PHỤ THIÊN 1 - BƯỚC GIAN TRUÂN VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TU HỘI THÁNH THỂ

PHỤ THIÊN 1 

BƯỚC GIAN TRUÂN 

VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TU HỘI

THÁNH THỂ

 

        Thấy cha Eymard gặp nhiều thử thách nặng nề dồn dập, ta có thể theo thường tình mà nói: vì cha có nhiều ảo mộng và liều lĩnh nên thất bại là lẽ đương nhiên. Nhưng, nếu đọc hay nghe những lời cha viết, mới hiểu được sự nhiệt thành và tinh thần can đảm hy sinh của cha.

         Trả lời cho một người thông cảm những thất bại của cha, cha nói:

        “Tôi còn phải nhiều đau khổ và gặp nhiều thánh giá, nhưng muốn cho việc Chúa toại thành: đau khổ, thánh giá là những phương thế cần. Điều an ủi duy nhất của tôi là: những thử thách sẽ qua đi, và nước Chúa Giêsu Thánh Thể sẽ được mở rộng.”

        Phải chăng đó là lời tiên tri hay một ước vọng do vững tin nơi Chúa Quan phòng, hoặc do thực tế đối mặt thường xuyên mà cha đã có kinh nghiệm ấy?

        Có thể là tất cả.

        Vì kinh nghiệm, cho biết: không một dòng tu hay tu hội nào được thành lập mà vị tổ phụ không bị nhiều đau khổ. Thánh Anphong còn bị chính con cái trục xuất khỏi dòng. Thánh Biển Đức bị đầu độc... Thất bại đối với cha cũng là một thực tế mà cha can đảm đương đầu, cho biết, nhờ ơn Chúa chúng sẽ trở thành mẹ của thành công.

        Lòng nhiệt thành mến Chúa của cha, sự vững tin nơi công việc Chúa trao phó, khiến cha xả thân vì Chúa, cho danh Chúa vinh quang và đồng loại được hưởng dư dật hồng ân Chúa.

        Sau khi cha Eymard qua đời, cả năm tu viện dòng Thánh Thể trên đất Pháp bị đệ nhị cách mạng sung công.

        Các tu sĩ phải tản mác để tránh sự khủng bố. Ngoài một vài người được tư gia che chở, còn bao nhiêu phải chạy sang Bỉ, sống chen chúc trong một tu viện duy nhất còn lại ở Bruxelles. Thế mà đâu đã yên, quân cách mạng vẫn có thể xâm chiếm và kiểm soát nước Bỉ.

        Hướng về nước Anh thì giáo quyền không nhận.

        Gia Nã Đại là đất hiếu khách thì lại quá xa, không đủ phương tiện di chuyển.

        Vì thế, các vị phụ trách không thể nghĩ đến việc đón nhận thêm đệ tử, chỉ mong ổn định cuộc sống đang có, và đợi ngày trời quang mây tạnh.

        Nhưng điều không ai có thể ngờ: chính trong lúc mưa sa bão táp ấy, tinh thần tu sĩ lại lên cao, chẳng khác gì khi hạt giống bị vùi dưới đất ẩm, cũng chính là lúc mầm sống tiềm tàng đợi mùa xuân tới để vươn lên, trổ sinh hoa trái xum xuê.

        Dòng Thánh Thể từ lúc khai sinh đến nay đã được trên 100 năm, nhưng bên cạnh đó, thời gian bị long đong xiêu bạc cũng gần 50 năm.

        Với mấy chục năm hưởng thái bình, số tu sĩ phát triển không ngừng, và có mặt tại nhiều nước trên thế giới, để hẹn một mùa gặt bội thu.

 

PHỤ THÊM II

 MỘT VÀI NHẬN XÉT CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐÃ GẶP CHA EYMARD

 

Theo bà Mathilde Giraud

        Cha Eymard là một tâm hồn quảng đại, cao thượng nghĩ đến tha nhân nhiều hơn lo cho mình. Ai xin gì hễ có thể cho thì cho ngay, mà không đòi hỏi ai bao giờ. Không phàn nàn ai. Người khuyên mẹ tôi: “Hãy cao thượng như một bà hoàng. Bà hoàng bao giờ cũng rộng rãi với người khác. Khi bà cần gì chỉ xin nơi hoàng đế.”

        Cha quý trẻ con, và nhiều khi cha ngất ngây nhìn một em bé trong nôi.

        Ông Charles Franchet, một giảng viên giáo lý tình nguyện đã nhận xét: Cha Eymard có đôi mắt tinh anh nhìn thẳng. Ăn mặc đơn sơ, gọn gàng sạch sẽ. Cha thường nói: sạch sẽ là trang sức của người nghèo,

        Cha đơn sơ với những người quê mùa, tế nhị với những người học thức, dịu dàng với những người đau khổ, cương trực khi phải bênh vực người nghèo khó (theo hồ sơ tòa án sơ cấp tại Grenoble).

