Chuơng 15 - Ý Nghĩa Các Kinh Trong Lời Nguyện Thánh Thể

CHƯƠNG 15
PHỤNG VỤ THÁNH THỂ

Ý NGHĨA CÁC KINH TRONG LỜI NGUYỆN THÁNH THỂ

 

 II- NHỮNG LỜI ĐỐI ĐÁP

142- Ý nghĩa và mục đích của những “Lời Đối Đáp Mở Đầu” là gì?

          Kinh Nguyện Thánh Thể tuy chỉ do một mình linh mục đọc, nhưng trong tinh thần, thì toàn thể cộng đoàn cùng cầu nguyện với ngài. Những Lời Đối Đáp Mở Đầu nhằm mục đích nói lên tính cách duy nhất giữa linh mục và cộng đoàn trong cuộc cử hành phụng vụ.

II- KINH TIỀN TỤNG

143- Ý nghĩa Kinh Tiền Tụng là gì?

          Trọng tâm của Lời Nguyện Thánh Thể là chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa. Kinh Tiền Tụng là nhập đề của Lời Nguyện này. Vì thế nội dung chính của Kinh Tiền Tụng cũng là lời chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa về muôn ơn lành Ngài tuôn đổ xuống trên dân, nhất là về công cuộc sáng tạo và cứu rỗi.

III- KINH “THÁNH THÁNH THÁNH

144- Ý nghĩa Kinh “Thánh Thánh Thánh” là gì?

          Theo truyền thống, Kinh Tiền Tụng luôn được kết thúc bằng lời mời gọi các Thần Thánh trên trời và muôn loài dưới thế, cùng hợp lời ca tụng Thiên Chúa. Vì thế, Kinh “Thánh Thánh Thánh” được tiếp theo Kinh Tiền Tụng mà nội dung chính là ca tụng và cảm tạ Thiên Chúa.

          Tất cả mọi lời trong Kinh “Thánh Thánh Thánh” đều trích từ đoạn Kinh Thánh diễn tả vinh quang của Thiên Chúa, niềm hân hoan và thái độ nô nức của dân chúng. Vì thế, đây là bài ca vũ trụ mà toàn thể Thần Thánh trên trời và muôn loài dưới thế, cùng hiệp nhau chung lời ca tụng vinh quang Thiên Chúa.

          Ngoài ra, theo Sách Khải Huyền thì Kinh “Thánh Thánh Thánh” cũng là lời tung hô của phụng vụ Thiên Quốc [1]. Vì thế, trong cuộc cử hành Thánh Thể, đặc biệt là qua Kinh “Thánh Thánh Thánh”, dân Chúa được mời gọi hướng tâm hồn về Phụng Vụ vĩnh cửu trên trời.

IV- KINH

“HẬU THÁNH THÁNH THÁNH

(Post-Sanctus)

145- Ý nghĩa và mục đích của Kinh “Hậu Thánh Thánh Thánh” là gì?

          Kinh “Hậu Thánh Thánh Thánh” có mục đích làm gạch nối giữa Kinh “Thánh Thánh Thánh” và Kinh Ê-pi-clê-sis. Vì thế, Kinh “Hậu Thánh Thánh Thánh” khởi đầu từ sau Kinh “Thánh Thánh Thánh” cho tới lời cầu xin Chúa Thánh Thần[2].

V- KINH Ê-PI-CLÊ-SIS TRUYỀN PHÉP

146- Ý nghĩa kinh Êpi-clê-sis là gì?

          Ê-pi-clê-sis là một từ Hi Lạp có nghĩa là cầu xin. Phụng vụ dùng từ này để đặc biệt ám chỉ lời cầu xin Chúa Thánh Thần ngự xuống trên lễ vật và trên cộng đoàn để biến lễ vật và cộng đoàn thành Mình và Máu Chúa Ki-tô.

Như vậy, có hai kinh Ê-pi-clê-sis trong Kinh Nguyện Thánh Thể:

- Kinh thứ nhất được đặt trước Lời Truyền Phép, để cầu xin Chúa Thánh Thần biến bánh rượu thành Mình Máu Chúa Ki-tô.

