ĐẮNG CAY CHUA CHÁT TÌNH ĐỜI
Hôm nay là ngày của mẹ, tôi nhớ đến người mẹ của tôi cùng biết bao bà mẹ trên trần gian này, mà tự hỏi có mấy người nhớ đến mẹ của mình, đặc biệt là trong ngày hôm nay, nhất là người Mẹ Việt Nam? Với người Mẹ Việt Nam thì ai cũng rõ: cả một đời hy sinh, cần cù, chịu thương chịu khó...miễn sao cho gia đình được êm ấm, cho những người con được hưởng những gì tốt đẹp nhất mà người mẹ có thể làm được.
Sư hy sinh thật là cao quý, không có gì có thể diễn tả hết tấm lòng đó. Vậy mà khi người con lớn lên, bước vào đời với những hành trang sáng chói rực rỡ... lại dường như vô tình quên hết, để chỉ biết có mình và mỗi mình mà thôi!!! Thật là đáng trách biết bao nhiêu.
Gửi đến bạn câu chuyện đau lòng sau đây, để cùng suy nghĩ và mau mắn hành động, để không có thêm những người như người Mẹ Việt Nam này phải lâm vào bước đường cùng lắm đau thương đầy đau buồn như thế!!!
“Bà cụ ngồi xe lăn, 8 đứa con ruột và 1 người con nuôi”
Cha mất chưa qua bảy thất, mẹ đã không thể ở được với tám đứa con ruột; đứa con nuôi đem mẹ về phụng dưỡng, vậy mà tám người con này lại đòi chia chỗ ở cuối cùng…
1. Bà bất đắc dĩ trở thành bị đơn trong vụ kiện mà chính các con ruột của mình là nguyên đơn. Vụ kiện kéo dài từ năm 2009 đến phiên tòa chiều 10-5. Đây là một phiên tòa buồn đẫm nước mắt! Đến nỗi nó lay động đến cả tâm can của nữ thẩm phán H., chủ tọa phiên tòa, khiến người cầm cân nảy mực này không ít lần rơi lệ trong phiên xử.
Khi phiên tòa kết thúc, là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà, tôi chỉ thấy nặng nề, dù kết quả tòa tuyên bà được quyền sở hữu căn nhà. Với luật sư như thế là thắng nhưng tôi không thấy vui, chỉ đọng lại là sự đau đớn về tình người.
Tôi vẫn nhớ như in vào một ngày hè tám năm trước, bà đến văn phòng trên một chiếc xe lăn, xin được gặp và đưa cho luật sư cái trát tòa xác định bà là bị đơn trong vụ kiện do tám con ruột của bà đứng nguyên đơn. Họ yêu cầu tòa tuyên buộc bà ký vào giấy để sang tên căn nhà thờ cúng mà bà đã không còn được ở từ khi chồng bà qua đời.
“Cả đời bà chưa một lần đến chốn pháp đình, cho đến hôm nay” - lúc ấy bà khóc. Năm ấy bà đã 71 tuổi. Và chiều nay, tám năm sau, bà cũng khóc ở cái tuổi 79 dù tòa tuyên bà thắng kiện...
Dù được tòa tuyên thắng kiện nhưng bà chẳng thể vơi được nỗi đớn đau… Ảnh: VÕ NGUYỄN
2. Bà gốc người Tuy An, Phú Yên; bà vào Sài Gòn mưu sinh rồi gặp ông và nên nghĩa vợ chồng. Rồi tám đứa con - bảy trai, một gái - lần lượt ra đời…
Năm bà mang bầu thằng con trai lớn, thai đến tháng thứ ba thì bà bị té gãy xương đùi, thai bị động. Bác sĩ bảo bỏ con mới chữa trị ổn nhưng bà một mực giữ lại giọt máu của mình. Tai nạn gây chấn thương khiến bà ngồi xe lăn từ đó.
Sau tai nạn, có ông thầy phán rằng bà nên nhận con nuôi thì mới tốt về đường con cái sau này. Tin lời thầy, sau khi sinh đứa đầu lòng đầy khó khăn, vợ chồng bà đến cô nhi viện Thủ Đức xin nhận đứa bé trai đỏ hỏn làm con nuôi. Ông bà dùng họ của ông để đặt tên cho đứa con nuôi là Nguyễn Ngọc H.