        Bao giờ cha Eymard cũng có thái độ điềm đạm ở trước công chúng cũng như ở một mình.

        Rất khoan hoà nhưng không nhu nhược, cha nhẫn nại giúp đỡ mọi người nhưng không nhân nhượng với những ai muốn gây hoang mang trong tu viện (theo một chứng nhân).

        Cha viết cho cha Chanuet, Bề trên nhà tập: nên tìm hiểu tính hạnh từng trẻ. Nên đối xử với chúng cách khoan hoà nhẫn nại. Đừng xét đoán, hay trách phạt chúng theo thành kiến của mình. Lo cho chúng quy luật ở lặng và mau mắn phục tùng. Khi đã ra lệnh, phải chỉ định thời giờ, giờ nào việc nấy, phải đích thân kiểm soát thực hành, nếu cần đừng ngại khiển trách trẻ sai lỗi. 

        Khi hoài nghi việc gì nên xử sự khoan hồng, nếu thắc mắc về quyền lợi thì chiếu luật mà làm.

        Tất cả những đức tính của cha không phải tự nhiên mà có, nhưng do dày công luyện tập. Người lấy sự sùng mộ nhiệm tích Thánh Thể làm đích và phương thế để tu thân.

        Đối với cha, tu sĩ phải thánh để bớt bất xứng khi ở gần Thánh Thể Chúa, phải lấy Thánh Thể làm gương mẫu cho con đường tu đức.

        Cô Clotilde Blmont kể lại: “Tôi không bao giờ quên được cử chỉ khi cha Eymard đến trước bàn thờ có Mình Thánh Chúa. Cha dẫn cha con tôi vào nhà nguyện, cha ngước nhìn lên Chúa ngự trong mặt nhật một cách âu yếm và bái quỳ một cách tôn kính tận tình. Người ta bảo; Có lẽ cha trông thấy Chúa hiện hình.” 

        “Giờ chầu Thánh Thể với cha là một hạnh phúc: mọi lo âu phiền muộn đều tiêu tan, mọi trở lực như lùi lại, mọi khó khăn trở nên thúc đẩy cha tin tưởng mãnh liệt vào Chúa.

        Khi cha dâng lễ là như đi vào một thế giới thần tiên. Mỗi lời kinh, mỗi cử chỉ của cha nơi bàn thờ đều đượm một niềm tin, cậy, mến yêu chân thành...” 

        Cha Tesnière nói: “Chỉ thấy và nghe người đọc: Lạy Chúa, con chẳng đáng chúa ngự vào lòng con, nhưng xin Chúa phán một lời... đủ giúp người dự lễ hiểu mình phải khiêm nhường và ao ước rước Chúa vào lòng thế nào.”

        Lòng sùng mộ nhiệm tích Thánh Thể đã trở thành nghị lực và đích sống của cha. Không những cha lo cho con cái trong tu hội được thấm nhuần lòng mến yêu Chúa, mà còn ước ao phục vụ các linh mục. Người nói: “Tôi muốn tổ chức cho các linh mục coi các họ, có một đoàn thể để giúp họ đoàn kết và cầu nguyện cho nhau, và hướng họ về nhiệm tích Thánh Thể, qua các giờ chầu Mình Thánh hoặc các buổi thuyết trình. Tôi hiểu rằng thực hiện việc đó là cách xây dựng hữu hiệu nhất cho các linh mục.” Đối với linh mục, thánh Eymard yêu kính đặc biệt. Người khuyên các tu sĩ bản dòng: “Khi đến phiên chầu, đừng bao giờ bỏ giở, bất cứ vì lẽ gì, trừ khi có một linh mục cần đến.”

        Mặc dù trong đời tông đồ, cha gặp nhiều linh mục yếu đuối. Nhưng thay vì có một thành kiến không hay, cha càng chú trọng đến sự nâng đỡ tinh thần cho hàng giáo sĩ, bằng cầu nguyện, bằng những cuộc tiếp xúc chung riêng với các linh mục. Cửa tự viện bao giờ cũng mở sẵn để đón tiếp các linh mục đến tĩnh tâm hay nghỉ ngơi.

        Đức Hồng Y Langénieux, Giám mục địa phận Raims đã nói về cha: “Đức Hồng Y Morlot khi đầu có thái độ lạnh nhạt – và có thể nói – đôi khi tàn nhẫn với Cha Eymard. Nhưng khi biết rõ cha thì lại quý trọng và tin cần, coi cha như người Chúa sai đến để nâng đỡ các linh mục trong địa phận mình... Nhờ nhân đức, lòng sùng mộ nhiệm tích Thánh Thể và sự dịu hiền mà cha Eymard đã chinh phục được và đưa về Giáo Hội nhiều linh mục lỡ lầm. Trong 4 năm giao thiệp thân thiết với cha, tôi biết được một số linh mục sa đọa nhờ cha mà trở lại cho đường chân chính, sống một đời thánh thiện cho đến khi qua đời. Có vị đã đi tìm các đan viện khắc khổ để thánh hóa những ngày còn lại.

