CHIƯỜNG V - DÒNG THÁNH THỂ TĂNG TRƯỞNG

CHIƯỜNG V

 DÒNG THÁNH THỂ TĂNG TRƯỞNG

 

Thêm số tu sĩ

        Từ khi bỏ Lyon, cha Eymard có một đồng chí duy nhất là cha Cuers. Nhiều người đến thử ít lâu rồi rút lui. Cứ theo nhận xét của loài người sao khỏi thất vọng. Nhưng cha Eymard vững tin rằng: Việc mình làm là việc Chúa. Thành công hay không là do Chúa, hay ít là nên phân bón cho cây Chúa trồng. Tư tưởng này cha đã có từ ngày lễ thánh Giuse năm 1853, và dường như không bao giờ rời khỏi trí cha.

        Khi về ở đường St. Jacques, số đệ tử đã tăng dần, cha giảng một tuần tĩnh tâm sửa soạn cho lớp đầu tiên mặc áo dòng. Sau đó cha biên thư khoe với những người cần thiết:

        “Suốt tuần tĩnh tâm, chúng tôi được Chúa an ủi nhiều. Sĩ số đã lên và tất cả đều có thiện tâm thiện chí: 7 linh mục và 5 thầy. Tôi xin bấy nhiêu, Chúa cho đủ bấy nhiêu. Ngợi khen và cám ơn Chúa quan phòng.”

        Tại sao cha chỉ có xin ngần ấy? Cha chủ trương “Quý hồ tinh, bất hồ đa”. Lúc đầu cha muốn số ít thôi, để có thể trực tiếp với từng người. Đào tạo mỗi người theo khả năng của họ, để họ nên nền tảng thật của dòng tu. Nền tảng vững chắc, chứ không phải là cồn cát hay bãi sình lầy um tùm cỏ dại.

        Cũng từ đó sĩ số mỗi ngày một tăng. Phải chăng đã đến lúc Chúa muốn cho hạt cải mọc lên và trổ cành, sinh sôi nảy nở thêm.

Dòng tu phát triển

        Từ trước cho tới lúc này, cha chỉ được phép hoạt động trong địa phận Paris, muốn bành trướng thêm phải có phép Toà Thánh. Nhưng thường Toà Thánh chỉ phê chuẩn khi dòng đã có một nếp sống vững, phát triển mạnh và đã hoạt động có kết quả cho ích lợi chung.

        Dòng Thánh Thể tuy mới ra đời, sống trong hoàn cảnh eo hẹp về vật chất, nhưng súc tích về tinh thần, và hoạt động tích cực, nên được nhiều người xa gần biết đến. Chân trời sáng sủa đang hé màn.

        Đức Cha Mazenod, giám mục địa phận Marseille, khi còn là tổng quyền dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm đã nâng đỡ, giới thiệu và đảm bảo cho cha Eymard vào chủng viện Grenoble, nay sẵn sàng đón nhận dòng mới và tỏ ý muốn: nếu dòng bành trướng, thì nhà thứ nhất ngoài Paris phải ở Marseille. Đức Giám Mục địa phận Arras cũng sẵn sàng cho cha một tu viện, với nhà nguyện và một khu vườn. Ở Bỉ, giáo quyền Bruxelles và Louvain cũng sẵn sàng đón tiếp cha. Cả hai nơi đó, phong trào tôn sùng Thánh Thể đang lên mạnh, nhờ ảnh hưởng của nữ chân phúc Juliana.

        Cha Eymard nghĩ rằng đã đến lúc có thể đệ trình Toà Thánh, xin phê chuẩn cho dòng mới. Người tin rằng Đức Piô IX sẽ chúc lành cho công việc mà chính Ngài đã khuyến khích xưa.

        Để được phê chuẩn, phải có giáo quyền địa phương và thư giới thiệu, xác nhận công việc đã có ích lợi chung. Điều này cha Eymard được Đức Hồng Y Bonard tổng Giám mục Lyon, các Đức Giám mục Grenoble, Laval, Gap và Marseille ủng hộ nhiệt tình, nhưng cha hơi ái ngại với Toà Giám mục Paris. Không ngờ Đức  Hồng Y Morlot lại làm quá sự cha mong. Trong thư để cha để lên Đức Giáo Hoàng, Đức Hồng Y viết: “Dòng này, vì lòng tôn sùng phép Thánh Thể và sự nhiệt thành với các linh hồn, đáng được Giáo Hội lưu ý.”

