Phần III - Chương III - Bẻ Ra Và Chia Sẻ Lời Chúa

CHƯƠNG III

BẺ RA VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA

 

          Giờ đây chúng ta sẽ khảo sát một vài vấn đề liên quan đến bài giảng trong đó chúng ta “bẻ” Lời Chúa ra cho dân chúng.

       * Trước Công Đồng Va-ti-ca-nô II, bài giảng là một thực thể biệt lập. Bài giảng thường được khởi đầu bằng cách trưng dẫn một câu Kinh Thánh để nhấn mạnh đến chủ đề của bài giảng. Tiếp đến là Dấu Thánh Giá. Một bài giảng cổ điển luôn có một cấu trúc rõ rệt: Mở đầu, thân bài gồm những luận chứng chính, và cuối cùng là kết luận hay kết thúc. Bài giảng được kết thúc bằng Dấu Thánh Giá, điều đó chứng tỏ, bài giảng không phải là một thành phần của cuộc cử hành Thánh Thể.

          Hơn nữa, chủ đề của bài giảng thường cũng không liên quan đến những bản văn Thánh Kinh của Thánh Lễ trong ngày. Ngoài ra, chủ ý của bài gảng cũng không nhằm giúp dân hiểu và nhận biết giá trị của những đường lối của Thiên Chúa, đặc biệt là tình yêu của Ngài đối với chúng ta, nhưng là để động viện người ta sống theo một đường lối đặc biệt nào đó, đường lối đặc biệt ấy thường là tuân giữ cặn kẽ các Giới Răn và Lề Luật của Chúa. Nói cách tổng quát, những bài giảng trước Công Đồng Va-ti-ca-nô II thường có đặc tính một bài thuyết trình thuộc khoa hùng biện hơn là một bài chia sẻ niềm tin.

          * Sau Công Đồng Va-ti-ca-nô II, bài giảng nhằm mục đích đưa Lời Chúa trở về hiện tại, nghĩa là giải thích Lời Chúa, đưa ra những áp dụng thực tế và làm cho Lời Chúa có ý nghĩa đối với thế giới cụ thể ngày nay. Sau Công Đồng Va-ti-ca-nô II, Thánh Kinh được trình bày cho dân nhiều hơn. Vì dân chúng thường không biết nhiều về bối cảnh và cũng không hiểu lắm về ý nghĩa của những đoạn Thánh Kinh ấy, tính chất biểu tượng của Lời Chúa vẫn còn mới mẻ đối với hầu hết các ki-tô hữu. Vì thế Lời Chúa cần được giải thích để dân chúng có thể hiểu và đáp ứng lại. Vì Đức Tin phát sinh nhờ chăm chú lắng nghe Lời Chúa và đáp lại lời mời gọi của Chúa, nên Lời Chúa phải được nghe như một sự việc đang diễn tiến và sống động trong bối cảnh sống của ta. 

          Chủ đề của bài giảng có thể là: Những bài đọc trong ngày hay bất cứ phần nào của Thánh Lễ, hoặc những đề tài, như: Giao Ước, Mầu Nhiệm Phục Sinh,... (Qui Chế Tổng Quát #4). Mục tiêu nhắm tới là giúp cộng đoàn cử hành Thánh Thể cách chân thực, nghĩa là tham dự cách tích cực, thông suốt và hiệu quả vào Mầu Nhiệm.

          Có nhiều cách trình bày sứ điệp của Lời Chúa cách hữu hiệu: Đối thoại, diễn kịch, trình diễn con rối và những phương pháp thính thị khác. Đặc biệt đối với các trẻ nhỏ, diễn lại đoạn Tin Mừng là phương pháp rất đáng khuyến khích, nhưng phải diễn những gì có ý nghĩa và hợp với trình độ hiểu biết của trẻ nhỏ. Phương pháp này cũng rất thành công đối với người lớn, đặc biệt là những người có trình độ đức tin chưa được sâu sắc lắm.

          Cũng có nhiều kỹ thuật chúng ta nên xử dụng để làm cho bài giảng thêm công hiệu: chẳng hạn có thể dùng một hoàn cảnh cụ thể của đời sống liên quan đến sứ điệp chính của bài giảng để dân chúng cảm nghiệm được mối tương quan giữa chủ đề và cuộc sống hằng ngày. Cũng nên dùng những biến cố thời sự như cuộc chiến ở I-rắc (Iraq) chẳng hạn. Những biến cố ấy phải có một tầm quan trọng đối với dân chúng, và nhiệm vụ của vị ngôn sứ là vạch cho họ thấy những điểm đặc biệt bao hàm sứ điệp Chúa muốn gởi đến cho họ. Tuy nhiên, cũng nên cẩn thận, đừng biến bài giảng thành điểm mục thông tin về các biến cố như vậy.

          Bài giảng không thể thay thế cho các hình thức giáo huấn khác, như: giáo lý, các khóa học hay thuyết trình; các cuộc hội thảo, tĩnh tâm, những lớp giáo lý cho người lớn... Những giáo dân có khả năng là nguồn năng lực phong phú có thể hỗ trợ cho các lãnh vực này.

