Phần II - Chương III - Nhãn Quan Mới Về Giáo Hội

CHƯƠNG III

NHÃN QUAN MỚI VỀ GIÁO HỘI,

ĐIỂM THEN CHỐT CỦA SỰ HIỂU BIẾT CANH TÂN

VỀ THÁNH THỂ

 

          Trước hết, ở đây chúng ta sẽ đề cập tới sự thay đổi khuôn mẫu chủ yếu (Paradigm) trong cách hiểu biết mới về Thánh Thể do Công Đồng Va-ti-ca-nô II khởi xướng. Trong khi nhắc lại nguyên tắc quan trọng của Hăng-ri đờ Luy-băc (Henri de Lubac) “Giáo Hội làm nên Thánh Thể và Thánh Thể làm nên Giáo Hội”, trước hết chúng ta sẽ liệt kê những khuôn mẫu liên quan đến Giáo Hội, rồi sau đó sẽ đề cập tới những khuôn mẫu liên quan đến chính cuộc cử hành Thánh Thể.

1- Giáo Hội sau Công Đồng Va-ti-ca-nô II coi mình là “nhóm môn đệ được tha thứ” của Chúa Ki-tô và là những tội nhân được chúc phúc, được Đức Chúa Cha mời gọi và ủy thác cho trách nhiệm cùng với Chúa Giê-su, biến toàn thể thế giới con người thành Nước Thiên Chúa. Khi những môn đệ coi mình là các tội nhân ở trong Giáo Hội, thì không những họ chỉ nhìn nhận mình thấp hèn tội lỗi, nhưng nhất là còn nhìn nhận rằng, mặc dù là tội nhân, nhưng họ cũng được Thiên Chúa chấp nhận. Hơn nữa, họ gọi nhau, cá nhân cũng như tập thể, là những người biết đón nhận các tội nhân khác mà không tỏ thái độ khinh bỉ các tội nhân này như thái độ của Do Thái Giáo.

          Phải chăng chúng ta coi mình là những người tốt, đáng được Đức Chúa Cha chấp nhận, những tội nhân được ân xá, hay vẫn coi mình là những kẻ bất xứng khi đến trước tôn nhan Chúa? Trên căn bản cộng đoàn, chúng ta có nồng nhiệt  tiếp  đón  những người tội lỗi, những ngưởi bị ruồng bỏ và những người sống ngoài lề xã hội không?

2- Giáo Hội đó, trong cả hai lãnh vực: phụng vụ và cuộc sống, luôn nhìn mọi người, không như những khán giả hay những cá thể thụ động, nhưng như những tác nhân chủ động. Chúng ta đã lãnh nhận được mọi phúc lành thiêng liêng trong Đức Ki-tô. Như vậy, giáo dân cũng như các thừa tác viên khác thi hành chức vụ của mình cách tự nhiên và bộc phát. Chúng ta không được coi người giáo dân hoàn toàn chỉ là người phụ giúp của linh mục, đặc biệt trong những lúc thiếu linh mục, nhưng linh mục cũng như giáo dân đều hoạt động sát cánh nhau để phục vụ cho Giáo Hội và thế giới.

          Chúng ta có thể cộng tác với giáo dân ngay cả trong lãnh vực đưa ra quyết định không? Chúng ta đã huấn luyện và giáo dục giáo dân thế nào để họ có thể nắm giữ những vài trò chính đáng của họ trong Giáo Hội?

3- Giáo Hội ngày nay không coi phụng vụ như một món đồ gói sẵn, nhưng là một cuộc hội họp nhân danh Chúa Giê-su để cùng nhau nói và hành động. Vì thế trong khi cử hành phụng vụ, chúng ta không nên đặt chú tâm vào những “tờ kinh” in sẵn các bài đọc trong ngày, nhưng phải đặc biệt tán dương chính mình cũng như những người khác đã tụ họp lại để làm thành những phần tử của cộng đoàn gồm những người biết quan tâm và săn sóc lẫn nhau.

          Mức độ chân thực và tự phát của ta trong khi cử hành Thánh Thể ra sao? Phải chăng thái độ của ta vẫn còn khắt khe và hình thức, còn quá gắn bó với sách vở, quá quan tâm đến luật chữ đỏ? Phải chăng cuộc cử hành của ta là cuộc vui mừng khi họa lại hình ảnh Chúa Phục Sinh.

4- Ngoài ra, dân chúng là một dân “thánh”, họ được qui tụ lại không phải chỉ để cầu nguyện và suy niệm cá nhân, cũng không phải chỉ để kết hiệp riêng với Chúa, hay để tìm kiếm những cảm khoái do các lễ nghi phát sinh ra, như việc xông hương hoặc âm thanh réo rắt của tiếng đàn dương cầm.  Nhưng thực ra, họ qui tụ lại là để cầu nguyện chung với nhautheo phụng vụ, trong khi ý thức rằng, phụng vụ là việc phượng tự công cộng được thực hiện do những người tự nguyện và biết chăm lo săn sóc cho nhau. Họ tụ họp lại trước tiên là để “làm cái gì” cho nhau. Đối với họ, cầu nguyện theo phụng vụ không phải là một “diễn từ chung” mà người ta nói với Thiên Chúa, nhưng là những lời người ta nói với nhau và Thiên Chúa nghe được.

