Phần III - Chương I - Nghi Thức Thống Hối

PHẦN III

TÌM HIỂU TỪNG BƯỚC

CỦA CUỘC CỬ HÀNH

 

CHƯƠNG I

NGHI THỨC THỐNG HỐI

 

          Trước tiên chúng ta hãy tìm hiểu NGHI THỨC THỐNG HỐI. Theo phụng vụ, phần này được gọi là “Confessio laudis” (Tuyên xưng lời chúc tụng). Tựa đề đó cho biết quan điểm về Linh Đạo Thánh Thể Canh Tân của phần này.

          Quan niêm xưa dạy chúng ta phải coi mình là những người tội lỗi từ A đến Z: Chúng ta sinh ra trong Tội Tổ Tông; suốt cuộc sống, chúng ta liên tiếp sống trong tội, rồi được tha thứ, rồi tái phạm và lại được tha thứ... và cứ thế cho tới trước khi lìa trần, chúng ta lãnh Bí Tích Xức Dầu để bảo đảm cho cái chết trong ơn nghĩa Chúa. Vì thế, suốt cuộc đời tội lỗi, chúng ta không ngừng kêu cầu lòng thương xót của Chúa. Bởi vậy trong cuộc cử hành Thánh Thể, lời cầu xin:“Lạy Chúa, xin thương xót chúng con” là lời nài xin ơn tha thứ của Chúa. Nhạc điệu được xử dụng trong phần này, ngay cả bây giờ, cũng hầu hết là âm thứ (Minor key) để diễn tả lòng đau đớn, bất lực, bất xứng và những đặc điểm tiêu cực khác. Tất cả đều qui về chúng ta.

          Tuy nhiên, Giáo Hội sơ khai ý thức sâu xa rằng, nhờ Chúa Giê-su, Đức Chúa Cha đã giáng phúc xuống trên ta rồi: “Từ cõi trời, Ngài đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần” (Eph.1:3-10). Tội lỗi chúng ta “đã được đóng đinh vào thập giá” qua cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người rồi. Như vậy, giờ đây chúng ta chỉ cần chấp nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa cách tri ân và tuyên xưng lòng nhân hậu của Ngài mà thôi. Vì thế, trong Linh Đạo Thánh Thể Canh Tân, Nghi Thức Thống Hối không được coi là lời cầu xin ơn tha thứ nữa, nhưng là LỜI CHÚC TỤNGTẠ ƠN về ơn tha thứ đã được ban xuống cho ta cách rộng rãi và phong phú qua Đức Ki-tô và chúng ta đã cảm nghiệm được ơn ấy nơi cuộc sống hằng ngày rồi. Chủ yếu của phần này hoàn toàn nhắm vào Thiên Chúa và ơn tha thứ của Ngài.

          Suy niệm về bữa tiệc mà Chúa Giê-su tham dự ở nhà ông Si-mon, người Pha-ri-sêu (Lc.7:36-50), chúng ta nhận thấy, Chúa Giê-su nói về người phụ nữ tội lỗi đã rửa chân Người bằng nước mắt rằng: “bà đã được tha nhiều, chẳng vậy bà đã không biểu lộ một tình yêu lớn lao như vậy...còn người được tha ít thì chỉ biểu lộ một tình yêu nhỏ bé thôi”. Người đàn bà đã cảm nghiệm được ơn tha thứ của Chúa và được Người ôm ấp vào lòng từ lâu, trước khi bước vào phòng tiệc; chính nhận thức đầy hoan lạc về ơn tha thứ ấy đã thúc đẩy và dẫn bà đến với Chúa. Vì thế, bà đến không phải để xin ơn tha thứ, nhưng là để biểu lộ lòng tri ân. Đó cũng phải là thái độ của chúng ta trong cuộc cử hành Thánh Thể. Thái độ ấy không những chỉ được biểu lộ qua Nghi Thức Thống Hối mà thôi, nhưng còn trong suốt cả cuộc cử hành Thánh Thể nữa.

          Trong tiếng Hi Lạp, thành ngữ “Kyrie eleison” không có nghĩa là lời cầu khẩn để xin ơn, nhưng là lời tung hô chúc tụng Chúa vì ơn giao hòa Ngài đã ban xuống cho ta. Kinh Kyrie được hát trong cuộc rước khởi đầu phụng vụ các trạm, do đó kinh này ám chỉ, chúng ta có thể tham dự cuộc rước được, vì biết rằng chúng ta đã được tha thứ và được đưa về đoàn chiên duy nhất của Chúa Giê-su, Đấng Mục Tử vĩnh cửu.

 

NHỮNG SUY NIỆM THỰC HÀNH

 

1- Cốt yếu của tội không hệ tại vi phạm lề luật hoặc giới răn, nhưng là CHỐI BỎ TÌNH YÊU SỰ SỐNG CỦA THIÊN CHÚA, đó là lựa chọn tự do, ý thức và cố tình sống giam mình vào tù ngục của bản ngã. Tội là bỏ nhà Cha, như đứa con hoang đàng đã hành động, để sống tự lập... ăn những đồ ăn của heo. Hãy nhớ lại “thân phận loài heo” theo quan niệm của người Do Thái.

