CHƯƠNG II
LẮNG NGHE LỜI CHÚA
Sau khi cử hành tình yêu đầy thương xót của Thiên Chúa, giờ đây chúng ta có thể lắng nghe Lời Chúa cách hiệu quả hơn.
* Trong Linh Đạo cũ, Lời Chúa thường được dùng làm nền tảng để khích lệ sự công chính luân lý, để cảnh cáo những người bướng bỉnh, cứng đầu và tội lỗi. Theo đường lối này, Thiên Chúa được quan niệm như người đốc công khắc nghiệt, hay vị thẩm phán chí công, Ngài sẽ giáng hình phạt xuống trên dân Ngài cách tàn nhẫn nếu họ bỏ đường ngay nẻo chính. Đường lối này tất nhiên sẽ hạn chế những đoạn Thánh Kinh được đọc trong phụng vụ, vì chỉ một số ít đoạn có tính cách khuyên bảo hoặc khuyến cáo nên mới được đưa vào phụng vụ mà thôi. Bài giảng tiếp theo cũng thường mang đặc điểm ngăm đe, nhằm mục đích kêu gọi người ta sửa lại đời sống luân lý, kèm theo những hăm dọa về hậu quả khủng khiếp của sự bất tuân: Lửa hỏa ngục! Đích điểm ở đây là hướng về con người.
* Linh Đạo Thánh Thể Canh Tân luôn trở về nguồn, Lời Chúa trước tiên được coi là lời sáng tạo (St.1-2). nhất là sáng tạo con người; Lời Chúa cũng có đặc điểm đào tạo, tức là đào tạo “Dân được tuyển chọn” (Xh.19 va 24). Mục đích của Lời Chúa là nhắc nhở dân về những công cuộc kỳ diệu mà Chúa đã và còn đang thực hiện trong lịch sử của dân Ngài. Vì thế, cuối mỗi bài đọc được công bố trong Thánh Lễ, sứ điệp của Lời Chúa được nhận biết rõ hay không là tùy thuộc vào câu trả lời cho vấn nạn của Chúa: “Các ngươi thấy Ta đã đối xử với Ai Cập thế nào và đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng mà đem đến với Ta” (Xh.19:3-5). Như vậy, mục đích chính của các bài đọc là giúp ta sống cảm nghiệm hằng ngày về tình yêu Thiên Chúa. Vì thế, đích điểm của Lời Chúa ở đây là hướng về Thiên Chúa.
Mỗi người đều trải qua biết bao kinh nghiệm hằng ngày, nhưng ít khi chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa của chúng. Nhiệm vụ của vị ngôn sứ là giải thích những biến cố này và lưu ý ta về những gì Thiên Chúa muốn nói với ta qua các biến cố ấy. Một khi chúng ta học được từ nơi vị ngôn sứ nghệ thuật giải thích “dấu chỉ của thời gian”, chúng ta có thể lựa ra những sứ điệp nào dành cho mình... và có thể phát triển ý thức về tác nhân thần linh ở giữa chúng ta. Tuy nhiên, điều quan trọng cần phải nhớ là, vì Thiên Chúa là tình yêu, nên sứ điệp của Ngài luôn phải là lời của tình yêu. Ngay cả khi Ngài quở trách hay đánh phạt ta vì những hành vi sai quấy của ta, thì cũng chính tình yêu đã thúc đẩy Ngài nói và gọt dũa những lời của Ngài. Một khi hiểu rõ như vậy, chúng ta sẽ không còn sợ giải thích sai lạc Lời Chúa được công bố trong Thánh Lễ nữa.
Dựa vào căn bản này, bài giảng phải làm sáng tỏ sứ điệp của tình yêu Chúa, bài giảng phải là “cuộc bẻ ra” hay chia sẻ Lời Chúa, phải làm sao cho những người đơn sơ chất phác có thể đón nhận được Lời Chúa. Bài giảng phải nhằm giúp cho giáo dân “thấy” và thưởng thức được tình yêu Thiên Chúa. Một cách lý tưởng, phải dẫn người ta tới kinh nghiệm ngạc nhiên, tới nhận thức bất thần về thực tại vẫn luôn hiện hữu, nhưng đã không được người ta nhận thức vì bị ngăn cản cách nào đó hay vì định kiến.
BIỂU TƯỢNG
CHỨ KHÔNG PHẢI DỤ NGÔN
Hai từ Hi Lạp tóm lược những đường lối khác nhau về cách hiểu biết Lời Chúa của ta, đó là PARABOLE
(Dụ Ngôn) và SYMBOLE (Biểu tượng).
* PARA là kề bên, BOLE là ném đi. PARABOLE cho biết phải hiểu Lời Chúa thế nào theo Linh Đạo Thánh Thể Cũ nghĩa là trình bày cho ta mẫu mực của cuộc sống, và cho ta biết cách cụ thể phải làm gì. “Những gì phải làm” ấy chỉ là sao lại mẫu mực có sẵn về những đặc tính được trình bày trong đoạn Thánh Kinh. Tuy nhiên, một cách tổng quát, đường lối ấy hủy hoại phẩm giá con người. Vì mỗi người đều là một nhân vị độc nhất không thể có người thứ hai hoàn toàn giống như vậy, vì thế người ta thường gớm ghét dòng dõi vô tính (Cloning).
