Về một đất nước gần chúng ta
Myanmar là một quốc gia Đông Nam Á nằm ở vùng tây bắc của bán đảo Trung-Ấn. Đây là quốc gia lớn thứ 2 vùng Đông nam Á, giáp ranh biên giới với các nước Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc, Lào và Thailand.
Myanmar có nhiều tôn giáo khác nhau, trong đó đạo Phật chiếm 89,3% số dân; Thiên Chúa giáo 5,6%; đạo Hồi 3,8%; đạo Hindu 0,5%; các tôn giáo khác như Do Thái giáo, Đa Thần giáo, Vật linh giáo, v.v. Chiếm khoảng 0,8% số dân. Mọi công dân Myanmar được tự do tín ngưỡng, tuy theo tôn giáo khác nhau nhưng dân chúng vẫn sống hòa bình, bằng chứng là những kiến trúc của tôn giáo khác nhau cùng được xây dựng và tôn trọng tại những thành phố lớn.
Trong suốt thế chiến thứ 2, Miến Điện tạm trở thành thuộc địa của Nhật trong suốt 3 năm trước khi được giải phóng bởi quân Đồng Minh năm 1945. Bắt đầu từ ngày 4 tháng 1 năm 1948, Miến Điện được chính thức công nhận là một quốc gia độc lập với cái tên chúng ta biết ngày nay: nước Cộng hoà Liên bang Myanmar. Ban đầu Myanmar là một quốc gia dân chủ, song nằm dưới chế độ độc tài quân sự sau cuộc đảo chính năm 1962.
Trong hầu hết thời gian độc lập, Myanmar xảy ra xung đột dân tộc tràn lan, trở thành một trong các cuộc nội chiến kéo dài nhất vẫn đang diễn ra. Năm 2011, chính quyền quân sự chính thức giải tán sau tổng tuyển cử năm 2010, và một chính phủ dân sự trên danh nghĩa nhậm chức. Mặc dù các lãnh đạo quân sự cũ vẫn nắm giữ quyền lực rất lớn trong nước, song quân đội tiến hành các bước nhằm từ bỏ kiểm soát chính phủ. Điều này cùng với hành động phóng thích Aung San Suu Kyi và các tù nhân chính trị, đã cải thiện hồ sơ nhân quyền và quan hệ ngoại giao của Myanmar, kéo theo nới lỏng các chế tài mậu dịch và kinh tế khác. Trong tổng tuyển cử năm 2015, đảng của bà Aung San Suu Kyi giành đa số tại lưỡng viện quốc hội.
Ngày 30 tháng 3 năm 2016, ông Htin Kyaw, một đồng minh thân cận của bà Aung San Suu Kyi chính thức trở thành tổng thống dân sự đầu tiên của Myanmar, chấm dứt gần 50 năm đất nước Myanmar nằm dưới sự cai trị của giới độc tài quân sự.
Là một đất nước nghèo, vừa thoát khỏi chế độ độc tài quân sự, nhưng lại có những dấu ấn làm cho nhiều người phải ngỡ ngàng, nhất là những người ngoại quốc khi đến đây để du lịch.
Theo tác giả Phạm Trường Giang qua bài “Myanmar – vùng đất thiện” đăng trên báo Pháp Luật số Chủ nhật ra ngày 05/02/2017 (1) đã cho thấy những nét đẹp tuyệt vời đó:
Đầu tiên là nhìn thấy một đất nước bắt đầu từ cảnh nghèo nàn, đói khổ cho đến những kỳ quan văn hóa và công trình hiện đại, những nhà hàng, khách sạn sang trọng...
Tiếp theo là qua những chặng đường đầy bụi bặm và hư hỏng kéo dài hàng ngàn kilomet có những chiếc bình đất nung màu nâu đỏ được che đậy kỹ càng, bên trên có một cái ly úp ngược. Đấy là nước uống miễn phí dành cho các vị sư đi khất thực hay khách bộ hành mỏi chân giữa chặng đường trưa nắng. Cho dù có người uống hay không, mỗi sáng sớm những người phụ nữ Myanmar đội các bình nước trên đầu đi thong thả đến các bình đất nung đó đổ nước cũ hôm qua đi, rửa sạch bình rồi châm nước mới vào. Từng nhóm phụ nữ 2-3 người cùng nhau lần lượt đi châm hết bình này đến bình khác cho đến khi xong hết mới thôi. Rồi họ lại đi thành nhóm, đầu đội các bình không, vừa cười nói râm ran vừa đi trở về lại với công việc thường nhật.
Người ăn xin ở Myanmar rất hiếm, dù ở những làng quê hẻo lánh cho đến chốn thị thành. Nếu ai có khó khăn, họ sẽ được những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ.
