CHƯƠNG III
NĂM AN ỦI (1858)
Nhà nguyện
Tại khu đất mới tậu tại đường St. Jacques, có hai nếp nhà, cách nhau bằng một ngôi nhà nguyện, Cha Eymard lấy nhà số 68 làm tu viện, và dành số 66 cho một chương trình khác về sau. Sau nhà có một vườn cây rộng chừng 3.000 thước vuông, chia đôi bằng một lối đi rộng. Nhành cây giao nhau gieo bóng mát suốt tháng hè.
Cha đặt tên cho tu viện mới là Nazaret, đối lại với Bethlem là tên nhà cũ. Bethlem gợi ý nghĩa sinh ra trong khó nghèo tạm bợ. Dòng Thánh Thể cũng đã được khai sinh trong ngôi nhà cũ, với cảnh chật chội và bấp bênh. Còn Nazaret nơi Chúa trưởng thành và khởi sự giao tiếp với xã hội, thì tu viện Nazaret cũng là nơi dòng sẽ phát triển để phục vụ Giáo Hội sau này.
Cha đem hết cả tâm lực để sửa sang tô điểm nhà nguyện, cho tương đối xứng đáng nơi thờ phượng.
Kể cả cung thánh, nhà nguyện được 20 thước dài, 5 thước rộng và 6 thước cao. Bàn thờ bằng gỗ đặt giữa cung Thánh. Trên bàn thờ có một nhà tạm. Trên nhà tạm có tòa chầu. Tất cả đều đơn sơ, nhưng không kém vẻ huy hoàng, trang nghiêm và đầm ấm, giúp cho tâm hồn dễ tập trung và hướng về Chúa.
Cha chọn lễ Phục sinh 1858 để mở cửa nhà nguyện cho dân chúng vào tham dự. Đau khổ thử thách những năm qua đã nay chung đúc lại thành niềm hân hoan, rộn ràng. Trong thánh lễ đầu tiên tại nhà nguyện, cha cho một em bé Do Thái rước lễ lần đầu. Sau lễ, cha đặt Mình Thánh Chúa trên toà và khởi sự chầu Mình Thánh Chúa liên tiếp mỗi ngày.
Tông đồ Thánh Thể
Một tâm hồn chân thành mến Chúa, tự nhiên thấy chưa thỏa mãn nếu không lôi cuốn được người khác lại gần Chúa.
Cha Eymard vẫn thường bảo các tu sĩ: Trước bàn thờ, nếu tu sĩ chỉ cầu cho mình nên thánh, cho các kitô hữu vững đức tin, cho Hội Thánh được bình an, cho những người không biết Chúa, không thờ phượng Chúa, hoặc biết mà dửng dưng với tình yêu Chúa, được ơn trở nên con cái Chúa.. thì chưa phải là một tu sĩ có tinh thần. “Chầu Chúa chỉ là một nửa phần việc của tu sĩ dòng Thánh Thể. Phần khác cũng cần thiết không kém là làm giảm số người tội lỗi, bằng việc tông đồ Thánh Thể. ”
Khi đã liệu được cho tu sĩ có nơi cầu nguyện, có chốn ăn nhà rồi, cha hướng họ vào hoạt động mở nước Chúa, để danh Chúa được vinh quang. Paris lúc đó (1858) chưa có lắm phố phường quang đãng như bây giờ. Trái lại có nhiều đường lối quanh co chật chội. Ở những ngõ hẻm, dân chúng nghèo nàn cả vật chất lẫn tinh thần. Trẻ con không được học, mới một tí tuổi đã phải đi làm trong các xưởng tiểu công nghệ, chung đụng với những người trắc nét và thường thấy trước mắt những chuyện thường luân bại lý. Nhưng có việc làm còn đỡ, một số khác tranh nhau đi bới rác tìm những thức ăn thừa, những quần áo giầy dép cũ của các xe rác từ nội thành tống ra. Đồ nhặt được hoặc để dùng hay bán đi để mua thức ăn. Đời sống như thế đã biến chúng thành bụi đời láu lỉnh, tham lam, trộm cắp, tóm lại, là vô giáo dục, là hoang đàng, là du đãng.
