Phần III - Chương IV - Đáp Lại Lời Chúa Trong Niềm Tin

CHƯƠNG IV

ĐÁP LẠI LỜI CHÚA TRONG NIỀM TIN

 

          Giờ đây chúng ta sẽ khảo sát những khác biệt về đáp ứng Lời Chúa trong các cuộc cử hành Thánh Thể trướcsau Công Đồng Va-ti-ca-nô II.

          * Trước Công Đồng Va-ti-ca-nô II, Lời Chúa trong cuộc cử hành Thánh Thể không được công bố cho dân, vì Lời Chúa được đọc thầm và bằng tiếng La-tinh. Do đó, đáp lại Lời Chúa thực sự không cần thiết. Sứ điệp của Lời Chúa sau đó (tức sau khi được đọc thầm bằng tiếng La-tinh) mới được lặp lại và giải thích bằng tiếng địa phương qua bài giảng. Và những bài giảng vào thời ấy cũng thường là những bài học về luân lý liên quan đến một nhân đức của ki-tô giáo.

          * Sau Công Đồng Va-ti-ca-nô II, cử hành Thánh Thể luôn có phần đáp lại Lời Chúa. Trước hết, về Đáp Ca, thực ra đây không phải là đáp lại Lời Chúa, nhưng là một suy niệm về Bài Đọc thứ nhất:“Đáp Ca thường lấy ở Sách Bài Đọc, vì các bản văn ở đây liên quan mật thiết đến Bài Đọc trước đó. Vì thế việc lựa chọn Thánh Vịnh lệ thuộc vào Bài Đọc” (Qui Chế Tổng Quát, #36). Vì mối tương quan với Bài Đọc, nên đặc điểm của Đáp Ca không giống như các bài ca dành cho những cuộc rước. Đáp Ca nhằm mục đích khích lệ dân chúng suy niệm về những hành vi cứu độ của Thiên Chúa.

          Đáp Ca không phải dành riêng cho ca đoàn, nhưng là cho cộng đoàn. Trong một vài trường hợp, có thể xử dụng nhạc êm dịu làm nền, trong khi cộng đoàn suy niệm trong thinh lặng về Lời Chúa vừa được công bố. Cũng vậy, thinh lặng có thể là một hình thức thay cho Đáp Ca. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm, dân chúng cần được huấn luyện chu đáo trước khi xử dụng thinh lặng cách hiệu quả như một hình thức cầu nguyện.

          Trong khi Đáp Ca liên hệ với Bài Đọc trước đó, thì Aleluia hướng tới bài Tin Mừng sắp được công bố và nêu lên ý chính của Bài Tin Mừng này. Bài ca này chuẩn bị cho cộng đoàn chú tâm vào điểm chính của Bài Tin Mừng.

          Như vậy, hai bài ca xen vào giữa các Bài Đọc không phải là đáp ứng Lời Chúa, nhưng có những công dụng và mục đích hoàn toàn khác nhau.

 

ĐÁP ỨNG THỰC SỰ: NIỀM TIN

          Đáp lại Lời Chúa là NIỀM TIN, đó là sự hiểu biết sâu xa về đường lối của Chúa; đường lối đó, theo I-sa-i-a, là một đường lối hoàn toàn khác với đường lối người phàm (Coi: Is.55:8-11). Sự đáp ứng ấy, trong các Chúa Nhật và Lễ Trọng (Solemnity), được biểu lộ qua việc Tuyên Xưng Đức TinLời Nguyện Giáo Dân. Tuy nhiên, hầu như người ta chỉ đọc thuộc lòng Kinh Tin Kính theo thói quen, nên kinh này ít hoặc chẳng có ý nghĩa gì đối với cộng đoàn. Vì thế chủ tế nên nhấn mạnh một vài điểm về đức tin bằng cách nối kết Kinh Tin Kính với một trong những ý tưởng chính của bài giảng liên quan đến một đặc tính nào đó của Thiên Chúa, chẳng hạn bài giảng đề cập đến lòng khoan hồng và sự sẵn sàng tha thứ của Thiên Chúa, chủ tế có thể mở đầu Kinh Tin Kính bằng những lời tương tự như sau: “Khi cầu nguyện theo Kinh Tin Kính hôm nay, với niềm tin vững mạnh, chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa vẫn tiếp tục rộng lượng với chúng ta. Ngài là Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ cho ta. Vì thế chúng ta hãy cùng nhau tuyên xưng rằng...”. Lời giới thiệu ngắn gọn ấy có thể làm cho những lời chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính thêm ý nghĩa và có tính cách cá nhân.

          Điều cần tránh là chủ tế không nên bắt đầu Kinh Tin Kính, chẳng hạn ngài đọc: “Tôi tin kính một Thiên Chúa”, rồi cộng đoàn tiếp vào: “là Cha toàn năng...”. Tốt hơn, chủ tế nên giới thiệu một vài lời vắn tắt, rồi tất cả cùng bắt đầu:Tôi tin kính...”.

          Việc tối quan trọng để đem lại hiệu quả cho phần hai của cuộc cử hành Thánh Thể, tức Phần Phụng Vụ Bánh Thánh, đó là giúp cộng đoàn đào sâu niềm tin qua việc công bố Lời Chúa. Nhờ Lời Ngài mà Thiên Chúa nhắc cho dân những gì Ngài đã thực hiện trong lịch sử. Rồi Ngài thêm: “Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và tuân giữ Lời Ta, các ngươi sẽ là sở hữu của riêng Ta” (Xh.19:3-5).

