9. Phòng Tiệc Ly Nơi Thiết Lập Thánh Thể Và Tình Yêu Được Ban Tặng

PHÒNG TIỆC LY

NƠI THIẾT LẬP THÁNH THỂ

VÀ TÌNH YÊU ĐƯỢC BAN TẶNG

 

A- BIẾN CỐ PHÚC ÂM

“Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với Đức Giê-su rằng: ‘Thầy muốn chúng tôi đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?’ Người sai hai môn đệ đi và dặn họ: ‘Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó. Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: ‘Thầy sẽ ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ ở phòng nào?’. Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng: và ở đó, các anh hãy dọn tiệc cho chúng ta’. Hai môn đệ ra đi. Vào đến thành, các ông thấy mọi sự y như Người đã nói. Và các ông dọn tiệc Vượt Qua” (Mc.14:12-16).

B- NƠI THÁNH THỂ ĐƯỢC THIẾT LẬP

VÀ TÌNH YÊU ĐƯỢC BAN TẶNG

Phòng Tiệc Ly là nơi Thánh Thể được thiết lập, nơi Chúa Giê-su biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với ta: “Thiên Chúa quá yêu thương trần gian đến nỗi đã ban Con Một cho trần gian”. Đó là nơi Chúa Giê-su đã ban mình làm Bánh Hằng Sống cho trần gian. Người cũng mời gọi chúng ta đến Phòng Tiệc Ly để hiến thân làm lễ vật như vậy. Thánh Thể, tặng vật mà Người đã phải trả bằng một giá rất mắc là cuộc Thương Khó và Tử Nạn trên thập giá, vì thế đó là tặng vật cao quí nhất của tình yêu.

1- THÁNH THỂ, TẶNG VẬT CỦA TÌNH YÊU

Thánh Thể là tặng vật cao quí nhất của tình yêu. Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô đã không hề nhàm chán khi lặp đi lặp lại chân lý này, và ngài cũng đã dùng tư tưởng này để làm căn bản cho những suy niệm, hồi tâm và lòng nhiệt tình của ngài. Tặng vật của tình yêu này sẽ còn tiếp tục mãi cho đến tận cùng thời gian, vì Chúa đã truyền cho ta phải làm như vậy: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Bánh Hằng Sống được ban cho ta, để ta có thể đạt tới cùng đích của cuộc hành trình trần gian này.

Vào thời của thánh Phê-rô Giu-li-a-nô, căn bản của thần học thánh thể là giáo lý của Công Đồng Tri-đen-tri-nô. Nền thần học này nhấn mạnh đến ba đặc điểm của Thánh Thể là: Lễ Hi Sinh, Hiệp Lễ, và Sự Hiện Diện Thực. Tất nhiên thánh Phê-rô Giu-li-a-nô chấp nhận ba đặc điểm này cùng với những giới hạn của chúng. Tuy nhiên, dựa vào trực giác, Kinh Thánh và các Giáo Phụ, ngài còn tiến xa hơn nữa. Ngài đã nhận ra sự liên kết mật thiết giữa các khía cạnh khác nhau của Mầu Nhiệm Thánh Thể. Đối với ngài, Thánh Thể là Mầu Nhiệm trung tâm của Đức Tin, Mầu Nhiệm chứa đựng tất cả mọi mầu nhiệm khác. Chân lý ấy sau này đã được Công Đồng Va-ti-ca-nô II xác nhận và công bố: Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh, là trung tâm và cùng đích mọi cuộc sống.

Chính nhờ Thánh Thể mà chúng ta hiểu biết sâu xa về Chúa Ki-tô, nhất là Hiệp Lễ; và sau đó, qua việc chầu Thánh Thể, chúng ta liên kết với triều thần thiên quốc mà thờ lạy Chúa Giê-su, Con Chiên vinh thắng đã bị sát tế để cứu chuộc chúng ta. Rồi cùng với Người, chúng ta tôn thờ Đức Chúa Cha trong Thánh Thần và chân lý.

