Chương 8 - Thánh Thể Là Giây Ràng Buộc Của Đức Ái

CHƯƠNG 8
THÁNH THỂ LÀ GIÂY RÀNG BUỘC CỦA ĐỨC ÁI

79- Giây ràng buộc của Đức Ái là gì?

          Dây ràng buộc ta với Chúa và với nhau chính là tình yêu, nói cách khác, ta được Chúa yêu thương, được tham dự vào tình yêu của Ngài, chính là để chúng ta yêu thương nhau, như Người đã yêu thương ta: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau”[1].

          Như vậy, tình yêu chính là huyết mạch nối kết ta với nguồn sống, nhờ đó ta có thể sống và tồn tại được: “Còn chúng ta, chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó. Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy”[2].

80- Thánh Thể là giây ràng buộc của Đức Ai thế nào?

          Thánh Thể là giây ràng buộc của Đức Ái, vì:

         a- Thánh Thể biểu lộ tình yêu tột đỉnh của Thiên Chúa và của Chúa Ki-tô đối với nhân loại: một tình yêu lớn lao đến nỗi Thiên Chúa “đã ban Con Một cho thế gian” [3], và Chúa Ki-tô đã sẵn sàng hiến mạng sống mình cho trần gian [4].

       b- Nơi Thánh Thể, Chúa Ki-tô cũng chuyển thông dồi dào sức sống và tình yêu của Người cho ta. Như vậy Bánh Thánh Thể mà chúng ta tôn thờ, tham dự và dâng tiến lên Cha trên trời, liên kết chúng ta lại trong cùng một tình yêu của Chúa Ki-tô.

       c- Thánh Thể còn làm tăng cường ngọn lửa tình yêu, mà Chúa Ki-tô đã đem từ trời xuống, để đốt cháy trần gian: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”[5].

        d- Sau cùng, Thánh Thể dạy ta phải yêu thương và phục vụ hết mọi người trong tinh thần bác ái.

81- Thánh Thể dạy ta phải yêu thương và phục vụ mọi người trong tinh thần bác ái thế nào?

         Thánh Thể dạy ta phải yêu thương và phục vụ mọi người bằng chính tinh thần mà Chúa Ki-tô đã yêu thương và phục vụ họ: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em[6].

       Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giê-su cũng nói với họ những lời tương tự: “Anh em có hiểu việc Thầy vừa làm không? Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” [7].

82- Thánh Thể là giây ràng buộc của Đức Ai đòi hỏi ta phải có tinh thần nào?

          Thánh Thể là giây ràng buộc của Đức Ai đòi hỏi ta:

        a- Trước hết, phải chiếu tỏa tinh thần bác ái ra những người xung quanh ta, đó là tinh thần được Thánh Phao-lô diễn tả như sau: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến thì tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hi vọng tất cả, chịu đựng tất cả” [8].

         Ngoài ra, tình mến cũng phải luôn được biểu lộ ra qua những đức tính mà Thánh Phao-lô khuyên nhủ các tín hữu Cô-lô-xê: “Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia” [9].

         b- Phải thể hiện tình yêu và tinh thần phục vụ như Chúa Ki-tô.

83- Chúa Ki-tô đã thể hiện tình yêu và tinh thần phục vụ nơi Thánh Thể thế nào?

         Chúa Ki-tô thể hiện tình yêu và tinh thần phục vụ nơi Thánh Thể qua những biểu tượng đặc biệt sau:

         a- Bánh Khiêm Nhu,
         b- Bánh Hi Tế;
         c- Bánh Hiệp Thông.

84- Chúa Ki-tô thể hiện tinh thần phục vụ qua Bánh Khiêm Nhu thế nào?

        Qua Bánh Khiêm Nhu, Chúa mời gọi ta phục vụ lẫn nhau trong tinh thần khiêm nhường: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”[10].

        Tại Bữa Tiệc Ly, Chúa cũng quì xuống rửa chân cho các môn đệ, để nêu gương khiêm nhường phục vụ cho họ như lời Người phán: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”[11].

         Giờ đây, dưới tấm Bánh Khiêm Nhu, Chúa mời gọi ta phục vụ mọi người với cùng một tinh thần khiêm tốn và chân thành như vậy.

85- Chúa Ki-tô thể hiện tinh thần phục vụ qua Bánh Hi Tế thế nào?

        Trọn cuộc sống của Chúa Ki-tô ở trần gian là hi sinh để chu toàn Thánh Ý Đức Chúa Cha và trở nên nguồn ơn cứu độ cho trần gian: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người[12]. Giờ đây, trong Bánh Hi Tế, Người vẫn tiếp tục hiến thân cho phần rỗi nhân loại, và mời gọi ta hi sinh phục vụ mọi người như vậy, nghĩa là phải quảng đại tận hiến cuộc sống để phục vụ người khác.

86- Chúa Ki-tô thể hiện tinh thần phục vụ qua Bánh Hiệp Thông thế nào?

        Chúa Ki-tô đến trần gian là để phục vụ mọi người, không phân biệt mầu da, chủng tộc, tuổi tác hay địa vị xã hội, nhất là Người đặc biệt quan tâm phục vụ những người bị xã hội ruồng rẫy, những người đau khổ, những người không có tiếng nói và không được xã hội bênh vực che chở, đó là những kẻ bé mọn, những người tàng tật, những người nghèo khó. Giờ đây trong Bánh Hiệp Thông, Người vẫn tiếp tục phục vụ hết mọi người và mời gọi ta dấn thân phục vụ mọi người với cùng một tinh thần như vậy.


[1] Ga.13:34-35

[2] 1Ga.4:16

[3] Ga.3:16

[4] Coi: Ga.15:13.

[5] Lc. 12:49

[6] Ga.13:34

[7] Ga.13:12-15

[8] 1Cr.13:4-7

[9] Cl.3:12-13

[10] Mc.9:35

[11] Ga.13:15

[12] Ga.4:34.


          


 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.