩm này có một giá trị đặc biệt cho công cuộc tìm hiểu và học hỏi về đời sống cha thánh E-ma.
- “NGÀY MAI E QUÁ TRỄ” (Tomorrow will bi too late) là một tác phẩm mới của cha Noóc-mân Pen-lơ-chi-ê, SSS (Norman Pelletier). Đây là cuốn tiểu sử về thánh Phê-rô Giu-li-a-nô E-ma được viết cho quảng đại quần chúng. Sách ngắn gọn và viết theo một hình thức đơn sơ dễ hiểu.
Cũng còn rất nhiều cuốn tiểu sử khác viết về thánh Phê-rô Giu-li-a-nô đã được xuất bản hoặc chưa được xuất bản. Những cuốn này chỉ có một giá trị tương đối thôi. Ngoài ra, tiểu sử thánh E-ma cũng được phóng tác bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và hầu hết những cuốn này đều dựa theo những tác phẩm của cha Trus-xi-ê (Troussier) và cha Tes-ni-e (Tesnière).
7- NHẬT KÝ CỦA MẸ MÁC-GƠ-RÍT
Nhật Ký này gồm năm cuốn viết tay gồm những hồi ký và ghi chú của Mẹ Mác-gơ-rít Ghi-ô. Khởi đầu từ ngày 28 tháng 8, 1869, Mẹ đã ghi lại các biến cố và dùng những ghi chép về các biến cố này như một hành vi vâng phục đối với cha thánh E-ma, vì ngài tin tưởng rằng chúng sẽ giúp ích rất nhiều cho các thế hệ mai sau.
Ba cuốn đầu vẫn còn giữ nguyên tình trạng như khi mới viết ra, ngoại trừ một vài trang bị mất. Bản chính của hai cuốn sau đã bị hủy và chỉ còn lại những tường thuật về các biến cố lịch sử đáng quan tâm mà thôi. Vào thập niên 1890, công cuộc khảo sát bản văn dưới sự dưới hướng dẫn của cha Tes-ni-e, SSS và Mẹ Ma-ri Clơ-măng, SSS (Marie Clemence) đã khẳng định rằng, những cuốn cuối cùng này được viết ra là do ảnh hưởng của Sơ Pi-rét, SSS (Pirrette) là quản lý và là cố vấn của Mẹ Mác-gơ-rít và gồm những điều không chính xác.
Điều chúng ta khám phá được trong những cuốn hiện có là những tường thuật về cảm nghiệm và tư tưởng của Mẹ, những thơ của cha E-ma viết cho Mẹ cùng với những ghi chú riêng của Mẹ xen vào giữa.
Những bài thuyết trình của Mẹ Mác-gơ-rít cho các chị khấn và cho các tập sinh thì chỉ còn lại ở dạng sẵn sàng để in mà thôi.
Cũng có một số sách liên quan đến “Các Tập Tục” phản ảnh tinh thần vụ luật của đời sống tu trì ở thời đó. Trong Công Hàm của Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể, cũng có một số thơ của Mẹ Mác-gơ-rít viết cho các chị tiên khởi của chúng ta cũng như cho những người khác.
Sơ Ma-ri đờ Boa-grô-li-ê, SSS (Marie de Boisgrollier) viết một tập ghi chú về thánh Phê-rô Giu-li-a-nô và một chút về công cuộc thành lập Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể. Những tài liệu này hiện vẫn còn lưu trữ tại Công Hàm của Các Nữ Tỳ Thánh Thể, hi vọng một ngày kia chúng sẽ được phổ biến.
Để kết thúc bài khảo cứu này, chúng ta hãy nghe một đoạn văn ngắn của Mẹ Mác-gơ-rít viết để đọc khi trao Hiến Pháp cho một trong các chị Nữ Tỳ Thánh Thể tiên khởi:
“Con thân mến, con hãy nhận lấy Hiến Pháp của Dòng… hãy dùng Hiến Pháp này làm kim chỉ nam, làm ánh sáng và lời khuyến dụ cho con, và Hiến Pháp này sẽ nâng đỡ con.
Chính tại Đền Đức Mẹ ở Laus mà ánh sáng này đã được thực hiện, đó là nơi mà Đấng Sáng Lập đáng kính của chúng ta đã viết ra Hiến Pháp này sau bao đau khổ và cầu nguyện. Đức Cha Ăng-giơ-bô (Angebault), vị Giám Mục đáng kính của chúng ta đã phê chuẩn những qui luật này và coi đó là do chính cha thánh chúng ta viết ra, ngoại trừ một vài thay đổi về từ vựng.
Con thân mến, Mẹ xin con hãy trung thành nắm giữ chúng. Ai sống theo luật là sống theo Thiên Chúa”
Tại Nhà Mẹ ở Ăng-gie (Angers)
Ngày 20 tháng 7, 1877
Sơ Mác-gơ-rít Thánh Thể