Để hiểu biết thánh Phê-rô Giu-li-a-nô hơn, chúng ta không nên coi ngài như một nhà thần học, mà là một tôn sư về linh đạo, nhất là một nhà thần bí: một con người say mê Chúa Giê-su và nhiệt tâm làm vinh danh Chúa trong Thánh Thể. Sở dĩ ngài trở thành vị tông đồ thánh thể là vì ngài đã mở rộng tâm hồn tới mức độ sâu xa nhất để được biến đổi nhờ Thánh Thể, và ngọn lửa nhiệt thành này đã biến ngài thành một vị thánh và một vị tông đồ. Ngài quả đáng được gọi là “ngôn sứ và chứng nhân của Thánh Thể”, một tước hiệu mà cựu Bề Trên Tổng Quyền của Dòng Thánh Thể là cha An-tô-ni Mạc-xuy-ni,SSS (Anthony McSweeney,SSS), xưng tụng. Tước hiệu này cũng phải là tước hiệu mà Dòng Thánh Thể cũng như Nữ Tỳ Thánh Thể phải tự nhận lấy cho mình (Xin coi tài liệu: Các ngôn sứ và chứng nhân của Thánh Thể):

“Đối với ngài (cha E-ma), Thánh Thể không phải là một nghi thức, mà là một Ngôi Vị, tức là Chúa Giê-su Ki-tô. Chúa Giê-su yêu thương ta, biến đổi ta, sống trong ta, Người đã đến để nên một với ta. Đối với cha E-ma, Thánh Thể là chính Chúa Giê-su. Người đến để canh tân xã hội bằng sự sống của Thiên Chúa. Đối với cha E-ma, đặt Thánh Thể để chầu là một phương thế kéo chú ý của thế giới, để người ta đến với sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa Ki-tô hiện diện giữa chúng ta, và biểu lộ đức tin của ta đối với sự hiện diện này. Đối với cha E-ma, Thánh thể là Mầu Nhiệm Tình Yêu Thiên Chúa mà giờ đây bao gồm tất cả mọi mầu nhiệm khác về Chúa Ki-tô được cử hành trong phụng vụ.

Đối với cha E-ma, thành lập các dòng tu là để biểu lộ quyền năng của Thánh Thể và sự hiện diện của Chúa Ki-tô ở giữa ta. Công cuộc này đã có thể thực hiện được chính là nhờ Thánh Thể, nhờ chính Chúa Giê-su”.

Nói về Thánh Thể trong lịch sử, trong giáo huấn của Hội Thánh ngày nay, hay trong giáo huấn của thánh Phê-rô Giu-li-a-nô thì không biết phải cần đến bao nhiêu thời gian cho vừa. Đây là kho tàng của Hội Thánh mà ơn kêu gọi của chúng ta, những tu sỹ thánh thể, phải khám phá để có thể học biết thêm… Như các bạn biết, tôi cảm thấy dường như bất lực hoàn toàn khi đề cập đến vấn đề nồng cốt của ơn kêu gọi của chúng ta, một vấn đề mà không bao giờ có thể nói cho đủ được. Thánh Tô-ma Tiến Sỹ, trong Bài Ca Tiếp Liên của Lễ Mình Thánh Chúa Ki-tô đã viết: “Hãy ca ngợi Người hết sức ngươi và sẽ chẳng bao giờ đủ”. Đó cũng là tiếng thở than từ đáy tâm hồn ta. Tuy nhiên, hi vọng rằng những khảo sát này có thể giúp các bạn định được vị trí linh đạo thánh thể của chúng ta trong bối cảnh lịch sử và Hội Thánh. Ơn kêu gọi mà Chúa ban cho chúng ta sẽ giúp chúng ta thấu hiểu sâu xa hơn đặc ân mà Ngài ban cho ta qua cá nhân thánh Phê-rô Giu-li-a-nô.

2- THÁNH THỂ TRONG PHỤNG VỤ

VÀ TRONG CÁC HÌNH ẢNH KINH THÁNH

Khi đề cập đến Thánh Thể theo ánh sáng của Công Đồng Va-ti-ca-nô II, chúng ta dùng những phạm trù (Categories) phát xuất từ Phụng Vụ, Kinh Thánh, hay những phạm trù khác thuộc lãnh vực mục vụ.

- Những phạm trù Phụng Vụ: Nghi thức, cộng đoàn tụ họp, Lời Chúa, lời nguyện tạ ơn.

