CHƯƠNG IV
KINH NGUYỆN THÁNH THỂ,
TIÊU ĐIỂM ĐỂ NHÌN
TOÀN THỂ THÁNH LỄ
THEO ĐƯỜNG LỐI MỚI
Điều nên nhớ, sự thay đổi khuôn mẫu có nghĩa là khi bạn nhìn một sự vật cũ, nhưng theo cách nhìn mới, thì thực tại ấy tuy vẫn là thực tại cũ, nhưng sẽ trở thành mới. Nếu không nhìn thực tại theo cách mới ấy, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng “xé áo mới lấy vải vá vào áo cũ” (Lc.5:33-36).
1-Trong cuộc cử hành Thánh Thể, Dân Chúa ngày nay chia sẻ với nhau những gì họ thực sự tin tưởng, họ tin rằng tự bản chất, sự sống là cốt yếu của mọi sự và họ dấn thân để sống triệt để niềm tin ấy. Không nguyên bằng lời nói, nhưng nhất là bằng những cử chỉ chia sẻ Mình và Máu Chúa Ki-tô, họ cầu xin Thiên Chúa là Đấng ban phát mọi ơn lành và tuyên xưng rằng bản tính nội tại của Thiên Chúa được biểu lộ cách trọn vẹn nhất ở nơi Chúa Ki-tô, Đấng đã ban sự sống mình cho người khác. Cũng vậy, người ta coi mình là những kẻ được mời gọi đến để chia sẻ sự sống của Thiên Chúa nhân hậu ấy, không những với nhau, nhưng còn với cả thế giới nữa.
Đối với tôi, hay đối với chúng ta, đời sống thực sự có ý nghĩa gì? Mục đích và tham vọng của tôi nơi cuộc sống thế nào? Trong 5 hoặc 10 năm nữa, tôi muốn thấy tôi thế nào? Hình ảnh nào về Thiên Chúa mà tôi thường kêu cầu nhất?, Ngài là: Cha – Abba, Đấng Quan Phòng, Vị Thẩm Phán, Đấng Tha Thứ đầy cảm thương, Bạn Đồng Hành trung thành v.v.? Tôi có chia sẻ quan điểm đó với người khác không? và tôi có học hỏi những kiến thức của người khác không? Chúng ta rèn luyện thế nào để có thể nhìn nhận mọi ân huệ tốt lành đều phát nguồn từ nơi Cha trên trời? Chúng ta có ý thức rằng khi hiến thân cho người khác là chúng ta trở nên giống Thiên Chúa nhất không?
2- Trong phụng vụ, Giáo Hội ngày nay ý thức rằng, người ta không cần lệ thuộc vào bản văn (nghĩa là không được làm nô lệ cho bản văn), nhưng phải gắn liền bản văn với cuộc sống (nghĩa là phải làm cho bản văn nhập thể vào cuộc sống) và gắn liền cuộc sống với bản văn (nghĩa là phải đưa chính kinh nghiệm của mình vào những lời được công bố, tức là bản văn phải thực sự nói lên chính kinh nghiệm của ta). Bởi thế, dân chúng cần ý thức rõ họ phải có những thái độ nào trong khi cử hành Thánh Thể.
Chúng ta có đưa những hoàn cảnh của cuộc sống vào Thánh Lễ không? Việc đưa đời sống vào Thánh Lễ có tác dụng gì đối với cuộc cử hành Thánh Thể của tôi, và đối với đời sống của tôi, sau khi cử hành Thánh Thể? Lời Chúa chỉ có ý nghĩa khi đời sống của tôi phù hợp (hay gắn bó) với bản văn, nếu không, Lời Chúa chẳng có chút liên hệ gì với tôi cả, tôi có ý thức điều đó không?
3- Giáo Hội luôn tìm cách hiểu rõ hơn vai trò của người tín hữu trong cuộc cử hành Thánh Thể: Khi giáo dân thi hành những việc được thực hiện ở trong nhà thờ, điều đó có ý nghĩa gì? Đối với họ, vai trò của Kinh Nguyện Thánh Thể là nói lên những gì được thực hiện qua toàn the tác động nghi thức. Như vậy, khi tụ họp, kể chuyện cuộc đời, cầm lấy bánh và rượu, chia sẻ bánh rượu ấy, Kinh Nguyện Thánh Thể nói lên ý nghĩa gì qua những động tác ấy. Dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu những ý nghĩa ấy.
- TỤ HỌP (Những Nghi Thức Khởi Đầu).
Tôi có liên kết Nghi Thức Nhập Lễ với Kinh Nguyện Thánh Thể không? bằng cách nào? Nghi thức Nhập Lễ nhắm vào sự hiện diện của Chúa Ki-tô như trung tâm của cuộc cử hành Thánh Thể, vậy tôi có để Chúa Ki-tô gom tôi lại (nghĩa là gom mọi thành phần thuộc hữu thể và cuộc sống của tôi) và tiến dâng lên Đức Chúa Cha không? Vì chúng ta qui tụ lại thành một gia đình, vậy trong Kinh Nguyện Thánh Thể, tôi có ca tụng Thiên Chúa Cha về những niềm vui và thành công của người khác không?
- KỂ CHUYỆN ĐỜI TA (Phụng Vụ Lời Chúa)
Tôi nhận ra phản ảnh của câu chuyện đời tôi ở nơi nào trong Kinh Nguyện Thánh Thể? Chẳng hạn trong Kinh Nguyện Thánh Thể II: “Chúng con cảm tạ Cha đã cho chúng con được xứng đáng...”, phải chăng những lời này liên kết với hoàn cảnh nào đó của cuộc sống cụ thể mà trong đó tôi cho mình là xứng đáng? Hãy dùng mỗi câu trong Kinh Nguyện Thánh Thể II rồi tìm hiểu xem câu ấy thực sự diễn tả câu chuyện riêng của đời bạn ra sao? Bạn có thể thực hiện như vậy đối với các Kinh Nguyện Thánh Thể khác.
