Chương 11 - Phụng Vụ Lời Chúa

CHƯƠNG 11
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

 

I- TẦM QUAN TRỌNG CỦA LỜI CHÚA

110- Tại sao cử hành Thánh Thể lại bao gồm Phụng Vụ Lời Chúa?

          a- Trước hết, chúng ta nên biết, giao ước là một thỏa hiệp giữa hai bên, sau khi mỗi bên bày tỏ ý muốn của mình.

          Thánh Thể là một Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Do đó, trong cuộc cử hành Thánh Thể, phải có phần trình bày ý muốn của Thiên Chúa và của dân. Ý muốn của Chúa được trình bày qua phần Công Bố Lời Chúa, và ý muốn của dân được bộc lộ qua phần Đáp Ứng của dân, nói lên thái độ sẵn sàng chấp nhận Lời Chúa. Thiếu phần Công Bố Lời Chúa và Đáp Ứng của dân, cuộc cử hanh Thánh Thể sẽ không thể là một giao ước được. Vì thế, Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng Vụ Thánh Thể liên kết mật thiết với nhau, đến nỗi cả hai phần chỉ là “một tác động duy nhất”[1].

          b- Ngoài ra, Thánh Thể cũng là Bánh hằng sống để nuôi dưỡng và bảo tồn sự sống, đồng thời biến đổi các thực khách thành những tạo vật mới. Bánh hằng sống này được ban tặng và chia sẻ cho ta dưới hai hình thức: Lời Chúa và Thánh Thể. Vì thế, Lời Chúa không những bồi dưỡng tâm hồn, mà còn bồi dưỡng cả trí tuệ nữa. Quả thực, Lời Chúa soi sáng trí tuệ và sưởi ấm tâm hồn. Lời Chúa hướng dẫn ta đến với Chúa Ki-tô, khích lệ ta sống đời sống của những môn đệ đích thực của Người. Lời Chúa còn làm sáng tỏ và giúp ta hiểu rõ hơn về Mầu Nhiệm Thánh Thể được cử hành. Do đó, thiếu phần Phụng Vụ Lời Chúa, cuộc cử hành Thánh Thể sẽ không trọn vẹn, nghĩa là sẽ không còn là cuộc cử hành Thánh Thể nữa.

II- CƠ CẤU CỦA

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

111- Phụng Vụ Lời Chúa gồm những thành phần cấu tạo nào?

          Qui Chế Tổng Quát của Sách Lễ Rô-ma qui định cơ cấu của Phụng Vụ Lời Chúa như sau:

          “Những Bài Đọc Sách Thánh và những Bài Ca xen vào giữa các Bài Đọc này, làm thành phần chính của Phụng Vụ Lời Chúa. Còn bài giảng, tuyên xưng Đức Tin, Lời Nguyện Phổ Quát hay Lời Nguyện Giáo Dân là phần nới rộng và bổ túc cho phần Thánh Lễ trên. Qua các Bài Đọc được giải thích bằng bài giảng, Thiên Chúa nói với dân Ngài, bày tỏ cho họ Mầu Nhiệm Cứu Chuộc và dưỡng nuôi tâm hồn họ. Nhờ Lời Chúa mà Đức Ki-tô hiện diện giữa các tín hữu. Về phần các tín hữu, nhờ những bài ca, họ biểu lộ thái độ đón nhận Lời Chúa. Và nhờ việc Tuyên Xưng Đức Tin, họ biểu lộ quyết tâm gắn bó với Lời Chúa. Cuối cùng, sau khi được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa, họ bộc lộ mối quan tâm đến những nhu cầu của Hội Thánh và phần rỗi của toàn thể thế giới qua Lời Nguyện Phổ Quát”[2].

          Như vậy, Phụng Vụ Lời Chúa gồm những thành phần cấu tạo sau đây:

1- Bài Đọc I
2- Đáp Ca.
3- Bài Đọc II.
4- Lời Tung Hô trước Bài Tin Mừng.
5- Bài Tin Mừng.
6- Bài giảng.
7- Phần Đáp ứng Lời Chúa:
a- Tuyên Xưng Đức Tin.
b- Lời Nguyện Giáo Dân.

