Chương 16 - Phụng Vụ Thánh Thể Đại Cương Về Hiệp Lễ

CHƯƠNG 16
PHỤNG VỤ THÁNH THỂ
ĐẠI CƯƠNG VỀ HIỆP LỄ

 

156- Nghi thức Hiệp Lễ được cấu tạo thế nào?

          Vào thời sơ khai của Hội Thánh, sau khi kết thúc Kinh Nguyện Thánh Thể, chủ tế lập tức bẻ bánh và phân phát ngay cho các tín hữu.

          Dần dần người ta thêm vào nghi thức đơn sơ này những bài ca và các cử chỉ khác, nhằm mục đích giúp các tín hữu chuẩn bị tâm hồn cách sốt sáng hơn để lãnh nhận Thánh Thể.

Ngày nay, Nghi Thức Hiệp Lễ gồm ba phần chính sau:
a- Chuẩn bị rước lễ.
b- Cho rước lễ.
c- Kết thúc.

I- CHUẨN BỊ RƯỚC LỄ

157- Chuẩn bị rước lễ gồm những thành phần nào?

Chuẩn bị rước lễ gồm những thành phần sau đây:
(1)- Kinh Lạy Cha cùng với kinh Em-bô-lis-ma.
(2)- Chúc bình an.
(3)- Bẻ bánh.
(4)- Kinh Chiên Thiên Chúa.
(5)- Bỏ miếng bánh nhỏ vào chén.
(6)- Chuẩn bị riêng.
(7)- Mời gọi rước lễ.

  • Kinh Lạy Cha

158- Tại sao Kinh Lạy Cha lại được đưa vào Nghi Thức Chuẩn Bị Rước Le?

          Từ khoảng thế kỷ thứ 4, Kinh Lạy Cha được đưa vào Phụng Vụ Rô-ma để chuẩn bị rước lễ vì ba lý do chính sau đây:

          a- Trước hết, trong kinh này có lời cầu xin Chúa ban “lương thực hằng ngày”. Lương thực này không nguyên ám chỉ các nhu cầu vật chất, mà còn ám chỉ cả lương thực thần linh là Thánh Thể, dấu chỉ tượng trưng cho Bữa Tiệc Cánh Chung trong Nước Thiên Chúa.

          b- Trong Kinh Lạy Cha cũng có lời cầu xin ơn tha tội, vì thế kinh này quả thực thích hợp để chuẩn bị tâm hồn ta tham dự vào Tiệc Thánh.

          c- Sau cùng, Kinh Lạy Cha còn có lời mời gọi tín hữu tha thứ cho nhau và giao hòa với nhau, đó vừa là điều kiện, vừa là hiệu quả của việc tham dự vào Thánh Thể.

159- Đi kèm theo Kinh Lạy Cha là những kinh nào?

          Đi kèm theo Kinh Lạy Cha, là lời mời gọi khởi đầu, tiếp theo là Kinh Em-bô-lis-ma, rồi đến lời tung hô.

          a- Lời mời gọi khởi đầu Kinh Lạy Cha có thể do chủ tế sáng tác, nhưng phải hết sức ngắn gọn, đơn sơ và hợp với chủ đề của Thánh Lễ.

          b- Kinh Lạy Cha được coi là “lời nguyện của các con cái”, nên kinh này là lời nguyện chung của cộng đoàn và phải do toàn thể cộng đoàn cùng hát, hay cùng đọc.

          c- Em-bô-lis-ma là một từ Hi Lạp có nghĩa là “miếng vá vào”. Kinh này nối tiếp và quảng diễn lời cầu xin cuối cùng của Kinh Lạy Cha: “nhưng cứu chúng con cho khỏi sưp dữ”, để cầu xin ơn bình an cho những ngày đang sống và để biểu lộ niềm hi vọng hồng phúc về ngày Chúa đến trong vinh quang.

          d- Lời tung hô kết thúc “Vì Chúa là Vua, là Chúa quyền năng, là Đấng vinh hiển muôn đời”. Theo nguồn gốc, lời tung hô này được thêm vào ngay sau Kinh Lạy Cha để tránh lời “kết thúc dữ”[1].

B- Chúc bình an

160- Tại sao nghi thức “chúc bình an” lại được dùng để chuẩn bị rước lễ?

