CHA CỐ PHÊRÔ, MỘT ĐỜI BƯỚC THEO ĐƯỜNG CHÚA ĐI
Ai cũng biết Đức Giêsu đến trần gian nhập thể, nhập thế để đem ơn cứu độ cho nhân loại. Ý nghĩa và vai trò của Ngài mới nghe qua thì thấy thật là đơn giản, nhưng khi nhìn lại và đi sâu vào cuộc đời với thời gian vắn vỏi, chỉ có 33 năm ở trần gian của Ngài thì ai cũng thấy cuộc đời đó không có đơn giản như con người vẫn thường nghĩ!
Mới nhìn sơ qua từ lúc Ngài đến trần gian cho tới lúc chết nhục nhã trên thập giá ai cũng thấy cả là một bi kịch! Cho nên khi đi sâu vào thực tế thì thấy còn hơn là bi kịch, vì đầy éo le, ngang trái... mà không ai có thể hiểu được tại sao lại đến như thế? Thật đúng là như vậy, nhất là khi con người không nhận ra Ngài là Đấng Cứu nhân độ thế để bước theo Ngài, họ luôn nhìn dưới khía cạnh trần gian, khía cạnh con người ích kỷ, kiêu ngạo, xấu xa...mà cho Ngài chỉ là người gây rối, phá đám và nếu có làm gì cho nhân loại thì cũng chỉ là những trò hề rẻ tiền để nhằm lôi cuốn những người bình dân, vô học mà thôi!!!
Mặc dù là một bi kịch thảm thương, Ngài đã phải đối diện và vượt qua ấy lại chính là hình ảnh của mỗi một con người nơi trần gian này cho dù người đó là như thế nào và ra sao... Khi phải đối diện với bi kịch của trần gian dành cho Đức Giêsu, Ngài đã đối diện và vượt qua để hoàn thành nhiệm vu đã được trao phó, còn mỗi người chúng ta, ai cũng phải đi qua con đường ấy một cách nào đó thì sao? Chắc chắn mỗi người chúng ta luôn có một quyết tâm, còn việc thành đạt tới mức nào sẽ hạ hồi phân giải!!!
Chúng ta, những người đang bước đi thì chưa biết như thế nào, vì dù sao con đường trước mặt vẫn đang chờ ta đặt bước chân lên để thi hành bổn phận và nhiệm vụ đã nhận lãnh; cách riêng đối với cha cố Phêrô mà hôm nay tôi muốn nói ở đây thì một cách nào đó có thể tóm kết về cuộc đời của ngài 102 năm hiện diện tại trần gian, với 72năm trong thiên chức linh mục và là linh mục thuộc về Hội Dòng Thánh Thể. Ngài hiện diện ở trần gian với một con số năm tháng rất hiếm người có được, so với Đức Giêsu thì ngài gấp mấy lần.
Qua tiểu sử của ngài thì thấy cuộc đời của ngài không phải là tầm thường, nếu không muốn nói là có thứ hạng trong thiên chức của mình với nhiều trọng trách đặc biệt, không chỉ là cha xứ mà còn là cha tuyên úy, cha linh hướng cho nhiều chủng viện, hội dòng...từ Bắc chí Nam cho tới miền Trung sang đến tận Pháp – Ý. Không chỉ là một linh mục đạo đức thánh thiện, mà còn là một thành viên của Hội Dòng Thánh Thể, dù trong cuộc sống có gặp nhiều gian nan, trắc trở trước khi thuộc hẳn về Hội Dòng, để nhờ vậy mà ngài còn có dịp giúp cho ích cho giáo phận và hội Dòng Phaolô Đà Nẵng khi về Việt Nam, và ngài trở lại giáo phận Đà Nẵng mãi cho tới khi chính thức nghỉ hưu tại tòa giám mục Đà Nẵng, sau đó ngài trở về nhà mẹ của Hội Dòng Thánh Thể Việt Nam tại giáo xứ Khiết Tâm – Sài Gòn cho đến ngày cuối đời.