Không biết giáo lý, không biết Chúa, Mẹ Maria. Nhưng chửi thề thì đứa nào cũng thạo.
Chẳng linh mục nào dám đặt chân vào khu vực ấy. Họ sợ hôi, sợ bẩn cũng có, mà nhất là họ sợ bị chế giễu, hay có khi bị cả chục cánh tay, bàn tay khẳng khiu, dơ bẩn, cáu ghét, ghẻ lở chìa ra xin bố thí. Có khi chúng không cần sự tử tế thì chẳng ngại gì mà không ra tay bóc lột. Đối với cha Eymard, cha chỉ thấy các linh hồn Chúa muốn cứu. Người không ngại nhơ bẩn hay bị chế giễu. Còn như có bị bóc lột?... cha cũng vui nhường cho họ những gì họ muốn, miễn là cha có dịp gần những người mà cha thấy đáng thương.
Có người can? Cha trả lời: “Họ khổ, phải đưa họ đến Chúa là Đấng cứu khổ, để họ được hạnh phúc muôn đời.”
Gương Chúa chiên lành
Trước kia, ở đường Enfer, nhờ những người nhiệt thành làm môi giới, cha đã đến với những người khô khan, những kẻ bần hàn. Nhưng ở khu vực mới này không có ai can đảm tiến vào. Suy niệm gương Chúa quên mình, đã đổ máu mình để cứu độ nhân gian, cha quyết định sẽ đến với họ chứ không chần chờ.
Lấy cớ đặt hàng trong các xưởng tiếu công nghệ, đế có dịp đi lại với họ, được họ đón tiếp, được làm quen với thợ thuyền. Tiến thêm bước nữa, cha mang thuốc men hay quà bánh đến thăm những người tàn tật. Làm thân với một vài đứa trẻ, rủ chúng đi chơi, kể một vài câu chuyện vui. Những đứa trẻ khác tò mò, đứng xa theo dõi, rồi bạo dạn vui chân chúng tiến lại gần. Cha chỉ đợi lúc đó, để nở nụ cười duyên chào đón, bắt tay, hỏi tên, nói một câu khôi hài để tất cả cùng cười.
Lúc sắp từ biệt, cha kể một câu chuyện lý thú, nhưng bỏ dở, hẹn sẽ đến kể nốt lần sau. Có khi cha mời chúng đến thăm cha. Cứ như thế, cha gây được cảm tình với bọn trẻ, hẹn ngày mới chúng đến tu viện. Ngày hẹn tới, cha chờ mãi nhưng không thấy tăm dạng một ai. Cha hé cửa nghe ngóng, có tiếng ồn ào xa xa, cha mở cửa xem, vẫy tay khuyến khích nhưng chúng không dám vào. Cha mời chúng và vui vẻ bảo: “vào đây các con, đừng sợ gì”; rồi cha nắm tay chúng dẫn qua cửa. Đột nhiên chúng trở nên man rợ, và có thái độ như bị sập bẫy. Chúng nhìn nhau, sợ sệt, cha giả vờ không để ý, và điềm tĩnh, cha chỉ cho chúng xem tranh ảnh trong phòng học giáo lý. Chúng nhìn nhưng chẳng hiểu gì. Cha thân mật giảng sơ sơ cho chúng nghe. Chúng bịt miệng cười. Một đứa lớn vuột ra, mở cửa chuồn mất. Cả bọn rống lên và chạy theo, nhưng chúng không đi xa, còn lại một mình trong phòng cho thầm cầu xin Đức Mẹ đem toán trẻ trở lại. Rồi lấy vẻ bình tĩnh, cha ra tìm chúng, nhưng khi cha tiến một bước chúng lại lùi xa hai bước.