        Trong lễ an táng cha Eymard, người ta thấy một vị linh mục cao niên cứ bám sát vào quan tài như đứa con nhỏ níu áo mẹ. Đó là một trong số những linh mục đã nhờ cha Eymard mà tìm lại được lẽ sống đời tận hiến.

        Để giúp các linh mục giữ lửa mến ngày thụ phong, cha Eymard đã nghĩ đến một tổ chức cho các linh mục không phân chia ranh giới, để các ngài liên lạc thông cảm với nhau.

        Khi cha Eymard còn sống, vì hoàn cảnh chưa thực hiện được điều ấy, nhưng cha đã để lại tinh thần ấy cho con cái người. Năm 1897, Chúa đã dùng cô Maria Hebert de Rousselière, con thiêng liêng của cha để thực hiện ý nguyện trên. Được các cha dòng Thánh Thể khuyến khích, cô Rousselière gởi 18 lá thư mời, nhưng sau đó ít lâu, số thư mời đã lên cả trăm, do đó các cha dòng mặc dù trong lúc lưu vong cũng phải lãnh lấy công việc. Đến năm 1881, nhân dịp đại hội Thánh Thể toàn quốc tại Lille, hội được công khai ra mắt tên là hội các linh mục chầu Thánh Thể. Hội viên tự nguyện mỗi tuần suy niệm trước Thánh Thể hoặc trong nhà tạm, hoặc đặt trên toà một giờ và một năm đôi lần họp nhau tĩnh tâm từng nhóm. Hội đã bành trướng rất mau, vượt biên giới Pháp, sang Bỉ, Đức, Áo, Hà Lan, Ý, Thuỵ sĩ, Tây Ban Nha, Gia Nã Đại, Úc Đại Lợi. Ngày 20 tháng 8 năm 1887, Toà Thánh đã chính thức công nhận. Năm 1962, số hội viên đã lên 20.000 hội viên hoạt động. Nhiều Đấng vị vọng trong Giáo Hội đã ghi tên, đáng kể nhất là Đức Piô XI và Gioan XXIII.

        Trước đây ở các Giáo Phận Quy Nhơn, Huế, Nha Trang, Bùi Chu và Kontum đã có nhiều vị linh mục nhập hội. Nhưng vì chiến tranh các hội viên không gặp được nhau để có một hoạt động thống nhất nên tàn lụi, nhưng hy vọng vẫn còn...

         Cũng có hội cận vệ, để giúp người Kitô hữu được dự phần trong việc tông đồ Thánh Thể, và nhờ đó được thánh hoá. Hội viên tự nguyện mỗi tuần chầu Mình Thánh Chúa 1 giờ, có thể phân làm hai lần mỗi lần nửa giờ. Nhưng nhất là sự họp nhau mỗi tháng để trao đổi, nghe thuyết trình về nhiệm tích Thánh Thể. Số hội viên nay có chừng 3 triệu, rải rác trên khắp năm châu. Các cha dòng Thánh Thể đảm đương nhiệm vụ giúp họ liên lạc với nhau, trong từng miền hay từng nước. Nhiều người đã nhờ đó mà sống một nếp sống gương mẫu và qua đời cách thánh thiện.

        Ngoài ra, con cái thánh Eymard vẫn tiếp tục tinh thần và chí hướng Thánh Tổ, để lo giúp các trẻ xưng tội rước lễ lần đầu hay giảng các tuần tĩnh tâm, hoặc các tuần chầu lượt.

        Năm 1968, kỷ niệm Bách chu niên thánh nhân tạ thế, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã viết cho cha Tổng quyền tụ hội các linh mục Thánh Thể:

        “Ta xin Chúa ban ơn trợ phù các con, và thân ái gửi phép lành Tòa Thánh cho tất cả các linh mục, tu sĩ của Tu hội, và cho tất cả các công việc mà chúng con tiếp tục hoạt động theo tinh thần Thánh Eymard.”

 

                Phaolô Đệ VỊ

 

TỔNG KẾT

 

        Suốt đời tận tụy vì danh Chúa trong việc truyền bá lòng sùng mộ nhiệm tích Thánh Thể, thánh Eymard đã trở nên một bản trường ca, ca ngợi nhiệm mầu đức tin.

        Ước mong bản trường ca ấy được tiếp tục ngân vang bất tận do những linh hồn nhiệt thành với Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng vì tha thiết yêu loài người, đang ngự trong nhiệm tích tình yêu.

Phêrô Nguyễn Châu Hải


 


 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.