Mặc dù là bôn ba như thế, lận đận đủ thứ chuyện nhưng chuyện đạo đức có lẽ không vơi bớt, điều này được thể hiện qua các tác phẩm của ngài. Trong số các đầu sách đã được xuất bản dưới nhiều hình thức khác nhau của cha cố có thể kể lên tới hàng mấy chục, toàn là sách đạo đức, nhưng ai đọc cũng thấy thích thú vì lối văn bình dị, dễ hiểu, dễ dàng nắm bắt được ngay. Trong số sách đạo đức đó phải kể tới cuốn sách viết về “Cuộc đời cha thánh Phêrô Giulianô Eymard” đấng sáng lập Dòng Thánh Thể. Chỉ là tiểu sử một vị thánh nhưng với một lối viết bình dân, cuốn sách đã có một tiếng vang lay động nhiều tâm hồn không ngờ, giúp cho nhiều người hiểu về Dòng Thánh Thể và bí tích Thánh Thể, đặc biệt là đã giúp cho rất nhiều thanh niên nhận ra ơn gọi của mình– kể cả các thiếu nữ nữa – để cùng với cha thánh Eymard yêu mến và say mê bí tích Thánh Thể, mà mạnh dạn dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa Giêsu Thánh Thể như cha Thánh ngày xưa với câu chân ngôn nổi tiếng của ngài “Chúa đã gọi tôi phụng sự Thánh Thể, cho dù tôi bất xứng”.
Vì là một thành viên của Hội Dòng Thánh Thể, trên con đường bước tới có những sự trở ngại, trục trặc, nhưng không vì thế làm cho sự yêu mến bí tích Thánh Thể bị giảm sút. Ngài luôn trung thành với sứ mạng qua các giờ bên Chúa Giêsu Thánh Thể ở những nơi ngài sinh sống, cũng như sau này khi trở về nhà dòng tại Khiết Tâm, chính vì thế ngài đã soạn những bộ sách suy niệm và cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể để giúp những ai đến với Thánh Thể xử dụng mà gia tăng tình yêu mến với Chúa Giêsu Thánh Thể hơn. Cho đến bây giờ, hiệu quả của những tập sách này vẫn được anh em trong Hội Dòng đón nhận, đặc biệt là phổ biến trên tập san “Bánh Hằng Sống” để giúp anh chị em huynh đoàn Thánh Thể toàn quốc có tài liệu để sống với Chúa Giêsu Thánh Thể hàng tuần như “thủ bản” đã ấn định.
Điều này được chính linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành,CSsR, - cháu của cha cố Phêrô - xác nhận: “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng và bình an phó thác, đó là nét chính tôi có thể ghi nhận được sau nhiều năm sống với Cha Cố.
- Ai gần Cha Cố đều thấy, Cha Cố trung thành và miệt mài với Bí tích Thánh Thể, ngay bây giờ, tuổi già sức yếu, Cha Cố vẫn đắm chìm trong các giờ kính Thánh Thể.
- Năm 75, khi Đà Nẵng đang tao loạn, chúng tôi rất lo ngại cho Cha Cố, chúng tôi liên lạc xin Cha Cố vào nam, thời gian sau nhận được thư của Cha Cố, một lá thư rất dài, viết tay, kể lại những sự việc đang xảy ra ở Đà Nẵng, đặc biệt là những đau thương mà mọi người đang gánh chịu, cuối thư Cha Cố viết. “Bác không vào Nam đâu, bác phải ở lại với người dân ngoài này, sợ rằng khi vào Nam sống nhờ anh em linh mục khác, con vi trùng nhàn rỗi sẽ đục khoét tim phổi bác”. Chúng tôi biết Cha Cố chọn đàn chiên và sống chết với đàn chiên. Mọi người khi ấy chỉ biết bùi ngùi cầu nguyện cho Cha Cố...” ( X. Kỷ niệm 70 năm linh mục và mừng đại thọ 100 tuổi)
Điểm qua một vài nét về cha cố nay ngài vừa được về bên Chúa Giêsu Thánh Thể trên Nước Trời vào lúc 09g00 ngày 04/05 mà mỗi người chúng ta nhận ra con đường Chúa Giêsu Thánh Thể đã đi được cha cố vẽ lại để rồi từ đó nhìn vào cuộc đời của từng người chúng ta mà an tâm sống với tất cả những gì Chúa ban cho. Không phải là Chúa không thương chúng ta, mà là trong hoàn cảnh đó ta có tin tưởng và phó thác để nhận ra tình thương của Chúa như cha cố ngày xưa không?
Chúa Giêsu trên thập giá, Ngài phó thác mọi sự trong tay Chúa Cha. Cha cố Phêrô vào những ngày cuối đời, ngài luôn kêu xin Mẹ Maria nâng đỡ và giúp sức trên con đường về cùng Chúa. Trước giờ phút cuối cùng, cha cố Phêrô đã cùng hiệp dâng thánh lễ với cha bề trên Giám Tỉnh và anh em trong Hội Dòng lãnh. Cha cố Phêrô đã sốt sắng lãnh nhận Thánh Thể Chúa, để rồi trong niềm vui hân hoan mà ngài cảm nhận một cách sâu xa như Cha Thánh Tổ Phụ ngày xưa “Bạn có Chúa Giêsu Thánh Thể, bạn còn lo lắng chi nữa ”.
Thiên Quang sss