CHUƠNG 14
PHỤNG VỤ THÁNH THỂ
ĐẠI CƯƠNG VỀ
KINH NGUYỆN THÁNH THE
138- Ý nghĩa của “Kinh Nguyện Thánh Thể” là gì?
Qui Chế Tổng Quát của Sách Lễ Rô-ma[1] gọi Kinh Nguyện Thánh Thể là “trung tâm và tột đỉnh của cuộc cuộc cử hành”, trong đó cộng đoàn “liên kết với Chúa Ki-tô mà tuyên xưng những kỳ công của Thiên Chúa và dâng lễ hi sinh”. Đó chính là “Lời Nguyện Tạ Ơn và Thánh Hóa”.
Kinh Nguyện Thánh Thể nhắc lại những kỳ công của Thiên Chúa thực hiện trong quá khứ, tuyên xưng những hoạt động của Ngài trong hiện tại, và biểu lộ niềm hi vọng vào tương lai huy hoàng, mà Ngài dành cho ta. Như vậy, Kinh Nguyện Thánh Thể tóm lược tất cả mọi yếu tố của cuộc cử hành Thánh Thể.
Kinh Nguyện này tuy do một mình linh mục đọc, nhưng là lời nguyện chung của toàn thể cộng đoàn và Hội Thánh, mà linh mục chỉ là người đại diện dâng lên Thiên Chúa.
Kinh Nguyện này biến bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Ki-tô, nhưng đồng thời cũng biến toàn thể cộng đoàn thành Thân Mình Mầu Nhiệm của Người nữa.
139- Kinh Nguyện Thánh Thể phát nguồn từ đâu và được cấu tạo thế nào?
Kinh Nguyện Thánh Thể khởi đầu từ “Kinh Tiền Tụng”, cho tới hết “Kinh Lạy Cha”. Lời nguyện này phát nguồn từ Kinh Bê-ra-ca (Berakah) của Do Thái.
Kinh Bê-ra-ca có nhiều hình thức khác nhau, nhưng luôn bao gồm bốn yếu tố chính là:
a- Lời chúc khen (Exclamation): Đó là lời chúc tụng và ngợi khen Thiên Chúa trước những kỳ công của Ngài, khiến người ta phải, vừa kinh hoàng, lại vừa khâm phục.
b- Tưởng nhơ (Remembrance): Đó là lời kinh nhắc lại những biến cố dĩ vãng mà Thiên Chúa thực hiện trong Lịch Sử Ơn Cứu Độ, khiến người ta phải khâm phục và ngợi khen Ngài; đồng thời kinh này cũng cầu xin Ngài thực hiện lại những biến cố ấy trong hiện tại.
c- Cầu xin (Supplication): Kinh nguyện này cũng cầu xin Thiên Chúa tiếp tục che chở và phù giúp những ngày sắp tới, cho đến khi Nước Ngài được thực hiện hoàn toàn.
d- Lời tán tụng (Doxology): Đó là lời nguyện ngắn chúc tụng và tôn vinh Thiên Chúa để kết thúc lời kinh.
140- Kinh Bê-ra-ca được biến thành Kinh Nguyện Thánh Thể thế nào?
Bốn yếu tố căn bản của Kinh Bê-ra-ca trở thành khuôn mẫu cho các Kinh Nguyện Thánh Thể ngày nay.
Nhưng ngoài những yếu tố ấy, các Kinh Nguyện Thánh Thể còn thêm một số yếu tố khác, nhất là liên kết các yếu tố ấy với công cuộc cứu rỗi của Chúa Ki-tô. Như vậy các Kinh Nguyện Thánh Thể ngày nay gồm những yếu tố chính sau đây:
a- Lời cảm ta (Thanksgiving) được biểu lộ qua Kinh Tiền Tụng gồm có:
- Những lời đối đáp mở đầu.
- Kinh Tiền Tụng.
b- Lời tung ho (Acclamation) được diễn tả qua:
- Kinh “Thánh, Thánh, Thánh”.
- Kinh “Hậu Thánh,Thánh, Thánh”.
c- Kinh Truyền Phép gồm có:
- Kinh Ê-pi-clê-sis Truyền Phép.
- Tường thuật việc Lập Thánh Thể.
- Kinh A-nam-nê-sis.
- Kinh Ê-pi-clê-sis Hiệp Lễ.
d- Tưởng nhớ (Memorial), tức lời kinh nhắc lại cuộc Tử Nạn và toàn thể Mầu Nhiệm về Chúa Ki-tô, đồng thời cầu xin Thiên Chúa thực hiện lại những Mầu Nhiệm ấy trong hiện tại.
e- Những Lời Cầu Xin.
f- Lời Tán Tụng kết thúc (Final Doxology).
141- Kinh Nguyện Thánh Thể được thành hình thế nào?
Khởi đầu, Kinh Nguyện Thánh Thể do chủ tế dựa theo những yếu tố căn bản của Kinh Bê-ra-ca, rồi ứng khẩu. Sau đó một số linh mục tài ba lỗi lạc đã sáng tác những bản kinh tuyệt tác, được nhiều người xử dụng và trở thành thông dụng. Như vậy, từ trước thế kỷ thứ 4, có nhiều Kinh Nguyện Thánh Thể khác nhau: hoặc do chủ tế tự ứng khẩu, hoặc sử dụng một Kinh Nguyện sẵn có do người khác sáng tác.
Từ khoảng thế kỷ thứ 4 trở đi cho tới năm 1968, lễ nghi Rô-ma chỉ nhìn nhận một Kinh Nguyện Thánh Thể duy nhất và được gọi là Lễ Qui (Canon), tức Qui Luật phải tuân theo khi cử hành phụng vụ.
Sau Công Đồng Va-ti-ca-nô II, phụng vụ Rô-ma nhìn nhận 4 Kinh Nguyện Thánh Thể và Lễ Qui Rô-ma trở thành Kinh Nguyện Thánh Thể I.
Năm 1974, Giáo Hội chấp nhận thêm 5 Kinh Nguyện Thánh Thể khác gồm có:
- 3 Kinh dành cho thiếu nhi.
- 2 Kinh dành cho các lễ được cử hành với chủ đề giao hòa.
Tòa Thánh cũng cho phép các Hội Đồng Giám Mục địa phương đệ trình những sáng tác mới của Kinh Nguyện Thánh Thể, để sử dụng tại địa phương.
[1] #54