Kinh thành muôn thuở

        Vững tin nơi Chúa và phấn khởi vì được hàng giáo phẩm nâng đỡ, cha Eymard lên đường đi Roma, xin Toà Thánh chuẩn phê cho dòng mới được phổ biến trong cả Giáo Hội.

        Cũng là lần đầu tiên cha đi Roma, nên chúng ta cũng hiểu phần nào hy vọng và sung sướng tràn ngập tâm hồn cha. Đối với Hội Thánh và Đấng thay mặt Chúa, cha có một niềm tin yêu như con thảo đối với gia đình quý mến và cha hiền.

        Thời ấy, từ Pháp sang Roma chỉ có đường thuỷ được thông dụng và bảo đảm hơn. Ngày 3 tháng 12 cha xuống tàu từ Marseille. Ngày 8 cập bến Citta Vecchia. Rồi thuê xe ngựa về Roma, cách đó 30 cây số.

        Tới Roma, người viết về Paris:

       “Tôi đã đến Roma. Nhờ ơn Chúa tôi không bị say sóng. Ngày 9 tháng 12 tôi dâng lễ lần đầu tiên ở Roma trong thánh đường các cha Đa-minh tại bàn thờ có di hài thánh Catarina Sienna. Hân hạnh đó làm tôi sung sướng. Thánh nữ là tấm gương sáng chói về đức ái và xả thân vì Giáo Hội.”

        Đang khi chờ đợi ngày được triều yết Đức Giáo Hoàng, cha đi viếng các nơi thành và các đại Thánh đường. .

        Cha viết cho một bà: Trên mộ thánh Phêrô, Chúa đã làm cho Roma ngoại đạo trở nên đèn sáng. Tôi cầu chúc bà có ngày sẽ đến Roma, nhưng để viếng Roma, thủ đô Kitô giáo, chứ không để thưởng thức Roma của nếp sống Ý Đại Lợi, của lâu đài cổ kính, tàn tích của xa hoa phong kiến.

      Ông Fiot, một người Pháp ở Roma, đã hướng dẫn cha đi viếng Colliséo, ngục Marmetina và các hang toại đạo. Ông cảm phục tâm hồn đơn sơ và sùng mộ của cha đối với các nơi còn lưu vết các anh hùng tuẫn đạo. Tại đại giáo đường thánh Phêrô, cha cảm động khi đọc dòng chữ này trên cung thánh: “Phêrô, người là đá, ta sẽ xây giáo hội ta trên đá này” – và cha ghi: “Phải đến đây mới thấm thía được hết ý nghĩa câu ấy.”

        Mục đích chính của cuộc hành trình Roma, cha vẫn chưa đạt được, còn phải chờ. Người ta ngạc nhiên sao cha không vào các bộ trình bày trước với những vị có thể giúp cha. Cha trả lời: “Không phải việc riêng cá nhân tôi, mà tìm thần thế - Tôi lo việc Chúa, Chúa sẽ dàn xếp với Đấng thay mặt Người.”

        Ngày 20 tháng 12 cha được vào triều yết riêng. Đức Giáo Hoàng Piô IX vốn có đôi mắt tinh anh, đã nhận ra ngay là người con yêu của Giáo Hội. Người còn có tâm hồn đầy lửa mến, có tư cách đơn sơ và khiêm nhượng lộ trên nét mặt, cũng như trong giọng nói và cử chỉ. Khi cha trình bày về dòng các linh mục Thánh Thể. Đức Giáo Hoàng như bị thôi miên. Chính Ngài cũng nhiệt tâm yêu mến Nhiệm tích Thánh Thể, nên tỏ ra rất nhân ái dịu dàng với cha.

        Khởi đầu, Đức Giáo Hoàng tưởng cha xin châu phê luật dòng, nên dạy cha phải từ từ, vì là việc quan hệ không thể cho ngay. Nhưng khi hiểu cha chỉ xin dự tán thưởng, thì Đức Giáo Hoàng hứa sẽ lưu tâm ngay. 

        Sự ân cần của Đức Piô IX làm cha Eymard càng phấn khởi, cha xin thêm một vài đặc ân cho tất cả những hội viên hội tông đồ Thánh Thể, do cha cổ động hay sáng lập. Đức Thánh Cha tuy rất dè dặt nhưng không từ chối những điều cha xin. Lúc từ biệt, Ngài nói với cha: “Xin Chúa chúc lành cho dòng tu của con.” Rồi cầm tay cha, Ngài nói lại một cách rõ ràng chậm rãi: “Chúa sẽ chúc lành cho công việc của con.”

