CHƯƠNG II - MỘT NĂM ĐẦY GIAN KHỔ

CHƯƠNG II

 MỘT NĂM ĐẦY GIAN KHỔ

(1857)

 

Ai đoán được ngày mai

        Từ ngày được Đức Tổng Giám Mục (Đức Cha Sibour) chấp thuận và nâng đỡ cho dòng khai sinh. Cha Eymard phấn khởi bắt tay vào việc. Nhưng Chúa muốn nêu gương cho người ta hiểu: “Duy có Chúa là sự nâng đỡ đáng tin cậy, ngoài Chúa, tất cả những may mắn, bất cứ từ đâu đến, chỉ là những làn gió thổi qua, là những cánh bướm đẹp. Nhưng gió thổi rồi gió ngừng, bướm đậu rồi bướm lại bay.” Chúa dùng thử thách để thanh luyện linh hồn, và giải thoát họ khỏi những thế lực trần gian. 

        Đức Cha Sibour vốn là một tâm hồn cao thượng, tính tình ngay thẳng, nhìn xa thấy rộng, thức thời và am hiểu nhu cầu thời đại. Thấy việc nào có ích cho công ích, ngài không ngần ngại, trực tiếp hay gián tiếp nâng đỡ. Chính Đức Cha đã là cái phao cấp cứu cha Eymard khi cha sắp ngã lòng.

        Nhưng qua một thời gian ngắn, ý Chúa nhiệm mầu lại cất cái phao ấy đi, để cha được trực tiếp bám vào tay Chúa, một bàn tay không mấy khi dịu mát, nhưng vững mạnh và đầy tình thương của một người cha.

        Ngày mùng 3 tháng giêng năm 1857, đang khi Đức Cha vận lễ phục khai mạc tuần cửu nhật kính Thánh Genevièvre, quan  Thầy thủ đô Paris, thì bị một mũi dao của tên sát nhân lén đâm vào ngực, Ngài ngã gục giữa đường phố trên vũng máu đào. Cái chết bất ngờ của Đức Cha Sibour là cái tang lớn nhất cho cha Eymard và cũng là khởi điểm cho những tháng ngày gian nan, vất vả sắp tới.

        Cha viết: “Đức Cha Sibour qua đời rồi! Chúng tôi đau buồn lắm. Ngài là một vị Giám Mục có óc thông minh, thực tế và đầy nhân hậu. Đối với chúng tôi ngài là một vị ân nhân, một người cha.”

Buồn vui đắp đổi

        Khổ giá là nơi hẹn hò giữa Chúa Cứu Thế và các tâm hồn Chúa gọi nên thánh, là nền tảng cho các việc lớn lao. Không ai gặp Chúa mà không gặp khổ giá, nhưng cũng không ai gặp khổ giá mà không được gặp Chúa.

        Trên trần gian, Chúa và khổ giá Người không bao giờ lìa nhau. 

        Nhưng khi gửi khổ giá cho ai, Chúa thường đã cho họ đủ thời giờ để nếm đôi chút hương vị siêu nhiên, phấn khởi lòng, để họ tin tưởng vào Chúa hơn.

        Hương vị siêu nhiên Chúa trao cho cha Eymard nếm, trước khi trao thánh giá, là thấy gia đình Thánh Thể lớn dần, Cha viết: “Chúng tôi mới có được thêm hai linh mục dự tu, còn mấy vị nữa sẽ đến một ngày gần đây.”

         Từ trước đến giờ chỉ có cha Cuers và tôi thường trực trước nhà tạm, mỗi người một giờ. Nay chúng tôi có bốn người, tất nhiên là có bốn giờ chầu Mình Thánh Chúa mỗi ngày.

        Toà Giám mục Paris đã cho phép đặt Mình Thánh trọng thể, mỗi tuần ba ngày.

        Lễ Hiển Linh năm ấy (6/1/1857) là ngày cha chọn để long trọng đặt Thánh Thể Chúa lên toà, khai mạc những giờ chầu liên tiếp theo mục đích của dòng.