- Những phạm trù Kinh Thánh: Mầu Nhiệm Vượt Qua, Giao Ước, Tưởng Niệm, Bánh Hằng Sống, Con Chiên bị sát tế, Nước Thiên Chúa, Cây Nho và ngành nho, hạt lúa miến.

- Những phạm trù thuộc Mục Vụ: Thánh Thể là Của Dưỡng Nuôi, Ơn Giao Hòa, năng lực biến đổi, sự hiện diện thường trực, chiêm niệm, giải phóng.

Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô đã dùng rất nhiều những quan niệm này trong các giáo huấn của ngài, nhưng ngài diễn tả những quan niệm ấy bằng những từ khác, vì ngài không có những từ vựng khác hơn là những từ vựng của Giáo Hội thời bấy giờ, để diễn tả những trực giác của ngài. Ngài cũng dùng nhiều hình ảnh có tính cách thi ca, như: lửa, mặt trời, hay những hình ảnh xã hội, như: vua, triều đình, hoặc gia đình, chủ và tôi tớ.

Mong mỏi của cha E-ma là chúng ta khám phá ra thêm những ý nghĩa phong phú của Thánh Thể, như ngài nói: “Đó là công việc của các con” (C’est votre affaire). Công việc đó không nguyên chỉ là nghiên cứu học hỏi và suy tư mà thôi, nhưng còn là công cuộc mà chúng ta cần thực hiện khi chầu Chúa trong Thánh Thể, đó là khám phá ra tâm hồn của Chúa ngự trong Bí Tích Tình Yêu này. Ngài chỉ cho ta đường lối mà ngài đã đi để vào tận trung tâm của Thánh Thể, để khám phá ra phương pháp tâm nguyện thích hợp cho việc cầu nguyện trước sự hiện diện của Bí Tích Thánh Thể và ngài đã biến phương pháp ấy thành tinh thần của cuộc sống, đó là: tôn thờ, cảm tạ, đền tội và cầu xin. Trọng tâm của Thánh Thể là gì? Đó là Của Ăn thiêng liêng cho sự sống nhờ đó mà chúng ta không bao giờ bị kiệt sức trong cuộc hành trình nơi dương gian này.

3- BÍ TÍCH BIẾN ĐỔI

Cuối cùng, sự hiểu biết của ngài về Mầu Nhiệm Vượt Qua khiến ngài nói về Thánh Thể như một Bí Tích Biến Đổi, một lời mời gọi đến hiệp nhất với Chúa Giê-su cách âm thầm, chúng ta dần dần lưu tâm đến lời mời gọi trở thành thánh thể qua đời sống ta: “Được thấm nhuần tinh thần lễ Vượt Qua, chúng ta dấn thân đáp lại tặng vật của Chúa Ki-tô, bằng lễ vật bản thân ta, để biến toàn thể cuộc sống ta thành thánh thể, là cuộc mừng hiệp nhất trong bình an và niềm vui, là sự tôn thờ trong tinh thần và chân lý” (Luật Sống của Nữ Tỳ Thánh Thể, #2).

4- MẦU NHIỆM HIỆP NHẤT

 Đường lối mà thánh Phê-rô Giu-li-a-nô đi tới các Mầu Nhiệm của Năm Phụng Vụ cũng tương tự như đường lối của Trường Phái Linh Đạo Pháp. Nhờ chiêm niệm những Mầu Nhiệm về Chúa Giê-su, chúng ta sẽ thấm nhuần mỗi ngày một sâu xa hơn mọi khía cạnh của Mầu Nhiệm Cứu Rỗi. Tuy nhiên, thánh Phê-rô Giu-li-a-nô đã áp dụng sự hiểu biết này vào Mầu Nhiệm hiện hữu của Chúa Ki-tô trong sự hiện diện thực của Người nơi Bí Tích Thánh Thể, Mầu Nhiệm này có thể thấm nhuần sâu xa vào cuộc sống thiêng liêng của ta, đến nỗi chúng ta có thể kêu lên như thánh Phao-lô: “Không còn phải là tôi sống, nhưng là Chúa Ki-tô sống trong tôi”.

Cuộc Tĩnh Tâm ở Rô-ma cho thấy, thánh Phê-rô Giu-li-a-nô luôn tìm cách để hiểu biết sâu xa hơn về hình ảnh Cây Nho và ngành nho, nghĩa là làm thế nào để có thể thực sự trở nên một với Chúa Giê-su, làm thế nào để có thể thực sự ở trong Người.

