CHƯỜNG VI - TOÀ THÁNH PHÊ CHUẨN TỤ HỘI CÁC LINH MỤC THÁNH THỂ

 

CHƯỜNG VI

TOÀ THÁNH PHÊ CHUẨN 

TỤ HỘI CÁC LINH MỤC THÁNH THỂ

 

Trở lại Roma

        Sau ngày khánh thành tu viện Angers, cha Eymard thu xếp đi Roma, để xin Toà Thánh công nhận hiến pháp. Như có linh tính báo cho biết cha không còn nhiều thì giờ để trì hoãn. Sợ rằng công việc đang dở dang vào tay người khác thì khó khăn cho họ, mà ý cũng không đạt.

        Số tu viện Toà Thánh đòi hỏi đã đủ. Bản dự thảo Hiến Pháp đã in xong. Những chứng thư của các Giám mục nơi có tu viện đã đủ. Thêm cả thư giới thiệu của Đức Cha địa phận La Mans và Coutances. Chỉ có Toà Giám mục Paris đang trống ngôi, nhưng cha chính địa phận cũng cấp giấy chứng nhận và ưu ái khen ngợi công việc cha tại Paris.

         Đi Roma lần này với cha Cuers và một đệ tử. Xuống tàu tại Marseille ngày 9 tháng 3. Ngày đầu thuận gió xuôi buồm. Nhưng mấy ngày sau bị giông tố hành, cha say sóng tưởng chết.

        Tàu cập bến Civittavechia ngày 11 tháng 3, và ngày 12 đến Roma. Đang Tuần Thánh, khách thập phương đến Roma đông hơn thường, khó tìm được chỗ trọ quen. Cũng là ý Chúa quan phòng để các cha dòng Thánh Giá đón cha. Nơi cha trọ gần công trường Farnese, có nhà thờ dâng kính thánh Brigitta. Chiều nào cũng có đặt Mình Thánh chầu trọng thể. Cha Eymard cho đó là một ơn lớn trong những ngày xa nhà.

        Ngày 18 tháng 3 năm 1863, hai cha được vào triều yết. Nhưng vì Đức Piô IX đang mệt, lại có đông người, nên hai cha không thưa được lời nào với Đức Thánh Cha. Tuy vậy Đức Thánh Cha cũng niềm nở nhận đơn và các văn kiện, ngài dạy chuyển ngay đến các văn phòng liên đới.

Trắc trở bất ngờ

        Vì gặp tuần thánh rồi tiếp đến tuần Phục Sinh, nên phải chờ đợi lâu ngày. Lợi dụng những ngày ấy. Cha Eymard đưa cha Cuers và đệ tử đi viếng những nơi thánh. Cha cũng để nhiều thì giờ chầu Thánh Thể và dự các nghi lễ Tuần Thánh do Đức Giáo Hoàng cử hành.

        Ngày 8 tháng 4 năm 1863, được triều yết riêng, cha Eymard đã thưa những gì và Đức Giáo Hoàng đã nói gì với cha? Không ai biết mà ghi. Chỉ biết rằng khi cha ra về lộ vẻ vui mừng khôn tả. Cha cũng được Đức Hồng Y Clarelli, bộ trưởng bộ các dòng tu, và Đức Hồng Y Antonelli bộ nội vụ Toà Thánh, tiếp kiến một cách chân tình và hứa hẹn nhiều.

        Ai cũng tưởng công việc phê chuẩn sẽ dễ dàng nhanh chóng. Ai ngờ! Vẫn có người phá ngầm trong bóng tối. Một ngày kia, cha đến văn phòng thánh bộ dòng tu, để hỏi tin tức về công việc của mình. Thường những lần trước vị phụ trách tỏ vẻ kính nể và nhã nhặn với cha. Lần này ngài tỏ ra dè dặt gần như xa lạ... nói với cha đầy vẻ ưu tư: “Cha nên xin yết kiến Đức Hồng Y Tổng bộ một lần nữa, có lẽ công việc trắc trở sao đó.”

        Cha Eymard vội vã đến dinh Đức Hồng Y Clarelli. Vừa thấy cha, Đức Hồng Y nói một cách đầy thông cảm: “Thật là rắc rối và đến khổ tâm cho cha. Có một tu sĩ người Pháp vốn ở Roma, đã gửi thẳng lên Đức Thánh Cha một thư tố cáo cho nhiều chuyện.”.