Hết sức nhẫn nại, cha đã gần được một đứa bớt man rợ hơn, cha bảo: “Có gì mà con sợ, cha có vẻ dữ tợn lắm ư?” Cha đâu có ý hại chúng con, cha định cho chúng con mỗi đứa một ảnh đeo, vào đi, cha thích chơi với chúng con. Mấy đứa bé theo cha trở vào. Những đứa lớn hơi ngần ngại, rồi cũng vào. Lần này cha đứng ngang cửa. Cha làm dấu Thánh Giá và quỳ xuống đọc kinh Lạy cha lớn tiếng. Chúng cười rộ, nhưng cha vững tin vào ơn Chúa. Đọc hết kinh rồi đứng lên, cha bảo: “Chúng con cười, thế là chúng con bằng lòng rồi nhé. Giờ tất cả chúng ta cùng cười nào.”
Cử chỉ đó giúp chúng cởi mở, và do đó trở nên thuần thục hơn.
Cha nói: Cha vui vì được quen biết các con, mỗi đứa cho cha biết tên và nhà cửa ở đâu nào, chúng bạo dạn hơn, thưa theo điều cha hỏi. Cha ghi tên, địa chỉ mỗi đứa và cho mỗi đứa một ảnh Đức Mẹ. Cha thân mật vỗ vai xoa đầu từng đứa. Có đứa bạo dạn nói: cho mẹ tôi một ảnh. Những đứa khác bắt chước giơ tay xin cho mẹ, cho chị... Cha không đế đứa nào thất vọng.
Lần gặp gỡ này gọi được là kết quả. Nhưng cho biết có đứa tính tình ngang tàng thô lỗ. Sự có mặt chúng ngắn trở nhiều đứa : khác. Phải nhẫn nhục lắm mới có thể thành công.
Lớp giáo lý
Mỗi khi chúng đến, cha vẫn phải làm ngơ những thói tinh nghịch của chúng. Rồi đột nhiên cha lên tiếng bảo: “Im lặng”, nhiều khi chúng cười rộ. Cha vẫn bình tĩnh: “chúng con hãy còn muốn cười hãy cười đi”, lời nói đó làm chúng hết hứng, tuy vậy chúng vẫn thì thào. Cha nói lớn: “Ừ, chúng con không cười nữa là phải, vì chúng ta còn nhiều câu truyện hay, cười mãi uống giờ. Vậy từ nay, hễ cha bảo im là im ngay, cha sẽ nói cho chúng con những điều rất lý thú.”
Để lưu ý chúng, cha soạn sẵn những câu hỏi đơn sơ, dựa theo những lời chúng thưa lại, cha pha vào một chút chân lý. Trước hết cha nói cho chúng hiểu, chúng được Thiên Chúa yêu như con. Và dần dần đến các đề tài:
- Thiên Chúa là ai?
- Thiên Chúa ở đâu?
- Chúa đã làm gì cho nhân loại?
- Phải yêu lại Chúa chăng?
- Bằng cách nào?
- Rước lễ là gì?
- Muốn rước lễ phải có điều kiện nào?
- Tội là gì?
- Làm gì để được tha tội?
Cha thường đặt các chân lý ấy trong khung cảnh một câu truyện ngắn.
Mỗi khi thấy chúng bắt đầu chia trí, cha lại để chúng được tự do cười nói đôi ba phút. Có khi đang giữa câu truyện hay, cha ngừng lại hỏi: “Chúng con cần phải ra ngoài chơi một lúc chăng, mười lăm phút nhé?” Thường chúng thưa: “lâu quá”; nhưng cha vẫn bắt chúng ra chơi, rồi mới kể tiếp truyện.
Trước khi cho chúng ra về, cha hỏi lại các điều đã dạy. Cha kết thúc giờ giáo lý bằng một kinh Lạy Cha.
Để khuyến khích chúng đến liên tiếp và chăm chỉ nghe, cha in các loại vé màu để thưởng:
- Có mặt: màu đỏ.
- Chăm chỉ: màu vàng.
- Thuộc bài: màu xanh.
- Lễ độ hay nhã nhặn khi chơi: màu hồng...
Nhờ hội thánh Vinh–Sơn cung cấp ảnh tượng, quà bánh nên mỗi tháng cha thu vé để định phần thưởng.