        Cha Eymard vừa đi ra thì Đức Cha Fioramenti, chuyên viên về các văn kiện Toà Thánh bằng La-văn vào, Đức Piô IX nói với Đức Cha: “Ta vừa gặp một linh mục từ Paris đến, người đã đem lại cho ta nhiều an ủi và hy vọng.”

        Sẵn có cảm tình với cha Eymard, Đức Cha Fioramenti nhân cơ hội đó đã bầu cử cho cha, nên công việc thảo sắc và ký sắc được diễn tiến cách nhanh chóng khác thường, với tất cả những hứa hẹn và bảo đảm cho tương lai.

        Trong khi chờ đợi sắc dụ, cha Eymard thường vào đền thờ Thánh Phêrô cầu nguyện lâu giờ. Ngày 5 tháng giêng, trước lễ Hiển Linh, cũng như bao người khác, cha quỳ gần bàn thờ chính cầu nguyện. Gục đầu vào trụ đồng và để tâm hồn chìm lắng vào lãnh vực siêu nhiên – theo lời cha kể, có lẽ đến hai giờ liền. Nghe tiếng động gần, cha ngẩng đầu lên thấy mình trơ trọi ở hàng đầu, quay lại thì thấy Đức Giáo Hoàng và đoàn tuỳ tùng quỳ phía sau cha. Xấu hổ quá, cha vội rút lui vào một góc. Vừa lúc Đức Giáo Hoàng đứng lên ra về. Cha đoán là khi Đức Giáo Hoàng vào, mọi người đều lùi xa bàn thờ, còn cha thì không biết gì, nên Đức Giáo Hoàng bảo cận vệ để cha quỳ yên đó chăng.

        Ngày mùng 6 tháng giêng năm 1859, chính ngày lễ Hiển Linh, cha nhận được Sắc Dụ tán thưởng do chính Đức Thánh Cha ký.

        Sắc rằng: 

        “Piô IX Giáo Hoàng,

        Gửi linh mục Eymard, con yêu dấu, lời chào và phép lành Tòa Thánh.

        Lòng ta vui mừng, vì từ mấy năm nay nghe biết con hằng nhiệt thành truyền bá và mở rộng sự thờ lạy tôn sùng nhiệm tích cực thánh trong nước Pháp. Mới đây, lại chính con đã trình bày cho Ta về việc đó, cùng với những chứng thư của nhiều Giám mục nước Pháp ca ngợi công việc con đã thực hiện. Xin Chúa mở lòng lân tuất khứng làm cho tất cả những nỗ lực về việc đó được tán thưởng một cách quảng đại.

        Con yêu dấu!

        Trước khi con rời Roma, Ta vui lòng ban phép lành Tòa Thánh, để chứng tỏ lòng ưu ái của Ta đối với con và đảm bảo cho công việc mai sau.”

                                                                           Làm tại đền thánh Phêrô

                                                                                     5-1-1859 

                                                         Năm thứ 13 của Triều Đại Giáo Hoàng Piô IX

 

Trên đường về

        Trên đường đến Roma, cha Eymard sống trong hy vọng, trên đường về Paris, cha sống trong vui mừng. Niềm hân hoan tràn ngập tâm hồn làm cha không màng đến cảnh vật chỉ thỉnh thoảng lại nhìn tháp thánh đường Phêrô, với lòng trìu mến biết ơn.

        Cuối tháng giêng cha về đến Paris, mang lại cho toàn thể tu sĩ dòng niềm vui tươi hoan hỉ. Sau ba tháng vắng mặt, nghe cha về các con cái ra đón như muốn ôm lấy cha. Chính cha cũng sung sướng được sống lại cảnh gia đình thiêng liêng.

        Không để mất thì giờ, cha tổ chức ngay tuần tĩnh tâm cho lớp khấn đầu tiên. Chính cha giảng và lưu ý con cái:

- Về lòng biết ơn và hiếu kính đối với Tòa Thánh. 

- Về sứ mạng chuyên biệt của mình. 

- Về nhiệm tích Thánh Thể. 

- Nhiệm tích Tình Yêu

 - Trung tâm các nhiệm tích 

- Đích và sức sống của Giáo Hội.

