Suy ngẫm: Ngậm ngùi!

Ngậm ngùi!

Sau một thời gian mọi người ồn ào, bức xúc...về chuyện một xác người là chị Lò Thị Phanh, trú ở xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, được đưa từ Bệnh viện lao và bệnh phổi ở huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La về vào chiều ngày 12/09/2016. Do không có tiền thuê xe ô tô nên gia đình chị Phanh đã nhờ người em dùng xe máy chở thi thể chị  về nhà mai táng. Chị đã di chuyển từ bệnh viện về nhà ở thành phố Sơn La với một đoạn đường dài hơn 50km qua các thành phố, thị trấn làng xã, qua sông về tới nhà... chìm vào lãng quên, hơn nữa chẳng một ai muốn chuyện đau thương ấy cứ ám ảnh mãi, để cuộc sống còn đi lên, để hy vọng ngày sẽ tới được sáng ra.

Nào ngờ, vào ngày 11/12 theo báo Pháp luật TPHCM điều ấy lại tái diễn ở một thành phố gần đó! Tôi đọc mà cứ tưởng chuyện như đùa, hay là chuyện của những người ở lề trái, của kẻ thích giật gân!!! Nhưng lần này theo nhiều tờ báo đưa tin là do hai người gánh bộ, với đoạn đường di chuyển không có xa, chỉ có khoảng hơn 1km thôi!

Một lần nữa tôi lại được nghe đến những lý lẽ đưa ra để biện minh cho hành động này thật là hợp lý, giống y hệt lần trước, và dường như cái sai, cái tội là do người chết mà thôi.

Nào là, theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã nói như vậy tại Hội nghị Giao ban công tác chỉ đạo tuyến, Đề án 1816 tổ chức sáng 13-12 tại Hà Nội, không có quy định nào bắt buộc bệnh viện phải vận chuyển xác bệnh nhân về nhà. Khi bệnh nhân không may tử vong, bệnh viện sẽ giải thích cho người nhà các quy chế, quy định của bệnh viện.

Đồng thời tại bệnh viện cũng có nhà tang lễ, xe tang phục vụ, đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật.

"Bệnh viện có xe cứu thương, nhưng để chở, cấp cứu người bệnh chứ không phải để chở người chết. Tuy nhiên, trong trường hợp nếu hôm đó không có ca cấp cứu nào, bệnh viện sẽ hỗ trợ gia đình chở người tử vong về nhà"- Ngoài ra, theo ông Khuê, thời gian qua các gia đình tự khiêng xác, chở xác người tử vong về chủ yếu là đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa. Ở những vùng này, hoặc là xe ô tô không vào được tận nhà, hoặc gia đình bệnh nhân ở gần bệnh viện nên họ tự thu xếp mang xác về mai táng theo phong tục địa phương.

Đúng, thật là đúng, thật là hợp lý, không có sai chạy vào đâu được! Nhưng mà, đọc xong tôi thấy sao mà nhiều ngậm ngùi đầy cay đắng đến thế! Khi được biết đến bệnh viện mà trong túi những người đi theo chỉ có được 100.000 đồng. Hoàn cảnh gia đình thật là bi đát, chẳng hạn như ngôi nhà ngói cấp bốn, ba gian đã xây xong cách đây hơn 05 năm nhưng vẫn chưa trát tường, nhà có 5 cửa thì 4 cửa không có cánh, đồ vật bên trong chẳng có gì giá trị.

Bà Chiệng - người mẹ - còn chia sẻ, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trong nhà không có tiền nên sáng ngày hôm qua (12/12), người thân trong gia đình mới đi vay mượn khắp nơi mới đủ tiền mua tấm áo quan cho anh L.

Chẳng những thế, "Khi đưa thằng L. từ viện về nhà, vì không có tiền, chính tôi đã phải chạy ra chợ để mua chịu quần áo, và một số đồ đạc, vật dụng cần thiết để về thay cho nó…", bà Bùi Thị Nhung (bác anh L.) nói.

