Phần II - Chương V - Phụng Vụ Thánh Thể

CHƯƠNG V

PHỤNG VỤ THÁNH THỂ,

KHỞI ĐIỂM ĐỂ PHÁT TRIỂN

LINH ĐẠO THÁNH THỂ

CANH TÂN

 

1- Điều Giáo Hội ngày nay thực hiện là “để tưởng niệm Chúa Giê-su”, vì điều mà Giáo Hội thực hiện khi tụ họp lại với nhau là đồng hóa mình với cộng đoàn tiếp rước, tha thứ và biến đổi trong sự hiệp nhất với Chúa Ki-tô, Đấng đã đến để giao hòa thế gian với Thiên Chúa. Khi cộng đoàn đáp lại Kinh Nguyện Thánh Thể bằng lời thưa AMEN, cộng đoàn đồng hóa mình với các tội nhân được tha thứ và được kêu mời đến với cộng đoàn của các tội nhân. Lễ hi sinh họ dâng hiến chính là sự dấn thân cho cuộc sống được thành hình và được biến đổi nhờ sự chăm lo săn sóc cho người khác. Các tội nhân được đón tiếp bao gồm cả chính họ nữa. Khi người ta cảm nghiệm, mình được chấp nhận thế nào, họ cũng sẽ phải yêu thương và chấp nhận người khác như vậy.

          Cộng đoàn của ta được trở thành cộng đoàn đón tiếp, tha thứ và biến đổi ra sao? Tôi đã tích cực đóng góp vào công cuộc ấy thế nào? Tôi ý thức mình là tội nhân được tha thứ thế nào trong từng giây từng phút chứ không phải chỉ sau khi cử hành Bí Tích Giao Hòa? Tôi có nhìn nhận giao hòa là một ân huệ của Thiên Chúa không? Ơn tha thứ tôi nhận được có giúp tôi sẵn sàng tha thứ cho  người khác không? Đời sống hằng ngày của tôi được biến đổi ra sao nhờ Thánh Thể? Phải chăng “chăm lo săn sóc cho người khác” là mối quan tâm chính yếu của tôi đối với những người ở trong cũng như ngoài cộng đoàn? Trong khoảng 3 hay 6, hoặc 12 tháng vừa qua, tôi đã tiến bộ thế nào trong sự chấp nhận chính mình? Tôi chỉ có thể yêu thương (tha thứ) cho người khác tùy theo mức độ tôi yêu thương hoặc tha thứ cho chính tôi, tôi có ý thức sâu xa về điều đó không?

2- Qua những lời cầu xin trong Thánh Lễ, người ta nhìn nhận rằng, công cuộc thiết lập Vương Quốc chưa phải là sự kiện đã hoàn tất. Họ cầu xin cho những gì nơi cuộc đời họ cũng như trong thế giới này được hoàn tất. Nhờ những lời cầu xin này (ngay cả Lời Nguyện Giáo Dân), họ thú nhận và lãnh trách nhiệm về công cuộc chưa hoàn tất của Thiên Chúa nơi nhà Ngài. Tuy nhiên, họ tin rằng, Thánh Thần của lời hứa sẽ đưa công cuộc của Thiên Chúa tới chỗ hoàn thành. Các Thánh được nhắc tới trong Thánh Lễ là để nâng đỡ niềm hi vọng vào sự hoàn tất của lời hứa này, nếu người ta cộng tác.

          Trong tương quan hằng ngày với người khác, tôi có đòi họ phải là những người hoàn hảo không? Phải chăng Nước Trời đã đến với tôi rồi, hay vẫn còn là một thực tại thuộc tương lai? Trong đời sống cá nhân, cộng đoàn, xứ đạo hay đền thánh, tôi nhận thấy dấu hiệu nào chứng tỏ Nước Thiên Chúa đã đến? Tôi đã làm gì để chứng tỏ chính vì tôi, mà Nước Thiên Chúa chưa được hoàn hảo nơi cuộc sống tôi? Khi tên các Thánh được đề cập tới, điều đó có nhắc nhở tôi rằng, Thiên Chúa vẫn tiếp tục hoạt động nơi cuộc đời tôi không? Tôi có tin rằng một ngày kia Chúa Thánh Thần sẽ hoan tất công cuộc của Ngài nơi cuộc đời tôi không?

3- Những công thức sám hối không nhằm mục đích kêu gọi ta xét lại những tội lỗi của mình, nhưng là tuyên xưng rằng Thiên Chúa nhân từ với họ. Đặc điểm chính của các công thức này là thái độ tri ân. Lời cầu xin: “Lạy Chúa, xin thương xót chúng con” phải hiểu là: “Lạy Chúa, Chúa nguồn mạch thương xót của chúng con”. Các tín hữu kêu gọi nhau trở nên cộng đoàn thương xót, nơi mà những người tội lỗi và những người có tâm hồn bị dập nát được đón tiếp nồng nhiệt. Cũng như người ta nhìn nhận bàn thờ dâng lễ hi sinh là bàn tiệc đón tiếp mọi người, thì khi dâng lễ hi sinh là chính cuộc đời họ trên bàn thờ này, họ cũng đoan hứa sẽ đón tiếp, chữa lành và dưỡng nuôi người khác sau khi chính họ đã được đón tiếp, chữa lành và nuôi dưỡng.