        Cuối tuần tĩnh tâm cha Eymard tay cầm nến sáng, quỳ trước bàn thờ để Mình Thánh Chúa trọng thể, tuyên lời khấn trước hết và trước mặt cộng đoàn tu sĩ. Sau đó cha đứng lên nhận lời khấn của các cha và các thầy, trong số đó có cha Cuers.

Cha Cuers

         Trước đây chúng ta có nhiều lần đọc thấy tên cha Cuers trong truyện này, nhưng muốn nói rõ về cha, cũng phải có một tập sách dày.

        Điểm cần biết là: Cha Cuers có một tâm hồn quảng đại, biết hy sinh, rất khiêm nhường, nhưng lại nóng nảy bất thần. Cha là một người cộng tác đắc lực với cha Eymard. Đã hy sinh sức khoẻ và hết cả tài sản mà không bao giờ phàn nàn. Nhưng cha cũng là một người làm cha Eymard âm thầm đau khổ rất nhiều. Vì những phản đối của cha hay những ý niệm nhiệm nhặt cha muốn đem vào hiến pháp. Theo ý cha, các tu sĩ phải sống triệt để khắc khổ: không bao giờ ăn thịt, uống cà phê, đồ ăn nóng. Phải sống trường kỳ chiêm niệm và xả thân vì Chúa.

         Không những là vị công tác đầu tiên khi mở tu viện Paris, cha lại lập tu viện thứ hai tại Marseille. Tự tay cha làm lấy mọi công việc như khuân đá, chuyển gạch cho thợ, sơn phết nhà cửa... Cha là người đầu tiên muốn chia tu hội làm hai nhánh, một nhánh chủ trương sống đời hoàn toàn chiêm niệm, nhánh khác bán chiêm niệm bán hoạt động.

        May thay, sau khi cha Eymard qua đời, toàn thể tu sĩ đều hướng về cha Cuers. Lúc đó Chúa lại làm cho người trở nên một vị tổng quyền bao dung đức độ, tận tụy cho thống nhất và ích chung.

Hai tâm hồn bạn

        Trên con đường đi lại Paris – Marseille, có lần cha Eymard đã dừng lại ở Lyon và đi Ars thăm cha Gioan Vianey.

        Lúc này cha thánh Vianey đã già yếu, lưng khòm, đi phải vịn ghế, vịn tường. Nhưng vẫn mải mê với toà giải tội và tòa giảng. Đề tài thường xuyên của người là tình yêu Thiên Chúa trong phép Thánh Thể. Nói đến nhiệm tích này nhiều khi người ngừng lại, đứng lặng, để cho đôi dòng lệ tuôn rơi hoặc mở to đôi mắt sáng ngời lửa mến, và run run nói trong hơi thở: “Ôi tình yêu cao cả! Ôi tình yêu cao cả!” 

        Nghe cha Eymard đến, cha Gioan Vianey bỏ toà giải tội, ra ôm lấy bạn đưa vào phòng thánh. Sau vài lời chào hỏi trao đổi, cha Eymard tâm sự với cha Vianey:

        “Xin cha hãy tấn công mạnh vào cửa trời bằng lời cầu nguyện để giúp con. 

        Từ khi được sắc dụ tưởng thưởng, chúng con đã có lớp đầu tiên tuyên khấn. Sau đó không thấy một ai đến nữa. Thực ra thì vẫn có, nhưng họ không bền chí. Nay vào, mai ra. Phải chăng chúng con đã lầm khi khởi xướng dòng tu này?... Phải chăng là dấu Chúa không phù trợ và không muốn nó tăng trưởng?

        Thưa cha, chính cha đã khuyến khích con trong việc này, vì là một việc được coi là thánh thiện. Xin cha cầu xin Chúa gởi thêm ơn kêu gọi, để có nhiều người thiện chí tiếp tục thờ lạy Thánh Thể Chúa Giêsu.” 

        Nói đến đó cha Eymard không giữ được nỗi lòng, để bật lên tiếng nức nở làm cha Vianey cũng sụt sùi rơi lệ thông cảm, và khoan thai nói với cha Eymard:

        “Cha bạn chí thiết, cha muốn tôi cầu nguyện cho cha à? Nhưng... với Thầy chí thánh, cha được luôn luôn ở bên Người, ở trước mặt Người...”

        Cả hai vị nắm tay nhau thông cảm, không một lời hứa hẹn, nhưng cha Vianey đã thực hiện quá sự mong mỏi của cha Eymard. 

          Khi chia tay nhau, hai cha cùng nói: “Hẹn gặp nhau bên Chúa.”