Ngày phát thưởng, cha trang hoàng phòng giáo lý, bày biện các phần thưởng trên bàn theo từng loại vé. Trẻ nào cũng có quà mang về nhà, không nhiều thì ít. Đó cũng là một cách gây thiện cảm với cha mẹ của chúng.
Ngày đại lễ
Phải chịu đựng chúng lâu ngày, cha mới dám gọi những buổi học đó là lớp giáo lý, mới dám đưa chúng vào nhà nguyện đôi ba phút trước khi cho chúng về.
Sau một năm trời tận tuỵ, cha chỉ chọn được 12 trẻ cho rước lễ lần đầu. Đứa nhỏ nhất cũng 13 tuổi.
Các trẻ được tĩnh tâm 3 ngày trước. Suốt những ngày đó, bằng mọi hình thức có thể cha hướng chung về Chúa Giêsu trong nhiệm tích Tình Yêu.
Một thầy phụ với cha giúp các trẻ, đã ghi lại những tâm tình cha gợi cho trẻ.
Đại khái: “Các con đã hiếu Chúa Giêsu là Đấng nào khi học giáo lý. Bây giờ chúng con hãy tin cho mạnh, mến cho nhiều và xin Chúa ngự vào tâm hồn chúng con...
Muốn được Chúa yêu, phải chiến đấu nhiều, chiến đấu cả cuộc đời... Nhưng hãy tin rằng, ta có một người bạn tốt lắm, giỏi lắm, yêu ta lắm, và sẵn sàng giúp đỡ ta chiến thắng. Người bạn ấy là Chúa Giêsu đang ngự trong nhà tạm kia. Khi chúng con vào bàn thờ, chúng con cứ nói với Chúa đơn sơ như với bạn thân. Hãy xin Chúa chia xẻ những lo lắng hay vui mừng của ta. Và xin được chia xẻ với Chúa hạnh phúc hay lo âu của Người.
Chúng con đừng ngại chi. Chúa yêu thương chúng con lắm, vì yêu ta Chúa đến ở với chúng ta nơi đây.
Hãy đáp lại tình Chúa yêu ta, bằng yêu mến lại Chúa và dâng lòng chúng ta cho Chúa.”
Những lời lẽ đơn sơ như thế lưu ý bọn trẻ. Chúng hiểu và muốn yêu mến Chúa hết tình.
Để cuộc lễ được long trọng, hấp dẫn bên ngoài, cha mời các vị hảo tâm chung tay, làm cha mẹ đỡ đầu cho các trẻ. Họ sung sướng đáp lời cha. Ngoài ảnh tượng sách vở cho trẻ, và hoa đèn để trang hoàng nhà thờ, họ còn tự may sắm y phục cho trẻ.
Rất tế nhị với gia đình nghèo, cha ngỏ ý với các vị ân nhân, về y phục nên chú trọng đến những thứ ích lợi nhất cho trẻ.
Đến ngày lễ, lúc 9 giờ sáng, các trẻ được ăn vận sạch sẽ, có lẽ lần đầu tiên trong đời, chúng có bộ đồ tử tế, làm chúng lộ vẻ vui mừng hãnh diện nhưng không kém vẻ sốt sắng, chả ai còn bảo chúng là tụi giặc phá xóm phá làng.
Tay cầm đèn sáng, chúng trang nghiêm đi kiệu vào nhà thờ. Cha mẹ và anh chị em ruột của chúng cũng vào dự lễ, có người cảm động sa nước mắt. Thấy con mình đổi tính tình, lại được cha Eymard và các ông bà quý phái yêu thương săn sóc, họ cũng thấy ấm lòng, vui dạt dào, và có nhiều người xin trở lại.
Nhưng người vui nhất là cha Eymard. điệu bộ, tiếng nói của cha khi đó dạt dào hương thơm mến Chúa yêu người. Điều đó dễ hiểu, vì đã vất vả nhẫn nại với chúng lâu ngày tất nhiên khi được hái trái cha phải hân hoan. Đó là những lễ vật dâng lên Chúa như hoa trái đầu mùa.
