CHƯƠNG IX - CHA EYMARD ĐAU NẶNG VÀ QUA ĐỜI

CHƯƠNG IX

CHA EYMARD 

ĐAU NẶNG VÀ QUA ĐỜI

 

Hướng về trời

        Năm 1852, cha viết cho bà Camille Jordan: “Nghĩ đến giá trị của đời hiện tại, và những việc mình có thể làm, những đau khổ mình có thể chịu cho danh Chúa, tôi không thấy như người ta nói: mong chết để về cùng Thiên Chúa.”.

         Nhưng 8 năm sau, tức năm 1860, mặc dù không lo sợ trước những đau khổ hiện có và đang đến, cha đã nghĩ về sự chết một cách khác. Cha viết: Tôi được dựng nên để hưởng vinh quang của Chúa Kitô. Tôi sẽ được ở gần Chúa hưởng hạnh phúc Người thông ban cho. Tên tôi sẽ được ghi vào số trường sinh. Các thần thánh đang chờ tôi, để nhận tôi làm anh em. Ôi! Sung sướng thay ngày mà cửa thành Sion mở mắt ra cho tôi tiến vào nhà Chúa, nhà Cha tôi. Tôi sẽ nhìn tận mắt Đấng tôi sùng kính là Chúa Kitô. Tôi sẽ được kính chào Mẹ Maria chí ái. Tôi sẽ cùng với thần thánh chúc tụng lòng tân tuất Chúa đời đời.”

        “Ôi! Bao giờ ngày hạnh phúc ấy đến cho tôi.”

         Khi chuyện vãn, cha hay để lộ tâm tình khát khao được bay về cùng Chúa. Linh cảm cuộc đời tại thế của mình không còn mấy chốc, cha thường nói với các đệ tử thân yêu: Các con không có gì hỏi cha sao? Hỏi đi kẻo muộn!

         Khi đi thăm cha Cuers về, ngang qua La Mure, cha ghé lại thăm nhà các chị, ở lại hai ngày. Cha xin chị mua cho cha một cây đèn sáp cỡ lớn, và đẹp. Nhưng khi lên đường không biết vô tình hay hữu ý, cha không đem theo, mấy tháng sau, đèn đó được thắp để bên quan tài cha.

Tình lưu luyến với bạn xưa nghĩa cũ

        Trên đường về, cha ghé Lyon thăm các người quen biết xưa. Họ giữ cha lại và mời giảng nhiều lần, mặc dầu mệt, cha không dám từ chối. Có từ chối thì họ nói: "Cha nghĩ xem cha sẽ còn dịp khác ghé đây chăng?"

         Về đến Paris, vừa mệt vừa đau, nhưng cha lại đi ngay. Ở ngoại ô Paris có đội thanh niên nam nữ đã nhờ cha mà hoàn lương. Họ đã xin cha đến chứng kiến và chúc phúc cho lễ thành hôn của họ. 

        Sợ đôi trẻ thất vọng, nếu vắng cha, nên cha đi, mặc dầu trời mưa. Khi về, cha bị cơn sốt hành kinh khủng. Người ta trách cha liều lĩnh. Cha khiêm tốn nhận lỗi, nhưng vui mừng nói: hai đưa chúng nó sung sướng chừng nào, cũng may mà tôi về kịp.

Đau nặng

        Bác sĩ buộc cha phải nằm yên trên giường. Nhưng có một trường hợp bất thường buộc cha phải xuống phòng khách: một cha sở ở Paris đến, với nét mặt ưu tư và khẩn trương, xin gặp cha Eymard. Phòng riêng lại không có chỗ cho khách ngồi. Vừa thấy cha, khách nói: 

        - Tôi thấy như có một sức huyền bí nào giục tôi đem đến cho cha Thánh vật này.

        Khách vừa nói vừa đưa ra một gói quà mà từ lúc đến, khách vẫn ôm trên ngực: một Bánh Thánh – khách tiếp - do một hội viên tam điểm mới trở lại, đem cho tôi:

         Sự phạm thánh này đã từ lâu, từ năm 1854. 

         - 14 năm trời nay, cha nói thế? 