        Khỏi nói, cha Eymard và các cha đã sửa soạn ngày lễ đó thế nào. Ai cũng hiểu được họ đã dốc toàn lực và vận dụng tất cả mọi khả năng nội ngoại cả tinh thần vật chất để sửa soạn tâm hồn, và trang trí bàn thờ. Tất cả đều mặc một vẻ lộng lẫy huy hoàng, nhưng trang nghiêm. 

        Cha đã mời Đức Cha Harlmann Giám mục thừa sai đến chủ tế và đặt Thánh Thể lên toà. Các cha thay phiên nhau chầu Mình Thánh Chúa suốt ngày, giáo dân phụ cận và các bạn hữu xa gần cũng đáp lời mời tham dự đông đảo, khiến cả ngày đó nhà nguyện tấp nập đủ hạng người. Nét mặt ai ai cũng để lộ một niềm sùng kính, mến tin Chúa Giêsu ngự trong phép Thánh Thể. Mấy ngày sau bà Margarita nhận được một lá thư cha viết:

        Ngày 6 tháng giêng vừa qua là một ngày làm tôi quên hết những lao nhọc đắng cay đã chịu. Chúa Giêsu đã ngự trên ngai thô sơ của trụ sở hèn mọn chúng tôi. Như vậy là Chúa đã nhận vương quyền cai trị bằng tình thương dòng tu nhỏ bé này.

        Ngày đó tôi tràn ngập vui mừng thiêng liêng khiến tôi như câm, không biết nói gì. Chắc người ta thấy tôi có vẻ ngớ ngẩn lắm.

        Hân hạnh thay có Chúa ngự trong nhà.

        Hiện nay mỗi tuần chỉ được phép chầu trọng thể liên tiếp ba ngày. Đó là ba ngày trọng đại của chúng tôi. Khi nào có đủ người, chúng tôi sẽ được như vậy cả tuần.

Có Chúa là có tất cả

        Câu nói đó, tuy theo đức tin là thật, nhưng là quá siêu nhiên. Không phải hết mọi người có thể hiểu và nhận được tất cả ý nghĩa của nó. Vì thực tế, Chúa yêu ai, chọn ai, gần ai thì dùng khổ giá để làm họ nên giống Chúa, và làm thang cho họ tiến tới vinh quang bất diệt.

        Dòng cha Eymard đã được phép khai sinh. Dòng mới đã được đặt Mình Thánh trọng thể ba ngày mỗi tuần. Đã có các linh mục thỉnh tu. Ai chả nói là: Ý nguyện đã đạt, khát vọng đã thoả mãn, tương lai đã sáng sủa, cha sung sướng lắm... Nhưng có điều người ngoài không thể biết được là khổ giá trồng khổ giá đang đè nặng trên cha. 

        Chúa gởi người đến, nếu nhận thì phải nuôi. Từ ngày 6/1/1857, những người đến thỉnh tu thêm dần, như thế là miệng ăn cũng tăng lên, phí tổn thuốc men hay những chi phí lặt vặt không đâu, cũng thêm nhiều, làm cái quỹ nghèo nàn của cha hao hụt rất nhanh. 

        Trang nhật ký tháng giêng năm đó cha ghi: Không còn tiền để mua nên chầu, mà cũng không dám đến tiệm bán đèn, vì nợ cũ chưa trả xong.

        Nhưng vấn đề đèn nến chưa đáng kể. Bà công tước Thièvres nói:

        Trong số dự tu, tôi biết thầy Phanxicô nấu bếp, thầy là một tâm hồn chất phác. Muốn biết các cha các thầy sinh sống ra sao, tôi làm quen, hỏi chuyện thầy và thầy đã kể lại một cách rất tự nhiên nhiều chuyện cảm động. Thầy nói: “Có ngày trong bếp không còn tí dầu mỡ nào, thầy phải súc mấy chai dầu để nấu bột làm cháo, mà ai nấy cũng ăn một cách ngon lành, Bữa khác có khách, cha Bề trên hỏi thầy lo việc mua thức ăn sẽ mua những thức ăn nào để ăn trưa, thầy nhăn nhó thưa: “Còn đồng nào đâu mà cha bảo mua với bán...” Cha điềm tĩnh nói: “Vậy chúng ta cùng đi kiếm ăn”. Đang khi cha đi vắng, có người đem đến cho chúng tôi đầy đủ.

