Suy gẫm: Chuyện của người chuyện của ta

 

Chuyện của người chuyện của ta

Đọc bài:Bác sĩ bỏ bệnh viện công vì phải… ăn mì gói, chạy xe ôm, xin cơm từ thiện” của Văn Thanh trên báo Phụ Nữ online (1) mà thấy giật mình, ngậm ngùi! Theo bài báo cho biết:

Từ đầu năm 2016 đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai có 41 bác sĩ bỏ việc tại BV công. Tại Đăk Lăk, trong vòng ba năm, có 48 bác sĩ bỏ BV công. Tại BV Đa khoa khu vực Cái Nước (tỉnh Cà Mau), trong ba tháng gần đây, có 3/6 bác sĩ là trưởng khoa xin nghỉ việc. Trong hai tháng trở lại đây, BV Đa khoa Cần Thơ cũng có 10 bác sĩ, BV Đa khoa tỉnh Đăk Nông có năm bác sĩ nghỉ việc. Tại TP.HCM, dù chưa có thống kê, nhưng tình trạng bác sĩ bỏ BV công sang BV tư là không ít.

bác sĩ Phan Xuân Trung của Trung tâm Y khoa Medic TP. HCM, từng làm cho một BV công, cho rằng, việc bác sĩ bỏ BV công sang “đầu quân” cho các BV tư là điều tất yếu. Làm ở BV công, bác sĩ không chỉ nhận lương thấp mà còn bị áp lực do tình trạng quá tải bệnh nhân (BN), phòng bệnh xuống cấp, máy móc thiếu thốn; bác sĩ không đủ thời gian tư vấn cho người bệnh, thậm chí còn phải ăn gấp, thở gấp. Ngược lại, người bệnh thì quát mắng bác sĩ, thậm chí rượt đuổi, đe dọa bác sĩ, nhất là ở các phòng cấp cứu…

Trong khi đó, ở các BV tư, phần lớn BN đến khám là những người có điều kiện kinh tế khá giả, có trình độ học vấn nên khi xảy ra sự cố, họ cũng bình tĩnh nghe bác sĩ giãi bày. Bác sĩ ở BV tư được tiếp người bệnh trong phòng máy lạnh, hưởng mức lương đảm bảo, có đầy đủ máy móc để yên tâm điều trị, tập trung vào chuyên môn khám chữa bệnh. Lúc đó, họ cảm thấy yêu nghề y hơn. “Tôi đã lựa chọn con đường thích hợp cho mình”, bác sĩ Trung nói.

9g sáng một ngày cuối tháng 11/2016, sau khi ký xong một xấp hồ sơ bệnh án, bác sĩ N. của BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM) tranh thủ xé gói mì tôm ra, tự nấu nước sôi, pha chế mì. Thấy vậy, tôi trêu: “Bác sĩ BV Nhi Đồng 1 mà ăn mì tôm thì bác sĩ ở các BV khác chắc đói hết”. Bác sĩ N. giãi bày: mì được cấp từ… chế độ độc hại.

Trước đây, mỗi tháng phụ cấp chế độ độc hại là 70.000 đồng/người nhưng bây giờ chỉ có những bác sĩ ở khoa Nhiễm (có tiếp nhận BN HIV), khoa x-quang (chịu ảnh hưởng tia x), khoa Gây mê (hít phải thuốc mê) thì mới được giữ lại chế độ này, còn các khoa khác thì không có, kể cả khoa Cấp cứu là khoa nhận tất cả các bệnh nguy hiểm ban đầu. Chế độ bồi dưỡng độc hại bây giờ chuyển sang thành hai gói mì tôm/ người nhưng phải ba bốn tháng mới có.

“Lúc đầu cũng không có, chúng tôi phải kêu dữ lắm, kêu không phải để cho mình mà cho các anh chị em điều dưỡng. Ngay bản thân tôi, làm nghề trên 20 năm nhưng tổng lương và phụ cấp cũng mới 11 triệu đồng/tháng, lại phải nuôi cả gia đình. Các bác sĩ mới ra trường thì tổng thu nhập cao lắm cũng 6 triệu đồng/tháng. Do đó, nhiều bác sĩ làm lâu năm cũng ngậm ngùi bỏ BV ra đi, như bác sĩ N. (khoa Tai Mũi Họng), bác sĩ K. (khoa Thận) cũng bỏ sang BV tư, và mới đây là bác sĩ T. (Phó khoa Sốt xuất huyết) cũng xin ra làm cho một phòng khám tư…” – bác sĩ N. ngao ngán nói.

bác sĩ H. của BV Trưng Vương (TP.HCM) rầu rĩ: “Ở BV tư, người bệnh bước chân vào là thấy sạch bóng, máy lạnh chạy phà phà, bác sĩ trông sang chảnh, muốn khám, tư vấn cho BN bao lâu cũng được. Ngược lại, ở BV Trưng Vương, mỗi khi có trận mưa lớn thì nước ngập lênh láng, các cô y tá còn bắt được cả cá và mới đây lại bắt được cả lươn. Nhiều lần, tôi suy nghĩ tới lui có nên bỏ BV ra làm cho tư nhân hay không. Ra đi thì dễ, chỉ cần nộp hồ sơ thì sau 45 ngày sẽ được; nhưng nghĩ lại, đây là nơi đầu tiên tiếp nhận khi mình mới ra trường, chưa có kinh nghiệm, đi thì áy náy, mất nghĩa mất tình, còn ở lại thì quá áp lực”.