5- MẦU NHIỆM NHẬP THỂ NỐI DÀI

Một lần nữa, nhờ chiêm niệm thánh thể với Đức Ma-ri-a, Nữ Vương của Phòng Tiệc Ly, cha E-ma đã coi Thánh Thể như Mầu Nhiệm nối dài của Mầu Nhiệm Nhập Thể. Chúa Giê-su giờ đây sống trong ta, Chúa Thánh Thần giờ đây đang tác tạo nên hình ảnh của Chúa Ki-tô ở trong ta và làm cho ta tham dự vào công cuộc của Người, để ta có thể nên “lời ca tụng vinh quang Thiên Chúa”.

Trong một bài thuyết trình chủ yếu cho các chị Nữ Tỳ Thánh Thể tiên khởi nhân dịp tĩnh tâm thành lập Dòng vào tháng 7, 1859, thánh Phê-rô Giu-li-a-nô nói với các chị là: phải “sống với Chúa Giê-su, cho Chúa Giê-su, và trong Chúa Giê-su”. Đó là chương trình ngài vạch ra cho chính ngài trước, rồi sau đó mới cho chúng ta, những tu sỹ Thánh Thể. Ngài quả là con người say mê cuồng nhiệt, đã nóng nẩy khát khao Chúa Giê-su và là Chúa Giê-su trong Thánh Thể. Còn chúng ta thì sao?

C- CÁC BẢN VĂN

1- TẶNG VẬT THÁNH THỂ

(Sơ Valentine Bouchard, SSS, sưu tập)

Để khởi đầu, điều quan trọng là cần phải hiểu biết chính xác về ý niệm Tôn Thờ (Adoration) theo như cha E-ma hiểu. Ngài dùng từ này theo nhiều nghĩa khác nhau:

- Tôn thờ là thờ phượng, đó là một tôn giáo.

- Tôn thờ là cầu nguyện, tôn thờ trong tinh thần và chân lý.

- Tôn thờ là đời sống ki-tô hữu.

Có lẽ chúng ta thường hiểu tôn thờ là hành vi và thời gian quì trước sự hiện diện của Chúa được đặt trên bàn thờ. Đối với thánh E-ma, tôn thờ là thái độ nội tâm luôn hướng về Chúa Giê-su trong mọi sự, và là nguồn nâng đỡ cho mọi hoạt động của ta.

- “Nhưng giờ đã đến - và chính là lúc này đây - giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế” (Ga.4:23).

- “Lễ hi sinh của Thánh Lễ và sự hiệp thông với Mình Chúa Ki-tô vượt trên mọi lòng tôn sùng khác và chắc chắn phải là cùng đích của tôn giáo và là nguồn mạch đem lại sự sống cho đời sống tôn giáo”.

“Để xứng đáng tham dự vào cuộc tưởng niệm của Mầu Nhiệm này, mỗi người chúng ta đều nhận được những đặc ân và khả năng cá nhân, đó là một tình yêu nhậy cảm đối với Thiên Chúa và lòng sùng mộ chân thành. Những phương tiện này phải được sử dụng để hướng ta tới cuộc cử hành Thánh Thể” (Theo Bản Ghi Chép của St Bonnet, 1863).

- “Hiệp Lễ phải là cùng đích của lòng sùng mộ. Hiệp Lễ là tặng vật cao quí nhất của tình yêu Chúa Giê-su, Đấng liên kết mỗi người rước lễ với chính Người. Các lòng sùng mộ khác của ki-tô giáo chỉ là chuẩn bị cho Hiệp Lễ, hay để cảm tạ ơn trọng đại này. Mọi thực hành không liên quan đến Hiệp Lễ đều không phải là mục tiêu đích thực của lòng sùng mộ” (Thư Mục dành cho các Tán Trợ. Những tác phẩm thiêng liêng II).

- “Xác tín rằng, Lễ hi sinh của Thánh Lễ và hiệp thông với Mình Chúa Giê-su Ki-tô là nguồn mạch ban sự sống và là tột đỉnh của tôn giáo, mỗi người phải hướng lòng sùng mộ, các nhân đức, cũng như nhiều phương tiện khác tới mục tiêu là cuộc cử hành xứng đáng, hay lãnh nhận Nhiệm Tích thần linh này cách hữu hiệu” (Bản văn của St Bonnet).

