ĐẠI CƯƠNG VỀ LINH ĐẠO
I- KHÁI NIỆM VỀ LINH ĐẠO
Để chuẩn bị cho công cuộc nghiên cứu về thánh Phê-rô Giu-li-a-nô E-ma và linh đạo của ngài, câu hỏi đầu tiên được đặt ra là: LINH ĐẠO LÀ GÌ? Từ ngữ này được sử dụng rất rộng rãi, nên cần phải xác định rõ ý nghĩa, để khi sử dụng từ ngữ ấy, chúng ta có cùng một ý niệm như nhau.
Linh đạo mà chúng ta sẽ thảo luận ở đây là: toàn bộ những kiến thức chi phối mọi ý niệm của ta về Thiên Chúa, về các giá trị và về con người, nhờ đó ta có thể nhận ra ý nghĩa của thế giới, của cuộc sống, của các biến cố và của bản ngã con người.
Hay nói cách khác:
Đó là một tổng hợp những tư tưởng, giá trị và kinh nghiệm tạo thành cuộc sống vô hình ở trong ta và qui định mối tương quan giữa ta với thế giới hữu hình và vô hình.
Những yếu tố cấu tạo nên linh đạo có thể tóm lược lại trong những điểm sau:
1- Thiên Chúa là Đấng nào?
2- Chúa Giê-su là ai?
3- Chúa Thánh Thần là Đấng nào?
4- Ơn lôi cuốn (Grace d’ attrait).
5- Những phương thế và cách thực hành khổ chế.
6- Đời sống.
7- Ảnh hưởng của văn hóa.
II- NHỮNG YẾU TỐ CẤU TẠO CỦA LINH ĐẠO
1- THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG NÀO?
Trước hết, tôi xin nêu lên những câu hỏi sau đây để giúp các bạn suy niệm về bản tính của Thiên Chúa theo cảm nghiệm của các bạn. Vậy, đối với các bạn, Thiên Chúa là Đấng nào? Tôi không muốn các bạn trả lời câu hỏi này theo kiến thức mà các bạn học được ở các lớp giáo lý, hay thần học; nhưng tôi muốn các bạn trả lời theo cảm nghiệm cụ thể của cuộc sống cá nhân của mỗi người. Vậy các bạn cảm nghiệm về Thiên Chúa thế nào ?:
- Phải chăng Ngài là một người cha nghiêm khắc? Một ông quan tòa luôn rình rập để trừng phạt những lỗi lầm của ta?
- Phải chăng Ngài là Đấng uy nghiêm, một hữu thể xa cách và siêu việt?
- Phải chăng Ngài là một hữu thể trong vũ trụ, vô bản ngã, không có những đặc tính tương quan mật thiết? Một năng lực trong vũ trụ?
- Phải chăng Ngài chỉ là một hệ thống tư tưởng trừu tượng, một triết thuyết, một thái độ vô cảm, một vực thẳm trống rỗng, hay như một ý niệm vô vi của Phật giáo?
- Phải chăng Ngài là Đấng luôn ở kề bên ta, có bản ngã, luôn bao bọc ta bằng sự quan phòng, săn sóc đầy yêu thương và dịu hiền?
- Phải chăng Ngài là Đấng biết cảm thương, từ bi, nhân hậu và đại lượng?
- Phải chăng bản chất của Ngài là nhân ái, huy hoàng và cao cả?
- Tôi đã dung hòa thế nào giữa những đặc tính đối nghịch nơi Thiên Chúa, như: công bình và tư bi nhân ái, siêu việt và kề cận?
Đây là những cảm nghiệm căn bản và rất quan trọng, vì chính những cảm nghiệm này tạo thành linh đạo của ta, hay nói cách khác, linh đạo của ta lệ thuộc vào những cảm nghiệm này. Nhìn vào đời sống của các thánh, chúng ta có thể nhận thấy sự phát triển và hoàn thiện của linh đạo nơi các ngài luôn lệ thuộc vào sự tiến triển của quan niệm về Thiên Chúa.
Đây là sự hoán cải thiêng liêng và sự hoán cải này không giống như sự hoán cải từ tình trạng tội lỗi sang đời sống ân sủng, nhưng là sự hoán cải thực sự, vì sự hoán cải này nuôi dưỡng tinh thần và là căn bản chính cho cuộc đàm đạo giữa ta với Thiên Chúa.
