Một cuộc chiến gay go!!!
Sống trong cuộc đời không có chiến đấu, không có trả giá là không có được sự vượt thắng chính mình! Bởi vì hơn bao giờ hết, ngày hôm nay con người bị chi phối, lôi kéo, bị bao quanh bởi sự dữ, sự ác, sự xấu, sự tội...một cách ghê gớm, khủng khiếp.
Trong cuộc chiến đấu quyết liệt này đòi hỏi ta phải có những hy sinh, những từ bỏ dứt khoát, dẫu biết rằng trước những điều kiện ấy đau thương xót xa nhiều lắm. Vì thế không có chuyện làm cũng được hay không làm thì cũng chẳng sao, hay là lại tính nước đôi tới đâu hay tới đó, hoặc là tính toán theo kiểu nửa vời thì thật là nguy hiểm! Với thái độ đó thì làm sao ta trở thành “ người ” đúng nghĩa được? nhất là khi trở thành “ người có đạo, là kitô hữu” nữa!
Dĩ nhiên trong cuộc chiến này không phải làm một lần, hai lần...là xong, là đủ mà là phải làm nhiều lần, làm cả một đời, làm cho tới chết.
Và một điều thật rõ ràng là không phải làm là đạt được ngay, mà nhiều khi còn gặp thất bại ê chề, gặp kết quả không như ý mình mong muốn, thậm chí có khi mình đổ vào đó cả con người của mình rồi mà thấy kết quả vẫn còn mờ mờ ảo ảo....
Mới đây, trên Facebooker Hồ Sỹ Bằng đã chia sẻ một đoạn video anh đang tham gia giao thông thì bắt gặp một người phụ nữ thu mua phế liệu đạp xe, chở những tấm bìa giấy cao gần qua đầu đi ngược chiều. Tài xế này lập tức nhắc nhở: "Không thể đi như thế này được, quay lại đi" khiến người này phải quay đầu xe, đi đúng vào làn đường của mình.. Trước sự việc này có nhiều người thán phục anh, nhưng bên cạnh đó cũng có không ít người chỉ trích anh cho rằng anh hơi ác, khi cho rằng tài xế ô tô cố tình làm khó người phụ nữ thu gom ve chai đi xe đạp chở đồ cồng kềnh, thật là tội nghiệp cho chị ấy, hay cho đó là chuyện nhỏ mà anh lại quá quan tâm! “không ít các ý kiến phê phán bảo là em ăn hiếp chị ve chai quá đáng”.
Đâu có đến nỗi nào mà lại làm dữ đến vậy. Và có người còn đề nghị “thay vì bắt chị quay đầu xe thì anh hoàn toàn có thể đánh tay lái nhường đường!”
Đúng sự việc đó chỉ là chuyện nhỏ và rất nhỏ không hơn không kém, nhưng khi xảy ra chuyện thì thử hỏi nó có nhỏ không? Và có biết bao người sẽ bị mang họa khi chuyện chẳng may nó xảy ra!!! Ông bà ta đã nói “Đừng khinh lỗ nhỏ, coi chừng đắm tầu.”
Mới đây một học sinh Phạm Song Toàn đã dũng cảm trong cuộc đối thoại với lãnh đạo Sở GD-ĐT ngày 23/03 chia sẻ về hành động của cô giáo Trần Thị Minh Châu dạy Toán ở trường THPT Long Thới – Nhà Bè, Tp HCM đã im lặng suốt cả học kỳ với lớp 11A1. Cô giáo chỉ cho chép bài, chứ không thèm mở miệng giảng bài hoặc trò chuyện với học sinh!
Sự thật đã bộc lộ, sau khi những người có trách nhiện đã xác minh thì thấy đúng như học sinh này phản ảnh làm cho ai cũng phải bất ngờ, không thể nào tin được. Và cho tới giờ phút này thì cô học sinh ấy đã được chuyển sang trường mới trước tiên, chứ không phải là cô giáo gây ra sự đau lòng đó! Mặc dù là ở nơi ngôi trường mới cô học sinh này được tuyên dương, nhưng suy nghĩ kỹ ai cũng thấy nó làm sao ấy! Đúng như một bài báo đã chạy cái tít “Cuộc "giải cứu" đau đớn ”
Trong cuộc sống hôm nay còn có biết bao sự việc tréo ngoe tương tự nữa, giống như Đức Giêsu Kitô ngày xưa, đến trần gian đem tình thương cho con người, nhưng tới lúc chết trên núi Sọ đâu có mấy người nhận ra, và thậm chí cho đến bây giờ, chưa có tình yêu của bất cứ một ai vượt qua được con đường dẫn đến tình yêu của Ngài, vậy mà lại có rât nhiều người lạnh lùng ngoảnh mặt quay đi! Thậm chí có người còn lên tiếng chống đối....
Nhưng không phải vì thế, chúng ta những người đã nhận biết Ngài mà cho rằng con đường Ngài vạch ra không đúng, không phải...để cho ta lại đi tìm một con đường khác tốt hơn...
Đừng để chúng ta lâm vào tình trạng như em học sinh kể trên mà Bùi Hoàng Tám đã chua chát thốt lên khi coi đó là một bi kịch của chân lý, vì: “trên mạng xã hội còn xuất hiện một số người bạn của em lên tiếng chỉ trích em về hành động đáng khen ngợi và mang lại lợi ích cho chính các bạn này.
Phải chăng “Sống trong đảo người gù, ai thẳng lưng là dị dạng” như câu mà cách đây 6 năm (6/2012), trong bài “Em biết thầy sẽ im lặng” đăng trên trang BLOG Dân trí, người viết bài này đã phải thốt lên?
Hành động phản ánh việc làm sai trái của cô giáo là đúng và hoàn toàn bình thường vì cô đã có những hành động bất thường.
Vậy điều gì đã xảy ra ở nơi khi mà cái bất thường được ủng hộ và ngược lại, điều bình thường bỗng thành bất thường nên bị kỳ thị?
Trở lại với việc em Toàn. Sau này nếu gặp bất công, liệu Toàn có đủ dũng cảm đề “liều lĩnh” đứng lên bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chân lý? Rồi các bạn Toàn và cả những người cùng thế hệ của Toàn có cho rằng đây là… “bài học cay đắng” nên đành cam chịu?
Sâu xa hơn, một xã hội sẽ là như thế nào khi mà người dũng cảm, trung thực đứng lên bảo vệ chân lý lại bị chính cộng đồng mình “kỳ thị”? Với việc em Toàn phải chuyển trường để “giải cứu”, phải chăng đây là sự thất bại của chân lý, của lẽ phải trong một cộng đồng xã hội bất bình thường?
Trong những sự việc đó cùng những sự việc tương tự, tôi có suy nghĩ gì và tôi sẽ có quyết tâm như thế nào để cuộc sống của tôi và của mọi người mỗi ngày một tốt đẹp hơn trong chân lý, sự thật và lẽ phải ???
Thiên Quang sss