        Lời ấy đã thể hiện sau ba tháng, cha Vianey đã nhắm mắt lìa đời để về với Chúa ngày 4 tháng 8 năm 1859.

Dè dặt là hơn

        Sau khi khánh thành tu viện thứ hai tại Marseille. Cha Eymard để tâm lập một nhà thứ ba. Cơ hội không thiếu nhưng cha Eymard rất dè dặt.

        Địa phận Arras đã nhiều lần mời cha đến. Đức Cha Parisis, cũng là một tâm hồn nhiệt thành với nhiệm tích Thánh Thể. Người dành cho cha một bất động sản có nhà cửa đàng hoàng, nhưng xa khu vực đông dân. Đức Cha cũng cổ động giúp nhiều ơn kêu gọi, nhưng ý Ngài là tu viện đó sẽ chuyên việc đền tạ trước Thánh Thể.

        Điểm này làm cha Eymard ngần ngại, vì Đức cha muốn các tu sĩ dòng Thánh Thể phải chuyên việc đền tạ Chúa vì những xúc phạm đến nhiệm tích cực thánh này. Cha Eymard sợ tu viện sẽ bị giáo quyền chi phối mà sai mục đích của dòng tu: Không chỉ đền tạ mà còn phổ biến tình yêu Chúa trong phép Thánh Thể, cho danh Chúa được vinh quang trong mọi tầng lớp xã hội. 

        Đồng thời tại Lyon, cha Antoine Chevrier, một linh mục thánh thiện cũng đang hoạt động để lôi kéo bọn trẻ hoang đàng, giúp chúng cải thiện, nhất là lo cho chúng được học hiểu giáo lý và được rước lễ lần đầu. 

        Cha Guilotière quen biết cha Chevrier và cả cha Eymard, nghĩ rằng đường lối của hai cha có thể cùng theo một hướng nên làm môi giới cho hai cha biết nhau.

        Năm 1860, cha Chevrier đã thuê được một ngôi nhà rộng lớn. Trước kia nhà này là giải trí trường của giới bình dân Lyon. Tất cả các phòng có thể dung nạp được một ngàn người. 

        Thuê toà nhà đó cha Chevrier có ý làm một công đôi việc. Trước hết là đóng cửa một nhà nhảy, nơi phát sinh nhiều tệ đoan xã hội. Sau là có nơi để chiêu tập bọn trẻ hoang đàng. Nuôi và cải hoá chúng thành người lương thiện. Nhưng sợ rồi đây không ai tiếp tục công việc, hoặc không có người trợ lực. Cha muốn trao phó công việc cho một hội dòng, nên viết thư mời cha Eymard đem tu sĩ đến Lyon để gây dựng cơ sở. 

        Được thư, cha Eymard coi đó là ý Chúa xếp đặt nên viết thư báo tin cha Cuers:

        “Phải chăng Lyon đã mở cửa cho chúng ta. Tôi vừa được thư của một linh mục quen biết mời chúng ta về Lyon. Tôi thấy hay lắm.

        Mục đích linh mục đó cũng lo giúp cho kẻ muộn màng được rước lễ lần đầu. Tức là công việc đó có thể sẽ tốt đẹp. Chúa phải được tôn sùng, thờ lạy khắp nơi.”

        Ít lâu sau, cha Eymard đi Lyon để gặp và ở lại với cha Chevrier, trọn một ngày, hai cha trao đổi với nhau quan điểm và mục đích của mình. Cha Eymard tỏ ra khâm phục tổ chức Prado của cha Chevrier. Về đến Paris, cha viết cho cha Cuers:

        “Cha Chevrier là một linh mục gương mẫu, đã ảnh hưởng tốt cho tôi. Người mở rộng tay đón chúng ta. Khu nhà người thuê với giá 4.000 quan trong 6 năm. Một người bạn thân của người đã trả cho năm đầu. Có thể chúng ta sẽ biến nó thành một nguyện đường.”