          Xác tín về sự trung thành của Thiên Chúa đối với dân Ngài, điều đó có ảnh hưởng đến chiều sâu và đặc tính của tinh thần phó thác trong tay Chúa của dân. Vì thế, niềm tin của các tín hữu càng sâu xa bao nhiêu thì họ càng phó thác trọn vẹn hơn đời sống và những khó khăn của họ cho sự săn sóc của Thiên Chúa hơn bấy nhiêu. Như vậy bẻ bánh là cử chỉ biểu tượng cho sự tự nguyện bẻ nát cuộc đời mình ra trong nghi thức và trong chính cuộc sống, điều đó lệ thuộc vào niềm xác tín của họ đối với sự trung thành của Thiên Chúa, và sự đáng tin cậy của Ngài theo quan điểm của chúng ta.

          Bởi thế, điều quan trọng là phải hết sức làm cho phần kết của Phụng Vụ Lời Chúa gây xúc động mãnh liệt và có tác động trên mỗi cá nhân. Sự xúc động ở đây không phải giống như chiếc bong bóng xì hơi, hay như sự xủi bọt của chai nước ngọt khi vừa mở ra. Sự xủi bọt ấy chỉ kéo dài giây lát rồi xẹp xuống và không còn chút năng lực nào nữa. Nhưng sự xúc động trước Lời Chúa phải là cảm nghiệm kinh ngạc mà người ta bỗng nhận ra những lời Chúa nói với họ quả thực không sai, khiến họ phải kêu lên: “Quả thực bây giờ tôi mới thấy!”. Và như Thánh Gio-an viết: “Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã chạm tới... Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho anh em” (1Ga.1:1-4).

 

LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

           Đây là một trong những thành phần lâu đời nhất của Thánh Lễ. Thánh Gius-ti-nô đã đề cập tới phần này ngay từ thế kỷ thứ 2. Đây là lời nguyện luôn được coi là quan trọng. Vì thế, chỉ những người đã được chịu Phép Rửa và các ki-tô hữu đang hiệp thông hoàn toàn với           Giáo Hội mới được phép tham dự vào lời nguyện này của dân tư tế[1] (Chính vì thế lời nguyện này được gọi là Lời Nguyện Giáo Dân, nghĩa là lời nguyện dành riêng cho dân Thiên Chúa mà thôi, người ngoài không được tham dự).

          Lời nguyện này cũng được gọi là “Lời Nguyện Phổ Quát” (Universal Prayers), nên lời nguyện này lưu ý ta về bề rộng và phạm vi phổ quát của các ý chỉ.Vì dân Thiên Chúa thi hành chức vụ tư tế của mình nhân danh toàn thể thế giới, nên lời nguyện này phải bao quát và trải rộng cho đến tận cùng bờ cõi trái đất.

          Tuy nhiên, điều tối quan trọng là những ý chỉ phải phản ảnh đức tin thực sự của cộng đoàn. Vì thế cách tốt nhất để soạn những ý chỉ của lời nguyện này là phải đặt mối quan tâm đến cộng đoàn cụ thể, chứ không nên lấy những lời nguyện soạn sẵn trong các sách không liên hệ mấy với cộng đoàn đặc biệt. Những lời nguyện này cũng có thể do các phần tử trong cộng đoàn tự phát. Có như vậy, những lời nguyện ấy mới thực sự biểu lộ được những nhu cầu thực tế của những người qui tụ lại để tôn thờ.

          Bản chất đặc biệt của những lời cầu xin này thuộc phần vụ của giáo dân. Đây không phải là lời nguyện của chủ tế, vì thế chủ tế không nên xướng những ý chỉ của lời nguyện này (Qui Chế Tổng Quát, #47). Hơn nữa, theo căn bản thần học, lời nguyện này phải là thành phần thường xuyên của mọi Thánh Lễ, chứ không chỉ dành riêng cho Chúa Nhật và các Lễ Trọng mà thôi (Qui Chế Tổng Quát, #45)[2].

          Về phương diện cơ cấu Phụng Vụ, Lời Nguyện Giáo Dân là kết thúc của Phụng Vụ Lời Chúa. Một cách lý tưởng, những ý chỉ của Lời Nguyện Giáo Dân phải gắn liền với những bài đọc trong ngày, gồm có: Trích dẫn từ bài đọc được nêu lên, rồi ý chỉ được lồng vào sứ điệp của trích dẫn. Như vậy sự duy nhất căn bản của Thánh Lễ luôn được bảo toàn.

          Một khi giáo dân biết cách chăm chú vào Lời Chúa và rút ra những đặc điểm của Thiên Chúa được bao hàm trong Thánh Kinh rồi thì người ta sẽ dễ dàng bộc lộ ra qua những lời nguyện để cầu cho những nhu cầu của Giáo Hội và thế giới. Cũng nên nhắc cho giáo dân rằng, người ki-tô hữu chân chính khi cầu nguyện thì không quan tâm nhiều đến nhu cầu riêng của mình cho bằng những nhu cầu của người khác, vì cốt yếu của Thánh Lễ là “Bánh được bẻ ra cho người khác”.


 

[1] Các dự tòng và các kitô hữu đang trong thời kỳ sám hối phải ra khỏi thánh đường trước khi cử hành phần phụng vụ này.

[2] Vì lời nguyện này là thành phần của Phụng Vụ Lời Chúa, nên phải được cử hành ở giảng đài, nơi cử hành Tiệc Lời Chúa.


 


 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.