- “Hiệp Lễ là lãnh nhận Chúa Giê-su Ki-tô, nhưng sau khi đã lãnh nhận rồi, ta còn phải thấm nhuần và đồng hóa với Của Ăn này nữa” (Tĩnh Tâm thường niên cho các Nữ Tỳ Thánh Thể, ngày cuối cùng, năm 1868).

- “Hiệp Lễ là một hành vi thánh thiện nhất, thần linh nhất, hành vi này không thể phát sinh công hiệu nếu thiếu việc tôn thờ (chầu Chúa), nhưng nhờ việc tôn thờ mà hành vi ấy sẽ phát sinh hoa trái phong phú. Khi rước lễ, là các con thực hành những hành vi nhân đức; nhưng khi chầu, thì Chúa sẽ hoạt động trong các con. Vì thế các con tạo nên sự sống của Chúa trong các con. Còn Chúa thì nuôi dưỡng sự sống ấy, các con không còn phải đi khất thực nữa” (Thuyết trình cho các Nữ Tỳ Thánh Thể ngày 27 tháng 12, 1859).

Trong một bài suy niệm vào Thứ Năm Tuần Thánh, thánh Phê-rô Giu-li-a-nô đã cố gắng tìm hiểu sâu xa tâm hồn Chúa Giê-su lúc Người lập Thánh Thể. Sau đây là một vài tư tưởng trích trong bài suy niệm ấy:

- “Tại Bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su đã muốn ban cho mỗi người tất cả những gì Người có, và tất cả những gì tạo nên Người, bằng một tặng vật vĩnh cửu và bất khả hồi tố. Hậu quả của cử chỉ tình yêu ấy là gì? Liệu người ta có tin vào tặng vật ấy hay không? Những ai tin vào tặng vật ấy, liệu họ có đón nhận với lòng tri ân sâu xa hay không? Những kẻ đón nhận và thụ hưởng ơn ấy, liệu họ có trung thành với ơn cao cả ấy hay không? Rất tiếc là không… Cho dù người ta có nhìn nhận hay không nhìn nhận đó là một tặng vật cao quí, cho dù người ta có đón nhận và tôn thờ tặng vật ấy hay không, tình yêu của Chúa Giê-su vẫn không ngừng thổn thức nơi trái tim Người”.

- “Tâm hồn Chúa Giê-su muốn ở giữa những kẻ thuộc về Người dưới hình thức một bí tích che giấu nhân tính Người – Người dùng bánh và rượu để thực hiện điều đó – Người hiệp nhất khăng khít với họ và họ trở thành dấu chỉ cho sự hiện diện, hi lễ và hiệp thông của Người”.

- “Chúa Giê-su phán: ‘Tâm hồn Thầy đã chọn hình thức Bí Tích này để tất cả mọi người có thể đến với Thầy cách dễ dàng và trong niềm tin tưởng. Khi thấy Thầy dưới hình thức này, các con sẽ thấu hiểu hơn những lời của Thầy: ‘Hãy học cùng Thầy, vì Thầy hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Hiện Diện Thực, tr. 7).

2- THÁNH THỂ: CUỘC TƯỞNG NIỆM TỐI CAO

CỦA TÌNH YÊU CHÚA GIÊ-SU

“Khi thánh Gio-an tông đồ viết: ‘Chúa Giê-su đã yêu thương những kẻ thuộc về Người còn ở lại trần gian, Người đã yêu thương họ đến cùng’ (Ga.13:12). Qua lời này, thánh Gio-an cho thấy nguyên lý hướng dẫn toàn thể cuộc đời Chúa Giê-su là gì? đó là: tình yêu. Chính tình yêu đã đưa Người từ trời xuống, biến Người thành bạn hữu và anh em của hết thảy chúng ta, đã chịu treo Người lên thập giá. Vì thế, mọi tư tưởng, mọi lời nói, mọi hành động của Chúa Cứu Thế đều do tình yêu nơi tâm hồn Người thúc đẩy. Phải, tình yêu được triển nở qua những tặng vật và cảm xúc. Tình yêu đã không mãn nguyện với tặng vật hằng ngày, mà còn muốn một bữa tiệc trọng thể như một bữa tiệc vương giả để có thể bộc lộ tình yêu ấy - Bữa Tiệc tình yêu của Chúa Giê-su đã diễn ra ở Phòng Tiệc Ly, trong Bữa Tối Sau Hết. Đó là việc thiết lập Thánh Thể. Chúa Giê-su đã chờ tới cuối cuộc đời, lúc đó Người mới thực hiện Bữa Tiệc này để biến Bữa Tiệc ấy thành tặng vật tối cao và vĩnh cửu của tình yêu Người. Bởi thế, Bí Tích này mới được gọi là Bí Tích Tình Yêu”.