       Theo lời cha Eymard: cha Chevrier không những đã định nhường tất cả cho cha Eymard mà chính cha cũng muốn trở nên một tu sĩ Thánh Thể. Điều ấy làm cha Eymard sung sướng: vì tài đức, lòng nhiệt thành, sự thánh thiện và ơn Chúa đã biểu lộ rõ ràng nơi công việc của cha Chevrier. Tại Paris cha phải đi tìm từng trẻ em một đến để giúp chúng học giáo lý, còn ở Lyon, cha Chevrier nuôi trẻ ngay trong nhà... như thế các tu sĩ tại đó sẽ vừa lo việc chầu Thánh Thể vừa lo cho các trẻ. Chiêm niệm thay đổi với việc tông đồ, sẽ là lý tưởng và nếp sống của dòng Thánh Thể. Người viết cho cha Cuers:

        “Lo cho trẻ lớn tuổi rước lễ lần đầu là một việc tốt đẹp. Đã từ mấy năm nay cha Chevrier rước trẻ con nghèo. Nuôi chúng ăn ngủ chừng 2, 3 tháng, tuỳ hoàn cảnh và khả năng mỗi đứa. Thật hay, ai cũng có cảm tình với Cha Chevrier.

        Chúng ta cũng phải liệu cho tu sĩ của ta có một công tác đối với tha nhân ngoài các giờ chầu, để tu sĩ khỏi phí thì giờ... Vả lại đời sống hoàn toàn chiêm niệm không thể làm phát triển nước Chúa Giêsu Thánh Thể được.”.

        Nhưng mừng là mừng hụt, khi cha Chevrier trình bày lên Đức Hồng Y giáo chủ Lyon. Ngài để một thời gian tìm hiểu. Rồi cho cha Chevrier biết ý: Ngài muốn Prado trước hết phải là một công việc riêng của địa phận Lyon ít là trong thời gian hiện tại. Cũng thời gian ấy, địa phận Bruxelles bên Bỉ và Londres bên Anh đều gửi thư mời cha Eymard. Nhưng họ muốn chi phối tu hội theo mục đích riêng của họ, hoặc những ngăn trở chính trị hay vật chất khó vượt. Tất cả đều phải gác lại và chờ thời cơ thuận tiện hơn. 

        Những bất trắc xảy ra sau đó càng làm cho cha Eymard hiểu:

        “Muốn việc Chúa phát triển tốt đẹp, đừng dựa vào những cái người đời gọi là cơ hội may mắn.”

Angers

        Nhưng dù sao cũng phải có một tu viện thứ ba. Càng sớm càng hay, hầu có đủ điều kiện để Tòa Thánh phê chuẩn. Sự phê chuẩn có thể được mau chóng và dễ dãi hơn trong đời Đức Giáo Hoàng Piô IX. Chính Ngài đã biết và đã khuyến khích một cách nhiệt thành.

        Cha Eymard hướng về miền Bretagne. Một miền hội chầu Thánh Thể đang hoạt động. Nantes, tỉnh ít bị ảnh hưởng cách mạng vô thần, lại có một số người thường liên lạc với cha, nhiệt tâm tán thành việc lập tu viện chầu Thánh Thể tại đó, đã lưu ý cha nhiều hơn. Nhưng... mưu sự tại nhân thành sự tại thiên. Giáo quyền không ưng. Cha lại hướng về Angers. Đức Cha Angebault, Giám mục Angers đã tiếp đón cho một cách nồng hậu, vì dự định hợp với lòng sùng mộ Thánh Thể, mà Đức Cha đã khởi xướng trong địa phận người.

        Năm 1840, Đức Cha đã lập hội chầu Thánh Thể ban đêm cho nam giới tại Angers. Năm 1845, người lập hội chầu Thánh Thể ban ngày cho nữ giới. Cuối năm đó người đã phổ biến phong trào trong toàn thể địa phận Angers và lập tuần chầu lượt. Các xứ thay phiên nhau mỗi tuần chầu Thánh Thể liên tiếp 40 giờ. Để cổ võ và giảng các giờ thánh mà dân chúng gọi cách thực tế là hội các linh mục chầu Chúa. Chỉ trong vòng ba năm, từ 1855 đến 1858 các cha đã mở rộng được 170 tuần tĩnh tâm đại phúc, và thâu được nhiều kết quả khả quan.

        Như vậy, dự định mở một tu viện dòng Thánh Thể tại Angers, được giao quyền đón nhận một cách vui mừng nếu không nói gì đến lòng biết ơn. Nhưng về phần chính quyền cha Eymard gặp nhiều trở ngại. Luật lệ hồi đó, phải có phép chính quyền mới được mở cửa một nhà thờ cho công chúng.