Sự hoán cải này là một đặc ân của Thiên Chúa, vì Ngài đã dần dần tỏ mình ra cho con mắt linh hồn của ta nhờ những cảm nghiệm thiêng liêng khác nhau.
Sự cảm nghiệm này có thể xẩy ra nhờ một nhân vật có tầm hiểu biết sâu xa về Thiên Chúa và phản ảnh Ngài ra cho ta; hay nhờ một đoạn Kinh Thánh mà chúng ta nghe được trong cuộc cử hành Phụng Vụ; hay trong những giây phút thầm lặng, hoặc nhờ sự tiếp xúc trực tiếp với Thiên Chúa nơi nội tâm trong khi cầu nguyện, hay trong những lúc ta không ngờ.
Vậy đối với các bạn, Thiên Chúa là Đấng nào?
2- CHÚA GIÊ-SU LÀ AI?
Một câu hỏi khác liên quan đến nền tảng của linh đạo là: Đối với các bạn, CHÚA GIÊ-SU LÀ AI? Câu hỏi này, chính Chúa Giê-su đã từng đặt ra cho các môn đệ Người. Xin coi: Mc.8:27-30; Mt.16:13-20; Lc.9:18-21:
“Đối với anh em, anh em nghĩ Thầy là ai? Một ngôn sứ, một Vị Thiên Chúa, một Đấng làm phép lạ, một người bạn, một người anh em, một kẻ đồng hành, một quân vương trần gian? Phải chăng Thầy giống Thiên Chúa hơn, hay giống người ta hơn?”.
Chúng ta hãy dừng lại ở đây trong giây lát, và từ thâm tâm, xin các bạn hãy trả lời câu hỏi này: Đối với các bạn, Đức Giê-su là ai? Đây là câu hỏi hết sức quan trọng đối với đời sống thiêng liêng của ta, vì câu hỏi này luôn làm xáo trộn cuộc sống của ta, luôn biến đổi cuộc sống và mối tương quan giữa ta với Thiên Chúa, sự biến đổi ấy có khi xẩy ra hằng ngày. Mối tương quan ấy sẽ trở nên sâu xa hơn, hay sẽ ra khác biệt hơn nhờ ân sủng ta nhận được, sẽ làm thay đổi thái độ và mối tương quan giữa ta với Chúa, và làm vang vọng lại nơi tâm hồn ta những lời của các tông đồ xưa:
- “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga.20:28).
- “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt.16:16).
- “Xin tỏ cho chúng con thấy Cha” (Cf. Ga.14:8)
- “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Cf. Ga.14:6).
- Hay như thánh Phao-lô kêu lên: “Ngài là ai mà tôi đang bách hại?” (Cf. Cv.9:5).
- Hoặc như người mù từ khi mới sinh nài van: “Xin cho tôi được thấy… Tôi mù lòa. Xin tỏ mình ra để tôi được biết Ngài” (Cf. Ga.10:35-38).
Bất cứ linh đạo nào cũng đều bị chi phối bởi khía cạnh này hay khía cạnh khác của những cảm nghiệm về Thiên Chúa, và về Chúa Giê-su. Đối với linh đạo này thì Chúa Giê-su là Thiên Chúa và là Vua. Đối với linh đạo kia thì Người là Đấng Cứu Chuộc, là Sức Mạnh, là Bánh Hằng Sống, là Vị Hôn Phu của tâm hồn khiến người ta tận hiến mọi năng lực và trọn cuộc sống cho Người: thân xác, linh hồn, thần trí và tâm hồn.
Đối với cha thánh Phê-rô Giu-li-a-nô E-ma, thì Thánh Thể là cửa ngõ dẫn vào mọi hiểu biết. Chính qua ngõ này, cha thánh E-ma đã khám phá ra sự phong phú của Tin Mừng theo thánh Gio-an và toàn thể Kinh Thánh.
