CHƯƠNG VIII - NHỮNG NĂM SAU CÙNG CỦA CHA EYMARD

CHƯƠNG VIII 

NHỮNG NĂM SAU CÙNG

CỦA CHA EYMARD

 

Nguyện ước và lo âu

        Dòng nam đã có một nền móng khá vững, Chúa đã gửi cho cha nhiều cộng sự viên có tinh thần và tài cán, có thể nối tiếp được tinh thần của cha.

        Dòng nữ đã được giao quyền địa phương ủng hộ và cũng có cơ hội phát triển. Cha muốn để tâm vào việc khác: lo chuộc lại nhà Tiệc ly, nơi Chúa lập Phép Thánh Thể tại Giêrusalem, đang thuộc quyền sở hữu Hồi Giáo. Thiện ý của cha không được chấp thuận, Toà Thánh đã giao việc quản trị đất thánh cho các cha dòng Phanxicô, và lúc đó các cha Phanxicô đang tiếp tục công cuộc sửa sang các nơi mang di tích Chúa Cứu Thế. Như thế hành động của cha Eymard có thể bị coi như một sự cạnh tranh bất chính. Phải xếp lại. Ngày nay ý tưởng đó càng khó thực hành. Chính quyền Israel đã biến khu vực đó thành thánh địa, truy điệu sáu triệu đồng bào họ bị Đức Quốc xã thủ tiêu một cách dã man.

        Cha lại lập tập viện ở ngoại ô Paris, để tập sinh có khung cảnh yên lặng và thuận lợi cho việc tu đức.

        Nhưng tại Paris, khu vực nhà dòng đường St. Jacques lại nằm vào hoạ đồ thiết kế đô thị, tu viện bị phá bình địa. Chính quyền không bồi thường cân xứng. Cha con lại một phen lâm cảnh túng quẫn, bơ vơ.

Hai vai nặng gánh

        Cảm thấy sức mình mỗi ngày một suy yếu, cha Eymard muốn họp đại hội đồng để duyệt lại Hiến Pháp theo như chỉ định của Tòa Thánh, và để bầu vị tổng quyền mới.

        Cha gửi thư chung xin các tu sĩ cầu nguyện. Riêng cho những vị có trách nhiệm, cha nài xin được rút lui khỏi chức vụ tổng quyền.

        Cha nói: đã 8 năm vật lộn, nhất là 4 năm chuẩn bị cho việc thành lập tu hội, tôi đã qua nhiều giai đoạn gian truân. Nay tu hội đã được chính thức công nhận và đang tiến triển, sứ mạng tôi kể như xong. Tôi ao ước được lui vào yên tĩnh, để sống với Chúa ngự trong phép Thánh Thể.

        Riêng với cha Cuers người viết: “Xin cha cho tôi một ân huệ lớn và một bảo chứng tình bạn, là làm sao cho tôi được đứng ra ngoài. Tôi sẽ sung sướng được tận tuỵ cho công ích như một đứa con rất hèn của dòng.”

        Khi bầu, tất cả các phiếu – trừ một – đều chọn cha Eymard làm tổng quyền cho đến mãn đời, khi loan báo kết quả, mọi người đều reo vui, chỉ riêng cha Eymard âm thầm đau khổ. Khi đi hát kinh tạ ơn, người nói: “Anh em đi đi, phần tôi không còn can đảm để theo, rồi cha trở về phòng. Đến giờ ăn không thấy cha, người đi tìm gặp người đang quy gục đầu vào tường mệt mỏi, hai mắt đẫm lệ”. 

        Nhưng rồi người tự an ủi: Ý Chúa chưa tha gánh nặng thì phải vui lòng lãnh nhận chứ sao bây giờ.

Sức nặng chồng chất

        Gánh nặng của người phải giữ trách nhiệm chung, là lo cho các phần tử thuận hòa, chung sức xây dựng, giữ trật tự trong ngoài, lo cơm ăn áo mặc cho từng người, lo cho mỗi người nên chân tu đắc đạo. Nhưng ngoài những điểm đó, cha Eymard còn phải lo nhiều chuyện khác.