Sau lễ, cha đưa các trẻ và tất cả phụ huynh có mặt vào phòng giáo lý. Chính cha và các ông bà quý phái tiếp đãi, trao thức ăn cho trẻ.
Chiều đến các trẻ còn gặp nhau tại nhà nguyện một lần nữa để tuyên lại lời hứa phép Thánh tẩy và dâng mình cho Đức Mẹ.
Mùa gặt tiếp tục
Sau cuộc lễ đó, nhiều người đích thân đưa con đến nhờ cha giúp cho chúng được rước lễ. Số trẻ lên đến cả trăm. Nhưng vì thiếu nơi, thiếu người giúp, cha đành phải ghi tên, và hẹn khi có phương tiện sẽ gọi dần.
Lớp thứ hai cha định vào ngày lễ Giáng Sinh, có đứa 18 tuổi, phần đông là 15, 16.
Nhờ ơn Chúa và sự thương yêu chân thành của cha Eymard, cũng như của các cha trong tu viện, những tay xưa kia là đầu trộm đuôi cướp đã trở nên thuần thục, ngoan ngoãn và cởi mở.
Sau khi rước lễ lần đầu, chúng đã trở thành những tông đồ hăng say và nhiệt thành quảng đại. Không những chúng dẫn bạn đến chơi, nhiều lúc chúng còn làm thay thế những công việc cần để bạn có thể theo học lớp giáo lý đầy đủ.
Tình yêu Chúa quả là một khả năng lây lan. Một khi hiểu biết Chúa yêu mình và yêu đồng loại, chúng trở nên những tông đồ đầy thiện chí và nhiệt tâm. Nếu cha không khôn khéo dìu dắt, nhiều khi sự hăng hái thiếu kinh nghiệm của chúng nó có thể làm phiền hà người ta.
Một em sau khi được rước lễ rồi, cứ tới giờ tan sở, ra đứng bên cổng, đợi một thằng bạn có tính hung bạo để gợi chuyện.
- Này anh bạn, anh đã được rước lễ lần đầu chưa?
- Thế, nghĩa là thế nào?
- Là thế này..., thế này...
- Nhưng việc chi đến mày, muốn một chưởng không?
- Có thế mà cũng giận được. Mình làm rồi... thấy hay, mình mách anh bạn thử mà xem, có rầy rà gì đâu?
- Hay thực à?"
- Thực chứ, có muốn biết mình sẽ đưa đi.
Thế là Chúa nhật, hắn dẫn bạn đến cha Eymard. Tức khắc tên hung bạo ấy bị cha thôi miên.
Có đứa hớn hở mách cha con biết một gia đình có 3 con, đứa hút đã 6 tuổi, đứa lớn 10 tuổi mà chưa đứa nào chịu phép Rửa Tội cả. Nhưng cả hai vợ chồng sẽ đến gặp cha. Xin cha hẹn ngày.
- Anh làm sao biết được?
- Con biết chứ.
- Họ nói với anh?
- Vâng, nhưng con đã cầu nguyện cho họ nhiều rồi. Những khi rảnh con đến giúp việc anh ta. Anh chị ấy mới nể và bằng lòng.
Dần dần công việc tông đồ lan rộng đến những xóm xa. Cha Eymard thấy cần phải lập những lớp giáo lý giữa các xóm nghèo, để tránh sự đi lại mất thời giờ. Các trẻ cũng phải đi làm, chỉ có thể dự lớp buổi tối. Nhưng vì thiếu phương tiện tài chính, thiếu nhân sự, nên cha chưa thi hành được như sở nguyện. Tuy vậy, số thanh niên được rước lễ lần đầu chỉ nói một năm 1859 đã tới con số 150.
Để làm vinh dự cho các thanh niên và gia đình chúng, cha Eymard thường mời một Giám Mục đến chủ sự, cho chúng nước lễ, và ban phép Thêm Sức. Có lần cha mời được cả Đức Khâm sứ Chigi, và Đức Hồng Y Biliet.
