Thánh Thể Là Cử Hành Cuộc Vượt Qua Của Chúa Kitô Để Đi Vào Cuộc Sống

PHẦN IV

THÁNH THỂ LÀ CỬ HÀNH

CUỘC VƯỢT QUA CỦA CHÚA KITÔ ĐỂ ĐI VÀO CUỘC SỐNG

 

SUY NIỆM VỀ

CÂU CHUYỆN E-MAU

(Lc.24)

          Chúng ta đã kết thúc những suy niệm về một số khía cạnh của Linh Đạo Thánh Thể Canh Tân. Những suy niệm ấy nhằm mục đích đào sâu thêm tình yêu của ta đối với cuộc Tưởng Niệm Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Ki-tô và dẫn chúng ta tới gặp gỡ Người để nhờ đó chúng ta có thể và có đủ nghị lực khởi đầu cuộc sống mới. Giờ đây, chúng tôi muốn chia sẻ một vài suy niệm về những đường lối khác nhau để tìm gặp Chúa Phục Sinh trong đời sống của chúng ta hôm nay. Vấn đề được đặt ra là: Chúa Phục Sinh là con người thực và sống động đối với ta ra sao? Chúng ta làm quen với sự hiện diện sống động của Người thế nào? Những cuộc cử hành Thánh Thể của ta sẽ biến đổi ra khác tùy theo những vấn đề này... Ngoài ra, chúng ta có thực sự cử hành “Cuộc Phục Sinh” của Chúa Kitô được thể hiện ở nơi chúng ta không?

          Cử hành cuộc Phục Sinh của Chúa Giê-su có nhiều ý nghĩa, một trong những ý nghĩa ấy là, mặc dù cuộc đời chúng ta chất chứa biết bao thất bại, hủy hoại, ảm đạm và những thực tại tiêu cực khác, nhưng chúng ta vẫn tin rằng, hiện giờ hạt giống sự sống mới đã được gieo vào giữa chúng ta. Khi tin tưởng như thế, thái độ của ta sẽ phải hết sức tích cực, nghĩa là do chính niềm tin này mà chúng ta phải hành động dường như những điều chúng ta hi vọng sẽ được thực hiện trong một tương lai rất gần. Đó là những lời tiên tri sẽ được ứng nghiệm mà người ta phải cảm nhận để biết rằng chúng thực sự sẽ xẩy ra như vậy. Chúng ta phải nhận thức rằng những nỗ lực yếu ớt của ta hoàn toàn vô ích trong công cuộc tìm gặp Chúa Phục Sinh bằng cách tìm kiếm Người nơi nấm mộ: “Sao lại tìm Người sống ở giữa kẻ chết?” (Lc.24:5).       

          Vậy đâu là “nơi” hay “hang động” mà chúng ta đã cố công tìm kiếm Người nhưng chẳng gặp? Phải chăng “nơi đó” là những chuyện phiếm phàm tục? những câu chuyện nhảm nhí tầm phào, những thú tiêu khiển? những hoạt động triền miên nhưng vô ích và chán nản? Phải chăng đó là những hành vi tự cao tự đại, những hành vi xây lâu đài trên không?

          Chương 24 của Thánh Lu-ca nhắc nhở chúng ta nhiều lãnh vực chắc chắn nhất nơi mà chúng ta có thể tìm gặp được Chúa Kitô Phục Sinh trong cuộc sống hằng ngày.

          Chúng ta có thể tìm được Đâng Phục Sinh đang hiện diện giữa những con người đang sống động - qua việc phục vụ lẫn nhau trong tình yêu. Như hai môn đệ trên đường đi E-mau, chúng ta cũng đang trên đường hành trình qua cuộc sống với một số những giả định và định kiến “chúng tôi hi vọng” (Lc.24:21). Khi không tìm được Sự Sống ở những nơi chúng ta tưởng tượng, chúng ta đã tỏ ra thất vọng. Nhưng Người hiện diện ở Cuộc Bẻ Bánh nghịch lý để chúng ta nhận ra rằng: chính trong khi hiến thân là chúng ta nhận lãnh, trong khi tha thứ là chúng ta được tha thứ, trong khi chết đi là chúng ta được sinh ra trong sự sống muôn đời. Chúng ta có thể khám phá được điều ấy, đặc biệt là lúc chia sẻ Lời Chúa trong Thánh Lễ. Khi cuộc Chia Sẻ Lời Chúa này chỉ cống hiến ta chút hi vọng mơ hồ: “Lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên đó sao?” (c.32) thì Cuộc Bẻ Bánh (c.31) sẽ thúc đẩy ta hiến thân hơn nữa để noi gương Đấng mà tình yêu lớn lao đối với chúng ta đã dẫn Người đến cái chết cho các bạn hữu mình.