        Tại Angers có nhà thờ thánh Laurentino, thuộc công quản quốc gia. Vào thế kỷ XI, Béranger, một linh mục thành Tour đã giảng tại nhà thờ này nhiều bài phi bác “sự hiện thân của Chúa Giêsu trong nhiệm tích Thánh Thể”. Cha Eymard muốn chính nơi Chúa bị xúc phạm, con cái cha sẽ lấy việc làm để đền tạ và ca ngợi Chúa. Ý tưởng đáng được tán thành này không được chính quyền địa phương lưu ý. Họ không chịu bán nhà cho cha. Hơn nữa, vì ảnh hưởng dòng tu trong hạt. Cũng chính vì thế, mà trước đấy họ đã cấm các cha dòng Capucinô đặt chân vào tỉnh Angers. Họ gán cho các tu sĩ là Pháp gian, là những phần tử đáng nghi kỵ.

        Theo lời khuyên của nhiều người thức thời và quen việc, cha về Paris yết kiến ông bộ trưởng nghi lễ. Ông Rouland tỏ ra niềm nở và khả ái, làm cha Eymard tưởng rằng họ chỉ khó dễ với các dòng lớn. Chứ dòng mình đáng kể gì mà họ ngại, nhất là việc chầu Thánh Thể chỉ là việc trong phạm vi một nhà thờ.

        Thực ra ông Rouland biết rằng: lời đường mật của mình chẳng bảo đảm gì. Đã có Bourlon de Rouver, thị trưởng Angers, con người ấy đa nghi, nóng tính, thích làm oai... sẽ định đoạt mọi việc.

        Trở lại Angers, cha Eymard vào yết kiến ông thị trưởng, nói lại những lời hứa hẹn của trung ương... Nhưng lạnh lùng ông thị trưởng trả lời:

        “Mở cửa một nhà thờ cho quần chúng là một việc rất tế nhị. Trước hết cần một giấy phép đặc biệt do chính quyền trung ương cấp!"

        Tin vào công việc thẳng thắn của mình và lời hứa của ông bộ trưởng, cha trả lời: “Tổ chức của tôi chỉ là một dòng tu chuyên thờ phượng, khai sinh tại Paris, dưới đời đương kim hoàng (Napoléon đệ tam) để không liên quan gì đến chính thể trước đó, nên có thể tôi sẽ xin được giấy phép đó dễ dàng.”

        Nghe vậy ông thị trưởng đổi giọng niềm nở hứa với cha: “Nếu khi cần đến, tôi sẽ ủng hộ cha”.

        Cha tin tưởng, cám ơn ông thị trưởng và ra về lòng phấn khởi.

        Nhưng cũng ngay lúc đó ông thị trưởng cho thảo một hồ sơ nêu lên những sự kiện hoàn toàn vô căn cứ để phá việc. Đại ý ông nói: 

        Linh mục Eymard là một người nguy hiểm cho chính phủ hoàng gia, Tổ chức của ông là một tổ chức phản hoàng. Trung ương đặt tại Paris. Ông lập mưu muốn mở tại Angers một chi nhánh để hoạt động tại miền tây, thiết tưởng phải đề phòng. 

         Đọc tờ trình đó, ông bộ trưởng tin ngay, không cho điều tra thêm để biết thực hư. Khi cha Eymard yết kiến ông lần hai, ông tỏ vẻ lạnh nhạt và mở đầu bằng một câu giá lạnh như băng: “Linh mục Cố ý không nói cho tôi biết ngài đứng đầu tư hội.  Nhưng dù sao thì nay tôi cũng biết sự việc thế nào rồi. Muốn thiết lập một tu viện, cần phải có giấy phép đặc biệt của chính phủ, dựa trên một đơn xin của Giám mục sở tại. Và muốn mở thêm một thánh đường tại Angers, linh mục cần biết rằng: Trên lãnh thổ nước Pháp đã có 600 nhà thờ mà chính phủ làm ngơ cho mở cửa. Tưởng như thế là đã quá nhiều rồi.

        Biết rằng có nói đến lời hứa lần trước cũng vô ích. Cha Eymard bình tĩnh trả lời: “Nếu ngài bộ trường thấy là quá phiền phức không thể cho phép mở cửa lại nhà thờ thánh Laurentinô, thì tôi chỉ xin lập một nhà nguyện bé thôi.” 

        Nghe thế ông Rouland hạ giọng: “Thế thì linh mục cứ xin Giám mục sở tại làm một đơn, tôi sẽ xét sau”.

        Nhờ Đức Cha Angebault tận tâm ủng hộ nên cha được phép mở một nhà nguyện bán công tại Angers. Nhưng cái khó là tìm đâu ra được một nhà nguyện. Xây mới ư? Cha Cuers được uỷ nhiệm lo việc này.