        Họ nói cha đã trốn khỏi dòng Đức Mẹ, nhưng điều này tôi tưởng cũng dễ phi bác. Đức Thánh Cha cũng không quan tâm, nhưng Ngài ra lệnh ngừng dự chuẩn y dòng cho tới khi sáng tỏ vấn đề. Cha biết không? Họ cáo cha đã kinh thường những luật sơ đẳng nhất của Giáo Hội. Ví dụ cha để tu viện của cha chung đụng với trụ sở các bà dạy giáo lý, mà không có hàng rào ngăn chia giới hạn. Có thật thế không?

Bình tĩnh biện minh 

        Cha Eymard đã dày công tập luyện trước những thử thách và bị nguyền rủa, nhưng là riêng với mình. Nay không phải là một điều nguyền rủa, nhưng là một điều vu vạ cáo gian có hại cho cả tương lai và thanh danh của dòng, có thể còn phá đổ cả cơ đồ... Chúa Giêsu Thánh Thể, sẽ không có một đoàn cận vệ luôn luôn chầu chực... Cha giận run... Khi trấn tĩnh được, cha đem các tài liệu cha vẫn mang theo hòng khi cần đến, trình lên Đức Hồng Y để thanh minh: 

a) Con đã xuất khỏi dòng Đức Mẹ, nhưng có phép của cha Tổng quyền cho. Nếu không, Đức Giám mục Paris cũng không để con hoạt động tại Paris.

b) Tu viện đường St. Jacques tại Paris hoàn toàn biệt lập với trụ sở các bà dạy giáo lý, đến nỗi muốn đến nhà các bà phải ra phố trước đã, mọi người đều thấy.

c) Hơn nữa nếu có như vậy, họ phải cáo với tòa Giám mục Paris từ lâu. Nhưng thực ra chẳng có gì qua mắt toà tổng giám mục sở tại.

        Có đủ bằng chứng cho biết cha bị vu oan. Đức Hồng Y Clarelli ôn tồn bảo: “Như thế đủ rồi, tôi sẽ đích thân tâu lên Đức Thánh Cha. Những điều vu vạ ấy làm tôi ghê tởm. Nó sẽ phải tan đi.”

        Sau đó, theo cha Mayet dòng Đức Mẹ kể lại, Đức Thánh Cha không xét đến bức thư vu cáo nữa. Bề trên của tác giả bức thư đó đã buộc tác giả phải xin lỗi cha Eymard và đổi ông đi nơi khác. Trắc trở được vượt qua, nhưng Đức Hồng Y Clarelli cũng không còn làm ở bộ các dòng tu, Đức Giáo Hoàng lại đi kinh lý miền Nam nước Ý. Cha Eymard còn phải đợi, mãi đến ngày 10 tháng 6 cha mới nhận được sắc dụ.

 

LƯỢC TÓM SẮC DỤ 

        Năm 1856, linh mục Phêrô Eymard, muốn lập dòng các Linh mục Thánh Thể, đã cùng với nhiều người cho dự định của mình. 

        Xét rằng: Dòng tu đã tỏ ra có một sức sống mãnh liệt và bành trướng ra nhiều địa phận. 

        Xét rằng: Các vị Giám mục địa phương đã công nhận hiệu quả thiêng liêng của dòng đáng được Hội Thánh lưu ý. 

        Xét rằng: Các tu sĩ đều tuyên thệ: sống Thanh bần - Thanh khiết – Phục tùng dưới quyền điều khiển của một vị tổng quyền.

        Xét rằng: Đơn xin do linh mục Eymard đã đến bệ kiến Đức Thánh Cha Piô IX, khẩn nài Đức Thánh Cha phê chuẩn dòng này. 

        Ngày 8 tháng 5 năm 1863, Đức Thánh Cha đã khấn nhận lời xin của đương sự và chiếu theo các chứng thư của các Giám mục kể trên:

 

PHÊ CHUẨN VÀ ẤN ĐỊNH RẰNG

        Dòng các linh mục Thánh Thể được liệt vào hàng các dòng tu khấn đơn, dưới sự điều khiển của một vị tổng quyền, theo như luật chung Giáo Hội và hiện chế Tòa Thánh. Hiến Pháp tu hội này sẽ được duyệt lại, tu chỉnh và chuẩn y sau. 