          - Kinh thứ hai được đặt sau Lời Truyền Phép, để cầu xin Chúa Thánh Thần liên kết cộng đoàn nên một thân thể duy nhất trong Nhiệm Thể Chúa Ki-tô.

VI- LỜI TRUYỀN PHÉP

147- Lời Truyền Phép là lời nào?

          Trước đây[3], Giáo Hội Đông Phương coi kinh “Ê-pi-clê-sis Truyền Phép” là chính Lời Truyền Phép, còn Giáo Hội Tây Phương thì coi “Lời Tường Thuật lập Thánh Thể” mới là Lời Truyền Phép.

          Ngày nay, Giáo Hội cho rằng, Kinh Nguyện Thánh Thể là một đơn vị duy nhất gồm những lời chúc tụng, ngợi khen, cảm tạ và cầu xin, và năng lực truyền phép hệ tại toàn thể Kinh Nguyện này, chứ không hệ tại ở một phần hay một câu, hoặc một chữ nào đặc biệt. Vì thế, trong Lễ Qui Rô-ma cổ, mà ngày nay là Kinh Nguyện Thánh Thể I, dù không có Kinh “Ê-pi-clê-sis Truyền Phép”; và trong Kinh Nguyện Thánh Thể của Đi-đa-kê (Didache), dù không có Lời Tường Thuật Truyền Phép, thì theo truyền thống của Giáo Hội, cả hai Kinh Nguyện ấy vẫn được coi là có năng lực truyền phép. Tuy nhiên, tột đỉnh của Kinh Nguyện Thánh Thể chính là Kinh Ê-pi-clê-sis và Lời Tường Thuật Truyền Phép.

148- Ai có năng lực truyền phép?

          Người ta cho rằng, linh mục là người truyền phép. Thực ra không phải vậy. Trong Kinh Ê-pi-clê-sis của Kinh Nguyện Thánh Thể III, linh mục đọc: “Vì vậy, lạy Cha, chúng con tha thiết nài xin Cha cũng nhờ Chúa Thánh Thần mà thánh hóa của lễ chúng con dâng tiến Cha đây, để biến thành Mình và Máu Đức Giê-su Ki-tô Con Cha, Chúa chúng con”. Lời nguyện này chứng tỏ linh mục không phải là người duy nhất truyền phép, mà chỉ là người đại diện cho cộng đoàn và toàn thể Hội Thánh cầu xin Chúa Cha dùng quyền năng Chúa Thánh Thần, mà thánh hóa và biến lễ vật thành Mình và Máu Chúa Ki-tô. Sở dĩ lời cầu xin này được Chúa Cha chấp nhận, vì đó là lời cầu xin của Hiền Thê yêu dấu của Chúa Ki-tô dâng lên “nhờ Người, với Người và trong Người”, và Người là Con Một vô cùng yêu quí được Đức Chúa Cha vô cùng sủng ái.

          Dựa theo giáo lý trên, chúng ta có thể rút ra những kết luận quan trọng sau đây:

          a- Trước hết, dù linh mục tội lỗi bất xứng, nhưng nhờ Bí Tích Truyền Chức, ngài được chính thức ủy thác cho sứ mạng đại diện của Hội Thánh để dâng lời cầu xin lên Thiên Chúa. Bởi thế, dù tội lỗi bất xứng, lời cầu xin của ngài dâng lên Thiên Chúa vẫn có hiệu lực, nghĩa là những Lời Truyền Phép ngài đọc lên nhân danh Giáo Hội, vẫn thành sự, vì đó không phải là lời cầu xin cá nhân của ngài, mà là lời cầu xin của toàn thể Hội Thánh, và ngài chỉ là đại diện thôi.

          b- Cũng chính vì vai trò đại diện Hội Thánh, nên theo qui chế hiện hành, linh mục không được phép tự tiện sáng tác hay thêm bớt bất cứ gì vào các Kinh Nguyện Thánh Thể đã được Tòa Thánh phê chuẩn: “Không thể chấp nhận được, một số linh mục tự sáng tác những Kinh Nguyện Thánh Thể riêng, hoặc thay đổi những bản văn đã được Tòa Thánh châu phê, hoặc xử dụng những Kinh Nguyện Thánh Thể do một cá nhân nào đó sáng tác” (Redemptionis Sacramentum, #51).