Không chỉ có lòng tốt với con người, người Myanmar còn có lòng thương yêu đối với các con vật. Dù nghèo khó đến đâu, họ vẫn nấu thêm một ít thức ăn để nuôi thú hoang. Không phải vứt thức ăn ra đất mà họ đặt cơm vào đĩa, cho lên ghế hay giá treo cao để chim chóc dễ dàng nhìn thấy, sà xuống ăn không sợ bị lũ mèo nghịch ngợm với bản năng sát thủ có thể làm hại, hay những chú sóc trên cây trong công viên nhảy xuống quanh quẩn ăn những đĩa cơm cũng được đặt trên cao mà người ta đem đến cho chúng. Ở đây, chim chóc và thú hoang không những không sợ bị đưa vào quán nhậu mà chúng còn được con người chăm lo tử tế. Những đĩa thức ăn cho chim hay thú hoang ấy đều khá lành lặn và sạch sẽ.
Bên cạnh những sự việc đó, tác giả còn cảm nhận ra lòng tốt của con người Myanmar qua cô nhân viên xinh đẹp có tên Ei Aung thoăn thoắt đưa máy tính giúp tôi kiểm tra việc quy đổi tỉ giá theo cả hai chiều rất chu đáo. Xong xuôi tôi cảm ơn định đi, bỗng Ei Aung rụt rè hỏi: “Liệu em có thể biết hành trình du lịch của anh được không?”. Khi tôi kể xong, cô bắt đầu hướng dẫn cho tôi đủ các thông tin cần thiết. Thậm chí để hướng dẫn cách đón xe, cô dẫn tôi lên tận tầng cao nhất tòa nhà, chỉ cho tôi chỗ nào là bến xe và chọn xe nào để khỏi bị nhầm xe.
Trên chuyến xe đêm từ cố đô Bagol lên Yangon, tôi chợt thấy một cô gái xinh đẹp ngồi hàng ghế đối diện cứ nhìn tôi rất lâu. Tôi hỏi cô có biết tiếng Anh không, cô gật đầu và tôi viết lên iPad rồi đưa cho cô làm một cuộc “bút đàm” để không ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Cô giới thiệu tên là Hsu Myat Oo, từng làm tình nguyện viên tại SEA Games vừa rồi. Cô biết tôi là du khách và rất muốn giúp đỡ tôi. Sau khi cung cấp nhiều thông tin quý giá, Myat Oo nói rằng nhà cô gần với khách sạn tôi đặt nên sẽ mời tôi cùng đi taxi với cô. Sau khi cố gắng đề nghị trả tiền taxi không được, tôi đành xin mời cô bữa tối và cô đồng ý. Món ăn ở quán quá nhiều, không ăn hết, thậm chí có đĩa gần như còn nguyên, Myat Oo xin phép tôi mang về và cô lấy hết tất cả, kể cả những đĩa chỉ còn ít thức ăn. Myat Oo giúp tôi hiểu là cô không cho phép bỏ thức ăn thừa. Sự sĩ diện không có chỗ ở đây để lãng phí.
Tôi không thể kể hết những lòng tốt tự tìm đến giúp người lạ ở đất nước này…
Dù nghèo khó hay giàu có, người Myanmar cũng chăm đến chùa và dâng tặng tài sản để xây chùa. Thái Lan cũng nhiều chùa nhưng chẳng thể sánh với Myanmar, chùa nọ tiếp nối chùa kia, đứng chùa này có thể thấy chùa khác trong tầm mắt. Chỉ cần có một vị trí cao nhìn xuống, hay nhìn lên một ngọn đồi, tầm mắt tôi có thể thấy các nóc chùa san sát của nhiều ngôi chùa khác nhau.
Mặc những chiếc váy longyi rẻ tiền, ở trong những căn nhà lá lụp xụp nhưng người dân Myanamr vẫn gom góp tiền, vàng để dát lên những ngọn tháp cho rực rỡ. Mái chùa Swedagon nổi tiếng ở Yangon được dát bởi các tấm vàng lá lên đến 60 tấn, chưa tính vô số ngọc ngà châu báu khác được cúng dường bên trong.
Các pho tượng cũng thường xuyên được người ta mua vàng lá mỏng thếp lên để luôn rực sáng. Ở những ngôi chùa như Kyaikhtiyo - được gọi là Hòn đá Vàng, người ta còn dát vàng toàn bộ tảng đá khổng lồ mà ngôi chùa ngự trên đó.
Sự dâng tặng của người dân Myanmar hầu như là lẽ tự nhiên. Với quốc giáo đạo Phật, ngay từ nhỏ họ đã được giáo dục và quen với việc cho đi hơn là nhận lại.