III- NGUYÊN TẮC CHỌN LỰA

CÁC BÀI ĐỌC

112- Các Bài Đọc được chọn lựa và sắp xếp theo nguyên tắc nào?

          Công Đồng Va-ti-ca-nô II mong muốn: “Để Bàn Tiệc Lời Chúa được thêm phần phong phú cho các tín hữu, cần phải mở rộng kho tàng Kinh Thánh hơn, để trong một số năm ấn định, dân chúng được nghe hầu hết những phần cốt yếu của Kinh Thánh”[3].

          Đáp lại mong mỏi của Công Đồng Va-ti-ca-nô II, các chuyên viên phụng vụ đã cố gắng lựa chọn và sắp xếp các Bài Đọc theo những chủ đề một cách có hệ thống, nhưng đồng thời cũng cố gắng giữ sự liên tục giữa các phần cốt yếu của Kinh Thánh.

113- Các Bài Đọc được chia thành mấy loại chu kỳ?

          Các Bài Đọc được chia thành hai loại chu kỳ: Chu kỳ các Chúa Nhật, và chu kỳ các Ngày Thường:

          a- Các Bài Đọc theo chu kỳ các Chúa Nhật được phân thành ba năm, và được chỉ định bằng các chữ A, B, C[4].

          b- Các Bài Đọc theo chu kỳ các Ngày Thường được phân thành hai năm, và được chỉ định bằng các số: 12, tùy theo số tận cùng của năm ấy là le (năm 1) hay chẵn (năm 2).

IV- BÀI ĐỌC I

114- Bài Đọc I trong các Chúa Nhật được chọn lựa thế nào?

          Trong các Chúa Nhật, ngoại trừ Mùa Phục Sinh, Bài Đọc I luôn trích từ các sách Cựu Ước. Đoạn trích này có một tương quan nào đó với Bài Tin Mừng; chẳng hạn Bài Tin Mừng trích một vài câu của Bài Đọc I, hay Bài Tin Mừng ứng nghiệm lời tiên tri được đề cập tới trong Bài Đọc I, hoặc Bài Đọc I đề cập đến cùng một chủ đề với Bài Tin Mừng.

115- Mục đích công bố các Bài Đọc Cựu Ước là gì?

          Các Bài Đọc Cựu Ước được công bố trong Phụng Vụ Lời Chúa nhằm mục đích nói lên: tính cách liên tục và duy nhất giữa Cựu Ước và Tân Ước, mối tương quan giữa người ki-tô hữu và dân Do Thái, như vậy các ki-tô hữu và dân Do Thái chia sẻ cùng một Lịch Sử Ơn Cứu Độ, nhưng thuộc hai giai đoạn khác nhau. Quả thực, Tân Ước và Cựu Ước đều là Lời Chúa và cả hai đều là thành phần của một Lịch Sử Ơn Cứu Độ duy nhất.

V- ĐÁP CA

116- Ý nghĩa và mục đích của Đáp Ca là gì?

          Sau khi Lời Chúa tường thuật những kỳ công mà Thiên Chúa thực hiện, cộng đoàn đáp lại bằng những lời chúc tụng và ngợi khen. Đó là ý nghĩa và mục đích của Đáp Ca.

117- Những lời chúc tụng và ngợi khen của Đáp Ca phát xuất từ thần trí nào?

          Những lời chúc tụng và ngợi khen của Đáp Ca không phải do bất cứ thần trí nào thúc đẩy, mà là do chính Chúa Thánh Thần mạc khải. Vì thế, Đáp Ca cũng chính là Lời Chúa, như “Nhập Đề Sách Bài Đọc” xác nhận: “Đáp Ca cũng gọi là Ca Tiến Cấp, có một ý nghĩa lớn lao về phụng vụ cũng như mục vụ. Vì đây là một thành phần của Phụng Vụ Lời Chúa. Bởi thế dân chúng phải được tiếp tục giáo huấn bằng cách thấu hiểu Lời Chúa phán dạy qua các Thánh Vịnh và biến các Thánh Vịnh này thành lời nguyện riêng của Hội Thánh”[5].