          c- Ngoài ra, nếu không nhân danh Hội Thánh để truyền phép, thì dù linh mục đọc lời truyền phép, những lời ấy vẫn không gây được công hiệu nào, nghĩa là không thể biến bánh rượu trở thành Mình và Máu Chúa Ki-tô được. Chẳng hạn, khi linh mục ra tiệm bánh mì, hay tiệm rượu, rồi đọc lời truyền, thì những bánh mì, hoặc những rượu nho trong tiệm, không thể trở thành Mình và Máu Thánh Chúa được, vì đó không phải là ý muốn của Hội Thánh.

VII- LỜI TUNG HÔ TƯỞNG NIỆM

(Memorial Acclamation)

149- Ý nghĩa của Lời Tung Hô Tưởng Niệm là gì?

          Lời Tung Hô Tưởng Niệm gồm hai phần: Lời mời gọi của linh mục, lời tung hô của cộng đoàn.

          Linh mục mời gọi: “Đây là Mầu Nhiệm Đức Tin”, tức mầu nhiệm về sự chết, sống lại và lên trời của Chúa Ki-tô. Cộng đoàn đáp lại bằng những lời tung hô toàn thể mầu nhiệm về Chúa Ki-tô đang hiện diện và hoạt động ở giữa họ.

VIII- KINH A-NAM-NÊ-SIS

150- Ý nghĩa Kinh A-nam-nê-sis là gì?

          A-nam-nê-sis là một từ Hi Lạp có nghĩa là “tưởng nhớ”. Trong Bữa Tiệc Ly, sau khi truyền phép, Chúa Giê-su phán: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy[4]. A-nam-nê-sis chính là kinh đáp lại lệnh truyền trên đây của Chúa.

          Như vậy, trong kinh này, chúng ta không những chỉ tưởng nhớ đến biến cố dĩ vãng là cuộc Vượt Qua của Chúa Ki-tô mà thôi, nhưng còn cầu xin cho biến cố ấy được thể hiện lại trong hiện tại nữa.

IX- KINH Ê-PI-CLÊ-SIS HIỆP LỄ

151- Ý nghĩa của kinh Ê-pi-clê-sis Hiệp Lễ là gì?

          Kinh Ê-pi-clê-sis Hiệp Lễ là kinh cầu xin Chúa Thánh Thần ngự xuống trên cộng đoàn và làm cho cộng đoàn được  hưởng những hiệu quả của Thánh Thể. Kinh này cầu xin hai ơn đặc biệt sau:

a- Xin cho cộng đoàn được hiệp nhất với nhau nên một thân thể và một tinh thần[5].

b- Xin cho cộng đoàn được trở nên hiến lễ vĩnh cửu để tôn vinh Chúa Cha, nghĩa là được hiệp nhất với Hi Lễ của Chúa Ki-tô để trở nên lễ vật thánh thiện, hoàn hảo, đẹp lòng Thiên Chúa và sinh Ơn Cứu Độ cho toàn thể thế giới.

Hiệu quả của kinh này là hiện-tại-hóa “Mầu Nhiệm Đức Tin” được tuyên xưng ở Lời Tung Hô Tưởng Niệm, nghĩa là xin cho biến cố dĩ vãng được thể hiện lại trong hiện tại, hay nói cách khác, xin cho Hi Lễ Thập Giá của Chúa Ki-tô được thể hiện lại nơi cộng đoàn và qua cộng đoàn.

X- NHỮNG LỜI CẦU XIN

152- Những Lời Cầu Xin ở đây có ý nghĩa gì?

          Trước hết, Kinh Nguyện Thánh Thể phát nguồn từ Lời Chúc Tụng của Do Thái, mà cơ cấu gồm hai phần chính là: Tạ ơn và cầu xin. Vì thế, trước khi kết thúc Kinh Nguyện Thánh Thể, tức Lời Nguyện Tạ Ơn, Hội Thánh cũng dâng những lời cầu xin theo truyền thống của Do Thái.

