TẤM GƯƠNG CHA CỐ PHÊRÔ ĐỂ LẠI
Đến nay, cha cố về bên Chúa đã được gần nửa tháng rồi, với thời gian qua mau đó có không ít lần tôi đến nghĩa trang thăm viếng ngài; mỗi tối sau khi ăn cơm xong tôi có thói quen là dạo bộ lần hạt và tôi cũng có lời kinh cầu cho ngài, ngoài ra mỗi lần tôi xuống nhà cơm tôi đều có dịp đi qua nơi đặt di ảnh của ngài và nhìn lên ngài cũng như nhìn đến hai vị khác cùng đặt ảnh nơi đây.
Những lần như thế cùng những lần tương tự khác, tôi ngẫm nghĩ về cha cố một người được ông Gioan Lê Quang Vinh tặng cho danh xưng là “Cây đại thụ của Giáo Hội Việt Nam” (1), và tôi cố tìm những nét son của ngài mà bắt chước trong đời sống dâng hiến của tôi. Lướt qua tiểu sử của ngài, mặc dù là trải qua nhiều sự việc thật quan trọng nhưng tôi thấy chẳng có dính dáng gì đến đời sống thánh hiến trong Dòng Thánh Thể ngoài việc gia nhập Hội Dòng ở bên Pháp cho tới khi về hưu ở giáo phận Đà Năng, sau cùng ngài mới trở về nhà Mẹ của Hội Dòng ở giáo xứ Khiết Tâm – Sài gòn.
Chỉ có như vậy thôi thì làm sao ngài say mê Chúa Giêsu Thánh Thể hay nói cách khác là có chất “Thánh Thể” cho được, để giúp cho nhiều người khác nhận ra và bước theo Chúa Giêsu Thánh Thể qua những cuốn sách mà ngài viết cũng như qua chính đời sống của ngài? Mà có một thời khi cha làm linh hướng tại tập viện Sao Biển và cho các Soeur nghỉ hưu thuộc Dòng Phaolô ở Đà Nẵng, hay là khi ngài về hưu tại tòa giám mục Đà Nẵng... phải nể phục?
Lần bước theo cuốn sách ngài viết “Quãng vắn đời dài” tôi hiểu một phần nào niềm đạo đức và say mê này, nhất là khi ngài bước đi qua từng giai đoạn của cuộc đời với tình yêu thương của Thiên Chúa được bộc lộ cách rõ nét, đặc biệt là trong thời gian ngài ở tập viện của Hội Dòng bên nước Pháp, cũng như nơi những người thân yêu trong mọi hoàn cảnh.
Ngoài ra, qua tác phẩm “Chuyện đó đây”, kể lại những câu chuyện mà ngài bắt gặp trong cuộc sống, tôi tin chắc rằng, với những câu chuyện này ngài phải suy nghĩ rất nhiều để rồi nhớ mãi, sau đó là ghi chép lại, và được phổ biến cho mọi người cùng đọc, cùng suy nghĩ với ngài có thể theo cái nhìn riêng của mình. Qua những giai đoạn như thế, ngài đã có một sự chọn lựa để giúp ích cho bản thân cũng như qua đó còn giúp ích cho nhiều người khác nhưng dưới ánh sáng của Chúa Giêsu Thánh Thể.
Câu chuyện “Bài học đầu”, kể lại việc bố mẹ của ngài cách dạy con cái biết tôn trọng lẫn nhau, ngay cả đến súc vật cũng phải biết tôn trọng và yêu thương chúng. Vì vậy, nếu không có tấm lòng từ bi, nhân hậu thì làm sao có được những việc tốt đẹp ở trong cuộc đời mình?
Bước tới câu chuyện “Cùng một chuyến tầu” kể lại sự việc ngài ở trong một toa tầu toàn là những người xa lạ, có vị thế trong xã hội nhưng lại có đầy tấm lòng tốt, để rồi cha cố có một kết luận “ Họ học thức xử sự đàng hoàng, hay là họ thấy nơi tôi có nét gì để yêu thương? Tôi không biết. Nhưng đó là bài học xã hội làm tôi nhớ đời và tôi vẫn luôn nhớ đến họ trong lời cầu nguyện hằng đêm...”
Rồi sang câu chuyện “Tiếc thật tôi biết muộn quá” kể về việc lần chuỗi Mân Côi của một người lính nay đã về già. Khi được một linh mục trao cho tràng chuỗi Mân Côi cùng với những dẫn giải về ý nghĩa và giá trị của việc lần chuỗi. Mặc dù là một người đạo đức, nhưng người lính này vẫn thấy hối hận vì đã không biết nay người lính ấy tìm cách lấy lại sự mất mát đáng tiếc ấy bằng cách sốt sắng đọc bù lại cho đủ, trong một thời gian không có nhiều.... để cuối đời khi hoàn thành nhiệm vụ, người lính từ giã cõi đời trong niềm vui, với một niềm tin tưởng đầy hân hoan mà câu chuyện diễn tả là “Ông thở hơi cuối cùng...một cách thánh thiện.”