- CẦM LẤY BÁNH VÀ RƯỢU (Phần chuẩn bị lễ vật).
Khi tiến dâng lễ vật, tôi có cố gắng ý thức sâu xa về những tài năng Chúa ban cho tôi không? Tôi đã cố gắng cách nghiêm chỉnh và có hệ thống thế nào để phát huy những tài năng của tôi, để đạt những kỹ năng mới, để học những phương thức mới trong việc xử lý các hoàn cảnh khó khăn? Tôi có “mài sắc” những lãnh vực khác nhau của đời tôi để đạt tới con người quân bình và toàn vẹn không? Tôi có từ chối những cơ hội thuận tiện Chúa ban để giúp tôi lớn lên không? Tôi đã tích cực tới đâu và thế nào để giúp những người khác: ở trong cũng như ở ngoài cộng đoàn của tôi, để họ lớn lên không? Phong Trào Tổng Chất (Total Quality) nói: Hãy chớp ngay thời cơ. Ngày mai phải nên tốt hơn ngày hôm nay. Phải chăng đó là thái độ thường xuyên của tôi trong mọi lãnh vực của đời sống?
- VÀ CHIA SẺ CHÚNG (Hiệp Lễ).
Tôi đã thực hiện việc chia sẻ thế nào trong cuộc cử hành Thánh Thể? Tôi đã cố gắng tới mức nào trong việc xử dụng mọi tài năng để phục vụ người khác? Phải chăng những tài năng của tôi là để cống hiến cho và chia sẻ với những người khác cách tự nguyện, quảng đại, và nhất quán? Những ân huệ nào tôi giữ lại cho riêng mình hay chỉ giới hạn vào trong một nhóm giới hạn nào đó? Tôi có nhận thức rằng lời cảm tạ tốt đẹp nhất về các ân huệ Chúa ban là xử dụng chúng cách quảng đại để mưu ích cho người khác? Tôi có để những người khác có cơ hội để chia sẻ những ân huệ hay tài năng của họ với tôi không?
Như vậy, Kinh Nguyện Thánh Thể đóng vai trò tương tự như cái trướng lớn hay chiếc dù bao phủ toàn thể những động tác chính yếu của cuộc cử hành Thánh Thể và nói lên ý nghĩa của các động tác ấy. Đặc biệt, Tường Thuật Thiết Lập Thánh Thể không những nêu rõ những gì linh mục thực hiện trên bàn thờ, mà còn nói lên ý nghĩa của tất cả những gì mà mọi người hiện diện thi hành khi họ tụ họp lại để cử hành Thánh Thể.
Tôi muốn ám chỉ gì về bốn hành động được đề cập tới trong Tường Thuật Lập Thánh Thể: Cầm lấy... dâng lời chúc tụng... bẻ ra... trao ban...? Tôi muốn ám chỉ gì về bốn động tác ấy trong khi cử hành Thánh Thể? trong cuộc sống sau khi cử hành Thánh Thể? Phải chăng tôi tiếp tục “tuyên xưng Mầu Nhiệm Đức Tin” khi đường đời gập ghềnh, khi người khác yêu sách tôi, khi những chướng ngại chồng chất trên bước đường của tôi? Tôi xử lý những phản bội trong cuộc đời tôi thế nào? Phải chăng tôi coi những phản bội ấy như thành phần của cuộc sống Thánh Thể mà tôi cử hành? Có khi nào tôi phản bội hay bỏ mặc người khác bằng cách phao tin thất thiệt, nói xấu, chủ ý nhưng kín đáo tìm cách hại người khác hay xúc phạm đến họ, gây trở ngại cho họ, hoặc để lòng ghen tỵ với họ không?
4- Chúng ta đến với nhau không phải để nói những lời trên bánh và rượu, nhưng là để thực hiện một số sự việc, đó là: cầm lấy bánh và rượu để cảm tạ và chúc tụng, để chia sẻ bánh và rượu ấy với nhau. Chính những hành động ấy làm thành cuộc tưởng niệm Chúa Giêsu[1]. Đây là động tác nghi thức, chính nhờ động tác này mà chúng ta cử hành cuộc giao hòa với Thiên Chúa. Nhờ chia sẻ bánh và rượu được truyền phép, chúng ta được nuôi dưỡng nhờ Chúa Ki-tô, Đấng đã chết và sống lại vì ta.
Cuộc tưởng nhớ Chúa Giê-su của tôi sâu xa và có tính cách cá nhân thế nào? Cuộc tưởng nhớ lễ hiến thân của Chúa Giê-su có thúc đẩy tôi hành động và hiến thân tôi cho người khác tương tự như vậy không? Cuộc cử hành Thánh Thể của tôi có giúp tôi xây dựng cộng đoàn giáo xứ hay đền thánh, nhưng đồng thời lại phá vỡ cộng đoàn thánh thể của tôi hay không? Tôi có nhận thấy, tôi được giao hòa và tôi cũng giao hòa với giáo dân và với các phần tử trong cộng đoàn Thánh Thể của tôi không? Chúa Giê-su đã chết thay cho tôi (2Cor.5:14-15) để tôi sống cho Người, tôi có xác tín sâu xa điều đó không? Sứ vụ của Chúa Giê-su hệ tại làm cho người ta nhận biết lòng thương xót của Đức Chúa Cha, phải chăng đó cũng thực sự là sứ vụ của tôi?
[1] Coi: Ga.13:1-20: Chúa Giê-su rửa chân để nêu gương những gì Người chúng ta tưởng nhớ đến Người.