Hàng năm đến mùa chay, cha họp chúng lại tĩnh tâm dọn mình rước lễ Phục Sinh. Không vậy, có đứa vì hoàn cảnh không giữ được ý chí. Nhiều chủ xưởng lại có dã tâm bóc lột sức lao động và thời giờ của thanh thiếu niên. Có khi là cố tình ngăn trở chúng giữ đạo. Họ đặt ra điều kiện khắt khe như: Muốn làm thì phải làm cả ngày Chúa nhật, không thì ra khỏi xưởng. Ngày thường làm từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều, ngày Chúa nhật làm từ 8 giờ sáng đến 1 giờ trưa.
Tuy vậy cũng có nhiều ông chủ biết ơn cha Eymard vì khi bọn trẻ qua tay cha đều trở nên người lương thiện. Chúng bỏ được thói thô tục, gian lận, lười biếng, công việc chạy đều và phát đạt.
Bà Laure Wiriot chủ xưởng đồ gốm nói: những thợ làm công cho xưởng tôi, nhiều người chưa chịu phép Rửa Tội, phần đông dốt nát về đạo nghĩa. Tôi khuyên được ít người. Mỗi ngày, sau giờ làm việc, tôi gửi họ đến cha Eymard. Cha đã dạy dỗ, và đã rửa tội, cho họ được rước lễ lần đầu. Họ trở nên lương thiện, và biết yêu thương đùm bọc nhau. Vì thế đời họ tươi lên, và công việc của xưởng cũng tiến triển trong thuận hoà.
Con đỡ đầu cho mẹ
Mỗi lần được tổ chức ngày rước lễ lần đầu, cha Eymard như quên hết mệt nhọc đã qua, và nhiều khi những cái vui này lại sinh ra những cái vui khác.
Một anh thợ nề có bà mẹ mù lòa đã ngoài 50 tuổi. Anh đi làm nuôi mẹ. Nhưng lại hay ý thế xử tệ với mẹ. Khi được rước lễ lần đầu, anh sung sướng chạy về nhà ôm mẹ nói: Mẹ! Con vui quá, và từ nay mẹ sẽ thấy con tử tế hơn. Nhưng bà mẹ thay vì vui với con, bà lại khóc nức nở. Chính bà chưa rước lễ bao giờ. Anh bảo mẹ:
- Vậy thì con cũng lo cho mẹ được hạnh phúc ấy.
- Khổ nổi mẹ già rồi. Làm sao mà lo được.
- Khó gì mẹ sẽ thấy dễ dàng và sung sướng, để con dắt mẹ đến cha Eymard.
- Bà lắc đầu nói: Mẹ chẳng biết câu kinh nào.
- Thì con dạy mẹ chứ sao.
Thế là từ đó mỗi khi đi làm về, anh đem câu kinh đã học ra dạy mẹ.
Ít lâu sau, anh ta hớn hở dắt mẹ đến khoe cha Eymard: “Mẹ con biết giáo lý rồi. Xin cha cho mẹ con rước lễ.” Cha Eymard dạy bổ túc cho bà và hẹn ngày cho bà rước lễ. Khi dắt mẹ lên bàn thánh người ta thấy anh thanh niên ấy hớn hở quỳ rước lễ bên cạnh mẹ. Cả hai tâm hồn đều được chan hoà ơn vui mừng siêu nhiên.
Cha Tesnière kể lại: Suốt mùa đông trước khi qua đời, chiều nào cha Eymard cũng tiếp một cặp vợ chồng. Họ đã lấy nhau không cưới xin, mà cũng chẳng biết giáo lý là gì. Cha đã nhẫn nại giúp đỡ họ hợp thức hóa hôn nhân và cho cả hai rước lễ lần đầu.
Nhưng còn biết bao ơn trở lại chỉ cha Eymard biết. Chính cha đã gọi nhà nguyện là nhà phép lạ của Chúa. Một nơi đã chứng kiến biết bao cuộc đời trở lại. Ai biết? Chỉ Chúa biết mà thôi!