PHẦN II
CƠ CẤU CỦA THÁNH LỄ
CƠ CẤU ĐẠI CƯƠNG
97- Cơ cấu của Thánh Lễ gồm những thành phần nào?
Cơ cấu của Thánh Lễ gồm những phần đại cương sau đây:
a- Nghi Thức Khởi Đầu.
b- Phụng vụ Lời Chúa.
c- Phụng vụ Thánh Thể.
d- Nghi Thức Kết Thúc.
CHƯƠNG 10
NGHI THỨC KHỞI ĐẦU
98- Ý nghĩa và mục đích của Nghi Thức Khởi Đầu là gì?
Nghi Thức Khởi Đầu Thánh Lễ nhằm mục đích chuẩn bị tâm hồn các tín hữu để tham dự vào cuộc cử hành Thánh Thể.
99- Nghi Thức Khởi Đầu Thánh Lễ chuẩn bị tâm hồn các tín hữu thế nào?
a- Trước hết, Nghi Thức này nhấn mạnh đến:
- Lòng nhân hậu, quảng đại và tình thương bao la của Vua trên trời, Đấng mời gọi các thần dân đến tham dự Tiệc Cưới của Con Một Ngài.
- Lòng thương xót và ưu ái của Cha nhân từ mời gọi đoàn con cái về sum họp để chia sẻ tình thương, niềm vui, nỗi buồn và sự nâng đỡ lẫn nhau trong Nhà Ngài.
b- Nghi Thức này cũng nhấn mạnh đến thái độ, mà đoàn con cái phải đáp lại lời mời gọi của Cha nhân từ, nghĩa là phải mau mắn và nô nức tiến về Nhà Cha, hiệp nhất một lòng một ý với nhau, và chung nhau lời ca tiếng hát để ca tụng lòng từ bi nhân hậu, vinh quang, quyền năng và mọi kỳ công của Ngài.
Tóm lại, Nghi Thức Khởi Đầu nhấn mạnh đến:
- Niềm hân hoan của các con cái tiến về nhà Cha, theo lời mời gọi của Ngài, để được ủi an nâng đỡ và được tham dự vào tình thương âu yếm của Ngài.
- Hiệp nhất một lòng một ý với nhau để ca tụng tình thương, lòng nhân hậu và mọi kỳ công của Cha trên trời.
100- Nghi Thức Khởi Đầu Thánh Lễ gồm những thành phần nào?
Hiện nay Nghi Thức Khởi Đầu Thánh Lễ gồm các phần từ “Rước vào Lễ” cho đến hết “Lời Nguyện Mở Đầu”. Như vậy Nghi Thức Khởi Đầu gồm các thành phần:
1- Rước vào Lễ.
2- Ca Nhập Lễ.
3- Cử chỉ đầu tiên.
4- Dấu Thánh Giá.
5- Lời chào.
6- Nghi Thức Thống Hối.
7- Kinh Vinh Danh.
8- Lời Nguyện Mở Đầu.
101- Ý nghĩa và mục đích của nghi thức “Rước vào Lễ” là gì?
Trước hết, đây không phải là cuộc rước vị chủ tế vào dâng Lễ, nhưng là một hình thức biểu lộ sự nô nức của đoàn con, đáp lại lời mời gọi của Cha nhân lành, tiến về nhà Cha để lắng nghe Lời Ngài ủi an, dạy dỗ, và để cử hành Thánh Thể. Cuộc rước này là đại diện hay tiêu biểu cho cộng đoàn tiến vào dâng lễ.
Cuộc rước này cũng nhắc nhở và mời gọi mọi người nhìn nhận nhau là những anh chị em, những người con của cùng một Cha trên trời, bất chấp tình trạng của họ ra sao.
102- Ý nghĩa và mục đích của “Ca Nhập Lễ” là gì?
Ý nghĩa và mục đích của Ca Nhập Lễ là làm tăng vẻ long trọng của cuộc cử hành, đồng thời biểu lộ sự hiệp nhất giữa các tín hữu trong cộng đoàn.