        - Đúng thế, đêm đó bọn tam điểm đã lọt vào một nhà thờ, phá nhà chầu, tung Mình Thánh Chúa xuống đất và chà đạp. Nhưng người này khi về nhà, cởi giày, thấy Bánh Thánh nằm trong giày. Hắn sợ không dám huy đi, bỏ vào ví da cất giữ được ba năm. Rồi cất vào hộc tủ. Nay hắn hối hận, đi xưng tội và đem Mình Thánh Chúa trao cho tôi. 

        Quá cảm xúc cha Eymard dòng châu lã chã, nói không nên lời. Cha lặng lẽ đem Mình Thánh ấy đặt trên Tòa Chầu bên hào quang. Đêm đó, cha quỳ chầu Chúa nhiều giờ. Sớm mai mặc dầu mệt mỏi, cha cũng dâng lễ đền tạ và rước luôn Bánh Thánh ấy trong Thánh lễ.

        Việc phải đến đã đến, cha liệt giường 15 ngày. Nhưng vừa đứng dậy được, cha đã nghĩ đến những tuần tĩnh tâm phải giảng, về việc kinh lý các tu viện. Sức cha vì thế mất đi, da mặt vàng như nghệ, má lõm, mắt sâu thẳm. Chỉ còn giọng nói bao giờ cũng sốt sắng và hấp dẫn, phát xuất bởi đức mến Chúa yêu người nồng nàn.

        Bác sĩ Doillard vừa là bạn thân, vừa là con thiêng liêng của cha, săn sóc cha tận tình. Ông lo cho sức khoẻ của cha như bà mẹ. Ông cũng sợ cha đau nặng là điều không hay cho công việc của dòng.

         Sau lễ Phục Sinh năm 1868, ông buộc cha phải nghỉ việc và đi tĩnh dưỡng. Cha định đi ở tập viện St. Maurice để khi cần, có thể trở về Paris dễ dàng. Vì nhiều công việc, nhất là việc rước lễ lần đầu của những thanh niên lao động, cha mới giúp trở lại, cần cha. Bác sĩ phản đối: 

        - Không thể được, như thế bao giờ cha mới làm xong những việc dự tính của cha. 

        - Vậy đến tháng bảy tôi sẽ đi nghỉ. 

        - Tùy cha, xin Chúa giữ gìn cha, phần tôi từ nay không nhận một trách nhiệm nào về sức khoẻ của cha, nếu cha cứ trì hoãn. 

        Nhưng khi thấy cha hoạt động và đi lại không ngừng, dường như cha cố làm cho xong chương trình đã dự liệu. Bác sĩ không thể im lặng nữa, cương quyết ra lệnh: “Nếu cha còn ở Paris, cha cứ ôm ấp công việc bừa bãi và vô lý thế này, tức là thử thách Chúa đấy - cha phải đi, đi thật xa.”

        Tất cả các tu sĩ cũng đồng ý với bác sĩ, xin cha ngưng hoạt động và đi tĩnh dưỡng ít lâu.

Trên đường vĩnh biệt

        Vâng lời bác sĩ, cha lên đường về sinh quán nghỉ ngơi, hy vọng khí trời miền núi sẽ cho cha mau lại sức. Cha sẽ có dịp trở lại Paris nơi cha đã được nhiều ơn Đức Mẹ.

        Từ Paris đến La Mure cha ngừng lại Vichy, thăm mẹ Margarita. Bà cũng vì quá lo âu mỏi mệt, đang dưỡng bệnh ở đó. Cha hỏi bác sĩ liệu nước suối có giúp cha mau lại sức không? Chẩn mạch, bác sĩ nói: nước suối đối với cha vô ích, cha cần phải nghỉ ngơi, hoàn toàn ăn cho đầy đủ và thở khí trời trong lành. Nước Vichy chỉ làm cha bồn chồn thêm. Khi vắng cha, mẹ Margarita hỏi bác sĩ: bệnh tình cha Eymard thế nào? Ông trả lời: phải được đặc biệt săn sóc trong lúc này. Cha làm việc quá thành hao sức đến độ chót rồi.