                                                             Làm tại Roma ngày 3 tháng 6 năm 1863

                                                                       Bộ trưởng Bộ các dòng tu

                                                                            Hồng Y Quanglia 

                                                                     Thư ký Step. SVEGLIATI

 

Hoan lạc chung 

        Nhận được sắc dụ ngày 10 tháng 6 trong tuần lễ Mình Thánh. Cha Eymard coi đó là một ơn đặc biệt và không cầm được nỗi niềm vui, cha thông báo ngay cho con cái và những người quen thuộc xa gần.

        Với Cha Leroyer, tu viện trưởng tu viện Angers, cha viết:

        “Cha thân yêu, chúng ta hãy chúc tụng Chúa và Mẹ Maria chí thánh! Toà Thánh đã ký sắc dụ chuẩn y tụ hội ngày áp lễ Mình Thánh, 3 tháng 6. Sẽ có thư sau đầy đủ chi tiết.”

 

          Thư cho các bà dạy bổn:

        “Các con thân yêu, dòng ta được Toà Thánh công nhận rồi. Cám ơn Chúa và Đức Mẹ, rõ ràng là ơn Chúa phù hộ.”

         Nhưng vẫn có giọt mật đắng trong cái vui chung ấy. Cha chỉ giữ riêng cho cha mà thôi. Sau này mọi chuyện đã qua mới nói cho đệ tử thân yêu, tức cha Tesnière hay: Khi cha vui mừng trao cho cha Cuers xem bản thảo Sắc Dụ mà Bộ đã cho, để an lòng cha khi cha còn phải chờ đợi bản chính thức chưa được Đức Thánh Cha châu phê..

         Thấy sắc dụ chỉ nói đến tên Eymard, cha Cuers hầm hầm nổi giận, đưa bản in tận mắt cha Eymard nói một cách cay đắng: “Cái này, tên cha đây có tác dụng và ý nghĩa gì?”

         Trước thái độ ấy, cha Eymard trấn tĩnh trả lời: “Nhưng có phải tại tôi đâu? Việc của Bộ làm theo ý Đức Giáo Hoàng. Nếu cho thấy thế không được, chúng ta phải thưa với Bộ hay tâu lên Đức Giáo Hoàng.” 

         Cha Eymard buồn lắm, vì đây là lúc đáng lẽ mọi tâm hồn chung quanh cha phải cùng dâng lời tạ ơn lên Chúa, và chia sẻ hoan lạc với nhau.

           Người ta tưởng đó là thái độ ghen tượng của cha Cuers, nhưng không phải.

         Ý cha Cuers cho là không nên để tên ai trong đó. Như thế có thể coi việc thành lập tu hội là việc của nhân loại. Phần khác, cũng vì cha Cuers đang đau nên dễ bẩn gắt vì những cái không đâu.

         Ngày 17 tháng 6, cha Eymard cùng các bạn đồng hành xuống tàu trở về Pháp. Biển động, cha Eymard mệt phải nghĩ lại Marseille mấy ngày. 

        Vui mừng vì dòng được chính thức công nhận chưa qua, những lo âu khác lại dồn dập.

        Trước hết vì giữa các linh mục và những người đời đã lớn tuổi vào tu, xảy ra nhiều chuyện không đẹp với nhau do nếp sống cố cựu của họ cũng như tính tình và sự hiểu biết khác nhau.

        Thứ đến, vì những người nửa nạc, nửa mở, những người chân trong chân ngoài, những người thiếu thiện chí, muốn mặc áo thầy tu nhưng không muốn sống theo kỷ luật.

         Buộc lòng phải sa thải một số người. Cha Eymard đắn đo, suy nghĩ, cầu nguyện, rồi còn phải lạy van để họ rút lui cho, nhưng cũng chưa hết nguyên nhân đau khổ. Còn lại ai, cũng phải lo cho họ. Cha viết:

        “Những việc bên ngoài gọi được là xong, nội bộ mới là gai góc. Mỗi ơn kêu gọi là một án tử cho tôi. Nhưng nào ai biết được tôi phục vụ anh em trong đau khổ và xả thân làm sao.”