          Một khi khám phá ra sự hiện diện phục sinh của Người, chúng ta có khuynh hướng trở về với cộng đoàn (c.33) và chia sẻ cảm nghiệm của ta với những người khác là những người cũng đã khám phá được sự hiện diện của Người trong cuộc sống của họ. Và chính trong cuộc chia sẻ niềm tin này (c.36), chúng ta gặp được Người hiện diện dưới một hình thức mới mẻ hoàn toàn. Những người chung quanh ta lúc ấy cũng sẽ có những vai trò đặc biệt đối với cuộc sống của ta, lúc ấy chúng ta sẽ coi họ (coi chân tay của họ) như những người anh chị em và như những cộng sự viên của ta chứ không như những đối thủ hay những kẻ xa lạ. Chúng ta lắng nghe mọi người với sự tôn trọng đặc biệt, ngay cả những anh chị em nhỏ bé nhất của Người, vì Người lại không hiện diện ở trong họ sao? Chúng ta sẵn sàng bẻ bánh với người xa lạ và chia sẻ nguồn tài nguyên nghèo nàn của ta với những người túng thiếu. Và trong cuộc Be (Bánh và) này (c.43), Chúa bảo đảm với mọi người rằng tất cả sẽ được no đủ và thỏa thuê.

          Nghịch lý của sự hiến thân và chết đi là đây là con đường duy nhất dẫn tới cuộc sống ki-tô hữu thực, nghịch lý ấy được củng cố nhờ chia sẻ Lời Chúa và hát Thánh Vịnh. Sự hiện diện của Người được Thánh Kinh trình bày chi tiết (c.46-47) làm cho những cảnh sống của ta có một ý nghĩa mới và một mục đích mới: “Nào chẳng phải cần thiết trải qua đau khổ... mới được vão vinh quang sao?” Khi chúng ta bước theo con đường ấy và làm chứng cho những người khác, Chúa càng trở nên sống động đối với ta hơn khi chúng ta nhận thấy những lời yếu ớt và những hành vi do dự của ta có một sức mạnh phi thường để đánh động và chữa lành những người khác (c.49). Với niềm tin sâu xa ấy, giờ đây chúng ta mạnh dạn tiến bước từ Bê-ta-ni-a đi tới Can-va-ri-ô (c.50-51) để Máu các vị tử đạo trở thành hạt giống cho các tín hữu tương lai. Mầu Nhiệm Thập Giá chính là nguồn sống và hạnh phúc thật.

          Mầu Nhiệm Vượt Qua đã làm cho cuộc sống xoay hẳn một vòng: Chết đã trổ hoa thành sự sống sung mãn và như vậy chúng ta có thể trở lại cuộc sống bình thường, nhưng bây giờ chúng ta sống sự sống ấy với một ý nghĩa mới và với niềm xác tín rằng, chúng ta không đơn độc. Chúng ta biết rằng Người luôn ở với ta, Người có thực chứ không phải là ảo ảnh, mặc dù chúng ta không thấy và không đụng chạm được tới Người như Tôma đòi hỏi.

          Như vậy, chúng ta được mời gọi và được thách đố để khám phá lại sự hiện của Chúa Phục Sinh qua thực chất của cuộc sống ki-tô hữu hằng ngày, và để sống trọn Mầu Nhiệm Vượt Qua: Chết và Sống Lại, Sống Lại và Chết. Thông thường, chúng ta không cố gắng lắm để biến sự phục sinh thành yếu tố cốt lõi cho Linh Đạo riêng của ta. Ta vẫn thích chú tâm đến sự chết hơn trong những thực hành thiêng liêng. Lý do có lẽ vì sự chết gần gũi với những cảm nghiệm của con người hơn và dễ tưởng tượng hơn, nhưng chắc chắn điều đó chẳng phải là dễ dàng hơn để sống. Linh Đạo Thánh Thể Canh Tân mời gọi ta tái lập sự quân bình trong cuộc sống Mầu Nhiệm Vượt Qua.

          Chúng ta lại chẳng nỗ lực theo Chúa Ki-tô, Đấng đã chết và sống lại vì phần rỗi chúng ta, Người đưa chúng ta lên một trình độ cao, nơi mà chúng ta tuy phải bẻ nát mình ra, nhưng vẫn vui tươi và khi làm như vậy, chúng ta đã không để tay trái biết việc tay phải làm đó sao?... Chúng ta lại không nỗ lực theo Chúa Ki-tô khi biểu lộ tình yêu đối với kẻ thù mà chúng ta vừa khám phá được, và mời gọi họ đến chia sẻ bữa ăn với Chúa đang hiện diện ở giữa chúng ta đó sao? Chúng ta lại chẳng nỗ lực theo Chúa Ki-tô khi tự nguyện giơ má kia cho những người cứ tiếp tục đối xử tàn tệ và nói xấu ta sao? Chúng ta lại chẳng nỗ lực theo Chúa Ki-tô khi cầu nguyện mà không chỉ cốt đọc cho xong kinh những kinh chẳng hạn những kinh của Tuần chín Ngày hay những Kinh của lòng sùng mộ, nhưng trong tinh thần và chân lý, với những lời thở than sâu xa thay vì những lời nói xuông đó sao?

          Phải chăng sự hiệp thông của ta với Chúa và với nhau sẽ thành thực hơn và thân thiết hơn? Người không có ở đây theo những hình thức bề ngoài trước Công Đồng Va-ti-ca-nô II. Nhưng giờ đây Người quả thực đã sống lại và đang sống trong mỗi con người!

 

Khiết Tâm ngày 16 tháng 2, 2004

LM. Dominic Thuần, SSS


 

 


 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.