CHƯƠNG 17
NGHI THỨC KẾT THÚC THÁNH LỄ
174- Nghi thức kết thúc Thánh Lễ gồm những thành phần nào?
Nghi thức kết thúc Thánh Lễ gồm ba thành phần sau đây:
(1)- Phép lành.
(2)- Lời giải tán.
(3)- Rước ra về.
I- PHÉP LÀNH
175- Phép Lành cuối lễ có ý nghĩa gì?
Phép Lành là thành phần cốt yếu của nghi thức kết thúc Thánh Lễ. Trước khi sai các môn đệ ra đi để làm chứng và loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho muôn dân, Chúa Giê-su đã “giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem về trời”[1].
Cũng vậy, trước khi các tín hữu trở về với thế giới của mình để loan Tin Mừng Phục Sinh của Chúa Ki-tô cho những người xung quanh, đó là Tin Mừng họ cảm nghiệm được trong cuộc cử hành Thánh Thể, linh mục giơ tay lên, ghi dấu thánh giá và cầu xin phép lành của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần ngự xuống trên họ. Các tín hữu đã qui tụ lại trong cung thánh bằng gạch đá, giờ đây họ phải tản mát vào cung thánh vũ trụ. Họ đã liên kết lại thành cộng đoàn của những người anh chị em thuộc cùng một huyết nhục thiêng liêng, giờ đây họ phải ra đi để đem đến cho những anh chị em khác sống rải rác giữa trần gian, ánh sáng của Thánh Giá mà họ được ghi dấu. Họ đã qui tụ lại thành cộng đoàn chúc tụng, giờ đây họ ra đi để làm cho lời chúc tụng ấy vang dội khắp cùng bờ cõi trái đất.
Phép Lành cuối lễ cũng nói lên mối tương quan giữa linh mục và cộng đoàn. Ngài được thụ phong linh mục không phải để áp đặt ách thống trị trên cộng đoàn, mà là để đem lại Phép Lành của Chúa cho họ. Vì thế, không phải linh mục ban phép lành, mà là chính Thiên Chúa, còn linh mục chỉ là vị trung gian đứng ra nài xin Thiên Chúa chúc lành cho dân mà thôi. Vì thế, khi ban phép lành, linh mục không nói: “tôi ban phép lành”, nhưng ngài nói: “Xin Thiên Chúa toàn năng là Cha, và Con, và Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em”.
II- LỜI GIẢI TÁN
176- Lời giải tán cuối lễ có ý nghĩa gì?
Phụng vụ Rô-ma dùng công thức giải tán của tòa án là: “Ite, Missa est” để làm lời giải tán cuối lễ. Theo nguyên ngữ, từ “Missa” có nghĩa là “giải tán”. Từ thế kỷ thứ 4 trở đi, từ này được dùng vào phụng vụ và có nghĩa: “Hãy ra về, cuộc họp đã kết thúc”.
Tuy nhiên, cuộc cử hành Thánh Thể không hoàn toàn chấm dứt ở đây, nhưng mới chỉ kết thúc phần nghi lễ ở thánh đường, Thánh Lễ còn phải được tiếp tục cử hành trong cuộc sống nữa. Vì thế, lời giải tán cũng là lời khuyến khích giáo dân tiếp tục cử hành Thánh Thể nơi cuộc sống, nghĩa là người tín hữu phải liên kết toàn thể cuộc sống với Hi Lễ của Chúa Ki-tô được tiến dâng lên Thiên Chúa để tôn vinh, chúc tụng và cảm tạ Ngài.
III- RƯỚC RA VỀ
177- Cuộc rước ra về có ý nghĩa gì?
Cũng như cuộc “rước vào lễ” tượng trưng cho sự qui tụ của cộng đoàn tiến vào cung thánh để cử hành Thánh Thể, cuộc “rước ra về” tượng trưng cho sự từ giã thánh đường để ra đi, tiến vào cung thánh cuộc đời và tiếp tục cử hành Thánh Lễ giữa lòng thế giới.
Houston, ngày Lễ Mình Thánh Chúa Ki-tô
Ngày 1 tháng 6, 1997
Lm. Dominic Nguyễn phúc Thuần, SSS
[1] Lc.24:50-51