Chương 6 - Thánh Thể Là Sự Hiện Diện Thực Của Chúa Ki-tô

CHƯƠNG 6
THÁNH THỂ LÀ SỰ HIỆN DIỆN THỰC CỦA CHÚA KI-TÔ

 

56- Thánh Thể là sự hiện diện thực của Chúa Ki-tô có ý nghĩa gì?

Vì một số người[1] chủ trương Chúa Giê-su chỉ hiện diện trong Thánh Thể như một dấu chỉ và hình bóng, nghĩa là sau khi truyền phép, bánh rượu không hề biến đổi gì, nhưng chỉ có thái độ của ta thay đổi đối với bánh rượu mà thôi.

Vì thế, Công Đồng Tri-đen-ti-nô phải tuyên tín: sau khi truyền phép, bản thể của bánh và rượu được biến đổi hoàn toàn và trở thành Mình Máu Chúa Ki-tô, nghĩa là toàn thể bản tính nhân loại của Chúa Ki-tô gồm thân xác, linh hồn, cùng với trót bản tính Thiên Chúa của Người hiện diện thực sự dưới hình bánh và hình rượu[2].

57- Trạng thái của thân xác Chúa Ki-tô hiện diện dưới hình bánh rượu thế nào?

Thân xác Chúa Ki-tô hiện diện trong Thánh Thể dưới hình bánh rượu là thân xác phục sinh và vinh quang như Công Đồng Va-ti-ca-nô II nhấn mạnh: “Kể từ đó, Hội Thánh không hề bỏ việc tụ họp nhau để cử hành Mầu Nhiệm Phục Sinh gồm các việc:

- Đọc toàn bộ những điều “mà toàn bộ Kinh Thánh nói về Người” [3].

- Cử hành Thánh Thể mà trong đó “cuộc chiến thắng và khải hoàn của Người được hiện tại hóa”[4]: đồng thời để “cảm tạ Thiên Chúa về ơn khôn tả của Ngài”[5] trong Đức Ki-tô Giê-su, để “ca tụng vinh quang Ngài”[6] nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần”[7].

58- Sự hiện diện của thân xác phục sinh Chúa Ki-tô trong Thánh Thể làm phát sinh những hiệu quả nào?

Sự hiện diện của thân xác phục Chúa Ki-tô trong Thánh Thể làm phát sinh hai hiệu quả chính và quan trọng sau đây:

a- Trước hết, vì là thân xác phục sinh vinh quang, nên Chúa Giê-su không còn bị lệ thuộc vào không gian, cũng như bất cứ giới hạn nào khác thuộc lãnh vực trần gian này nữa. Nhờ phục sinh, Chúa Giê-su đã siêu thoát khỏi mọi thực tại của cuộc sống trần gian, như: phái tính, mầu da, chủng tộc, tuổi tác, không gian và thời gian. Người là Chúa Ki-tô lịch sử, nhưng thân xác Người đã được biến đổi thành huy hoàng, nhờ cuộc phục sinh vinh quang. Hiện thời chúng ta không biết rõ tình trạng của thân xác phục sinh như thế nào, nhưng qua những tường thuật về các cuộc hiện ra của Chúa Ki-tô sau khi Người phục sinh, chúng ta được biết rằng, đó là thân xác huy hoàng, nhẹ nhàng như luồng tư tưởng thấm vào tâm hồn, tinh tế như tia sáng chiếu qua cửa kính. Bởi thế, khi Chúa ngự trong hình bánh và hình rượu, thì không có nghĩa là thân xác Người bị co rút lại. Hay khi ta để Mình Thánh trong Nhà Tạm rồi khóa kỹ lại, thì cũng không có nghĩa là Người là Tù Nhân thần linh trong Nhà Tạm.

b- Vì thân xác Chúa hiện diện trong Thánh Thể là thân xác phục sinh, nên Thánh Thể chính là dấu chỉ và là bảo chứng cho cuộc sống tương lai vinh quang đối với những ai tham dự vào Mầu Nhiệm này, hay nói cách khác, đây là hoa quả đầu mùa của tạo vật được phục sinh trong Đức Ki-tô. Vì nếu một tấm bánh còn có thể biến thành thân xác phục sinh của Chúa Ki-tô được thì thân xác ta lại không thể biến thành thân xác phục sinh vinh quang của Người như Người đã hứa sao? “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”[8].