103- “Cử chỉ đầu tiên” của vị chủ tế là gì?
Cử chỉ đầu tiên của vị chủ tế khi tới cung thánh là tôn kính bàn thờ, bằng cách cúi mình hoặc bái gối, rồi tiến lên hôn bàn thờ.
104- Ý nghĩa và mục đích của “Cử chỉ đầu tiên” là gì?
Bàn thờ tượng trưng cho Chúa Ki-tô hiện diện giữa cộng đoàn. Tôn kính bàn thờ là cử chỉ biểu lộ thái độ cung kính, tôn thờ và yêu mến của vị chủ tế đối với Chúa Ki-tô. Linh mục sắp chủ tọa cuộc cử hành phụng vụ, nhưng tiên vàn, trước mặt toàn thể cộng đoàn, và qua cử chỉ hôn kính bàn thờ, ngài muốn biểu lộ lòng tôn thờ và yêu mến của ngài đối với Chúa Ki-tô, Đấng làm cho tâm hồn ngài say mê và hoan lạc.
105- Ý nghĩa và mục đích của “Dấu Thánh Giá” là gì?
Dấu Thánh Giá ở đây nhắc nhở giáo dân về mối dây liên kết họ lại với nhau, đó là Phép Rửa nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Giờ đây, nhân danh cộng đoàn ấy, họ cùng nhau cử hành lễ tế tôn thờ Thiên Chúa.
106- Ý nghĩa và mục đích của “Lời Chào” là gì?
Lời chào đầu lễ của vị chủ tế nói lên niềm xác tín vào sự hiện diện của Chúa Ki-tô nơi cộng đoàn.
107- Ý nghĩa và mục đích của “Nghi Thức Thống Hối” là gì?
Nghi Thức Thống Hối nhắc nhở cộng đoàn về tình trạng bất xứng của mình, và lượng từ bi hải hà của Chúa. Nghi Thức này tuy nhắc nhở đến tình trạng bất xứng của mỗi người, nhưng trọng tâm mà Nghi Thức nhắm tới là lòng từ bi thương xót và ơn tha thứ của Chúa, và từ đó phát xuất ra lời ca tụng lượng hải hà của Ngài.
108- Ý nghĩa và mục đích của “Kinh Vinh Danh” là gì?
Trong công cuộc Sáng Tạo và Cứu Độ, Thiên Chúa đã tỏ mình ra trong quyền năng vô biên và vinh quang huy hoàng, khiến mọi loài phải khâm phục tôn thờ.
Kinh Vinh Danh là một khúc ca hoan lạc của cộng đoàn dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi, để tôn thờ Ngài, để chúc tụng quyền năng và vinh quang vô biên của Ngài, và để cao rao lòng từ bi nhân hậu và tình thương bao la của Ngài đối với muôn loài.
109- Ý nghĩa và mục đích của “Lời Nguyện Mở Đầu” là gì?
Cuộc sống của Hội Thánh, cũng như của nhân loại, có những nhu cầu đặc biệt tùy theo mỗi hoàn cảnh. Toàn thể Hội Thánh ngày ngày không ngớt cầu xin cho những nhu cầu đặc biệt của mỗi hoàn cảnh. Lời Nguyện Mở Đầu tổng hợp tất cả mọi ý nguyện của các tín hữu lại trong một lời nguyện duy nhất, để dâng lên Thiên Chúa. Vì thế Lời Nguyện Mở Đầu cũng được gọi là Lời Tổng Nguyện (Collect).
Có thể so sánh Lời Nguyện Mở Đầu như lời đáp lại lời thăm hỏi của Cha nhân từ, hỏi han các con cái từ khắp nơi qui tụ về, và các con cái bộc lộ những hoàn cảnh và nhu cầu của mình với Cha nhân từ, Đấng hằng quan tâm đến cuộc sống an sinh của mọi con cái Ngài.