Các bạn có thể phỏng đoán ngay được rằng, những đường lối khác nhau này (tức những cảm nghiệm khác nhau về Chúa Giê-su) sẽ hướng dẫn ta đi theo những đường hướng khác nhau, và đôi khi đi ngược chiều nhau nữa! Vì thế, điều quan trọng và cần thiết là phải giữ một thế quân bình nào đó khi chiêm ngắm những mầu nhiệm về Chúa Giê-su để nhận ra đường lối mà Người lôi cuốn mỗi cá nhân chúng ta, cũng như cộng đoàn của ta, đến với Người.
3- CHÚA THÁNH THẦN LÀ ĐẤNG NÀO?
Từ “linh đạo” (Spirituality) phát nguồn từ chữ “Thần Trí” (Spirit). Vậy “Thần Trí” nào đã chi phối các bạn? Đã đào luyện các bạn? Đã lôi cuốn các bạn?
Một lần nữa, theo thực tế chứ không theo lý thuyết, nghĩa là theo cảm nghiệm riêng của cuộc sống, thì các bạn quan niệm thế nào về Chúa Thánh Thần?
- Các bạn có thể quan niệm Ngài như một năng lực phi thường?
- Hay một sự kiện bất thường, chẳng hạn như một tiếng nói mà một vị thánh đã nghe được nơi tâm hồn? Tiếng nói ấy đã hướng dẫn các ngài theo những chiều hướng mới của cuộc sống.
- Có thể các bạn quan niệm Ngài như một xác tín nội tâm của một số người đặc biệt mà chúng ta mừng kính trong niên lịch phụng vụ?
- Cũng có thể các bạn quan niệm Chúa Thánh Thần như một sức sống đem lại sinh lực cho toàn thể tạo vật. Có thể đối với các bạn, Chúa Thánh Thần là một ân huệ của Thiên Chúa, ân huệ ấy đôi khi tác động nơi tâm hồn ta như tiếng nói trong lương tâm, hay sự hiện diện sống động của Thiên Chúa nơi bản ngã thâm sâu của ta, hay sự hiện diện của Thiên Chúa biến ta thành đền thờ của Ngài, thành vương quốc nội tâm của Ngài.
- Có thể ý niệm về Chúa Thánh Thần bao gồm một số ý niệm trên đây.
Về hiệu quả mà Chúa Thánh Thần tác động, thì:
- Phải chăng Ngài biến đổi tôi nên thánh thiện, liên kết tôi với Thiên Chúa, biến tôi thành dưỡng tử yêu quí của Thiên Chúa?
- Phải chăng Chúa Thánh Thần là lời hứa an ủi, là ơn bình an mà Chúa Giê-su hứa trong Bữa Tiệc Ly?
- Phải chăng Ngài là một Ngôi Vị Thiên Chúa, mà ngày này qua ngày khác, cấu tạo nên hình ảnh Chúa Giê-su trong tôi, như Ngài đã cấu tạo Người nơi cung lòng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a?
- Phải chăng Chúa Thánh Thần là lời nguyện sâu xa, là bài ca thần linh tận đáy lòng tôi? Hay Ngài là ánh sáng của tâm trí tôi, soi đường cho cuộc hành trình đức tin của tôi?
Có vô số đặc điểm có thể qui về Chúa Thánh Thần, Thần Trí của Chúa Ki-tô. Vậy đặc điểm nào của Chúa Thánh Thần là căn bản cho đời sống đức tin của tôi?
Trên đây là những suy niệm về các khía cạnh của Ba Ngôi Thiên Chúa liên quan đến linh đạo. Khi đọc hạnh các thánh, hoặc khi quan sát những người mà các bạn biết, các bạn có thể nhận thấy sự khác biệt của các ơn thiêng liêng chính là nguyên nhân phát sinh ra những đường lối tu đức khác nhau trong Hội Thánh. Tất cả đều tuyệt vời, tất cả đều tốt đẹp!
4- ƠN LÔI CUỐN (Grace d’ attrait)
Moi người đều bị thu hút, bị lôi cuốn hay bị hấp dẫn bởi một đối tượng đặc biệt. Ơn lôi cuốn ấy chính là “vẻ mặt thiêng liêng” của một cá nhân mà người ta có thể nhận diện được người ấy trong lãnh vực thiêng liêng. Người ta có thể bị thu hút bởi một giáo thuyết, một tín điều, một Bí Tích, một đặc điểm nào đó của Thiên Chúa, của Chúa Giê-su, hay của Chúa Thánh Thần. Đó là Ơn Lôi Cuốn. Ơn Lôi Cuốn là nguồn gây kinh ngạc và niềm vui ở trong ta, đem lại cho ta nguồn năng lực để thực thi những chương trình do đối tượng bị hấp dẫn nêu ra. Thành ngữ “Ơn Lôi Cuốn” (Grace d’attrait) phát nguồn từ Trường Phái Linh Đạo Pháp và được cha thánh E-ma đưa vào linh đạo của ngài.