         Tu viện Angers gặp nhiều rắc rối vật chất. Nhà mượn thì trước sau gì cũng phải trả. Tìm được đất để cất nhà, và được Toà Giám mục cho khởi công thì lại phải ngưng khi việc đang tiến hành. Công dã tràng phí tổn vô ích, trước đây cha Eymard cũng đã bán cho nhà in Leclerc một khu đất thuận tiện tại Paris, hy vọng có tiền xây cất nhà tại Angers, nay cần để trang trải thì nhà in lại vỡ nợ. Cha thiệt chừng 67.000 quan. Cha có thể xin tòa phát mại nhà in để gỡ gạc đôi chút. Nhưng biết làm như thế sẽ có nhiều gia đình đông con bị liên lụy, vì lòng bác ái cha bỏ qua tất cả.

         Phía dòng nữ còn gặp nhiều rắc rối hơn.

        Nữ tu Benoite một thiếu phụ có óc thông minh sắc sảo, lại có vẻ bề ngoài đạo đức, được nhiều người tin tưởng. Mẹ Margarita coi như cánh tay phải. Cha Eymard để cử chị làm tu viện trưởng nhà tập mới lập tại Nemours.

         Khổ thay khi gặp một vài trắc trở, chị không biết chịu đựng và để lộ chân tướng một con người kiêu căng bất phục tùng. Muốn giành quyền điều khiển và chỉ định sắp xếp mọi công việc. Không kể gì lẽ phải và quyền bính. Chị đã lôi cuốn được một số nữ tu muốn tự lập theo mình. 

        Bà X. đã dâng cúng đất và nhà, để cha Eymard lập tu viện nữ tỳ Thánh Thể tại Nemours, nhưng vẫn giữ lại cho mình một phòng trong nội cấm, xem ra bà cũng là người đanh đá và hiếu danh, muốn đóng vai trò điều khiển nếp sống tu viện, nên gây gổ với chị Benoite. Vì giận dữ nên mất lý trí, bà cho rằng cha Eymard đã lừa dối và bóc lột bà. Bà đòi lại nhà cửa và đem đơn xin tòa án bắt cha bồi thường lợi tức 93.000 quan. Mũi giáo tuy đau nhưng nhiều người hảo tâm giúp đỡ cũng tạm qua.

        Bà X. lại biên thư vu cáo cho nhiều chuyện nơi Toà Giám mục Paris, Angers và Meaux. Đức Cha Meaux lập tức ra lệnh cho các nữ tỳ phải ra khỏi địa phận ngay tức khắc. Cha Eymard phải đến cất Mình Thánh, mà lòng người đau đớn, thân thể rã rời. Việc này xảy ra trước lễ Thăng Thiên năm 1867, ngày 29 tháng 5.

         Theo mẹ Margarita: Việc đó tuy không làm cha chết ngay được nhưng cũng rút ngắn đời cho một phần nào.

        Tu viện Nemours bị giải tán. Nhưng đa số các nữ tu đã bị nọc độc của chị Benoite gieo vào, nên không ai chịu trở về nhà mẹ ở Angers.

        Mất tiền mất của không làm cha đau khổ bằng công việc bị phá vỡ, và nhiều người mất ơn kêu gọi...

        Tệ hơn nữa, trong hồ sơ mua tu viện Angers đều do chị Benoite đứng tên. Do đó mặc dù chị không bỏ ra đồng nào, chị cứ đòi đền trả cho chị 11.000 quan. Sự bóc lột trắng trợn này thật là một vết tử thương cho cha và các nữ tỳ tại Angers.

Vẫn đắng cay dồn dập

         Những lo lắng về vật chất chưa qua, cha Eymard lại gặp thêm sỉ nhục tinh thần.

        Đức Cha Dardoy thay thế Đức Hồng Y Morlot, Tổng Giám mục Paris, vốn chịu ảnh hưởng nhiều của các phái Gà Sống (Gallicanismus) một phái muốn tách giáo hội Pháp ra khỏi Roma. 

        Người không có cảm tình gì đối với các dòng tu trực thuộc Toà Thánh. Đó cũng là trường hợp các linh mục dòng Thánh Thể. Được thư vu khống và tố giác của bà X. khác nào lửa đổ thêm dầu, ngài dùng đủ thứ tiếng nặng nề để chỉ trích cha Eymard: gọi cha là hạng người ngây thơ, thiếu óc suy xét, dễ dàng bị phụ nữ lợi dụng, xỏ mũi, và phạm những điều lầm lỗi không thể tha thứ được.