        Cha Audibert cũng nói: không biết cha Bề trên xoay sở thế nào, có điều tôi biết là người không bao giờ nghĩ đến việc đi lạc quyên.

        Lần khác cha Eymard ghi số tay: “Cha Cuers báo cáo trong nhà không còn đồng xu nào. Tôi còn 3 quan trao cho người... Ôi thanh bần, phải chăng ngươi là hiện thân của Chúa!” 

        Có lần người ta gặp cha giấu trong áo choàng một cuốn sách lớn, nặng. Đó là cuốn sách viết tay của cha Cuers sưu tầm về các loại: vỏ ngao sò... Vì khi còn là sĩ quan hải quân, cha có dịp lênh đênh nay đây mai đó trên các cửa bể, cha Cuers đã nghiên cứu và ghi lại các loại đó. Đối với tác giả sách đó là một bảo vật. Nhưng nhà hết lương ăn, cha đã hy sinh để cha Bề trên đem bán. Nhà sản xuất bắt chẹt, trả không được mấy đồng.

        Nhiều ngày khác, cha ghi vỏn vẹn hai chữ: hết tiền, bữa nay không hơn bữa qua - hoặc: Lạy Chúa, chúng con hết phương tiện rồi, nhưng chúng con vững tin nơi tình Chúa yêu.

        Chả Cuers cũng vì lo nghĩ quá về hoàn cảnh túng thiếu của nhà dòng, nên đã hao sức và đau ốm! 

        Điều làm cha Eymard buồn đến rơi lệ là: các thanh niên thỉnh tu và dự tu chuồn dần. Người đến năm ba ngày, kẻ đôi ba tháng rồi bỏ ra đi. Nhiều khi không để lại một lời từ biệt. Có lẽ vì họ mắc cỡ hơn là vì giận dỗi. Có nhiều người để thanh minh cho sự thay lòng đổi dạ của họ, đã nói xấu nhà dòng, làm nhiều người khác toan vào cũng thôi. Cả đến những học sinh trước kia được cha dìu dắt, nay cũng trở thành kẻ xa lạ.

        Có khi cha nhận được những lá thư dài đầy lời cay đắng mỉa mai, của chính những người cha tín cẩn.

        Có người lên án cha là: “Chuyên viên gieo cỏ lùng trong ruộng lúa, là gương xấu cho hàng giáo sĩ trẻ tuổi, và tâm hồn lầm lạc, là con người háo danh, bội phản. Đau khổ là hình phạt của tính kiêu ngạo, hiếu kỳ và bất phục tùng. Đáng kiếp!” 

        Trước những túng thiếu vật chất và đau khổ tinh thần ấy. Cha Eymard vững dạ tin tưởng vào cánh tay Chúa dắt dìu. Theo Chúa tất phải quên mình, vác khổ giá mà theo. Mà khổ giá là đau khổ, là nhục nhã. Nhưng đau khổ nhục nhã sẽ qua đi nhường chỗ cho hạnh phúc và vinh quang muôn đời.

Hoạ vô đơn chí

        Nhưng có điều cha không ngờ là Chúa lại dùng những người có địa vị, đáng lẽ ra, họ có nhiệm vụ phải nâng đỡ cha thì họ lại đang tâm và bạo tay phá hoại công việc. 

        Đấng kế vị Đức Tổng Giám mục Sibour là Đức Tổng Giám mục Morlot. Chúa đã dùng Đức tân Tổng Giám mục này để tôi luyện cha Eymard nên một dụng cụ sắt thép, một gương mẫu nhịn nhục, một tinh thần thoát ly mọi ảnh hưởng trần gian, để người ta thấy: bất cứ ai, hễ tin tưởng vào Chúa, nhận lãnh sứ mệnh Chúa trao thì dù nghèo khổ, bị khinh khi, bị hất hủi bỏ rơi, cũng sẽ thành công.