          Vì thế, Đáp Ca thường cũng phải được công bo tại giảng đài. Đáp ca được đọc theo hai bè là hoàn toàn đi ngược lại tinh thần phụng vụ.

VI- BÀI ĐỌC II

118- Bài Đọc II được lựa chọn và sắp xếp thế nào?

          Trong các Chúa Nhật và Lễ Trọng, ngoài Bài Đọc I, còn thêm một Bài Đọc khác nữa. Bài Đọc II này trích từ các Thánh Thư, Sách Công vụ Các Tông Đồ hoặc sách Khải Huyền.

          Trong các Chúa Nhật Thường Niên, Bài Đọc II thường không đề cập đến cùng một chủ đề với Bài Đọc I và Bài Tin Mừng. Bài Đọc này hầu như tiếp nối liên tục nhau.

          Trong các Mùa Phụng Vụ quan trọng, Bài Đọc II thường liên quan đến Mầu Nhiệm được cử hành trong Mùa ấy.

VII- LỜI TUNG HÔ

TRƯỚC BÀI TIN MỪNG

119- Ý nghĩa và mục đích của Lời Tung Hô trước Bài Tin Mừng là gì?

          Ngoại trừ Mùa Chay, Lời Tung Hô trước Bài Tin Mừng luôn là lời “A-le-lu-ia”. Đó là một từ Do Thái có nghĩa là “Chúc tụng Đức Chúa”. Từ ngữ này biểu lộ niềm vui, đặc biệt là niềm vui phục sinh.

          Dân chúng hát A-le-lu-ia để chúc tụng Chúa Phục Sinh, Đấng sắp nói với dân Người qua Bài Tin Mừng.

          Vì A-le-lu-ia biểu lộ ý nghĩa phục sinh, vì thế trong Mùa Chay, tức mùa chuẩn bị cho cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Chúa Giê-su, nên A-le-lu-ia được thay thế bằng một lời tung hô khác.

          Câu Kinh Thánh sau lời tung hô A-le-lu-ia thường tóm tắt ý chính của Bài Tin Mừng sắp được công bố.

VIII- CÔNG BỐ TIN MỪNG

121- Tại sao khi nghe công bố Tin Mừng giáo dân lại phải đứng?

          Qua Lời Chúa của Bài Tin Mừng, Thiên Chúa nói với loài người không những cách đầy đủ và trọn hảo nhất, mà còn bằng một hình thức cao cả nhất nữa, nghĩa là Thiên Chúa không còn nói với loài người qua các ngôn sứ là những tôi tớ, mà là bằng chính Con Một vô cùng yêu quí của Ngài: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa huởng muôn vật muôn loài” [6].

          Vì thế, để biểu lộ lòng tôn kính đặc biệt đối với những lời của Tin Mừng, giáo dân đứng để nghe công bố những lời này.

          Cuộc rước Sách Tin Mừng, và người công bố Tin Mừng phải là phó tế hoặc linh mục, cũng nhắm cùng một mục đích đó, nghĩa là để biểu lộ lòng tôn kính đặc biệt đối với Tin Mừng.

122- Ý nghĩa cử chỉ ghi dấu Thánh Giá trên đoạn Tin Mừng sắp được công bố, rồi trên trán, trên môi và trên ngực là gì?

          Trước khi công bố Tin Mừng, phó tế hoặc linh mục ghi dấu Thánh Giá trên đoạn Tin Mừng sắp được công bố, rồi trên trán, trên môi và trên ngực, cử chỉ này ngụ ý: tâm trí ta sẵn sàng đón nhận Lời Chúa, môi miệng ta sẽ tuyên xưng Lời Ngài, tâm hồn ta sẽ gắn bó và yêu mến Lời hằng sống.

IX- BÀI GIẢNG

123- Ý nghĩa và mục đích của bài giảng là gì?