         Đang khi đó cha Eymard lại đệ lên Toà Giám mục hồ sơ xin cho một thầy trong dòng chịu chức linh mục. Chính Đức Tổng Giám mục kiểm soát các văn kiện một cách tỉ mỉ. Không may cho cha Eymard, hồ sơ bị thất lạc một tờ. Có bột để gột nên hồ. Đức Cha đòi cha tổng quyền dòng Thánh Thể đến mắng thậm tệ không biết luật, giấy tờ không đủ, gian dối, muốn qua mắt giáo quyền.

         - Thưa Đức Cha, con đã nạp đủ tại văn phòng, không biết vì sao thất lạc. 

         - Cha còn muốn gạt tôi nữa sao? 

         - Thưa Đức Cha không khi nào con có ý nghĩ ấy. 

         - Đi ra, ta không muốn nghe gì nữa, ra ngay!

        Khi ra gặp cha dòng Đaminh, cha vẫn chào hỏi bình tĩnh như không có gì xảy ra. Nhưng về đến nhà quỳ trước Thánh Thể, cha cảm thấy như các gân mạch đều đứt. Người cha run lên trong nức nở và nước mắt chan hoà.

Chén đắng không vơi

        Thêm vào những đau khổ kể trên, cha còn bị một đau khổ khó tả, nhưng lại là một vết thương trầm trọng, không gì riêng cho cha mà cho cả dòng. Nguyên nhân đau khổ này lại là một người đã cùng với cha chia sẻ cam khổ ngay từ ban đầu.

        Cha Cuers – như chúng ta đã biết – là một tâm hồn nhiệt thành tôn sùng phép Thánh Thể. Nhưng trước kia là một sĩ quan thuỷ quân, quen nếp sống giang hồ, tính tình ngay thẳng, nhưng nóng như lửa. Tận tâm nhưng khắt khe với mình và cả với người. Quảng đại nhưng lại hay làm theo sở thích. Tuy vậy nguyên một việc cha đã từ bỏ vinh hoa phú quý để làm linh mục, đã là một hy sinh lớn đáng khen ngợi rồi. Cha lại còn đem bán tất cả những bản viết tay cha đã sưu tầm mấy mươi năm, bán lấy tiền nuôi anh em lúc thiếu hụt, cũng là một bằng chứng nói lên đức hy sinh và tinh thần thoát tục cao quý nơi cha.

        Có lẽ vì cuộc đời khổ hạnh đã làm tâm tình người thay đổi nhiều. Có thể nói vì say mê khổ hạnh nên người có mặc cảm rằng cha Eymard dễ dãi quá với các tu sĩ, và thiếu tính cách vô tư trong các hoạt động. 

        Cha Eymard hiểu cha Cuers dần dần xa mình. Nghĩ rằng để cha Cuers điều khiển tự viện tại Marseille do chính cha Cuers đã lập, có thể sẽ vì xa nhau phần xác mà phần hồn sẽ được mãi gần nhau.

        Không ngờ! Vào một ngày tháng 6 năm 1867, phỏng mươi ngày sau khi nữ tu viện Nemours bị đóng cửa, thầy Tesnière Tổng thư ký của dòng nhận được điện tín từ Roma do bộ các Giám mục và các dòng gửi đến. Vội vã đưa trình lên - cha Eymard dở đọc. Mặt người đột nhiên xám lại, để lộ một niềm đau xót tê tái và kinh hoàng.

        Thư tín chỉ vỏn vẹn có mấy câu: Tổng thư ký bộ các dòng tu báo cho vị Tổng quyền dòng các linh mục Thánh Thể hay rằng: Linh mục Raymond Cuers, tu sĩ dòng đã xin Toà Thánh tha lời khấn.

Nhu thắng cương

        Sau đó chỉ vài giờ, cha Cuers từ Marseille lên xin gặp cha Tổng quyền. Trấn tĩnh mọi xúc động, cha Eymard chạy ra đón, ôm lấy cha Cuers như một người bạn thân tình lâu ngày không gặp. Cha cùng xếp đặt để cha Cuers nghỉ ngơi một phòng sát kề phòng cha. Hai cha đã nói chuyện với nhau lâu giờ.

        Lúc đó cha Eymard mới biết: đã hơn một năm cha Cuers dự định lập một tu hội cũng chuyên việc chầu Thánh Thể, nhưng với nếp sống ẩn tu và đền tạ nhiệm nhặt, xa tất cả mọi hoạt động bên ngoài.

