Chương 13 - Phụng Vụ Thánh Thể Chuẩn Bị Lễ Vật

CHƯƠNG 13
PHỤNG VỤ THÁNH THỂ
CHUẨN BỊ LỄ VẬT

I- ĐẠI CƯƠNG VỀ
NGHI THỨC CHUẨN BỊ LỄ VẬT

 

128- Nghi Thức Chuẩn Bị Lễ Vật gồm những thành phần cấu tạo nào?

          Nghi Thức Chuẩn Bị Lễ Vật gồm những thành phần cấu tạo sau đây:

          1- Chuẩn bị bàn thờ.

          2- Rước của lễ.

          3- Lời nguyện trên bánh rượu.

          4- Pha nước vào rượu.

          5- Lời nguyện của linh mục.

          6- Xông hương.

          7- Rửa tay.

          8- Lời nguyện trên lễ vật.

          Trong các nghi thức ấy, hai nghi thức chính và cốt yếu là:

          a- Rước của lễ với bài Ca Dâng Lễ.

          b- Lời Nguyện trên lễ vật.

II- CHUẨN BỊ BÀN THỜ

129- “Chuẩn bị bàn thờ” gồm những động tác nào?

          Chuẩn bị bàn thờ gồm hai động tác chính là:dọn bàn thờsửa soạn lễ vật.

a- Dọn bàn thờ: Qui Chế Tổng Quát của Sách Lễ Rô-ma qui định: “Trước hết phải sửa soạn bàn thờ, đó là Bàn An của Chúa và là trung tâm của toàn thể cuộc cử hành Phụng Vụ Thánh Thể: Khăn thánh, khăn lau chén, sách lễ và chén lễ được mang lên đặt trên bàn thờ”[1].

Như vậy, trước khi cử hành Phụng Vụ Thánh Thể, trên bàn thờ chỉ có nến và Sách Tin Mừng (nếu có). Chỉ sau Lời Nguyện Giáo Dân, phó tế hoặc người giúp lễ mới trải khăn thánh, và đem lên bàn thờ khăn lau chén, chén lễ và sách lễ.

          b- Chuẩn bị lễ vật gồm các việc sửa soạn bánh rượu và quyên tiền. Trong khi chờ đợi quyên tiền, linh mục cũng như giáo dân âm thầm chuẩn bị tâm hồn, đồng hóa toàn thể cuộc sống của mình với lễ vật, để sau đó, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, lễ vật và toàn thể cuộc sống ta được biến thành Thánh Thể, Lễ Vật cao quí đẹp lòng Thiên Chúa.

III- RƯỚC CỦA LỄ VÀ CA DÂNG LE

130- Phải cử hành nghi thức “Rước Của Lễ” thế nào?

          Rước Của Lễ là một trong hai động tác chính của phần Chuẩn Bị Lễ Vật. Vì thế, phải cố gắng làm nổi bật ý nghĩa của động tác này bằng cách tổ chức cuộc rước thật long trọng và trang nghiêm. Bài Ca Dâng Lễ chỉ nên hát khi cuộc rước bắt đầu.

131- Ý nghĩa nghi thức “Dâng Bánh Rượu” là gì?

          Bánh rượu tượng trưng cho những lao công của con người, đồng thời cũng là những yếu tố nuôi sống con người và đem lại niềm vui cho con người. Vì thế, bánh rượu tượng trưng cho toàn thể cuộc sống của con người, được tiến dâng lên Thiên Chúa sau khi trở thành Thánh Thể.

IV- LỜI NGUYỆN TRÊN BÁNH RƯỢU

132- Ý nghĩa của “Lời Nguyện Trên Bánh Rượu” là gì?

          Những lời nguyện trên bánh và rượu phát nguồn từ lời chúc tụng của Do Thái, khi người gia trưởng cầm bánh và rượu, rồi đọc lời chúc tụng trong bữa ăn. Như vậy, những lời nguyện này là lời chúc tụng sự thánh thiện và lòng nhân hậu của Thiên Chúa, Đấng dựng nên vạn vật và cho ta được cộng tác với Ngài trong công cuộc sáng tạo.

V- HÒA NƯỚC VÀO RƯỢU

133- Ý nghĩa của nghi thức “hòa nước vào rượu” là gì?

          Hòa một chút nước vào rượu là một thói quen của các dân miền Hi Lạp và Pa-les-tin, để làm giảm bớt nồng độ của rượu.

          Ý nghĩa của động tác này trong phụng vụ không đồng nhất:

          - Giáo Hội Đông Phương coi cử chỉ này là tượng trưng cho sự kết hiệp giữa hai bản tính Thiên Chúa và nhân loại nơi Chúa Ki-tô.

          - Giáo Hội Tây Phương thì coi cử chỉ này là tượng trưng cho sự kết hiệp giữa Chúa Ki-tô và dân Người[2].

VI- LỜI NGUYỆN CỦA LINH MỤC

134- Ý nghĩa “lời nguyện của linh mục” là gì?

          Sau lời nguyện trên chén, linh mục cúi mình đọc thầm: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin nhận lấy con đang hết lòng khiêm nhường thối hối. . .”. Đây là lời nguyện tạ lỗi trong Thánh Lễ ở thời Trung Cổ, trong đó linh mục nhìn nhận tình trạng tội lỗi và bất xứng của mình, và cầu xin ơn tha thứ.

VII- XÔNG HƯƠNG

135- Ý nghĩa nghi thức xông hương là gì?

          Nghi thức xông hương ở đây là một trong những nghi thức lâu đời nhất trong Thánh Lễ Rô-ma. Nghi thức này tượng trưng cho tinh thần cầu nguyện tỏa bay lên trước tôn nhân Thiên Chúa, cùng với Lễ Vật sẽ được tiến dâng lên trong Lời Nguyện Thánh Thể.

VIII- RỬA TAY

136- Ý nghĩa nghi thức rửa tay là gì?

          Ban đầu, nghi thức này là do nhu cầu đòi hỏi, vì vào thời Giáo Hội sơ khai, các tín hữu đem lễ vật đến để dâng lễ, thì không những họ chỉ đem bánh và rượu, mà còn mang cả hoa trái và các nông sản khác nữa. Vì thế, sau khi nhận các lễ vật này, linh mục rửa tay trước khi tế lễ, đó là một nhu cầu cần thiết.

          Sau đó người ta chỉ dâng bánh và rượu, thì cử chỉ này mặc lấy một ý nghĩa thiêng liêng khác, đó là động tác tượng trưng cho việc thanh tẩy tâm hồn.

IX- LỜI NGUYỆN TRÊN LỄ VẬT

147- Ý nghĩa của “Lời Nguyện Trên Lễ Vật” là gì?

          Ý nghĩa của “Lời Nguyện Trên Lễ Vật” là cầu xin Thiên Chúa chấp nhận những lễ vật Hội Thánh dâng lên và biến chúng thành những hoa trái thiêng liêng, đồng thời cho dân chúng được liên kết và đồng hóa với những lễ vật ấy.


 [1] Qui Chế Tổng Quát, #49

[2]- “Nếu người ta chỉ dâng rượu thì Máu Chúa Ki-tô sẽ không bao gồm chúng ta. Nếu người ta chỉ dâng nước, thì có dân chúng, mà không có Chúa Ki-tô” (Thánh Xy-pri-a-nô thành Cac-ta (Cartage): Epist. LXIII, Ad Caeccilium, CSEL, III, 711).


          


 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.