Phần II - Chương II - Sống Thánh Thể

CHƯƠNG II

SỐNG THÁNH THỂ

 

          Là những tu sỹ Thánh Thể, chúng ta phải sống Thánh Thể mà chúng ta cử hành. Ít nhất đối với chúng ta, không bao giờ được coi Thánh Thể chỉ là một nghi thức, hay một biến cố được diễn ra ở đâu đó mà thôi. Chúng ta còn phải trở thành “bánh được bẻ ra để chia sẻ, là chén được đổ ra để đem lại ơn tha tội”.

          Chắc chắn chúng ta đều dấn thân nhiều vào các hoạt động mục vụ. Linh Đạo Thánh Thể Canh Tân đòi hỏi chúng ta thêm một chút nữa, đó là trong khi thi hành những hoạt động mục vụ ấy, chúng ta hãy hướng tất cả về Thánh Thể mà chúng ta cử hành, như vậy những hoạt động tông đồ của ta sẽ trở thành “lễ hiến thân”. Trong Thánh Thể, bẻ bánh tượng trưng cho thái độ của ta luôn sẵn sàng thi hành Thánh Ý Đức Chúa Cha (như Đức Kitô đã thực hiện trong Vườn Giệt-si-ma-ni). Như vậy, điều cần thiết phải thực hiện là tất cả những gì chúng ta thi hành ở mỗi giây phút, chúng ta đều thực sự thi hành Thánh Ý Đức Chúa Cha.

           Một cách tổng quát, có thể nói, theo Thánh Ý Đức Chúa Cha, chúng ta phải biểu lộ lòng cảm thương và tình yêu của Ngài đối với mỗi người chúng ta gặp. Trong thực hành, điều đó có nghĩa là ta phải yêu thương hết mọi người cách vô điều kiện, kể cả chính chúng ta.

           - Trước hết, yêu người khác cách vô điều kiện là hoàn toàn chấp nhận người ấy, bất kể người ấy thế nào, là cảm nghiệm sự vật theo nhãn giới của người ấy. Yêu người khác cách vô điều kiện cũng có nghĩa là nhìn nhận người ấy như những hữu thể đang phát triển và còn đang trên đường hành trình tiến về Đức Chúa Cha. Nếu còn đang trên đường hành trình, nghĩa là người ta chưa toàn vẹn, chưa hoàn tất, họ còn đang thành hình nhờ Sự Sống. Chấp nhận người khác cách vô điều kiện là chống lại khuynh hướng đòi người khác phải hoàn toàn giống như mình. Phải phân định những khác biệt nơi người khác và tận dụng những khác biệt ấy để cộng tác với họ, đó là điều cốt yếu để đạt tới những tương quan tốt đẹp và hiệu quả. Vậy hãy xem xét thái độ của ta đối với người khác thế nào, chẳng hạn: “Khi tức giận với người khác, tôi có coi đó là hoàn toàn chính đáng không? nhưng khi người khác cũng tức giận như vậy, tôi có cho rằng họ vô lý và tự ái dởm không?”.

           - Ngoài ra, chúng ta không thể thực sự yêu người khác được nếu chúng ta không yêu chính mình, hay đúng hơn, tình yêu của ta đối với người khác tùy thuộc vào mức độ ta yêu chính  mình.  Như  vậy  chúng  ta cũng phải chấp nhận chính mình cách vô điều kiện nữa, phải nhìn nhận rằng chúng ta cũng đang trên đường hành trình và chưa hoàn thành. Cần phải phát triển ý thức về những giới hạn của mình, không xét đoán và kết án mình. Ý thức ấy giúp ta xa tránh dần những phản ứng tiêu cực và biến những phản ứng tiêu cực ấy thành tình yêu chân chính hơn.

ÍT LỜI KHUYÊN THỰC HÀNH

1- Hãy luôn tìm cách giải thoát mình khỏi tật xấu chỉ tìm kiếm an toàn, cảm xúc và quyền bính (đó là những phản ứng tiêu cực theo tình cảm của quá khứ), tình trạng này thúc đẩy ta tìm cách điều khiển và làm chủ cảnh vực chung quanh và như vậy chúng ta sẽ gây ra biết bao xáo trộn và sẽ ngăn cản ta yêu thương mình và người khác. Hãy lưu tâm đến phương thức bạn vận dụng để đạt tới ba trạng thái trên (tức là: tìm kiếm an toàn, cảm xúc và quyền bính).

2- Hãy cố gắng khám phá những tật xấu chủ yếu có ý thức khiến bạn có những ảo tưởng về thế giới con người và về hoàn cảnh chung quanh bạn. Hãy quan sát rồi liên đới những gì bạn quan sát được với người khác, không phải theo thực chất của họ, nhưng là do những dự phóng và nhận thức mà bạn tạo ra cho họ. Hãy lưu tâm đến điều đó.