Có thể nói không ngoa và quá thiếu sót khi không cập đến câu chuyện “Con chó nhà” kể về mối tương quan giữa một con chó coi nhà với chủ nhà dù chẳng bao giờ được như ý muốn, để dẫn tới vai trò của người linh mục được Chúa đặt để chăm sóc đàn chiên của Chúa trong một giáo xứ. Và cha cố đã có một nhận định “Làm cha xứ của một giáo xứ, phải đem ánh sáng Tin Mừng đến với mọi người, mọi nhà. Gian nan, thử thách đều giúp tôi thành người biết chịu đựng và cởi mở, bất cứ điều gì xảy ra cho tôi đều không ngoài thánh ý của tình thương Chúa. Ngài yêu thương tôi sao tôi lại chẳng yêu Ngài, không đáp lại tình Chúa yêu tôi? ”
Và khép lại cuốn sách với câu chuyện “Vâng theo thánh ý Chúa” kể về vợ chồng người Canada nay có thêm người con thứ ba, nhưng chẳng may không được bình thường. Người chồng biết chuyện, nhưng anh im lặng coi như là không biết chuyện gì, người vợ cũng có hành động tương tự, nhưng rồi cô ý tá đã cho hai người biết rõ sự việc và cần có thái độ ra sao. Người chồng đã tỏ thái độ rõ ràng khi nói: “Nó là con của chúng ta, nó cần được mọi ưu tiên”. Và người vợ đã đáp lại: “Đứa con tàn tật này đã cho em thấy lòng quảng đại của anh và là dấu chứng tình yêu không bờ bến của anh đối với vợ con. Cám ơn Chúa và cám ơn anh..”
Toàn là những mẩu chuyện ngắn đầy ý nghĩa giúp ta sống nhân bản cũng như sống đạo đức theo thánh ý Chúa, tôi muốn dừng ở câu chuyện kể trên, nhưng tôi lại thấy có một điều gì đó làm tôi không thể bỏ qua được. vâng đấy là câu chuyện sau đây, chuyện kể rằng: Dù người ấy nay đã thuộc về Thiên Chúa rồi, và người biết rằng người của Thiên Chúa thì phải chăm lo đàn chiên Chúa đã giao phó, nhưng không vì thế mà quên đi vai trò của những người thân trong gia đình đặc biệt là người bố người mẹ, trong câu chuyện “Giỗ bố”, cha cố đã nhắc lại những tâm tình của một người bố dạy dỗ con cái và khi con thành người là một niềm vui như thế nào, sau này còn là người linh mục của Chúa và của mọi người thì niềm vui ấy lại càng dạt dào làm sao, và vì vậy người bố luôn tìm cách giúp người con linh mục ấy chu toàn sứ mạng đã nhận lãnh.
Mới đọc có mấy câu chuyện một cách tình cờ thôi, tôi cảm nhận được tâm tình của cha cố một cách thật sâu lắng đã giúp cho cha cố sống và sống một cách tràn đầy nơi mọi người, nhất là với anh em trong Hội Dòng khi ngài về nhà Mẹ để sống trong thời gian còn lại của cuộc đời, mà có rất nhiều anh em đã có cơ hội tiếp xúc, gặp gỡ.
Giờ tôi mới hiểu và cảm nhận được những câu chuyện dí dỏm mà ngài chia sẻ với anh em trong những lúc vui, mà có lúc anh em chợt thấy buồn khi ngài nói “Thầy còn kém lắm”; Cứ tưởng là cha cố già lắm rồi cho nên mới nói câu ngớ ngẩn ấy, nhưng nào ngờ cha cố thật lòng mới phải nhắc nhở anh em như vậy, để anh em cố gắng hơn nữa trong suy nghĩ mà luôn sống tốt, sống đẹp lòng Chúa, Chúa Giêsu Thánh Thể! Như cha thánh Tổ Phụ Eymard đã quả quyết “Chúa Giêsu Thánh Thể là tâm điểm của đời tôi”
Ngoài ra, trong những lúc cha cố cùng dâng thánh lễ hay đọc kinh phụng vụ với anh em trong nhà nguyện, ngài thưa rõ ràng chẳng hề vấp váp hay lộn xộn... Nếu không nhập tâm, mà lại nhập tâm việc đạo đức thì làm sao ở bằng tuổi ấy, ngài lại có thể nhớ đến và thưa rõ ràng đến như vậy?
Cha cố đã đi trọn con đường mà Chúa đã mời gọi ngài. Có người một anh em nhận định rằng theo sức khỏe so với một người bình thường cho tới giờ phút cuối cha cố vẫn còn dư sức để tiếp tục sống, nhưng đến tuổi ấy cha cố không thể tiếp nhận được thêm dầu nữa, cho nên đèn phải vụt tắt mà thôi, đó là điều đương nhiên của phận làm người, nhưng gương sống của ngài chắc chắn không thể nào qua mau hay dễ dàng lu mờ ngay được. Do đó, điều quan trọng là những người còn sống, nhất là anh em trong Hội Dòng qua những gì cha cố để lại có nhận biết và áp dụng vào cuộc đời mình, đặc biệt là trên đường theo Chúa hay không?
Thiên Quang sss
(1) http://tinvui.org/vi/news/Tim-hieu-Song-dao/cay-dai-thu-cua-ghvn-cha-co-nguyen-chau-hai-ve-voi-chua-o-tuoi-102-11651.html