2- Hãy cho giáo dân biết, có nhiều phương thế đem lại ơn tha thứ: Bí Tích Giao Hòa (đặc biệt dành cho tội trọng), đối với các tội nhẹ, bất kỳ phương thế nào sau đây cũng có hiệu quả tương đương: Thánh Thể, cầu nguyện, bố thí, ăn chay, cáo lỗi riêng, lễ nghi sám hối... Mỗi phương thế đều đem lại cho ta ơn tha thứ của Thiên Chúa về những thiếu sót hằng ngày, tất nhiên chúng ta phải luôn có lòng thống hối, phải muốn được ơn tha thứ và trở về với Cha.

3- Trong cuộc cử hành Thánh Thể, khía cạnh hân hoan vì đã được ơn tha thứ cần phải được nhấn mạnh theo cách thức tích cực hơn. Ngay trước khi Rước Lễ, câu “Lạy Chúa, con chẳng đáng ...”, đôi khi cũng có thể đổi thành: “Lạy Chúa, cảm tạ Chúa vì ơn hiệp thông Chúa ban cho chúng con nơi Thánh Thể này”.

4- Hãy khuyến khích dân trở thành những thừa tác viên cho nhau về ơn tha thứ bằng cách thể hiện sự tha thứ cho nhau về những khuyết điểm hằng ngày. Đây là ý nghĩa của câu: “Anh em cầm buộc những gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; anh em tháo cởi những gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy” (Mt.18:18; Ga.20:23). Trong Lu-ca:1-4, chúng ta cầu xin: “Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con”. Như vậy, trong chính hành vi tha thứ cho người khác và tùy theo mức độ chúng ta tha thứ cho họ mà tội lỗi chúng ta cũng được tha. Các đoạn Mt.6:14 và 18:32-35, cũng nhấn mạnh, nếu chúng ta không tha thứ cho người khác thì Thiên Chúa cũng sẽ không tha thứ cho ta.

5- Tha thứ và lãnh nhận sự tha thứ có thể được thực hiện tại gia đình khi mọi người tụ họp nhau để cầu nguyện: Cha mẹ tha thứ cho con cái và mọi người tha thứ cho nhau, đồng thời mọi người cũng xin người khác tha thứ cho mình. Cống hiến và lãnh nhận sự tha thứ phải được cử hành cách đầy ý nghĩa. Đôi khi những cuộc cử hành ấy có thể được thực hiện nơi các Cộng Đồng Ki-tô Hữu Cơ Bản và trong các cộng đoàn Thánh Thể (Luật Sống Dòng Thánh Thể, #5,9,25,42).

6- Trong cuộc xét mình hằng ngày, nên chú tâm vào những ơn chúng ta nhận được trong ngày và coi những thiếu sót như những bội bạc đối với các ơn ấy.

7- Bí Tích Hòa Giải (Xưng Tội), cũng như các bí tích khác, phải được coi là cuộc cử hành tình yêu đầy xót thương của Chúa tuôn đổ xuống trên chúng ta qua những cảm nghiệm của cuộc sống hằng ngày. Cuộc cử hành bí tích như vậy có thể làm phát sinh niềm vui cho ta cách hiệu quả.

8- Những thiếu sót và giới hạn hằng ngày của ta là thành phần cấu tạo của thân phận con người và là mẫu mực cho nỗ lực của ta để đáp lại tình yêu phi thường mà Thiên Chúa dành cho ta. Những thiếu sót ấy không hề ảnh hưởng hay biến đổi tình yêu của Thiên Chúa đối với ta. Chúng ta không cần phải nên hoàn thiện trước, rồi mới có thể đến với Chúa, Đấng luôn chấp nhận và yêu thương ta. Bởi thế, chưa từng ai nghe biết về một “linh đạo của sự bất toàn” bao giờ.

9- Chúng ta cần tỏ ra khoan dung với những lỗi lầm và giới hạn của người khác, vì chúng ta cũng đầy những khuyết điểm và giới hạn. Đừng tìm cách cất cái rác nơi mắt anh chị em, trong khi nơi mắt mình vẫn còn cái xà. Không nhìn nhận như vậy là giả hình (Coi: Mt.7:1-5).

10- Cử hành tình yêu đầy thương xót của Thiên Chúa như vậy là chúng ta thực sự trở thành dân thánh thể, nghĩa là trở thành dân biết tri ân. Những gì chúng ta la và chúng ta co, tất cả đều là ân huệ được Chúa ban cách dồi dào và phải được đón nhận với tấm lòng biết ơn sâu xa. Vì thế, trong mối tương quan với người khác, ta phải biểu lộ thái độ tích cực và khích lệ hơn là tìm cách phê bình chỉ trích và kết án.


 


 

 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.