          Phải chăng Nghi Thức Sám Hối giúp tôi thâm tín rằng Thiên Chúa đã tha thứ cho tôi rồi? Tôi có thực sự chúc tụng và cảm tạ Chúa vì ơn tha thứ của Ngài không? Tôi có thường khích lệ người khác tỏ lòng từ bi thương xót không? Tôi có tin rằng Thánh Thể là nơi an toàn nhất để xưng thú những tội lỗi và thiếu sót của tôi không? Tôi có đón tiếp, chữa lành và dưỡng nuôi người khác trong cuộc sống hằng ngày của tôi không?

4- Là những người tích cực lắng nghe Lời Chúa được công bố, cộng đoàn dân Chúa nhìn nhận rằng họ không nguyên chỉ đón nhận Lời Chúa trong cuộc sống của mình mà thôi, nhưng còn có bổn phận phải công bố Lời Chúa bằng lời nói và nhất là bằng hành động nữa. Họ đón nhận Lời Chúa không phải dưới hình thức rõ ràng hay tinh tuyền, nhưng là bị “khúc xạ” qua lăng kính đời sống và cộng đoàn của các Thánh Sử, điều đó nhắc nhở họ rằng, ngày nay Lời Chúa cũng phải được trình bày thế nào cho phù hợp với bối cảnh hiện tại.

          Tôi có chia sẻ với người khác những gì Lời Chúa cống hiến cho tôi mỗi ngày không? Lời Chúa ảnh hưởng đến đời sống tôi ra sao? Tôi có cố gắng tìm hiểu Lời Chúa mà tôi công bố hằng ngày bằng cách xử dụng các tài liệu chú giải không? Tôi có cố gắng tìm hiểu Lời Chúa theo như Lời ấy được gởi đến cộng đoàn của các Thánh Sử không? nghĩa là theo bối cảnh của cộng đoàn ki-tô hữu vào khoảng các năm 65, 85, 100 sau Chúa Ki-tô không? Tôi có tin rằng, ngày nay Thiên Chúa vẫn nói với tôi qua các biến cố của cuộc đời tôi không?

          Nói tóm lại, nếu có gì tương phản giữa cuộc cử hành Thánh Thể ngày nay và những gì được diễn ra trước Công Đồng Va-ti-ca-nô II, đó là vì ngày nay Giáo Hội nhìn nhận ơn kêu gọi ki-tô hữu là ơn kêu gọi của niềm vui. Chắc chắn Thánh Lễ trước Công Đồng Va-ti-ca-nô II cũng có những nét vui tươi, nhưng một cách nào đó, đặc điểm nổi bật của các cuộc cử hành thời ấy là lời kêu gọi đáng khiếp sợ do ý niệm về mầu nhiệm phát sinh ra. Chúng ta được kêu gọi không nguyên chỉ để khám phá niềm vui của riêng ta, nhưng còn để giúp những người khác và cả thế giới khám phá niềm vui của họ nữa. Là những người đã được lãnh nhận ơn thương xót, chúng ta cũng được kêu gọi để “ra đi và thực hiện như vậy”.

 

TÓM TẮT NHỮNG HIỂU BIẾT

VỀ SỰ CANH TÂN

 

          Những nét đại cương về cử hành Thánh Thể sau Công Đồng Va-ti-ca-nô II có thể tóm tắt như sau:

          * Khi tụ họp lại với nhau, chúng ta đồng hóa mình với cộng đoàn lãnh nhận và cống hiến ơn thương xót của Chúa (Nghi Thức Mở Đầu).

          * Chúng ta coi mình là cộng đoàn của những kẻ lắng nghe và công bố Lời Chúa, vai trò ấy được tóm lại trong Kinh Tin Kính và trong lời nguyện để cầu cho mọi nhu cầu của nhân loại (Phần Phụng Vụ Lời Chúa).

          * Chúng ta cầm lấy bánh và rượu, những dấu chỉ của thế giới tạo vật và của kỹ năng, cùng với cố gắng của con người, của nghệ thuật và thông minh, được nhấn mạnh qua nghi thức tiến dâng lễ vật được tượng trưng bằng tiền bạc (Chuẩn bị bàn thờ và lễ vật).

          * Chúng ta cảm tạ và chúc tụng trong khi đồng hóa mình với Chúa Ki-tô, Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta, trong khi cầu xin để đời sống Người được hoàn tất nơi chúng ta nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, đồng thời đoan hứa sống đời sống của Chúa Ki-tô giữa trần gian (Kinh Nguyện Thánh Thể).

          * Chúng ta thể hiện sự dấn thân để chia sẻ đời sống Chúa Ki-tô bằng cách kêu cầu Thiên Chúa là Cha, trao đổi bình an cho nhau và cùng nhau chia sẻ bàn tiệc của Chúa (Nghi Thức Hiệp Lễ).

          * Chúng ta ra đi để biến đổi thế giới, với ý thức rằng chúng ta đã được chuẩn bị đầy đủ nhờ được gặp Chúa Phục Sinh hiện diện nơi cộng đoàn những kẻ tin (Nghi Thức Kết Thúc).

           Tôi xin mạn phép hỏi bạn một câu hỏi để nghiên cứu:

          Theo ý bạn, điểm duy nhất nào hiện giờ chúng ta không thể thực hiện được, và nếu thực hiện được, liệu toàn thể cuộc sống của bạn có thay đổi hoàn toàn không?


 


 

 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.