Và cũng tại nơi đây ông có một kinh nghiệm về chữ tín
Đó là Myat Oo, cô gái đã cho tôi đi nhờ taxi. Trong bữa ăn, Myat Oo cho biết cô xuống Bagol để mời đám cưới của cô sẽ tổ chức tuần sau tại Yangon, trong nhà hàng IBC trên hồ Innya và cô ngỏ ý muốn mời tôi tham dự. Tôi hào hứng nghĩ tới cảnh cùng bạn gái mặc áo dài đến dự một đám cưới truyền thống của Myanmar nên nhận lời ngay. Do sợ có thể xảy ra những thay đổi bất ngờ về lịch trình nên tôi nói với Myat Oo rằng tôi sẽ cố gắng để về kịp dự đám cưới và nghĩ thế là ổn.
Lo ngại trở thành sự thật, chúng tôi về Yangon chậm một ngày sau đám cưới của Myat Oo. Tôi cũng không báo được chuyện chậm trễ với cô qua Facebook do Internet quá chậm. Khi về Thái Lan tôi đã nhắn tin xin lỗi Myat Oo về sự cố nhưng cô không chấp nhận. Với cô và nhiều người Myanmar khác, không có chuyện “có thể” hay “cố gắng” chung chung nước đôi. Hoặc là từ chối không tham dự, hoặc đã nhận lời thì bằng mọi giá phải đến và tôi xem như đã đánh mất chữ tín. Tôi đã đánh mất đi tình bạn với cô gái xinh đẹp, tốt bụng Myat Oo nhưng tôi đã học được rất nhiều về tính trung thực của người Myanmar.
Ngày 25-10 vừa qua, tổ chức Charities Aid Foundation đã công bố World Giving Index (tức chỉ số làm việc thiện của thế giới), trong đó người Myanmar được xếp thứ nhất về khoản rộng rãi, thiện nguyện. Theo khảo sát, có tới 92% số người quyên tiền từ thiện, 51% tham gia công việc tình nguyện và 49% giúp đỡ người lạ…
Tôi không ngạc nhiên về kết quả này, khi bạn đặt chân đến Myanmar, bạn đang đứng trên một trong những đất nước nghèo trên thế giới nhưng cũng là quốc gia hào phóng nhất thế giới năm 2016.
Thiên chúa giáo lần đầu tiên gia nhập Myanmar khoảng đầu thế kỷ 17, (Năm 2014, Giáo Hội Myanmar đã kỷ niệm 500 năm có mặt tại đất nước này) hiện chiếm khoảng 5,6% số dân Myanmar. Phần lớn tín đồ thiên chúa giáo là người Keren, Chin, Kachin, và người Miến theo Thiên chúa giáo dòng Baptis. Những thừa sai Thiên chúa giáo hoạt động rất tích cực từ thời thuộc địa cho đến giữa những năm 1960, họ thành lập các trường học, bệnh viện và các trung tâm cứu trợ xã hội. Sau năm 1962, những cơ sở này bị chính quyền Myanmar quốc hữu hóa.
Mặc dù phả itrải qua nhiều thăng trầm, nhưng Giáo Hội Myanmar trong những ngày đầu năm vừa qua đã kêu gọi qua lời ĐHY Charles Maung Bo, TGM Yangoon: “Đã đến lúc mọi tôn giáo và nhóm chủng tộc chúng ta phải hiệp nhất để làm cho năm 2017 trở thành Năm Hoà Bình. Hoà bình là điều có thể thực hiện được qua công lý. Hoà bình là điều có thể thực hiện được qua thương thuyết. Chúng tôi kêu gọi mọi tôn giáo coi ngày mùng một tháng giêng năm 2017 như “ngày ăn chay cầu nguyện cho hoà bình”. Bởi vì “Myanmar là một vùng đất thánh thiêng, nơi niềm tin tôn giáo vẫn là ánh đèn pha cho tất cả mọi người. Quốc gia này được xây dựng trên các nền tảng tôn giáo...”
Nhìn người mà ngẫm đến chúng ta, chúng ta đang có trong tay nhiều thuận lợi hơn họ, vậy thì thử hỏi chúng ta đã làm gì và sống như thế nào để bản thân ta được tốt, để gia đình và giáo xứ được tốt nhất là trong năm “Niềm vui tình yêu gia đình ” với mong muốn “ Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân ”, có như thế mới mong đất nước này và dân tộc ta được tốt đẹp. Ta không xây dựng, ai sẽ xây dựng giúp ta? Ta không làm những điều tốt và có ích cho mọi người ai sẽ giúp ta đây? Ta không làm ngay từ lúc này thì đợi đến bao giờ mới làm để có những điều tốt đẹp như mong ước và hằng khao khát đó?
Thiên Quang sss
(1) http://plo.vn/ho-so-phong-su/myanmar-vung-dat-thien-680400.html