          Ngoài ra, hiệu quả của “Kinh Ê-pi-clê-sis Hiệp Lễ” là làm cho cộng đoàn được kết hiệp với Chúa Ki-tô, Đấng đang ngự bên hữu Đức Chúa Cha và “Người hằng sống để chuyển cầu cho”[6] những ai nhờ Người mà tiến đến cùng Thiên Chúa. Vì thế, hiệp nhất với Chúa Ki-tô, Đấng hằng cầu bầu cho nhân loại, cộng đoàn cũng dâng lời cầu xin lên Thiên Chúa.

XI- LỜI TÁN TỤNG KẾT THÚC

154- Ý nghĩa “Lời Tán Tụng Kết Thúc” là gì?

          Kinh Nguyện Thánh Thể khởi đầu bằng lời chúc tụng Thiên Chúa, kết thúc cũng bằng lời chúc tụng và được cộng đoàn thưa “Amen”, nghĩa là “chớ gì được như vậy”. Như thế, toàn thể Kinh Nguyện Thánh Thể là một lời chúc tụng duy nhất và Lời Tán Tụng Kết Thúc nhằm nhấn mạnh và tóm lược ý nghĩa của toàn thể Kinh Nguyện Thánh Thể.

155- Cử chỉ nâng bánh và rượu lên khi cử hành Lời Tán Tụng Kết Thúc có ý nghĩa gì?

          Khi cử hành Lời Tán Tụng Kết Thúc, linh mục nâng bánh và rượu lên cao. Đây là cử chỉ dâng tiến, biểu lộ nguồn gốc và mục đích của toàn thể Lịch Sử Ơn Cứu Độ. Nói cách khác, mọi tạo vật đều phát xuất từ nơi Thiên Chúa, được kết tinh lại nơi tấm bánh và ly rượu, rồi sau khi trở thành Mình và Máu Chúa Ki-tô, nghĩa là sau khi trở thành Thánh Thể, tức lời cảm tạ và ngợi khen, thì được dâng lên Thiên Chúa để tôn vinh Ngài. Như vậy, nguồn gốc phát sinh ra mọi tạo vật là Thiên Chúa và cùng đích của chúng là hướng tới phụng vụ vĩnh cửu, tức tôn vinh Chúa Cha, nhờ Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần đến muôn đời.


[1] Coi: Kh.4:8

[2] - Trong Kinh Nguyện Thánh Thể I, lời cầu xin Chúa Thánh Thần không được diễn tả rõ rệt. Vì thế, Kinh “Hậu Thánh Thánh Thánh” khởi đầu ngay sau Kinh “Thánh Thánh Thánh” cho tới lời cầu xin: “Lạy Cha, xin thánh hóa và chấp nhận của lễ này…”.

 Kinh Ê-pi-clê-sislời cầu xin Chúa Thánh Thần biến lễ vật thành Mình và Máu Chúa Ki-tô.

 - Trong Kinh Nguyện Thánh Thể II, Kinh “Hậu Thánh Thánh Thánh” là: “Lạy Cha, Cha thật là Đấng Thánh, là nguồn mọi sự thánh thiện”.

- Trong Kinh Nguyện Thánh Thể III, Kinh “Hậu Thánh Thánh Thánh” gồm có: “Lạy Cha, Cha thật là Đấng Thánh…. đề từ đông sang tây cùng dân lên Cha một hiến lễ tinh tuyền”.

- Trong Kinh Nguyện Thánh Thể IV, Kinh “Hậu Thánh Thánh Thánh” gồm có: “Lạy Cha chí thánh, chúng con xưng tụng Cha… để Chúa Thánh Thần kiện toàn trên t rần gian, và hoàn tất công trình thánh hóa muôn loài”.

[3] Tức khoảng cuối thế kỷ 13 sang đầu thế kỷ 14.

[4] Lc.22:19

[5] -“Chúng con cúi xin Cha cho Thánh Thần liên kết chúng con nên một khi chúng con dự tiệc Mình và Máu Đức Ki-tô” (Kinh Nguyện Thánh Thể II).

- “Khi chúng con được Mình và Máu Con Cha bổ dưỡng, được tràn đầy Thánh Thần của Người, xin cho chúng con trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Ki-tô” (Kinh Nguyện Thánh Thể III).

[6] Dt.7:25


  


 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.