       Ở lại Vichy hai ngày không ăn không ngủ được tí nào – Cha lại lên xe lửa đi Grenoble. Xe lắc lư làm cha càng mệt mỏi. Chứng tê thấp làm cha đau vai và hai đầu gối. Cha phải ngừng ở Lyon, ngủ một đêm tại quán gần nhà ga, để đi chuyến xe sớm. Cha muốn đến thăm các cha thừa sai tại Grenoble trước khi về nhà chị. Nhưng vừa ra khỏi nhà ga cha gặp một người bạn học xưa, đang làm cha sở một họ gần La Mure. 

        Thấy cha Eymard, linh mục vui mừng hỏi: "Đi đâu vậy?" Cha vừa thở vừa nói: "Tôi về nghỉ nơi các nhà chị tôi, mệt quá! Ốm giữa đường!" Thấy bạn tiều tuỵ, bước đi không nổi, cha sở ấy dắt cha đi. Cha Eymard xin được dâng lễ. Nhưng gần cuối lễ cha té xỉu, người ta phải vực cha lên giường.

        Quá trưa cha tỉnh lại, ăn chút gì, rồi nhờ người ta đưa ra bến xe ngựa. Ở đó linh mục bạn đã giữ chỗ và đợi cha. Trời hè nóng như thiêu, xa lại chật chội, cha Eymard càng thấm mệt. Dọc đường không nói năng gì. Ai hỏi cha chỉ đáp nhát gừng. 

        Linh mục bạn tuy phải về thăm kẻ liệt cần trong họ, nhưng không nỡ để cha Eymard đi một mình trong tình trạng này. Cha Eymard hiểu ý nói: "Cha đừng bận tâm vì tôi... kẻ liệt... cần... cha hơn." Linh mục bạn quay người hỏi người đánh xe: "Tôi có thể tin tưởng ký thác cha Giuliano Eymard cho anh được không" – Người đánh xe có bà con ở La Mure, nên biết tiếng cha Eymard mà chưa biết mặt. Nay được hân hạnh cha đang ở xe mình, vui mừng nói: "Tôi sẽ đánh xe nương nhẹ để cha đỡ mệt và đưa cha đến nơi đến chốn."

Dưới mái gia đình

        Hai chị đã được cha báo tin trước. Ngày ấy lại được điện từ Grenoble gởi, nói cha đang trên đường về. Họ vừa vui, vừa lo lắng đợi cha.

        Về tới nhà chị, vào khoảng 8 giờ chiều ngày 21 tháng 7 năm 1868, chị em gặp nhau mừng rỡ, nhưng cha không nói được lời nào, phải nhờ hai chị đỡ lên phòng.

        Nhà cha mẹ rộng, nhưng căn lầu chính hai chị đã cho một bác sĩ thuê. Họ nhường cho phòng lớn ở lầu trên, còn phòng nhỏ hai chị em kê giường ngủ và bếp nấu ăn.

        Lên đến phòng, cha làm hiệu xin giấy viết. Nhưng cha không viết thành chữ làm bà Anna lo, bà nhờ bác sĩ lên chẩn mạch xem thế nào.

        Cha bị thương hàn cấm khẩu, vì trước đây quá bận trí, lại thêm đi đàng mệt nhọc. Nói riêng với các bà, ông bảo: "Bệnh tình cha nặng rồi, chỉ còn ngày một ngày hai thôi. Sự mệt mỏi quá mức vì tâm hồn quảng đại hăng hái, nên cái thân bị đày đọa đến mức tối đa, không hy vọng vãn hồi sức khoẻ. Nếu có qua được lúc này, cũng khó mà đi được."

         Bác sĩ tận tình chăm sóc cha.

        Ông cũng khuyên các chị nên báo cho các tu sĩ tại Paris biết để kịp thời thu xếp công việc.

Những ngày sau cùng

        Qua ngày sau, chứng đau màng óc xuất hiện làm cha đau đớn nhiều, lưỡi khô, miệng méo, nói không ra lời.

          Cha sở La Mure đến giải tội và đưa Mình Thánh.

        Qua ngày 22 tháng 7, tự nhiên cha lại nói được vài lời. Dân làng kẻ gần người xa nghe tin cha mệt, đều tỏ tình thông cảm. 