59- Sự hiện diện của Chúa dưới hình bánh rượu tồn tại tới khi nào?

Vì một số người[9] chủ trương: Chúa chỉ hiện diện dưới hình bánh rượu trong khoảng thời gian cử hành Thánh Thể mà thôi. Vì thế Công Đồng Tri-đen-ti-nô phải tái xác định đức tin truyền thống của Hội Thánh như sau: “Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô hiện diện trong Thánh Thể bao lâu hình bánh và hình rượu còn tồn tại”[10].

Ngoài ra, để phán đoán khi nào “hình bánh và hình rượu còn tồn tại”, chúng ta cần nhớ một nguyên tắc khác là: “Thánh Thể là một Bí Tích, tức một dấu chỉ bề ngoài, trong đó Chúa hiện diện dưới hình bánh và hình rượu để trở nên của ăn của uống cho ta”.

Vì thế, nếu một vài giọt rượu sau khi truyền phép bị rớt xuống và thấm vào khăn bàn thờ thì không thể coi đó là “rượu để uống” được nữa, nên cũng không thể coi đó là Máu Chúa Ki-tô được.

Cũng vậy, khi những vụn bánh trở nên quá nhỏ, đến nỗi theo sự phán đoán của mắt thường, không thể coi đó là “bánh để ăn” được nữa, thì cũng không còn sự hiện diện của Chúa nữa[11].

60- Tại sao Chúa tiếp tục hiện diện dưới hình bánh rượu sau cuộc cử hành Thánh Thể?

Lý do sâu xa và căn bản khiến Chúa tiếp tục hiện diện dưới hình bánh rượu sau khi cử hành Thánh Thể là vì tình yêu. Quả thực, chính vì tình yêu mà Chúa Giê-su muốn ở lại trong Thánh Thể, để tiếp tục những gì Người đã thực hiện khi còn tại thế, đó là trở nên:

- Nguồn ơn thiêng,

- Chúa nhân từ đầy xót thương và cảm thông với mọi người,

- Thầy dạy chân lý,

- Anh sáng soi đường chỉ lối,

- Lương Y thần linh,

- Đấng an ủi và nâng đỡ những tâm hồn sầu khổ và yếu nhược.

Tóm lại, Người hiện diện ở đó để trở nên Kho Tàng ân sủng phong phú và vô giá cho mọi người ở khắp nơi và mọi thời[12].

61- Sự hiện diện thực của Chúa trong Thánh Thể đòi hỏi ta phải có những thái độ nào?

Sự hiện diện của Chúa Giê-su trong Thánh Thể đòi hỏi ta phải có:

a- Một đức tin mạnh mẽ, vì đây là Mầu Nhiệm vô cùng cao siêu, một phép lạ vĩ đại được thực hiện liên tục trước mắt chúng ta, trong khi giác quan hoàn toàn không cảm nghiệm được gì.

b- Lòng cảm mến và tri ân sâu xa, vì đây là một ân huệ vô cùng cao quí, một công cuộc vô cùng kỳ diệu do chính thượng trí của Chúa sáng kiến ra, để tiếp tục ở lại với con cái loài người.

c- Biểu lộ những hình thức tôn thơ sống động, lành mạnh và thánh thiện.

62- Hình thức tôn thờ Thánh Thể là gì?

Từ ngữ: “tôn thờ Thánh Thể”, ám chỉ mọi hình thức biểu lộ lòng tôn thờ Mình Thánh Chúa được lưu trữ lại sau Thánh Lễ. Các hình thức này gồm có: Chầu Thánh Thể, Kiệu Thánh Thể, Đại Hội Thánh Thể, viếng Thánh Thể cá nhân.

Hội Thánh nhiệt liệt khuyến khích các tín hữu siêng năng và sốt sáng thi hành những việc đạo đức này[13]. Vì không những đây là những hành vi rất xứng hợp và cao cả, mà nhân loại phải dành cho sự hiện diện của Chúa trong Thánh Thể, nhưng còn là vì các việc ấy đã đem lại không biết bao nhiêu lợi ích lớn lao cho Hội Thánh, cũng như cho các tâm hồn. Vì chính trong Thánh Thể, Hội Thánh tìm được nguồn ơn nâng đỡ phong phú cho cuộc sống, sức thúc đẩy và cảm hứng cho mọi hoạt động tông đồ và cho công cuộc canh tân đời sống.