 

SOẠN BÀI GIẢNG

          Sau đây là một vài đề nghị liên quan đến việc soạn bài giảng cho ngày Chúa Nhật. Một cách lý tưởng, nên khởi sự soạn bài giảng ngay từ thứ hai, ít nhất là đọc và suy niệm các bản văn trước. Tham khảo các sách chú giải cũng như các tài liệu khác có thể tiến hành suốt cả tuần. Sau cùng, để soạn bài giảng đầy đủ thì lý tưởng nhất là nên đến và suy niệm trước sự hiện diện của Chúa trong Thánh Thể, vì dầu sao bài giảng cũng là sứ điệp của Chúa nói với dân của Ngài; còn vị giảng thuyết chỉ là phát ngôn viên của Chúa, là dụng cụ Chúa dùng để chuyển đạt sứ điệp của Ngài mà thôi. Tuy nhiên, như chúng ta từng kinh nghiệm, những gì phát xuất từ tâm hồn và từ mối tương quan thực sự giữa cá nhân với Chúa bao giờ cũng có sức lôi cuốn và tác động vào tâm hồn người nghe hơn là những gì được vay mượn của người khác cho dù người ấy có thể có một kiến thức sâu rộng, một đời sống thánh thiện hoặc giầu kinh nghiệm tới đâu chăng nữa. Một điều hết sức quan trọng khác là khi soạn bài giảng, cần phải chú ý đến cử tọa mà chúng ta sẽ giảng.

          Về cách thuyết giảng, cung giọng và cách thức đàm thoại bao giờ cũng hấp dẫn hơn là cung cách hùng biện. Một cách tổng quát, dân chúng không ưa kiểu nói la hét, hay cung cách trịch thượng như kẻ cả coi cộng đoàn như đám con nít. Mời gọi giáo dân tự suy nghĩ về các chân lý hoặc nguyên tắc được trình bày, đó là đường lối tốt hơn là đưa ra những giải pháp sẵn có. Nêu lên một số câu hỏi bỏ ngỏ về đề tài, mời gọi cộng đoàn tiếp tục suy nghĩ, tìm tòi, đó cũng là một đường lối rất hữu ích.

          Những kỹ thuật khác như: tiếp xúc bằng mắt, xử dụng hệ thống âm thanh v.v. không cần nói, chúng ta cũng biết, đó là những phương tiện góp phần quan trọng cho việc chuyển đạt sứ điệp sống động như Lời Chúa chẳng hạn.

 

NỐI KẾT PHẦN CÒN LẠI CỦA

PHỤNG VỤ THÁNH THỂ

          Nhiều vị chủ tế thở phào khoan khoái sau khi chấm dứt bài giảng. Tuy nhiên, chúng ta không nên quên rằng, sứ điệp của bài giảng phải bao trùm toàn thể cuộc cử hành Thánh Thể. Sứ điệp then chốt của bài giảng phải được đề cập tới trong suốt phần còn lại của cuộc cử hành Thánh Thể. Sứ điệp ấy phải được đề cập tới khi đọc Kinh Tin Kính. Có thể dùng một vài điểm cốt yếu làm ý chỉ cho Lời Nguyện Giáo Dân. Ngay cả Kinh Nguyện Thánh Thể cũng có thể xen vào một vài lời tóm tắt cảm nghiệm đức tin, chẳng hạn nếu bài giảng nhấn mạnh đến tình yêu đầy thương xót của của Thiên Chúa khi đón nhận các tội nhân trở lại bàn tiệc, thì trong Kinh Nguyện Thánh Thể II, chúng ta có thể xen vào một vài lời tương tự như sau: “Chúng con cảm tạ Cha vì đã cho chúng con là những người tội lỗi được xứng đáng tham dự vào bàn tiệc của Cha và chia sẻ sự sống với Cha; xin cho chúng con được phụng sự Cha cách trung thành và tận tình hơn; chúng con cúi xin Cha cho Thánh Thần...”.

          Ở một vài chỗ khác, chúng ta cũng có thể xen vào ít lời tương tự như vậy. Tuy nhiên, điều quan trọng là chủ tế phải chuẩn bị trước những gì ngài muốn thêm, vào lúc nàoở chỗ nào. Những lời thêm vào ấy phải luôn ngắn gọn, được soạn kỹ và không làm xáo trộn dòng tư tưởng cũng như lời văn của Kinh Nguyện Thánh Thể được lựa chọn. Sứ điệp của bài giảng cũng có thể xen vào Kinh “Đây Chiên Thiên Chúa” và vào Lời Nguyện Hiệp Lễ. Như vậy, bài giảng sẽ làm cho sứ điệp chính yếu của Mầu Nhiệm cử hành được nổi bật lên và thấm nhập vào toàn thể cuộc cử hành Thánh Thể. Cũng chính vì lý do đó, ý tưởng chính của bài giảng có thể là những ý tưởng của Nghi Thức Thống Hối và của Lời Nguyện Mở Đầu.


 


 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.