          Chúng ta coi cốt yếu của Phụng Vụ Thánh Thể là một hành vi tôn thờ hay hành vi xây dựng cộng đoàn? Chúng ta có cố gắng thực hành nghệ thuật gặp Chúa nơi người khác không?

5- Đối với Giáo Hội ngày nay, chủ yếu của Phụng Vụ Thánh Thể là TẠ ƠN, điều đó không những có nghĩa là tri ân, kính sợ, khâm phục và tôn kính, nhưng còn là sự dấn thân để nhìn nhận Thiên Chúa, để tuyên xưng niềm tin rằng họ là những người được Thiên Chúa chúc phúc và sống trong thế giới được chúc phúc, và họ muốn sống theo niềm tin ấy. Khi gọi nghi thức là Thánh Thể, họ muốn nói với nhau rằng, Thiên Chúa là Thiên Chúa tốt lành, Ngài đã dựng nên thế giới này, đó là một thế giới tốt đẹp và họ ý thức rằng, họ được kêu gọi để bảo tồn, sửa chữa hoặc xây dựng thế giới tốt đẹp này. Khi dâng lời tạ ơn về bánh được bẻ ra và chén được chia sẻ, khi gọi bánh và rượu là Mình và Máu Chúa Kitô, họ tuyên xưng rằng, họ gắn bó cuộc đời với ơn kêu gọi đặt mối hiệp nhất và lợi ích của gia đình nhân loại lên trên mọi giá trị khác, đặc biệt là lên trên những mối quan tâm riêng của họ.

          Chúng ta đã thực sự trở nên những người biết ơn thế nào? Phải chăng chúng ta vẫn để thói phàn nàn, cáu kỉnh và nói lén, phê bình, chỉ trích, bới móc,... làm chủ trong ta? Hay chúng ta tưởng nhớ cuộc chiến thắng của Chúa Kitô trong sự Phục Sinh của Người?

6- Khi tụ họp lại để cử hành Thánh Thể, người ta thường tìm cách phác họa hình dạng ơn kêu gọi ki-tô hữu trong thế giới này bằng hành động bí tích. Họ tự xưng là cộng đoàn gồm những người được tha thứ và tha thứ, những người tích cực nghe Lời Chúa. Đối với họ, Thánh Thể không nguyên chỉ là Bánh Thánh, nhưng còn là trọn cả cuộc cử hành Thánh Thể từ đầu tới cuối, được toàn thể Giáo Hội thực hiện vì thế giới.

          Trong khi cử hành Thánh Thể, chúng ta ý thức thế nào về thế giới? Đối với chúng ta, phải chăng toàn thể cuộc cử hành Thánh Thể đều quan trọng như nhau? hay chỉ có phần Truyền Phép hoặc Hiệp Lễ? Chúng ta chú tâm đến Lời Chúa được công bố thế nào?

7- Khi người ta truyền phép, rồi chia sẻ bánh và rượu bằng những lời nói về sự chết, sự phục sinh, giao ước và hi lễ, họ khẳng định rằng: Thiên Chúa thánh hiến mọi mối quan tâm và chia sẻ của con người, sự sống của Chúa Giê-su đã đổ ra để thánh hiến những mối quan tâm và chia sẻ ấy và họ dấn thân để chia sẻ sự sống của Người. Đối với họ, mọi bí tích đều là “dấu chỉ” để nói lên những gì họ đang hi vọng và hiện trạng của họ lúc này thế nào.

Mối quan tâm, sự săn sóc và chia sẻ của ta trong cộng đoàn chân thực và sâu xa thế nào? Chúng ta có nhìn vào những khuyết điểm của người khác với lòng cảm thương không? và có giúp nhau để lớn mạnh hơn không? Chúng ta có lưu tâm đến sự phát triển của người khác không?

8- Đồng thời, như những dấu chỉ của hi vọng, những cử chỉ biểu lộ sự săn sóc và chia sẻ là những hành động biểu lộ những gì họ hi vọng và những gì họ dấn thân cho, với quyết tâm xây dựng một thế giới, tuy chậm chạp, khó khăn và không hoàn chỉnh, nhưng họ nhất quyết xây dựng một thế giới trong đó mọi người đều là những người thân cận vơi nhau, hay đúng hơn, là những anh chị em với nhau.

          Những nỗ lực của ta liên tục và bền bỉ ra sao trong công cuộc xây dựng cộng đoàn thực sự ở giữa chúng ta? Phải chăng chúng ta vẫn giữ lại những vết thương cũ, vẫn làm cho chúng mới mẻ lại bằng cách không ngừng khêu gợi lên? Chúng ta có thường khởi đầu lại những mối tương quan của ta không?


 


 

 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.