        Nhiều người đến nghe ngóng tin tức và truyền lại cho nhau. Thấy cha nói được họ ồn lên: "Cha Eymard đã tỉnh, có hy vọng khỏi." Họ xin vào thăm. Đôi khi cha cũng nói vài lời an ủi những người cha thấy cần.

        Bác sĩ Bonne không lạc quan gì về sự thay đổi ấy. Trái lại ông càng dè dặt và theo dõi bệnh nhân hơn.

        Thầy Tesnière từ Paris đến La Mure ngày 27 tháng 7 đúng lúc bệnh trở chứng. Thầy viết về Paris: "Tôi không dám động đến người, toàn thân người biểu lộ một sự đau đớn mệt mỏi kinh khủng: đầu nghiêng, miệng há, hai bàn tay không cử động được. Mắt thì trắng giã, coi như đã trút linh hồn."

        Sau một lúc lâu, cha tỉnh lại, mở mắt nhận ra người con yêu dấu, nhìn thấy mỉm cười.

        Ngày 28 tháng 7, cha tỉnh hơn. Cha sở và các linh mục gần đó lại đến thăm. Cha nhận ra mọi người nhưng không nói được. Chỉ để lộ niềm biết ơn bằng nụ cười gượng gạo.

        Mỗi ngày, thầy Tesnière gửi thông báo cho tất cả các tu viện nam nữ dòng Thánh Thể, nói về bệnh tình của cha thuyên giảm hay nguy kịch.

         Đêm 28 tháng 7 cha ngủ được. Trưa ngày 29 cha lại nói được đôi lời, để lộ niềm vui mừng làm mọi người vui lây. Đến bữa ăn cha muốn các chị vui nên đòi ăn với họ, cha chỉ dùng được đôi chút gọi là. Nếm một vài trái nho. Như thế đủ là một nguồn hy vọng cho mọi người. Ngồi im lặng xem những người khác ăn, cha mỉm cười khuyến khích.

        Ăn xong cha trở về giường, xin thầy Tesnière đọc các thư, và cha bảo ghi một vài tư tưởng để trả lời những việc quan hệ.

      Cùng ngày, có cha Chanuet, bề trên tập viện từ St. Maurice đến, mang theo phép rộng Đức Giám mục Grenoble cho làm phép lễ tại phòng bệnh nhân. 

        Sáng ngày 30, cha Eymard sung sướng được dự lễ và rước lễ. An ủi này đã làm cha quên mọi đau đớn mệt mỏi. Sau khi rước lễ, cha như đắm chìm trong Chúa.

        Cùng đi với cha Chanuet có cô Théodorine, điều dưỡng viên tận tâm săn sóc cha. Thấy phòng cha nằm kín quá, nên cô lo xếp đặt lại để có thể mở cửa sổ cho thoáng khí, nhờ thế cha dễ thở hơn.

        Ngày 31 tháng 7 chà mệt dần.

        Ngày 1 tháng 8, lúc 1 giờ sáng, cha xin chịu phép Xức dầu. Tiếp đó cha Chanuet đã dâng lễ và cho cha rước Của Ăn Đàng. Cha nằm thầm lặng dâng sự sống mình cho Chúa, và sẵn sàng để bay lên núi thánh.

        Cha gắng sức giơ tay làm một dấu Thánh Giá, chúc lành cho cả dòng và từ biệt mọi người.

         Hỏi cha có điều gì trăn trối nữa chăng? Cha đã làm hiệu: “Không còn gì.”

         Họ đưa ảnh Đức Mẹ đến, cha hôn kính cách thiết tha.

        Lúc 11 giờ, khi người ta quỳ quanh giường cha, đọc kinh cầu ơn chết lành, thì cha mở mắt nhìn vào ảnh chuộc tội trước mặt.

         Cha thở hơi cuối cùng hồi 14 giờ, ngày mồng một tháng tám năm 1868.

         Thọ ngoài 57 tuổi.

        Để lại 7 tu viện nam: 5 ở Pháp và 2 ở Bỉ, với 50 tu sĩ gồm 16 linh mục, một số sinh viên thần học và trợ sĩ và 3 nữ tu viện chừng 40 nữ tu..

        Cuộc đời đầy gian khổ của cha đã được như lời cha cầu xin: “Con chỉ xin được làm phân bón cho cây Chúa trồng.”


 


 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.