Suy ngẫm: Nét đẹp tuyệt vời của người hiến dâng mạng sống
Cuộc đời làm người ai cũng muốn mình được đẹp, được sống trong hạnh phúc, trong giàu sang, được có cái này có cái kia... không một ai muốn mình lâm vào cơn ngặt nghèo, khốn khó... để chẳng thấy tương lai!!! Với ước mong đó nhiều người đã đánh đổi mọi sự để có chúng, nhưng bên cạnh đó cũng có không ít người lại dửng dưng, có cũng được, không có cũng chẳng sao, để đi tìm một cái mà nhiều người cho là lạ thường, khác người, có lẽ những người ấy không bình thường, nếu không muốn nói là họ bị điên, bị mát, mặc dù bên ngoài họ vẫn bình thường hay có khi họ còn ngon lành hơn bao người khác.
Mình cho là họ bị điên, thực ra họ đâu có bị điên, mà coi chừng mình là người điên, khi vội nhìn, không suy nghĩ, mà đã đánh giá!
Mình cho họ là người bị chạm mạch, thật ra họ đâu có phải như vậy, nhưng coi chừng tưởng rằng mình tỉnh, nào ngờ chính mình mới là người bị chạm mạch!!!
Bởi vì họ hãnh diện đi theo một Đấng đang mời gọi họ “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta” (Lc 9,23). Đấng ấy nói lời này cách đây đã hơn 2.000 năm rồi, và từ ngày ấy cho đến nay có rất nhiều người làm như thế. Họ không phải là những người kém cỏi, u mê... họ là những người trí thức, uyên bác. Và chính họ cũng đã giúp cho thế giới con người có được như ngày hôm nay.
Chẳng cần nhìn đâu xa, nhìn lại lịch sử của Giáo Hội tại Việt Nam được khởi đầu bởi các người ở mãi tận Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp... Họ đến đây tìm được gì cho mình? Giầu sang, địa vị... .không hề, nhất là cơn bách hại tàn khốc, ác độc, ghê sợ, kinh hoàng...kéo dài tới 300 năm, đâu có phải ngắn ngủi, thoáng qua trong phút chốc, và không phải chỉ có một người, vài người... mà hàng hàng lớp lớp đi tới. Những người này vẫn tiếp tục tiến lên. Trong thời gian đó, họ đã gặp đủ thứ khó khăn, thậm chí họ còn bị phân sáp, chia rẽ gia đình bắt từng người đi vào các làng, ở các nhà không có đạo, và còn hơn nữa là thích vào má hai chữ “Tả Đạo”. Không chỉ là gặp muôn vàn khó khăn, mà còn là đầy nhục nhã, nhơ nhuốc cho phận người, nếu xét theo lẽ bình thường!
Như ngày hôm nay vẫn còn có người gán cho họ hay những người như thế những điều chẳng thiện cảm, thì ngày xưa những người được mệnh danh là vua chúa quan quyền vì tính tự ái của con người cũng như hãnh diện về tính dân tộc, nên đã có những cách hành xử dã man như vậy, hay có con mắt mà ngày nay người gọi theo cách mỉa mai là “con mắt hình viên đạn”, mắt người đã bị biến thành một thứ độc ác chuyên giết người!!!
Một cách nào đó ta vô tình kéo người khác vào vòng xoáy này, khi những người bên ngoài thì nói những lời tốt đẹp, có hành động thương người, nhưng bên trong lại có những toan tính độc ác luôn tìm cách tố cáo để được thưởng công, để cho riêng mình được sống... giống hệt như ngày xưa Giuđa bán Chúa với giá 30 đồng bạc, bằng giá của một tên nô lệ không hơn không kém!!!
Phải chịu những thảm cảnh đau khổ như thế, mà hàng mấy trăm ngàn người có một ai lên tiếng chửi người này người kia một tiếng cho thoả lòng trước khi chết, ngoài lời cám ơn và cầu nguyện cho kẻ làm hại mình. Như thế đó, họ là kẻ khờ ư? Họ là kẻ dại ư?
Cái chết thật là đẹp, để sau khi những tín hữu can đảm ấy bị hành hình, nhiều người hiện diện đã xông vào thấm máu, lấy vật dụng về làm kỷ niệm, về làm báu vật để tôn thờ, làm gương sống cũng như lời nhắc nhở mạnh mẽ cho những người đang bước tới ở ngày hôm nay và cho tới tận ngày mai về một chân lý bất di bất dịch.
Cái chết anh dũng, kiêu hùng này, họ đã vẽ lên một chân lý từ ngàn xưa “Làm trai cho đáng nên trai. Xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài tan”, để sau đó họ đi tới nơi mà ông bà hằng nhấn mạnh “Lá rụng về cội, nước chảy về nguồn, con người chết đi là về với tổ tiên ”, hơn nữa đối với niền tin thì họ sẽ bước vào Nước Trời nơi họ được hưởng hạnh phúc muôn đời, mà họ đã phải đánh đổi một cách quyết liệt khi ở trần gian.
Còn những người gây ra tội ác thì sao? Ngay trong cuộc sống họ đã bị lên án, cho dù họ có cố tình chối bỏ hay là lại đổ bởi muôn ngày ly do tại vì thế này thế kia!!!
Chỉ cần suy nghĩ một chút, ta thấy rằng ngay trong cuộc sống này họ có thái độ ứng xử như thế, thì làm sao có cửa đến với ông bà tổ tiên được. Vì ông bà tổ tiên đâu có chấp nhận những người có đời sống như thế được đến gần mình, như các ngài đã nhấn mạnh “ở hiền thì gặp lành”, hay là “gieo gió thì gặt bão”!!!
Mừng lễ các thánh, đặc biệt là các thánh tử đạo Việt Nam, ta học bài học các ngài để lại là luôn một niềm phó thác, cậy trông vào Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, và cho dù có phải như thế nào thì luôn một lòng như thánh Phaolô đã khẳng định: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?” (Rm 8,35)
Thiên Quang sss