Ngoài ra, hoàn cảnh của chúng ta ngày nay cũng hoàn toàn khác biệt với những gì thịnh hành ở thời Thánh Kinh. Chẳng cần thông minh lắm, người ta cũng có thể sao lại hoặc bắt chước sự đáp ứng của người khác đối với Thiên Chúa.... ngay cả xúc vật hay chim chóc cũng có thể nhái lại con khác. Sự đáp ứng như thế không phát xuất từ tâm hồn, nhưng chỉ hời hợt bề ngoài và do đó không có ý nghĩa và giá trị bao nhiêu. Hãy nhớ lại những phản ứng của ta khi nhận được tấm thiệp chào mừng với những lời in sẵn và tấm thiệp viết tay của người gởi.
* SYM là cùng với nhau, BOLE là ném đi, liệng đi. SYMBOLE ám chỉ hai mảnh của một chiếc đĩa sành bị bể (hay như ổ khóa và chìa khóa), khi được liệng đi cùng với nhau (không phải kề bên nhau), hai mảnh ấy tạo thành một bản thiết kế toàn bộ, trọn vẹn và có ý nghĩa. Mỗi phần đều không thể trọn vẹn nếu thiếu phần kia; phần nọ phải cần đến phần kia mới được trọn vẹn. Bởi thế, kinh nghiệm được thuật lại trong Thánh Kinh phải vươn tới và móc nối vào kinh nghiệm của chúng ta. Những kinh nghiệm của ta chưa được rõ rệt, nhưng khi được ráp lại với kinh nghiệm được diễn tả trong Thánh Kinh, bỗng nhiên ta nhận ra ý nghĩa thâm thúy của những kinh nghiệm trước kia, vì bây giờ chúng ta mới nhìn thấy toàn thể bức họa, khiến chúng ta phải kêu lên: “À ra thế, bây giờ tôi mới thấy...” (Coi: Cv.10:34-35). Nhận thức bất chợt này rất cá biệt và giúp ta khám phá được lời đáp ứng cá nhân và sâu xa đối với hành động của Thiên Chúa.
ĐIỀU ĐÓ DIỄN TIẾN THẾ NÀO?
Điều đó diễn tiến thế nào? Thí dụ cụ thể sau đây có thể giúp ta trả lời câu hỏi trên. Đó là câu chuyện Đa-vít phạm tội với Bat-sê-ba (Bathsheba), rồi sau đó đã tìm mọi cách để giấu diếm tội lỗi mình, đến nỗi đã giết U-ri-a) Uria, chồng bà Bat-sê-ba (Bathsheba). (Coi: 2Sm.11:1-12:23). Câu chuyện đó nhắc nhở ta về những trường hợp chúng ta tìm cách giấu diếm lỗi lầm của mình bằng một chuỗi những lời gian dối và đôi khi bằng những thủ đoạn gian ác nữa. Suốt thời gian ấy, từ thâm tâm, chúng ta vẫn ý thức mình tội lỗi, nhưng vẫn tìm mọi cách để tránh né đối đầu với thực tại cho tới khi bị lộ ra và hết đường chối cãi. Tội lỗi ta bị bại lộ là do quá nhiều dối trá đến nỗi nhiều khi chúng mâu thuẫn nhau và giấu đầu hở đuôi. Một khi nhận thức được mưu cơ bị bại lộ thì phản ứng của ta sẽ phải như sau: Hoặc ăn năn sám hối như trường hợp Đa-vít, hoặc sẽ chai lỳ cố chấp hơn trong tội. Nhưng vấn đề muốn nói ở đây là, câu chuyện về những hành động của Đa-vít mới chỉ là phân nửa của vấn đề, phân nửa câu chuyện này soi sáng và nói lên ý nghĩa thầm kín về thái độ của ta mà giờ đây ta mới hiểu rõ.
NHỮNG THỰC HÀNH
1- Hãy lắng nghe Lời Chúa và chú tâm vào những đặc điểm của Thiên Chúa hơn là vào những gì ta phải làm hay không được làm.
2- Trong thinh lặng sâu xa, hãy khảo sát xem câu chuyện được Lời Chúa công bố có tương ứng với một kinh nghiệm quá khứ nào của ta không? (tương tự như chìa khóa với ổ khóa). Nếu có, hãy tìm hiểu xem Thiên Chúa muốn nói gì với ta qua cảm nghiệm ấy. Ta đã có nhận thức ngạc nhiên nào? Giờ đây ta có thể đáp lại Lời Chúa cách tích cực và hiệu quả ra sao?
3- Hãy suy tưởng Lời Chúa được công bố và hãy để Lời ấy kích thích tâm trí bạn để có thể nhận ra những nối kết khác và những áp dụng khác, ngay cả với những câu chuyện khác trong Thánh Kinh.
4- Bạn đáp ứng lại Lời Chúa thế nào: Trong khi cử hành Thánh Thể cũng như sau đó?
5- Bạn có chia sẻ sự hiểu biết của mình về đoạn văn hoặc câu chuyện Thánh Kinh với người khác không? Hãy thực hiện điều đó càng sớm càng tốt, vì nhờ vậy mà sứ điệp của Lời Chúa sẽ ghi đậm nét hơn vào ký ức bạn.