          Chúc bình an là một cử chỉ rất thích hợp để chuẩn bị rước lễ, vì đó là dấu chỉ biểu lộ sự giao hòa với Thiên Chúa và với tha nhân, đồng thời cũng nói lên hiệu quả của Thánh Thể là sự hiệp nhất mọi người nên một nhờ tham dự vào cùng một bánh và một chén.

C- Bẻ Bánh

161- Tại sao nghi thức “Bẻ Bánh” lại được dùng để chuẩn bị rước lễ?

          “Bẻ Bánh” không những là một nghi thức cổ kính nhất để chuẩn bị rước lễ, nhưng còn là một cử chỉ tượng trưng đầy ý nghĩa, mà Thánh Thể đòi hỏi nơi các tín hữu.

          Quả thực, ý nghĩa trước hết của cử chỉ này là mời gọi các tín hữu hiệp nhất với nhau như Thánh Phao-lô quả quyết: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào và Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng cũng chỉ là một thân thể”[2].

          Nói cách khác, mỗi tín hữu được coi như một miếng bánh nhỏ được bẻ ra từ một tấm bánh duy nhất.

          Cử chỉ bẻ bánh còn có một tầm quan trọng đặc biệt khác nữa, là lặp lại chính cử chỉ của Chúa Giê-su đã thực hiện xưa tại Bữa Tiệc Ly và Người truyền cho ta lặp lại để nhớ đến Người. Vì thế, vào thời sơ khai của Hội Thánh, từ “bẻ bánh” cũng đồng nghĩa với “cử hành Thánh Thể[3].

Phụng vụ cũng rất mong muốn động tác bẻ bánh được thực hiện như một động tác bẻ bánh thực sự[4]. Vì thế, bánh lễ nên có hình thức của một tấm bánh thực để nghi thức này được diễn ra như một cử chỉ bẻ bánh thực.

D- Kinh “Chiên Thiên Chúa

162- Kinh “Chiên Thiên Chúa” giúp ta chuẩn bị rước lễ thế nào?

          Kinh “Chiên Thiên Chúa” phát xuất từ nghi lễ Xi-ri-a[5] và được đưa vào Nghi Lễ Rô-ma từ thế kỷ thứ 7, với chỉ thị của Đức Giáo Hoàng Sec-gi-ô như sau: “Trong khi bẻ Mình Thánh Chúa, giáo sỹ và giáo dân hát Kinh Chiên Thiên Chúa”. Như vậy, công dụng của kinh này chỉ là để đi kèm với hành động bẻ bánh, nghĩa là để điền vào khoảng trống thinh lặng trong khi bẻ bánh mà thôi.

          Khi những bánh lễ nhỏ được xử dụng, thời gian bẻ bánh không còn kéo dài nữa, thì công dụng của kinh “Chiên Thiên Chúa” cũng thay đổi và được coi là kinh để chuẩn bị rước lễ.

          Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã phục hồi đặc tính nguyên thủy của kinh này, đó là hình thức “kinh cầu[6] được đọc hay hát trong khi bẻ bánh. Vì thế, có thể đọc hay hát nhiều lần, chứ không nhất thiết phải ba lần.

          Ngoài ra, cũng nên đọc hay hát kinh này theo hình thức kinh cầu, nghĩa là một người hay ca đoàn đọc hoặc hát: “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”, rồi toàn thể cộng đoàn đáp: “Xin thương xót chúng con”.

E- Bỏ miếng bánh nhỏ vào chén

163- Cử chỉ “bỏ miếng bánh nhỏ vào chén” có ý nghĩa gì?

          Ý nghĩa và nguồn gốc nghi thức bỏ miếng bánh nhỏ vào chén không rõ rệt:

- Có người cho rằng, ngày xưa một số giáo dân ở Rô-ma không thể đến dự lễ do Đức Giáo Hoàng cử hành được, nên người ta lấy một miếng bánh nhỏ đã được truyền phép trong lễ của Đức Giáo Hoàng, rồi đem đến các nhà thờ nơi linh mục cử hành Thánh Lễ và bỏ miếng bánh nhỏ ấy vào chén trước khi rước lễ để nói lên sự hiệp thông giữa vị thủ lãnh Hội Thánh và các tín hữu.

- Một số khác cho rằng, cử chỉ này phát sinh từ thói quen lưu trữ một số Bánh Thánh đã được truyền phép để làm Của Ăn Đàng cho các bệnh nhân. Khi những bánh này còn dư lại thì các linh mục chịu lấy. Nhưng đôi khi bách trở nên khô cứng, nên linh mục phải hòa vào rượu đã được truyền phép để bánh mềm ra trước khi chịu.