3- Hãy đón nhận mọi cơ hội mà đời sống cống hiến (ngay cả khi cảm thấy phải đau khổ) để nhận ra những tật xấu đặt mình làm trung tâm, đó là những tật xấu cần phải điều chỉnh lại nếu bạn muốn thoát khỏi nhũng phản ứng tiêu cực thường ngày.

4- Luôn nhủ mình rằng, bạn có đủ điều kiện cần thiết để vui hưởng cuộc sống ngay lúc này; vì thế đừng bám víu vào quá khứ, cũng đừng mơ tưởng tương lai. Không ai có thể tước đoạt được bất cứ gì bạn có, nếu bạn không để họ làm như vậy. Bạn đã được chúc phúc bằng mọi phúc lành thiêng liêng nhờ Đức Kitô.

5- Hãy hoàn toàn nhận trách nhiệm về tất cả những gì bạn cảm nghiệm được ngay lúc này. Vì cuối cùng bạn sẽ trở thành con người mà chính bạn lựa chọn từ bây giờ.

6- Hãy chấp nhận hoàn toàn con người bạn ngay lúc này và hãy ý thức rằng, những gì bạn cảm thấy, suy nghĩ, nói năng và thực hiện, tất cả đều là những yếu tố cần thiết để bạn lớn lên trong đời sống sung mãn.

7- Hãy chân thành cởi mở với mọi người bằng cách bộc lộ cho họ cách trọn vẹn và thân thiện thực chất con người của bạn, kể cả những cảm nghĩ sâu xa nhất. Giấu giếm, trách móc, nói lén và hại người, tất cả chỉ tách xa bạn khỏi người khác và bóp méo tương quan giữa bạn với họ.

8- Cảm thương với những khó khăn của người khác, nhưng đừng để bị vướng tình cảm vào cảnh huống của họ. Hãy đến với họ khi có thể, cho dù phải trả bất cứ giá nào.

9- Hãy hành động cách cởi mở khi bạn cảm nghiệm đã bắt được làn sóng, và thấy thích thú. Hãy ngưng hành động khi cảm thấy bực bội và không được thúc đẩy bởi sự khôn ngoan phát xuất từ tình yêu và sự sung mãn của sự sống.

10- Hãy nhìn mọi người, kể cả chính bạn, như những hữu thể có ý thức, đó là những con người đang đòi quyền lợi bẩm sinh của mình ở những lãnh vực cao hơn của tình yêu vô điều kiện và đặc tính duy nhất của họ.

NHỮNG ĐỀ NGHỊ ĐỂ SUY TƯ

          Dựa vào căn bản trên, chúng ta hãy nhớ lại một số trường hợp mà Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô đã biểu lộ tình yêu của ngài cách vô điều kiện tới mức độ anh hùng. Hãy nhớ lại mối tương quan giữa ngài với Cha Đờ Qui-es (de Cuers) khi cha này rời bỏ Dòng với ý định thành lập một dòng chiêm niệm riêng..., vấn đề đặt Chầu Thánh Thể làm trung tâm của đời sống Dòng Thánh Thể. Những giây phút cầu nguyện của Cha E-ma (Eymard) không hề tách biệt khỏi những giây phút khác của đời sống ngài, nhưng đã đi vào cuộc sống cách tự nhiên và hài hòa. Sở dĩ ngài thực hiện được như vậy là vì ngài luôn ý thức và chăm chú vào “Phòng Tiệc Ly Nội Tâm”. Đó là điều ngài đã thực hiện, ít nhất vào khoảng thời gian cuối đời. Một khi ngài nhận ra rằng “không phải tôi sống nhưng là Chúa Ki-tô sống trong tôi” thì đặc tính của các mối tương quan với người khác cũng đều thay đổi. Tuy ngài không đòi người khác phải theo lối suy nghĩ và cách đối xử của mình, nhưng ngài cũng không chạy theo lập trường của người khác, trái lại ngài luôn trung thành với đường lối riêng mà ngài đã lựa chọn. Thái độ đó tạo khiến ngài phải cô độc khủng khiếp, nhưng ngài luôn kiên trì chấp nhận.

          Đối với Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô, thì tình yêu là lời giải đáp cho mọi gian ác ở trần gian. Phải chăng đó cũng là quan niệm của chúng ta? Chúng ta đã đưa tình yêu vào các mối tương quan giữa ta với các thực tại khác thế nào?: trước hết, vào trong cộng đoàn, rồi vào công cuộc tông đồ, cầu nguyện và các cuộc cử hành Thánh Thể.


 


 

 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.