Mà ông thầy phán đúng, sau khi nhận con nuôi, dù ngồi xe lăn, bà vẫn sòn sòn đẻ cho ông thêm bảy đứa con nữa. Nhờ chăm chỉ lao động và tích cóp, ông bà đã tạo dựng được bốn căn nhà mặt tiền ở đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, ba căn trong hẻm và một căn ở quận Tân Phú, TP.HCM.
Năm 1990, khi cả ông bà đều còn khỏe và như dự liệu được điều không hay, ông bà đến phòng công chứng tự nguyện phân chia tài sản chung làm hai phần bằng nhau, rồi mỗi người tự lập di chúc. Theo đó, phần bà để cho bốn đứa con lớn, phần ông để cho bốn đứa con nhỏ. Riêng căn nhà chừng 100 m2 ở quận Tân Phú (phần ông), ông không định đoạt cho ai mà cả ông bà đồng ý cho đứa con nuôi về ở. Còn ông bà sau đó ở với con trai trưởng.
Năm 2008, sau một trận bạo bệnh, ông bỏ bà mà đi.
Ông mất chưa qua bảy thất, bà đã không thể ở được với tám đứa con ruột. Lúc này đứa con nuôi đem bà về phụng dưỡng, thuốc thang.
Năm 2009, lấy lý do căn nhà mà người con nuôi và mẹ đang ở là tài sản riêng của cha, tám đứa con kiện bà và đứa con nuôi ra tòa đòi chia chỗ trú ngụ cuối cùng của mẹ mình. Trước Tết, thằng con trai trưởng đến nhà làm dữ, buộc bà ký cho. Bà sá chi tấm thân già, chỉ tội thằng con nuôi vì chăm bà mà quên cả lấy vợ nên bà do dự không ký. Và thế là bà bị chính đứa con mà ngày xưa bà không màng sống chết để giữ lại làm bà ngã gãy tay...
Mẹ nằm chỗ ướt canh sương/ Chỗ khô lót tiếng ru nhường con thơ...Ảnh: VÕ NGUYỄN
3. Anh con nuôi Nguyễn Ngọc H. chở bà trên chiếc xe Dream Tàu cũ mèm, bên hông treo chiếc xe lăn đến dự tòa. Chiều đó, trời Sài Gòn âm u, nửa muốn mưa nhưng còn chần chừ chưa đổ nước. Trước tòa, người con nuôi chỉ khóc. Tòa hỏi gì anh ta cũng không nói, cuối cùng chỉ nói được mỗi câu: “Tôi chỉ mong mẹ tôi khỏe, sống với tôi, nhà thì các anh tôi muốn lấy thì lấy, mẹ con tôi thuê nhà ở cũng được!”.
Nữ thẩm phán H. đưa tay lau nước mắt. Hai hội thẩm quay mặt ra phía sau. Luật sư bỗng thấy mình thừa thãi...
Được tòa hỏi để xác nhận lần cuối, bà nói trong nước mắt: “Các con muốn lấy gì thì lấy! Có thương mẹ thì cho mẹ gửi tấm ảnh thờ của cha!”…
Phiên tòa lặng ngắt. Trời nặng trịch và trút mưa...
Cuối cùng tòa tuyên giao căn nhà cho bà. Bà lấy hai tay ôm mặt khóc, nói với luật sư: “Tôi sợ quá luật sư ơi, tụi nó giết tôi với thằng H. mất! Hay là… tôi cho tụi nó đi luật sư…”.
Nghe mẹ nói, anh con nuôi khóc như một đứa trẻ. Rồi anh vội bế thốc mẹ mình đặt lên xe, khoác áo mưa cẩn thận và chạy về trong cơn mưa nặng hạt. Bất giác trong tôi vang lên câu ca dao ai nghe cũng thấy nghẹn lòng:
“Mẹ nằm chỗ ướt canh sương
Chỗ khô lót tiếng ru nhường con thơ...”.
....
Không chỉ là dừng lại nơi một người Mẹ của ta, mà ta cũng cần phải kể đến cả những người khác từng trợ giúp, từng sát cánh, từng chung sức, từng hy sinh... với ta trên mọi nẻo đường, nhất là những lúc ta còn ngỡ ngàng, bơ vơ giữa cuộc đời, hay khi ta gặp lận đận, khó khăn... bế tắc trong cuộc sống.
Thiên Quang sss