Quan sát đời sống của các thánh, chúng ta có thể đưa ra nhiều thí dụ cụ thể, chẳng hạn: thánh Phao-lô được lôi cuốn bởi sự Thương Khó của Chúa Ki-tô và mầu nhiệm thập giá. Thánh Phan-xi-cô khó khăn thì bị “Bà Nghèo Khó” (tức đời sống khó nghèo) lôi cuốn. Thánh Ca-ta-ri-na thành Xi-en-na bị lôi cuốn bởi Thánh Thể và mầu nhiệm về Giáo Hội. Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô E-ma bị lôi cuốn bởi Thánh Thể và sự Hiện Diện Thực của Chúa Giê-su trong Thánh Thể.
Đối với mỗi cá nhân, ơn lôi cuốn chính là chìa khóa, là cửa ngõ dẫn vào Tin Mừng, và theo bản chất thì tài năng thiêng liêng này không những đem lại cho ta niềm vui, nguồn năng lực và phấn khởi để thực hiện những công cuộc của Chúa, mà còn soi sáng và giúp ta nhận biết ý nghĩa đích thực của mọi sự.
5- PHƯƠNG THỨC THỰC HÀNH KHỔ CHẾ
(Ascetical and Practical means)
Thêm vào những lãnh vực thần học của linh đạo, chúng ta có thể khảo sát thêm về những phương thế và cách thực hành khổ chế. Đó cũng là một trong những yếu tố cấu tạo nên một linh đạo.
Vậy yếu tố khổ chế nào thuộc linh đạo của bạn?:
- Nhịp điệu của đời sống bạn thế nào?
- Chương trình sống của bạn ra sao?
- Những kinh nguyện nào bạn ưa thích và thường xuyên thực hành: lần chuỗi? Đi chặng đàng Thánh Giá? Hay những mẫu kinh cầu nguyện nào?
- Những sinh hoạt khác như: chay tịnh, phục vụ người khác? sống thầm lặng? Cô tịch?
- Việc thực hành các lời khấn: khó nghèo, độc thân và tuân phục ra sao?
Những yếu tố thuộc khổ chế là những phương thế giúp cho linh đạo của một người được vững mạnh. Tất nhiên những yếu tố khổ chế luôn hiện diện nơi bất cứ cuộc sống thiêng liêng nào được coi là quân bình. Tuy nhiên, trong một linh đạo thì yếu tố khổ chế này có thể trổi vượt hơn yếu tố khổ chế khác. Chính vì thế mà linh đạo của mỗi người, cũng như của mỗi cộng đoàn đều khác nhau và đều có một sắc thái đặc thù. Đối các cộng đoàn tu sỹ, những yếu tố khổ chế luôn được bao hàm trong luật sống của mỗi dòng tu và tạo thành đặc điểm cá biệt của mỗi dòng, cũng như mỗi thành phần của dòng ấy. Không có gì giống nhau, tất cả đều khác biệt nhau.
6- ĐỜI SỐNG
Hiển nhiên là những quan điểm khác nhau trên đây, thoạt đầu có thể làm ta boi rối không biết phải chọn lựa đường lối nào. Tuy nhiên, với thời gian và nhờ đời sống cầu nguyện, cũng như nhờ ơn Chúa, chúng ta sẽ nhận ra đường lối mà Thiên Chúa lôi kéo ta đến với Ngài. Đường lối ấy cũng giúp ta nhận ra sự phát triển về linh đạo riêng của ta, giúp ta cảm thấy tự tín và bình an khi theo đuổi con đường ấy, giúp ta cộng tác với ơn Chúa.