Theo bác sĩ H. trung bình một ngày, một bác sĩ phải khám cho 100 ca bệnh và phải xử lý cho xong trong tám giờ, tức một BN chỉ được tiếp xúc trong vòng 4,8 phút (nhận sổ, khám bệnh, ghi toa…). Như vậy làm sao tư vấn kỹ được cho BN? Dần dần, bác sĩ trở nên dễ cáu gắt, còn BN cũng bị ức chế.

“Vậy mà thu nhập từ nghề bác sĩ của tôi mỗi tháng cũng chỉ được 10 triệu đồng. Lương BV không đủ, tôi phải đi dạy ở trường đại học, mở thêm phòng khám nhưng khá ế ẩm. Mỗi ngày, tôi phải làm việc đến 9g tối mới về nhà và tổng thu nhập mỗi tháng chỉ khoảng 15 triệu đồng. Để có tiền đưa vợ nuôi con, nhiều lần tôi bấm bụng xin cơm từ thiện phát trong BV để ăn. Một lần, khám cho một BN nam, ông chia sẻ ông đăng ký chạy xe ôm Grab Bike, chạy đến 8g tối thì kiếm được 15 triệu đồng/tháng, nghe khoái quá nên tôi cũng về bàn với vợ lấy xe ra đăng ký chạy lúc rảnh rỗi. Thế nhưng, chạy dợt vài lần thì bố mẹ càm ràm vì bác sĩ mà chạy xe ôm thì không giống ai, nên tôi không làm nữa” – bác sĩ N. ngậm ngùi tâm sự.

Nghề bác sĩ hiện nay là một nghề lôi cuốn nhiều người, ngoài việc cứu nhân độ thế, còn về mặt cuộc sống thì cũng có được những thu nhập đáng kể. Vậy mà đúng là ở trong chăn mới biết chăn có rận, hay là nói vậy mà không phải vậy!!!

Từ đời sống của một bác sĩ phải như vậy để có thể sống được, tôi nhìn lại chính bản thân mình là một kitô hữu. Tôi cũng như những anh chị em khác để vững bước trong cuộc sống ta luôn tin vào hồng ân Chúa ban, và luôn nói với người khác về ân ban này, nhất là những lúc gặp khó khăn, gặp thử thách, gặp những hoàn cảnh đau thương, buồn sầu... Xét như thế để cho thấy tôi có rất nhiều may mắn hơn vị bác sĩ kể trên, vì được sống trong ơn nghĩa của Thiên Chúa, tôi không có lo sợ gì!

Nhưng thử dừng lại một ít phút, xem đi xét lại, tôi có thực sự đón nhận và sống trọn vẹn hồng ân này chưa? Hay là chỉ có cái vỏ bên ngoài, còn thực ra tôi đã bỏ ân ban này để dừng lại nơi những gói mì gói mà sống, hay là tôi đi tìm những chuyến xe ôm để chuyên chở cuộc đời rong ruổi tìm vui thú ở trần gian; hoặc đang say đắm qua những suất cơm từ thiện... vì nghĩ rằng đời mình còn dài lắm, cứ ăn cơm từ thiện, ăn mì gói cho sướng, còn chuyện sống hạnh phúc đời đời... đến lúc gần xế bóng tính vẫn còn kịp!!! Chính vì vậy, mà cuộc sống của tôi hiện nay dường như không xứng với danh xưng “làm người, hay một người đạo đức...”, dễ hiểu thôi, cuộc đời ngay bây giờ, tôi đâu có lo lắng tìm đạo đức mà lại quá chú trọng vào cái vòng danh lợi tham sân si...!

Nhìn lại một ngày sống, việc đạo đức cố gắng lắm thì chỉ có được một giờ trong 24 giờ, hay là trong một tuần thì tôi chỉ dành cũng có đúng một tiếng, hoặc là nhiều ngày tôi cố gắng lắm mới có được một lần, nhưng trong một lần đó tôi lại xén đầu cắt đuôi... nên cũng chẳng còn được là bao!!! Còn trong đạo làm người qua lời ăn tiếng nói cùng hành vi thì hình như tôi quên lãng!!! Như vậy, tính ra những việc tốt lành chỉ như là cơn gió thoảng, không có đi sâu vào tấm lòng, con tim... thì làm sao đời tôi đối diện với cuộc đời, với con người này có được những gì như con người hằng mong muốn?

Tôi thương cho vị bác sĩ, thế thì tôi cũng hãy thương tôi, khi biết bao ân ban đang ở ngay trước mặt, không ở tận đâu xa, tôi chỉ cần đưa tay ra, chỉ cần mở rộng con tim... là tôi đã có và có thể có dồi dào. Và chính những ân ban này mới đưa tôi đến sự sống đời đời chứ không phải là những gói mì gói, những suất cơm từ thiện, hay những chuyến xe ôm giúp tôi có được sự sống vĩnh cửu.

Vị bác sĩ đã tìm cách để cho mình được sống và sống đúng với ý nghĩa của nó, mà không bị mang tiếng hay bị chê trách. Cuộc đời Kitô hữu của tôi cũng vậy, đặc biệt là trong Mùa Vọng và mùa Giáng Sinh năm nay nếu tôi không ý thức cũng như không chịu thay đổi cách sống phù hợp với mong muốn của Thiên Chúa mà Giáo Hội đã hướng dẫn.

Thiên Quang sss

 

(1) http://phunuonline.com.vn/xa-hoi/tin-tuc/bac-si-bo-benh-vien-cong-vi-phai-an-mi-goi-chay-xe-om-xin-com-tu-thien-88179/

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.