        Khi Đức Cha Morlot về nhận địa phận, thì sở quản lý Toà Giám mục đã chọn khu nhà số 114 đường Enfer làm nơi tĩnh dưỡng trong mùa xuân. Họ yêu cầu cha thu xếp trả nhà trong một thời gian ngắn.

        Tin ấy làm cha Eymard bủn rủn cả người. Sĩ số có cả chục, biết nương nhờ đâu đây. Tuy vậy, cha cũng cố quên ưu phiền, để tâm lùng kiếm một nơi tạm trú khác cho cả tu viện.

        Ngày nào cha cũng sáng đi, chiều về. Đôi khi hớn hở vì hy vọng, nhiều lúc mệt mỏi ê chề vì thất bại.

        Cha chỉ cần có một chỗ vừa đủ để làm nhà nguyện, cho có trụ sở, còn các tu sĩ sẽ tạm tản mác trọ nhờ các tu viện hay tư gia. Mỗi người một nơi, đợi mua được nhà. Thế mà cả tháng tìm không ra, hạn trả nhà cứ ngắn dần.

        Ngậm ngùi, cha nghĩ đến cảnh chia ly tan tác không hẹn ngày tái ngộ với con cái, mà lòng đau như cắt. Vậy mà nào có ai chia sẻ. Cả cha Cuers, người đồng chí đầu tiên, cánh tay phải của cha đã bỏ nhà ra đi với ý định không bao giờ trở lại. Có lẽ vì cha Cuers đã chán cuộc đời ba chìm bảy nổi, với tương lai bấp bênh. Nhưng điều làm cha Eymard đau lòng hơn cả là cha Cuers tỏ ra bất bình trước khi đi.

        Thương tu sĩ mỏi mệt, phải đứng hát kinh mãi, cha Eymard sắm ghế đặt tại cung thánh. Cha Cuers lại trong việc hãm mình, thấy vậy nổi nóng cầm những chiếc ghế quăng đi, bảo cha Eymard quá chiều tập sinh. Trước mặt Vua Cả trời đất không được phép ngồi. Cha Cuers bỏ đi rồi, cha Eymard than thở: “Lạy Chúa, ít là Chúa hãy ở lại với chúng con, để biến những buồn tủi lúc này nên nguồn ủi an cho chúng con.” 

        Qua một ngày cha Cuers hối hận trở về tu viện, khiêm nhường nhận lỗi làm cha Eymard sung sướng chảy nước mắt ôm lấy bạn làm hoà.

        Ngày 6 tháng 5 Đức Cha Morlot đến xem nhà, nhưng mặc dù người hướng đạo khen khu nhà đẹp yên tĩnh, có vườn cây, Đức Cha cũng không vừa ý bảo bán đi.

        Ban quản trị tài sản địa phận cho cha Eymard hay, nếu mua thì phải trả ba triệu quan. Số tiền tương đối của gần tám trăm năm lương công nhân của một người thợ. Tiền đâu mà mua.

        Không mua thì phải trả nhà. Mà trả nhà rồi thì đi đâu?... Bị đẩy vào thế cùng, cha than thở: “Xin Chúa ban ơn can đảm để con uống cạn chén đắng này...” Rồi cha đến sở quản lý xin giảm cho đôi chút, nhưng càng thêm thất vọng, và từ thất vọng đến thất bại không xa. Không mua thì phải thu xếp trả nhà trong thời hạn tối đa là năm tháng.

        Về nhà, cha buồn rầu lập lại lời các tông đồ kêu cầu Chúa, khi bị giông tố giữa biển hồ Galilêa: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy cứu chúng con. Chúa đừng ngủ nữa, chúng con đang bị sóng dập gió dồn.”