          - Cũng có người cho rằng, nghi thức này phát xuất từ Lễ Nghi Xi-ri-a (Syria) và tượng trưng cho sự phục sinh của Chúa Ki-tô. Vì nghi thức truyền phép bánh và rượu riêng biệt, điều đó tượng trưng cho sự chết, tức sự tách biệt giữa máu và thân xác. Nhưng rước lễ là rước Chúa Phục Sinh, vì thế Máu và Thân Xác Người phải kết hiệp với nhau. Cử chỉ bỏ miếng bánh nhỏ vào chén tượng trưng cho sự kết hiệp giữa thân xác và máu, tức sự Phục Sinh của Chúa Ki-tô.

          Sách Lễ Rô-ma không có một lời giải thích nào về cử chỉ này và lý do cử chỉ này được giữ lại trong phụng vụ có lẽ chỉ vì để tôn trọng một thói quen cổ kính mà thôi. Vì thế, ý nghĩa và tầm quan trọng của cử chỉ này không có gì đáng kể lắm.

F- Chuẩn bị riêng

164- Chuẩn bị riêng để rước lễ là gì?

          Sau Kinh “Chiên Thiên Chúa”, linh mục đọc những lời nguyện riêng để chuẩn bị rước lễ. Đây là những lời nguyện riêng, nên linh mục phải đọc thầm.

          Giáo dân cũng chuẩn bị rước lễ bằng những lời nguyện riêng của mình.

G- Mời gọi rước lễ

165- Ý nghĩa “Lời Mời Gọi Rước Lễ” là gì?

          Sau lời nguyện chuẩn bị riêng, linh mục nâng Mình Thánh lên và mời gọi giáo dân đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa. Giáo dân đáp: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự đến cùng con…”.

          Lời Mời Gọi Rước Lễ nhắc nhở ta về đặc ân cao cả Chúa dành cho ta. Còn câu đáp thì nhìn nhận tình trạng bất xứng của ta, đồng thời cũng biểu lộ niềm tin tưởng vào quyền năng biến đổi và lòng thương xót của Chúa.

II- CHO RƯỚC LỄ

166- Nghi thức rước lễ gồm những thành phần nào?

Nghi thức rước lễ gồm những thành phần sau đây:
(1)- Rước lễ.
(2)- Ca Hiệp Lễ.

A- Rước lễ

167- Cử chỉ “Trao Mình Thánh” có ý nghĩa gì?

          Tại Bữa Tiệc Ly, sau khi truyền phép, Chúa Giê-su bẻ bánh, rồi phân phát cho các môn đệ. Trao Mình Thánh là cử chỉ đáp lại lệnh truyền của Chúa: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”[7].

          Ngoài ra, Trao Mình Thánh cũng là cử chỉ tượng trưng cho tinh thần phục vu được thể hiện nơi Bí Tích Thánh Thể[8].

168- Rước lễ dưới hai hình thức có ý nghĩa gì?

          Rước lễ dưới hai hình thức là một thói quen lâu đời trong Hội Thánh. Nhưng từ thế kỷ thứ 13 trở đi, để tránh những lạm dụng, nên thói quen này đã dần dần biến đi.

Ngày nay Hội Thánh rất khuyến khích hình thức rước lễ này[9]. Vì trong Bữa Tiệc Ly, không những Chúa phán: “hãy cầm lấy mà ăn”, Người còn truyền: “hãy nhận lấy mà uống” nữa.

Hơn nữa, Thánh Lễ là một bữa tiệc, nên phải ănuống mới làm nổi bật được ý nghĩa của bữa tiệc.

Sau cùng, Chén cũng là dấu chỉ của Giao Ước Mới[10], là bảo chứng và khát vọng về Bữa Tiệc Thiên Quốc[11], và là dấu chỉ sự hiệp nhất với những đau khổ của Chúa Ki-tô[12]. Vì thế, khi rước Máu Thánh, chúng ta biểu lộ được những đặc điểm trên của Thánh Thể.

          Như vậy, rước lễ dưới hai hình thức biểu lộ đầy đủ hơn ý nghĩa của dấu chỉ bí tích. Tuy nhiên, điều cốt yếu và quan trọng không phải chỉ là chịu lấy một chút rượu mà thôi, nhưng là phải làm nổi bật ý nghĩa của Bí Tích bằng cách biểu lộ niềm khát vọng về Bữa Tiệc đời đời, quyết tâm dấn thân cho Giao Ước Mới và hiệp thông với những đau khổ của Chúa Ki-tô[13].

