Suy ngẫm: Ngộ độc

Ngộ Độc 

 

Thời gian vừa qua có lẽ nhiều người trong cả nước  phải rúng động về hai trường hợp bị ngộ độc thực phẩm ở vùng phía Bắc của đất nước.

Vụ ngộ độc thứ nhất xảy ra tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Ngày 10/2, gia đình ông Phù Văn Lèng (SN 1957 ở bản Tả Chải) mời nhiều người đến nhà ăn cơm uống rượu. Tối cùng ngày, ông Lèng có triệu chứng đau đầu, buồn nôn và tử vong. Đến nay đã có 8 người chết và nhiều người phải nhập viện.  

Vụ thứ hai ở Hà Giang, vào khoảng trưa ngày 13/2, gia đình ông Hoàng Văn Kim, thôn 3, xã Đản Ván, huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang có tổ chức đám cưới cho con. Đến 12h cùng ngày, ông Lèng Seo Sằm, cùng trú tại địa phương sau khi ăn cỗ bị đau đầu, hoa mắt, buồn nôn, đau bụng đi ngoài, người mỏi mệt. Vụ ngộ độc này có gần 90 người phải cấp cứu.

Trước số người chết và số người phải nhập viện quá lớn, làm cho nhiều người phải lo âu!

Sự việc xảy ra khá bất ngờ nhưng lại không có bất ngờ, vì đã được cảnh báo về thực phẩm bẩn từ lâu và rất nhiều lần, chỉ tại vì con người quá chủ quan hay quá tin vào mình cho nên mới dẫn đến hậu quả đáng tiếc này!

Đúng là sống phải tin vào chính mình, vì chính nhờ sự tự tin này giúp mình đối diện và vượt qua những thách đố trong cuộc sống để vươn lên mà đạt được những thành quả mong muốn.

Đó là một điều tốt, nhưng lắm khi sự tự tin này phải trả giá và có khi phải trả một giá quá đắt, đắt đến nỗi chẳng thể nào ngờ được! Điển hình như hai vụ ngộ độc kể trên, không chỉ là nhiều người chết, hay số lớn phải nhập viện… mà là hậu quả của sự việc này để lại, như là những người thoát khỏi bàn tay tử thần bị ám ảnh hay bị di chứng của việc ngộ độc; bà con trong xóm làng bị ám ảnh, kinh hoàng về một bữa tiệc chết chóc chẳng ngờ!!!

Sự việc xảy ra, đối với người chủ nhà không thể nào cho đó là một cuộc chơi may rủi, hên xui…mà đòi hỏi họ phải thận trọng, kỹ lưỡng trong mọi mặt, không ham rẻ, không nể nang, không dễ dãi… để lương tâm ngày mai không phải áy náy, cắn rứt khi có những hậu quả không tốt đến với nhiều người khác.      

Đối với những người đến tham dự để nói lên tình thương mến thương của tình làng nghĩa xóm thì không phải là làm cao hay có một sự đòi hỏi nào đó, mà vui thì cứ vui…nhưng cần phải thận trọng, không làm đại cho xong hay coi thường mà cho rằng chuyện nhỏ, chẳng đáng gì, thôi thì ai làm sao tôi làm vậy. Nói chung là ta có chọn lựa để tránh trường hợp tự mình giết mình!

Riêng đối với các kitô hữu sắp sửa bước vào Mùa Chay năm 2017 với nhiều sự nhắc nhở quyết liệt, qua hai trường hợp ngộ độc kể trên là dịp giúp chúng ta có nhiều cơ hội suy nghĩ  và sống ân phúc này hầu xứng đáng là người môn đệ, là con cái của Chúa. Đặc biệt trong mùa chay năm nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh: “Lời Chúa là một hồng ân. Tha nhân là một hồng ân”.

Trong sứ điệp này ngài nhấn mạnh:

“Mùa Chay là một khởi đầu mới, một con đường dẫn đến mục tiêu chắc chắn là Phục Sinh, chiến thắng của Chúa Kitô đối với sự chết. Mùa này thúc giục chúng ta hoán cải. Người Kitô hữu được mời gọi “hết lòng” trở về với Thiên Chúa (Joel 2,12), không chấp nhận lối sống tầm thường nhưng lớn lên trong tình bạn với Chúa. Chúa Giêsu là người bạn tín trung, không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Ngay cả khi chúng ta phạm tội, Người vẫn kiên nhẫn chờ đợi chúng ta trở về; và qua sự đợi chờ đầy nhẫn nại ấy, Người tỏ lòng sẵn sàng tha thứ cho chúng ta.

Mùa Chay là mùa thuận lợi để đi sâu vào đời sống thiêng liêng nhờ những phương tiện thánh hoá Giáo hội đã đem đến cho chúng ta: ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Nền tảng của mọi sự là lời Chúa, mà trong mùa này, chúng ta được mời gọi chuyên chăm lắng nghe và suy ngẫm. Giờ đây tôi muốn nói đến dụ ngôn ông nhà giàu và anh Lazarô (x. Lc 16,19-31). Chúng ta hãy để câu chuyện đầy ý nghĩa này gợi hứng cho chúng ta, vì nó cho chúng ta chiếc chìa khóa để hiểu chúng ta cần phải làm gì để có được hạnh phúc thật và được sống đời đời. Dụ ngôn ấy khuyên chúng ta thành tâm hoán cải.”

Sống trong môi trường trần gian đầy cám dỗ cùng sự lôi kéo của nó dễ làm cho con người quên mất đường về lối chính nẻo ngay để chìm đắm trong cõi tục lụy, nhất là khi con người cứ nghĩ đường đời của mình còn dài ngày mai thực hành vẫn chưa muộn; hay cứ nghĩ rằng mình như thế này thì ai làm gì được ta! Hoặc là tới một giai đoạn nào đó ta thành khẩn, ăn năn thống hối là xong hết mọi chuyện, có gì mà phải lo lắng để mất những cơ hội mà ta thích… đang có trước mặt ta.

Đúng thế, cám dỗ là như vậy đó, lúc này, giai đoạn này thì ta rất hay, rất đúng… nhưng đến khi bị chìm sâu trong cõi tục lụy này thì mới thấm thía, làm sao còn đủ tỉnh táo, còn đủ sức và can đảm để rút ra được?

Giống hệt như hai trường hợp ngộ độc kể trên, chủ nhà lơ là, coi thường.. người tham dự thì cho là chuyện nhỏ, vì đã xảy ra nhiều lần rồi, chỉ thoa dầu, vài viên thuốc là xong ngay! Lần này nếu có thì cũng vậy thôi, nhưng lần này thì không qua cầu được, và nhiều người đã phải trả giá!  

Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua không bao giờ trở lại, vì vậy ngay bây giờ ta không biết lắng nghe và cố gắng sống tốt cũng như giúp người khác sống tốt thì đợi đến bao giờ? Đã không sống tốt lại làm những điều xấu, điều nguy hại… thì ta sẽ trở thành cái gì và như vậy sẽ làm cho người khác bị ảnh hưởng ta phải chịu trách nhiệm sao đây? Vì vậy đừng quên: “Lời Chúa là một hồng ân. Tha nhân là một hồng ân”.

Thiên Quang sss

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.