Bài giảng nhằm hai mục đích chính:
a- Diễn giải Lời Chúa.
b- Áp dụng Lời Chúa vào hoàn cảnh cụ thể.

          Bài giảng tuy là lời của linh mục, nhưng cũng được bao gồm trong phần Phụng Vụ Lời Chúa, lý do là vì bài giảng diễn giải Lời Chúa, nghĩa là mặc cho Lời Chúa một hình thức mà dân chúng có thể hiểu được. Vì thế, nhiệm vụ của vị giảng thuyết phải là: “Ai nói, thì phải nói lời Thiên Chúa” [7]; còn bổn phận người nghe là “Anh em đã đón nhận, không phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa”[8].

X- ĐÁP ỨNG LỜI CHÚA

124- Dân chúng đáp lại Lời Chúa bằng những hành vi nào?

          Sau khi Lời Chúa được công bố, dân chúng đáp lại bằng cách tỏ dấu chấp nhận qua hai hành vi:

a- Tuyên Xưng Đức Tin.
b- Lời Nguyện Giáo Dân.

125- Hình thức, ý nghĩa và mục đích của việc Tuyên Xưng Đức Tin là gì?

Hình thức Tuyên Xưng Đức Tin trong Thánh Lễ là Kinh Tin Kính, đó là một hình thức biểu lộ Đức Tin của cộng đoàn đáp lại Lời Chúa vừa được công bố. Tuy toàn thể phần Phụng Vụ Lời Chúa đều là lời tuyên xưng Đức Tin, nhưng Kinh Tin Kính là một hình thức tuyên xưng Đức Tin đặc biệt và rõ rệt nhất. Có thể nói đây là lời tuyên xưng trước những kỳ công của Chúa: “Vâng, chúng con tin”.

          “Kinh Tin Kính hay việc tuyên xưng Đức Tin trong Thánh Lễ có mục đích giúp giáo dân tỏ dấu chấp nhận và đáp ứng lại Lời Chúa vừa được công bố qua các Bài Đọc và được diễn giải qua bài giảng, đồng thời cũng để giúp họ nhớ lại những chân lý đức tin trước khi khởi đầu cuộc cử hành Thánh Thể”[9].

126- Ý nghĩa và mục đích của Lời Nguyện Giáo Dân là gì?

          Lời Chúa được công bố nhắc nhở và gợi lên những nhu cầu và khát vọng của con người. Vì thế, sau khi được Lời Chúa soi sáng, toàn thể cộng đoàn đáp lại bằng những lời cầu xin cho các nhu cầu và khát vọng đó[10].

          Như vậy, Lời Nguyện Giáo Dân phải phát xuất từ Lời Chúa vừa được công bố, và phải đặc biệt nhắm vào những nhu cầu chung của Hội Thánh và của cộng đoàn nhân loại, hơn là những nhu cầu riêng của cá nhân hay của địa phương. Vì Thánh Lễ là lời nguyện chung của toàn thể thế giới và Hội Thánh, cho toàn thể thế giới và Hội Thánh. Vì thế, Lời Nguyện Giáo Dân còn được gọi là Lời Nguyện Chung (General Intercessions) hay Lời Nguyện Phổ Quát (Universal Prayers).


 

[1] Hiến Chế Phụng Vụ, #56

[2] Qui Chế Tổng Quát, #3

[3] Hiến Chế Phụng Vụ, #51

[4] Muốn biết một năm nào đó thuộc chu kỳ nào, cộng các số mã của năm ấy, rồi chia cho 3: Nếu số dư là 1 thì năm ấy là năm A.. Nếu số dư là 2 thì năm ấy là năm B. Nếu số dư là 0 thì năm ấy là năm C.

[5] Nhập Đề Sách Bài Đọc, #19, 20, 21

[6] Dt.1:1-2

[7] 1Pr.4:11

[8] 1Tx.2:13

[9] Qui Chế Tổng Quát, #43

[10] Coi: Nhập Đề Sách Bài Đọc, #30


          


 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.