          Tuy nhiên, vì nhiều vấn đề phức tạp của địa phương, nên Tòa Thánh đã dành quyền quyết định về vấn đề này cho Hội Đồng Giám Mục địa phương.

169- Lời thưa “Amen” trước khi chịu Mình hoặc Máu Thánh có ý nghĩa gì?

          Khi trao Mình hoặc Máu Thánh, thừa tác viên nói: “Mình Thánh Chúa Ki-tô”, hoặc “Máu Thánh Chúa Ki-tô”, và người rước lễ thưa: “Amen”. Lời thưa này là một lời tuyên xưng đức tin có nghĩa là “quả thực như vậy”, vì thế có người thay vì thưa “Amen”, thì đáp: “Con tin”.

B- Ca Hiệp Lễ

170- Ý nghĩa của Ca Hiệp Lễ là gì?

          Ca Hiệp Lễ nhằm mục đích biểu lộ niềm vui nơi tâm hồn và sự hiệp nhất thiêng liêng giữa những người tham dự vào cùng một bánh và một chén[14].

III- KẾT THÚC

171- Nghi thức kết thúc Hiệp Lễ gồm những cử chỉ nào?

Nghi thức kết thúc Hiệp Lễ gồm hai cử chỉ sau:
(1)- Cầu nguyện âm thầm.
(2)- Lời Nguyện Hiệp Lễ.

A- Cầu nguyện âm thầm

172- Cầu nguyện âm thầm sau rước lễ có ý nghĩa gì?

          Sau rước lễ, nên dành ít phút thinh lặng để cầu nguyện âm thầm. Khoảng thời gian này cống hiến ta cơ hội để cảm tạ Chúa, nhất là để suy gẫm về quyền năng mà Chúa Ki-tô biến đổi ta thành những tạo vật mới của Người và về trách nhiệm tiếp tục biến đổi thế giới mà Người ủy thác cho ta.

B- Lời Nguyện Hiệp Lễ

173- Mục đích và ý nghĩa của “Lời Nguyện Hiệp Lễ” là gì?

          Lời Nguyện Hiệp Lễ kết thúc nghi thức rước lễ, đồng thời cũng kết thúc phần Phụng Vụ Thánh Thể. Lời nguyện này nhắc nhở ta về những ơn huệ của Nhiệm Tích Thánh Thể và cầu xin cho cuộc cử hành Hi Lễ Tạ Ơn mang lại nhiều hoa trái tốt đẹp và phong phú cho đời sống ki-tô hữu.

          Vì là một thành phần của Nghi Thức Rước Lễ và của Phụng Vụ Thánh Thể, nên không được đọc thông cáo trước Lời Nguyện Hiệp Lễ này, để khỏi làm gián đoạn tính cách duy nhất của nghi thức phụng vụ bằng một hành vi không thuộc về phụng vụ[15].


 

[1] Diabolical finale

[2] 1Cr.10:16-17

[3] Cv.2:42

[4] Qui Chế Tổng Quát, #283

[5] Syria

[6] Litanic

[7] Lc.22:19

[8] Tại nhiều nơi, vì số giáo dân rước lễ đông, nên các thừa tác viên cho rước lễ nhiều khi trao Mình Thánh Chúa cách máy móc, vội vàng và thiếu trang nghiêm, tôn kính. Giáo Hội hiện nay đã cho phép giáo dân được cho rước lễ. Thiết tưởng các vị chủ chiên nên xử dụng đặc ân này và ban quyền thừa tác cho nhiều người xứng hợp, để cuộc cử hành Thánh Thể không kéo dài quá đáng, đồng thời để nói lên phẩm giá của người tín hữu, mời gọi và khích lệ họ tích cực tham gia vào công cuộc phục vụ cộng đồng, nhất là qua tác vụ trao Mình Thánh Chúa.

[9] Qui Chế Tổng Quát, #240

[10] Lc.22:20

[11] Mc.26:29

[12] Mc.10:38-39

[13] Để hiểu rỗ hơn ý nghĩa của việc rước Máu Thánh, nên đọc cuốn “Can you drink the cup?” của L.m. Henri Nowen, 1996.

[14] Qui Chế Tổng Quát, #56

[15] Qui Chế Tổng Quát, #123


  


 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.