3- THÁNH VỊNH 111

Tôi xin hết lòng cảm tạ Chúa,
Trong cộng đoàn chính nhân, giữa lòng đại hội.
Việc Chúa làm quả thật lớn lao,
người mộ mến ra công tìm hiểu.
Sự nghiệp Chúa oai phong hiển hách,
đức công chính của Người tồn tại thiên thu.
Chúa đã truyền tưởng niệm những kỳ công của Người.
Chúa là Đấng từ bi nhân hậu.
Ai kính sợ Người, Người ban phát của ăn;
giao ước đã lập ra, muôn đời Người nhớ mãi.
Sức mạnh việc Người làm, Người cho dân thấy rõ,
khi tặng ban cho họ gia sản của chư dân.
Những công trình tay Chúa thực hiện
quả là chân thật và công minh.
Huấn lệnh Người ban đều chắc chắn,
bền vững đến muôn đời muôn thuở,
căn cứ vào sự thật lẽ ngay.
Người đem lại cho dân ơn giải thoát,
thiết lập giao ước đến muôn đời.
Tôn danh Người thánh thiện khả úy.
Kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan.
Sáng suốt thay kẻ thực hành như vậy.
Mãi đến thiên thu còn vang tiếng ngợi khen Người.

 

4- KINH CẦU THÁNH THỂ

- Lạy Bánh Hằng Sống,                                                - Xin thương xót chúng con.
- Lạy Của Nuôi các linh hồn,                                       - Xin thương xót chúng con.
- Lạy Tiệc chí thánh,                                                    - Xin thương xót chúng con.
- Lạy Bánh bởi trời,                                                     - Xin thương xót chúng con.
- Lạy Bánh bồi dưỡng,                                                 - Xin thương xót chúng con.
- Lạy Hiến Tế thánh thiện,                                           - Xin thương xót chúng con.
- Lạy Hạt Lúa tuyển chọn,                                           - Xin thương xót chúng con.
- Lạy Man-na thần linh,                                               - Xin thương xót chúng con.
- Lạy Đấng Mục Tử nhân lành,                                   - Xin thương xót chúng con.
- Lạy Linh Mục thượng phẩm,                                    - Xin thương xót chúng con.
- Lạy Chiên Thiên Chúa,                                             - Xin thương xót chúng con.
- Lạy Lương Y thần linh,                                             - Xin thương xót chúng con.
- Lạy Tặng Vật vĩnh cửu,                                            - Xin thương xót chúng con.
- Lạy Cuộc Tưởng Niệm của tình yêu Thiên Chúa,    - Xin thương xót chúng con.
- Lạy Mầu Nhiệm Đức Tin,                                         - Xin thương xót chúng con.
- Lạy Bàn Tiệc tinh tuyền,                                           - Xin thương xót chúng con.
- Lạy Lời Hứa cứu độ,                                                 - Xin thương xót chúng con.
- Lạy Niềm Hi Vọng vinh quang,                                - Xin thương xót chúng con.
- Lạy Đá Tảng nền móng Hội Thánh,                          - Xin thương xót chúng con.
- Lạy Lời Thiên Chúa,                                                 - Xin thương xót chúng con.
- Lạy Ánh Sáng trần gian,                                           - Xin thương xót chúng con.
- Lạy Mặt Trời công chính,                                         - Xin thương xót chúng con.
- Lạy Mầu Nhiệm sinh động,                                      - Xin thương xót chúng con.
- Lạy Đấng Thiên Sai thần linh,                                  - Xin thương xót chúng con.


 


 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.