    Cha cũng chọn được nơi để khởi công. Đó là chuồng nuôi ngựa bỏ hoang ở Rocquefavour. Địa điểm xa các làng mạc, giữa một miền hoang vu cằn cỗi. Chủ nhân nhường vô điều kiện cơ sở và đất đai cho cha Cuers. Lại sẵn sàng giúp cho vật liệu xây cất tu viện. Cha cũng đã chiêu mộ được vài đồng chí: ông Frémura, một tâm hồn ưa sống tĩnh mịch.

        Không để cha Eymard phải hỏi nhiều, cha Cuers nói trước, nói dài và kết thúc: “Tôi đã xin Toà Thánh tha lời khấn để thực hiện ý định này”. Cha Eymard nhỏ nhẹ trả lời: Tôi cũng mới biết điều đó.

         - Sao cha biết?

        Cha Eymard ôn tồn kể lại bức điện tín từ Roma vừa đến cách vài giờ. Nhưng với một vẻ thân ái đầy cương quyết cha nắm tay cha Cuers nói:

        Cha thân yêu, cha đừng làm thế, đừng làm thế tôi van cha, tôi sẽ giữ kín điều cha vận động với Toà Thánh Cha đừng đi đến chỗ đoạn tuyệt với anh em. Việc cha định làm tại Rocquefavour, cha cứ tiếp tục, nếu vì lý do nào đó không thành, cha trở về với chúng tôi. Tôi sẽ coi đó là một việc của tôi.

        Cử chỉ, lời nói và giải pháp ấy làm dịu lòng cha Cuers. Cha Eymard cũng biên thư về Marseille cho cha Leroyer nói:

        “Cha Cuers đang ở Paris với chúng tôi, người đến để bàn về một dự định, nếu là ý Chúa tôi cũng đồng tình, người muốn được rảnh một thời gian để đích thân lo việc đó, và muốn một mình chịu trách nhiệm. Tu hội không phải dính dáng gì.

        Vậy cha hãy thay thế người điều khiển tu viện Marseille.” 

        Tình nghĩa chân thành, xử sự khiêm nhu và dịu dàng, cũng như tư cách quãng đại của cha Eymard đã cứu vãn được tình thế, tránh đổ vỡ nặng nề. Nhưng đau khổ riêng một mình cha phải gánh.

        Công việc của cha Cuers lúc đầu xem ra đạt kết quả tốt đẹp. Đức Cha Chalandon, Tổng Giám mục Aix đã đến làm phép nhà nguyện và đặt Mình Thánh Chúa lần đầu tiên cho tu viện mới.

        Nhưng gần tháng sau, người đệ tử đầu tiên mới có mặt. Cha Eymard cũng đến thăm nhưng cha Cuers tỏ ra không thiết tha, không kính nể chi, làm như không có liên hệ gì với cha Eymard nữa.

        Thấy đời sống ở đó quá cơ cực, nên khi về Marseille cha Eymard mua nhiều thực phẩm gửi đến.

          Theo cha Tesnière kể thì trong tu viện Rocquefavour có nhiều giai thoại nực cười. 

        Quy luật của tu viện là tất cả mọi người, bất cứ ai phải thay phiên nhau làm công việc, kể cả nấu ăn. Vì thế có lần một tu sĩ trộn rau với dầu Colza (thứ dầu dùng để đốt hay nấu đồ ăn cho thú vật). Thế mà cha Cuers ăn một cách ngon lành.

        Lần khác, ngày đại lễ, tới phiên cha Cuers làm bếp. Cha muốn cho cả nhà có một bữa ăn khác thường, nên giết một con gà tơ. Đến bữa, thức ăn quý được bày ra mà không ai nuốt được một miếng nào... Sao vậy? Giết gà cha chỉ vặt lông mà quên mổ bụng bỏ ruột.

        Lối sống ấy làm nhiều người nản chí nên ít có người ở lại lâu. Tuy vậy, cha Eymard cũng không được an ủi đón rước cha Cuers trở về trước khi lìa trần.

       Khi cha Eymard qua đời, cha Cuers được bầu làm tổng quyền. Cha bỏ Rocquefavour về Paris, để hết tâm vào công việc chung. Cha định sáp nhập tu viện Rocquefaour vào dòng Thánh Thể như một nhà tĩnh tâm. Nhưng hoàn cảnh không thuận lợi, tu viện Rocquefavour từ đó cũng lặng tiếng dần rồi tan.


 


 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.