Tinh thần dòng tu 

        Về đến Paris cha lo cho tu sĩ cả ba nhà được hợp lại tĩnh tâm chung với nhau, để nâng cao lòng đạo đức mỗi người. Nhưng lần này cha chú trọng đến tinh thần dòng tu phải có. Tu sĩ phải xác nhận lại nguyện ước và sự dâng mình cho Chúa. Phải tự tình nhận lấy con đường riêng Chúa đã vạch ra cho dòng Thánh Thể, và Toà Thánh đã cho phép thực hành. Vậy luật dòng cũng là luật Giáo Hội vì Toà Thánh đã chính thức công nhận.

        Cha nhấn mạnh:

        “Tu sĩ dòng Thánh Thể phải nhờ Đức Mẹ Vô Nhiễm, tận hiến đời sống cho việc tông đồ Thánh Thể, và tôn thờ Chúa với lòng quảng đại chân thành nhiệt tâm truyền bá cho người đời hiểu: Chúa vì tình yêu vô biên đã xuống trần gian cứu độ nhân loại và hằng ngự giữa nhân loại một cách đặc biệt trong nhiệm tích Thánh Thể. Nhân loại phải có bổn phận và biết ơn mà đền thờ lạy Chúa, đón rước vào tâm hồn và tôn vinh Chúa ngoài xã hội.”

         Cha có thể và có quyền tự mình sửa lại Hiến Pháp theo đường lối Toà Thánh đã chỉ. Nhưng biết rằng có nhiều người theo lối tu đức nghiêm ngặt, muốn khắc khổ. Mà cha thì hiểu đường lối ấy làm nản lòng hơn là phấn khởi kẻ bước theo chân Chúa. Cha có đủ bằng chứng để nói lên rằng Toà Thánh theo kinh nghiệm của ngàn đời, đã bác bỏ lối sống đó. Tuy vậy để cho trong ấm ngoài êm, cha chỉ nêu lên những điểm căn bản theo chỉ thị của Thánh Bộ các dòng tu. Anh em sẽ suy nghĩ cầu nguyện, tự ý tham gia sửa chữa. Chính cha nêu gương nếp sống một tu sĩ không gò bó, thành tâm hy sinh vì Chúa, thờ lạy Chúa trong tinh thần và chân lý, với lòng vị tha, yêu thương đồng loại như chính mình.

Học hỏi kinh nghiệm

         Cha cũng chọn một vài người được anh em tín nhiệm, cùng với cha, đến các dòng tu lớn như dòng Biển Đức, dòng Đaminh, dòng Carmelô, dòng Chartreuse, dòng Trappe và các tu viện thời danh đã hấp dẫn và thanh hoá nhiều linh hồn để học hỏi kinh nghiệm, nếp sống cộng đồng và tu đức.

        Cha viết: “Tôi tìm các giờ rỗi để sửa Hiến Pháp, theo những điều mà tôi từng mắt thấy tai nghe tại các tập viện của nhiều dòng tu. Tuy có những tài liệu quý giá nhưng còn phải lựa lấy những điều hợp cho đời sống và mục đích của chúng tôi là: “Thánh Thể và Chúa Giêsu”. 

        Chúng tôi thán phục mục đích mỗi dòng tu. Nhưng vẫn tự cho mình là sung sướng hơn, vì mục đích dòng chúng tôi là hướng thẳng về trung tâm sức sống của Giáo Hội, về nguồn ơn thánh, tức Mình Thánh Chúa Giêsu, Đấng Thánh chuyên thánh hóa mọi người.

Phải sống nếp sống dòng mình 

         Đúc kết những ý kiến các anh em đã tìm hiểu nơi các dòng khác, cha lựa lấy những gì là tinh tuý hợp cho lòng tôn sùng Thánh Thể Chúa, và tạm thời phát cho mỗi người một bản, nhủ rằng: “Đang khi chờ đợi Tòa Thánh chuẩn phê Hiến Pháp, anh em phải sống thế nào để tỏ ra mình thật tình yêu quý con đường đã chọn, và những phương thế khả dĩ làm mình nên tông đồ Thánh Thể Chúa Giêsu.

         Anh em hãy trọng kính luật, không phải vì do ai viết ra. Cũng không phải luật đó bởi trời ban xuống như sách thánh, hay một ơn phi thường, hay một ơn đặc biệt. Nhưng chỉ vì luật đó giúp anh em nên chính thức một kẻ hầu cận Chúa trong phép Thánh Thể. Do đó, tình yêu Chúa trong phép Thánh Thể, cũng là mục đích cho mọi hoạt động tông đồ của chúng ta.”


 


 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.