Đối với các tu sỹ, linh đạo đặc biệt của Dòng, cũng như những thực hành do luật sống qui định, đó là những yếu tố cấu tạo nên linh đạo chung của các tu sỹ dòng ấy. Nhưng ngoài những đặc sủng chung và những gì phù hợp với đặc sủng ấy, còn có những lôi cuốn và ơn huệ riêng cấu tạo nên linh đạo đặc biệt riêng của mỗi cá nhân.
Chính vì quan điểm này, mà chúng ta phải tôn trọng hành trình thiêng liêng của những người khac. Các ân huệ của Chúa gồm nhiều loại khác nhau như các vì tinh tú trên bầu trời. Tất cả đều là ân huệ của Chúa, và chính nơi ân huệ ấy, chúng ta có thể tìm được lời sáng tạo đem lại sức sống và hướng dẫn ta tìm về với Đấng Tạo Hóa.
7- ẢNH HƯỞNG CỦA VĂN HÓA
Nếu không nhìn nhận rằng, văn hóa và thời điểm ta sinh ra đóng một vai trò quan trọng trong linh đạo của ta, thì quả là một lầm lẫn và thiếu sót lớn. Những kinh nghiệm, những ước vọng và những đáp ứng của ta luôn bị ảnh hưởng không nhiều thì ít bởi văn hóa của ta.
Về văn hóa, tuy có những chiều kích tích cực, nhưng cũng có những giới hạn và méo mó của nó. Tôi xin để các bạn tự đưa ra những thí dụ về khẳng định này. Đối với tôi, tôi chỉ có thể nói về nền văn hóa và lịch sử riêng của tôi mà thôi. Điều quan trọng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là, không phải mọi nền văn hóa đều thuộc về Thiên Chúa. Vậy đâu là phần thuộc về Thiên Chúa, và đâu là phần không thuộc về Ngài?
Đối với thánh Phê-rô Giu-li-a-nô cũng vậy, với cố gắng đào sâu đời sống của ngài, ta sẽ nhận ra và sẽ được phong phú hơn nhờ những giá trị của Hội Thánh và xã hội ngài sống, đồng thời cũng nhận ra những giới hạn của thời kỳ này.
8- PHÁI TÍNH
Theo văn hóa thời Chúa Giê-su thì phụ nữ không có một giá trị nào. Chúa Giê-su đã phá đổ bức tường ngăn cách ấy: Người đã thiết lập một cộng đoàn các môn đệ bình đẳng, chấp nhận các phụ nữ làm môn đệ. Sau khi Chúa về trời, các phụ nữ trong cộng đoàn ki-tô hữu sơ khai được phép thi hành những tác vụ theo ân sủng của mình.
Lúc này hơn bao giờ hết, nhất là ở xã hội Âu Mỹ, địa vị của phụ nữ trong xã hội và trong Hội Thánh đang là một đề tài tranh luận sôi bỏng. Về lãnh vực linh đạo, phái tính cũng đóng một vai trò quan trọng và là một trong những yếu tố cấu tạo của linh đạo. Tuy nhiên, về vấn đề này, chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác để khỏi rơi vào thuyết nhị nguyên là quá chú trọng đến những khía cạnh khác biệt và đối nghịch giữa hai phái nam và nữ. Sự hòa hợp nơi con người đòi hỏi một ý thức lành mạnh đối với con người toàn diện nơi nam giới cũng như nơi nữ giới. Nam giới có những đặc điểm riêng của mình như: sức mạnh, dứt khoát, đại đồng. Nữ giới cũng có những đặc điểm riêng, như: trực giác mạnh, tương trợ, liên đới với người khác và tạo vật. Chúng ta được mời gọi để chấp nhận một nhãn giới mới của ki-tô giáo, đó là tình trạng viên mãn của Chúa Giê-su Phục Sinh, nơi Người không còn là nam hay nữ, nô lệ hay tự do, cũng không còn sự phân biệt chủng tộc, mà chỉ là Chúa Ki-tô.
Nói tóm lại, là con người, linh đạo của chúng ta bị ảnh hưởng bởi phái tính. Phủ nhận yếu tố đó là phủ nhận chương trình an bài của Thiên Chúa. Nhìn nhận và chấp nhận những đặc điểm riêng của phái tính, đó là thái độ quân bình và chính đáng.
Lm. Dominic Thuần, SSS