        Vì quá lo lắng, cha mất ăn mất ngủ. Tim đập rối loạn. Bác sĩ bảo cha phải đi tĩnh dưỡng một nơi nào trên miền cao nguyên, và ông cũng can thiệp để sở quản lý gia hạn thời hạn đuổi nhà.

        Bác sĩ tưởng cha bị lao. Thực ra cha chỉ mệt vì lo nghĩ. Khi được yên tâm vì chưa phải trả nhà gấp, lại được thở khí trong lành miền cao nguyên, cha được lại sức ngay.

        Ai ít tin tưởng vào Chúa và thiếu tự chủ, trong những trường hợp bị thử thách như thế, nếu không cuồng trí cũng hết can đảm tiếp tục công việc... .

        Trở về Paris ngày 20 tháng 9 năm 1857, cha được sở quản lý báo: hạn chót trả nhà là 16 tháng chạp. Đồng thời họ cũng giới thiệu cho một bất động sản khác tại 66-68 đường St. Jacques, có thể dung nạp được cả tu viện, mà giá chỉ bằng một phần tư giá khu nhà đang ở.

        Đến xem, cha thấy ngoài ngôi nhà nguyện tất cả đều hư hại, vì bỏ hoang đã lâu, nhưng như người đắm tàu vớ được mảnh ván, cha vui mừng trở về tu viện báo tin cho con cái. Những người bị quan hỏi cha: “Tuy rẻ hơn nhưng cha đã có tiền chưa, vả lại còn phải sửa chữa mới ở được, không thì nhà đổ lúc đó cha tính sao?..”

Tính sao?

        Không biết tính sao cả, nhưng cha đặt hết tin tưởng vào Chúa và ráng lo những điều có thể lo. Sau này khi mọi trắc trở đã qua, nhớ lại lúc phải chạy nhà, cha viết: “Việc Chúa, Chúa không cần ai, mà tự dành cho mình tất cả thành công trong vinh quang.”

        “Còn ta, Chúa dùng đau khổ tôi luyện và giúp ta thoát ly mọi ràng buộc thế tục. Chúa không muốn ta tin tưởng và nhờ vả ai, để công việc Chúa trao cho chúng ta không bị ai chi phối. Nếu ta đem hết tâm hồn phụng sự Chúa, thì tất cả khó khăn sẽ trở thành phương thế xây dựng. Bị bỏ rơi, bị đày đọa là những ơn lớn lao cho hồn vươn lên trong tình Chúa yêu.”

        Hồi tưởng lại những lao đao đã qua cha nói: “Nếu Chúa bắt nếm lại những cay đắng ấy, không biết có chịu nổi nữa không? Chỉ biết rằng: Núi Caliario vinh quang hơn núi Tabor. 

        Những lúc mình bị đẩy đến chân tường, thì Chúa lại mở cho một cửa để thoát.

        Ngợi khen lòng lân tuất Chúa muôn đời!”

Một lối thoát

        Cha còn chưa biết tìm đâu ra tiền để mua và sửa chữa nhà, thì có một người gõ cửa xin gặp... Khách vừa về, cha lên hiệu họp tất cả tu sĩ tuyên bố: Chúng ta hãy tạ ơn Chúa quan phòng và cầu nguyện cho các vị ân nhân. Chúa đã dùng lòng quảng đại của họ để an ủi chúng ta.

        Ai là vị ân nhân ấy?

        Một nữ tu, ái nữ duy nhất một gia đình giàu có, được khấn trong dòng Carmelô. Chị nhường cho cha phần gia tài của chị và kèm theo một số tiền lớn.

        Cách một ngày lại có một bà hảo tâm khác, cho vay đủ số tiền để sửa chữa và sắm sửa các vật liệu mà không lấy lời.

Nhưng lại một khổ tâm 

        Những trắc trở khó khăn vật chất chưa qua khỏi, Chúa lại để cha gặp thêm điều khổ tâm khác: hai linh mục đã bỏ tu hội, một trợ sĩ rút lui. Để chữa mình, họ gieo nhiều tiếng oan cho cha, họ nói: “Nhà dòng cha Eymard lộn xộn họ hết chịu nổi”. 