63- Tôn thờ Chúa trong Thánh Thể bằng những hình thức tôn thờ lành mạnh là gì?

Vì thiếu hiểu biết, nên lòng tôn thờ Chúa hiện diện trong Thánh Thể đôi khi bị lạm dụng và được biểu lộ ra qua những hình thức mê tín dị đoan. Những hình thức tôn thờ mê tín dị đoan ấy đã là nguyên nhân gây ra không biết bao nhiêu chia rẽ trầm trọng trong Hội Thánh. Vì thế những sáng kiến về các hình thức tôn thờ Thánh Thể phải biểu lộ được “sự lành mạnh của đức tin”[14] dưới sự hướng dẫn của Hội Thánh.

64- Theo giáo huấn của Hội Thánh, các hình thức tôn thờ Thánh Thể phải có những đặc điểm nào?

Giáo huấn của Hội Thánh về các hình thức tôn thờ Thánh Thể nhấn mạnh đến hai đặc điểm quan trọng sau đây:

a- Mọi hình thức tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ phải phát nguồn và qui về chính cuộc cử hành Lễ Tế Tạ Ơn: “Thánh Thể không những phải được quan niệm trong tương quan với sự hiện diện thực, mà còn trong mọi lãnh vực khác nữa, nghĩa là trong cuộc cử hành Thánh Lễ, cũng như trong các hình thức tôn thờ Thánh Thể được lưu trữ lại sau Thánh Lễ để nới rộng ân huệ của Lễ Hi Sinh”[15].

b- Ngoài ra, những hình thức tôn thờ Thánh Thể không được nhắm vào nguyên một lãnh vực riêng tư mà thôi, nhưng còn phải mang tính cách xã hội nữa, hay theo từ ngữ của Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI, thì phải hướng tới “tình yêu xã hội” nữa, nghĩa là một tình yêu không được đóng khung vào những phần tử của một cộng đoàn nhỏ bé và hạn hẹp, mà còn phải nới rộng tới toàn thể Hội Thánh và thế giới nữa: “Mục đích chính yếu của việc tôn thờ Thánh Thể không phải chỉ để biểu lộ lòng tôn sùng cá nhân, mà là để phát triển tình yêu xã hội (social love), nhờ đó ta sẽ đặt lợi ích chung trên quyền lợi cá nhân, biến quyền lợi của cộng đoàn họ đạo cũng như của toàn thể Hội Thánh thành mối quan tâm riêng của ta, nới rộng tình bác ái tới toàn thể thế giới, vì biết rằng các chi thể của Chúa Ki-tô hiện diện ở khắp nơi[16].


 

[1] Như: Ra-tra-mô và Bê-ren-ga-ri-ô.

[2] Cf. Denzinger, Op. Cit. 883-884.

[3] Lc.24:27.

[4] Lời tuyên tín cua Công Đồng Tri-đen-tri-nô.

[5] 2Cr.9:15

[6] Êp.1:12

[7] Hiến Chế Phụng Vụ, #6.

[8] Ga.6:51

[9] Như: Lu-tê-rô và Can-vi-nô.

[10] Denzinger, Op. Cit.886, và Summa Theol. Part.III, Quest. 77, Art.5.

[11] Dựa theo nguyên tắc trên, nhiều người tỏ ra coi thường những vụn bánh nhỏ, hoặc chút rượu đã được truyền phép rớt xuống khăn bàn thờ hay xuống đất. Từ thái độ đó, người ta có thể coi thường cuộc cử hành Mầu Nhiệm Thánh. Vì thế mới đây Tòa Thánh đã ban hành Huấn Thị Redemptionis Sacramentum (#93 - #120). Theo tinh thần của Huấn Thị này thì chúng ta không nên quá bối rối tỉ mỉ đối với những vụn bánh quá nhỏ hay những giọt rượu đã được truyền phép bị rớt xuống khăn bàn thờ hay xuống đất, nhưng cũng không được coi thường, mà phải hết sức tôn kính.

[12] Coi: Mysterium Fidei, #8

[13] Coi: Mysterium Fidei, #58-67.

[14] Tt.1:13

[15] Thơ của Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI gởi cha Roland Huot, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Thánh Thể đề ngày 10 tháng 1, 1969.

[16] Mysterium Fidei, #6.


          


 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.