        Sau bao ngày tìm kiếm không ra, đã gần nản lòng, thì một ngày kia cha Cuers đi ngang qua tu viện Carmelô. Cha vào nhà nguyện viếng Mình Thánh, và xin gặp bà mẹ để nhờ các nữ tu giúp lời cầu nguyện cho công việc người phải lo.

Ta lo lắng nhưng Chúa đã xếp đặt

        Cha vừa nói dứt lý do. Bà mẹ như đang ráo cổ được người đãi nước ngọt, vui mừng nói: “Chúng tôi không những cầu nguyện cho cha mà có thể giúp cho hơn chút nữa. Có thể nói là nhờ cha giúp chúng tôi. Cha muốn thuê lại sở tuyên uý của chúng tôi không? Cha tuyên tuý chúng tôi đến tuổi về hưu. Như vậy các cha sẽ đến ở nhà cha tuyên úy, sẽ dùng nhà nguyện chúng tôi để chầu Mình Thánh Chúa. Đức Cha sẽ vui lòng nếu cha nhận giúp chúng tôi”.

        Cả các nữ tu kín, cả Đức Giám mục, cả cha Eymard đều cho đó là ơn Chúa quan phòng, nên lo liệu sắp xếp cho cả đôi bên. Cảm tạ ơn Chúa chẳng bỏ con cái Người. 

        Với lòng nhiệt thành không biết mệt mỏi, cha Cuers đem hết cả tâm lực để tự tay trang hoàng nhà nguyện, xếp đặt phòng ăn, chỗ ngủ và nơi hội, tuỳ theo hoàn cảnh và địa thế của nếp nhà. Đức Cha Angebault thường đến xem công việc, khác, nào chính việc của ngài. Khi nhà tạm hoàn tất, cha Eymard đích thân đưa 5 tu sĩ đến nhận nhà và sửa soạn ngày ra mắt.

        Đức Cha địa phận chọn ngày 29 tháng 12 để đích thân đến khai mạc các giờ chầu Mình Thánh liên tiếp.

        Qua ngày đại lễ cha Eymard sung sướng biên thư cho cha Cuers:

        “Bàn thờ thật lộng lẫy oai nghi. Tất cả các tu viện tại Angers đều cử đại diện đến dự lễ. Đức Cha Angebault đã giảng về phép Thánh Thể rất hùng hồn và thậm thuý. Người nói: Chúa đã xuống trần và các tu sĩ dòng Thánh Thể đã đến Angers để quy tụ ta lại bên Chúa. Ngài cảm động, nói gần như khóc với chúng tôi: “Hàng giáo sĩ địa phận tôi sung sướng đón các cha các thầy. Nhưng giả có ai hẹp tâm thì các cha các thầy hãy tin rằng: Lòng của Giám mục vẫn mở rộng...” Uỷ thác dân chúng cho chúng ta ngài nói: “Các cha, các thầy hãy đón nhận các người nghèo trong khu phố. Họ là những người được Chúa yêu. Hãy đón nhận cả người giàu, dù có ít người trung thành với Chúa, như tại Bêlem Chúa chẳng từ bỏ một ai...” 

         Người đến dự lễ hôm đó chừng 500, cả nam nữ.

        Cha Eymard vui mừng không những vì đã được ba tu viện làm điều kiện để xin Toà Thánh phê chuẩn dòng mình, mà nhất là cha thấy công việc đã đáp ứng nhu cầu của dân chúng Angers, quá sự tưởng tượng.

        Nhưng mặc dầu hân hoan, cha vẫn sợ phật ý các xứ lân cận. Vì bất cứ ngày chủ nhật hay ngày thường, tại nhà nguyện vẫn có ba lễ, mà lễ nào cũng đông người. Cha phải khuyến cáo công khai:

        “Anh em thân mến, dĩ nhiên là chúng tôi vui mừng vì được thấy anh em đến đây dự lễ và chầu Chúa, nhưng tôi tha thiết xin anh em đừng xa nhà thờ bản sở. Ít là ngày chủ nhật, hãy về đó dự lễ. Bổn phận phải được coi trọng hơn lòng sùng mộ. Chúng tôi đến đây không để thay các cha sở mà chỉ để phụ với các ngài… Chính tôi xưa cũng là cha sở và tôi cũng rất yêu quý nhà thờ họ chúng tôi.”


 


 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.