        Một số bạn hữu đã tán trợ cha Eymard trước, bị tuyên truyền xuyên tạc cũng đã trở nên lãnh đạm với cha, hoặc chỉ trích cha gay gắt. Có người còn rủ các tu sĩ sang dòng khác để khỏi mất linh hồn.

        Trong thư kể những đau khổ ấy cho bà Margarita Giullot, cha kết: “Nhưng tâm hồn tôi vẫn được an tĩnh. Không lo lắm, giông tố sẽ qua. Trời sẽ lại trong sáng. Mọi sự đều hướng về vinh quang Đức Chúa Trời.”

Mưa sa gió táp

        Công việc sửa nhà đang tiến đều, thì vào một ngày tháng 10 năm 1857 có giấy khẩn cấp đòi cha Eymard đến Toà Giám mục.

        Cha vội vàng đến gặp Đức Hồng Y. Sự gặp gỡ tuy vắn vỏi mà đau đớn nhiều.

        Cha chưa dứt lời chào, Đức Hồng Y Morlot đã nói một cách lạnh lùng: “Chắc cho biết có một dòng mới mọc trong bóng tối, giáo quyền không hay biết chi, rồi đột nhiên nhô đầu lên: Ta đây! 

        - Con không biết chuyện đó.

        - Vậy mà có đấy. Họ muốn qua mặt Giáo quyền, rồi bắt giáo quyền nhận một việc đã rồi. 

        - Quả thật con không biết chuyện đó. 

        - Thì chính chuyện cha chứ ai, sao cha lại không biết? 

        - Nếu là dòng chúng con, thì chúng con đã được phép và được giáo quyền khuyến khích. Có giấy tờ, con xin về lấy đệ trình Đức Hồng Y xét. 

        Sở dĩ có chuyện đó vì: khi lục hồ sơ về nhà cửa định bán, Toà Giám mục không tìm thấy tờ chứng cho phép dòng các linh mục Thánh Thể ra đời. Đức Cha Sibour khi cho phép không bàn với hội đồng, nên các cha chính địa phận và hội đồng coi như không có dòng Thánh Thể, mà chỉ có một đoàn thể linh mục được Toà Giám mục chấp thuận cho hoạt động trong địa phận. Nhưng không thể từ một đoàn thể đột biến thành một dòng tu.

        Đức Hồng Y nghe lý luận như thế cho là phải, và nghĩ rằng: cần phải chấm dứt tình trạng bất hợp pháp này.

        Khi cha Eymard mạng tờ chứng thư ký có chữ ký và dấu triện của Đức Cha Sibour đến, Đức Hồng Y Morlot không buồn mở ra coi, liền trao cho linh mục phụ trách các dòng trong địa phận. Ông này cũng không thèm mở ra coi, mà xé ngay quăng vào sọt rác trước mặt cha Eymard. Thấy sự lạnh nhạt, hống hách, bất công, cậy quyền của những người đáng lẽ phải tìm hiểu và nâng đỡ anh em linh mục. Cha Lagarde chánh văn phòng Tòa Giám mục rất buồn. Buồn cho nhân tình thế thái, và thương cha Eymard. Ngài gọi cho đến hỏi rõ ràng công chuyện, rồi bảo cho làm một tờ tường trình về tôn chỉ mục đích của dòng, để chính ngài sẽ trao tận tay Đức Hồng Y. Ngài còn nói thẳng với Đức Hồng Y: Sự đối đãi với Cha Eymard như thế là gương mù.

        Đức Hồng Y Morlot cũng tỏ vẻ hối hận vì đã để người ta huỷ tờ chứng thư của Cha Eymard. Nay đọc lại kỹ càng bản tường trình, người đổi thái độ rẻ rúng ra kính phục cha Eymard. Có lần người bảo bà Bề trên dòng nữ kia có việc đến với người: nên đến bàn hỏi với cha Eymard, vì người chưa thấy một linh mục nào thánh thiện như thế.


 


 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.