Tất cả chỉ vì họ là người dân tộc! Người vùng cao!..

Qua trường hợp đau thương này, tôi liên tưởng tới đời sống niềm tin của những người có đạo; cách riêng là các Kitô hữu trong năm 2017 với chủ đề mà HĐGMVN đưa ra: “Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân”.

Trước thao thức của Giáo Hội, của các vị lãnh đạo nhằm giúp người tín hữu có những hiểu biết cần thiết để sống cho đúng, nhất là trong hoàn cảnh mình đang sống. Thật là một việc làm hữu ích, tốt đẹp. Nhưng rồi các bạn trẻ, những người có trách nhiệm lại cười nhạt, tưởng chuyện gì to lớn, vĩ đại, chứ chuyện đó nhỏ như bắt con thỏ... và lại đón nhận và xếp vào xó như biết bao lời mời gọi của những năm trước.. để còn lo bao chuyện khác cần hơn trong cuộc sống cơm gạo áo tiền hôm nay!!!

Sở dĩ con người bình thản, coi nhẹ như vậy, vì chuyện này không có mới, mà đã có từ thời ông bành tổ rồi! Theo quy luật của con người lớn lên ai chẳng lập gia đình, nếu không đi tu; đối với người có đạo thì phải học giáo lý hôn nhân...thôi thì cố một tí, hay khôn khéo một chút là xong...đâu có gì phải chú ý cho mệt.

Thậm chí có người biết mình kém, bận rộn, thiếu điều kiện, hay thế này thế nọ.. đã chuẩn bị sẵn phương thế để qua được bước đường đó, chẳng hạn như biết nơi nào có lớp giáo lý vừa với hoàn cảnh của mình, thậm chí còn dự phòng cả lớp cấp tốc khi không thể làm khác hơn được, chẳng những thế có người còn phòng hờ qua việc quen biết những người có thể giúp mình hoàn thành nguyên tắc cơ bản này, cho dù có phải mất mát một chút... chẳng sao miễn là mình được việc!

Biết việc mình phải làm trong tương lai thật là hay, là tốt, vì nó sẽ giúp mình giải quyết được bao rắc rối, phiền phức trong cuộc sống, nhất là ở những giáo xứ đòi hỏi có những tiến trình nhất định, trong khi ấy con người lại quá bận rộn, bù đầu vào cuộc sống, khó mà tuân theo quy trình ấy cho được!

Tưởng rằng giải quyết được như thế là thượng sách, nào ngờ việc giải quyết ấy không khác gì việc người chết được gánh đi trên đường về nhà giữa thanh thiên bạch nhật ở Hòa Bình mà thôi! Vì làm như thế chỉ có ổn bên ngoài cho hợp tình hợp lý, còn bên trong về mặt thiêng liêng, về lâu về dài thì coi như là trắng tay! Thế thì làm sao để ta đi lên trong mối tương quan với mọi người, làm sao ta có được những hướng dẫn tốt cho thế hệ đi sau? Không có thì lấy gì mà cho? Cho mà chẳng biết cái cho ấy như thế nào thì cho như vậy chẳng bằng hại người ta! Vâng, nghe câu trả lời của người có trách nhiệm là bệnh viện không có nhiệm vụ chở người chết về! Đúng, và còn đúng hơn nữa khi hai xe của bệnh viện đang đi cấp cứu hết rồi! Cũng như đối với gia đình chỉ có thể cố gắng được bằng ấy thôi thì còn biết làm gì hơn: quan tài phải đi khắp làng vay mới đủ tiền mua, áo tang ra chợ mua thiếu!!! Và còn đúng khi trái tim của con người, của tâm linh đã trở nên khô cứng, đã khép lại trước một con người vừa ra đi, mà hình như không có được một lời hỏi thăm “người ấy sẽ di chuyển như thế nào?” Như bác tài xế taxi sáng hôm ấy đã chở bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu mà từ chối nhận tiền vì biết rõ gia đình này như thế nào, vì đó không phải là việc, là trách nhiệm của tôi!

Thiên Quang sss

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.