CHƯỜNG IV
NỮ GIỚI CẦN NỮ GIỚI
Nữ tỳ Chúa Giêsu Thánh Thể
Từ trước đến giờ, cha Eymard chỉ lo cho đám thanh thiếu niên và những người lớn tuổi. Cha vẫn không quên số phận các thiếu nữ, nhưng làm thế nào? Việc ấy rất tế nhị. Chỉ có nữ giới mới có thể tương đối đưa đến kết quả hơn.
Bà Margarita Hội trưởng dòng ba Đức Mẹ Lyon, đã nhờ cha mà có lòng sùng mộ nhiệm tích Thánh Thể, nên bà ủng hộ công việc cha với nhiều thiện chí. Cha cũng tin tưởng vào lòng đạo đức và tư cách của bà, muốn nhờ cha cộng tác, nhưng cha chưa quyết định.
Cha đem nỗi bận tâm bàn cùng cha Cuers. Cha Cuers khi còn là sĩ quan thuỷ quân đóng ở. Toulon, đã khởi xướng phong trào chầu Thánh Thể, nên vẫn được các hội viên tín nhiệm, nay đã làm linh mục lại càng được kính nể. Cha liền viết thư về Toulon, kể những việc Chúa đã làm ở Paris, và Paris vẫn cần nhiều tâm hồn thiện chí. Các bà các cô được cha hun nóng tinh thần, càng tưởng tượng ra những việc phi thường.
Đầu tiên một bà trẻ tuổi, học thức khá, góa chồng, từ Toulon lên Paris trình diện với cha Eymard, Cha niềm nở đón tiếp bà. Sau khi giúp tĩnh tâm ít lâu, cha nhờ bà trở về Toulon tìm thêm người cộng tác.
Về Toulon, bà tìm thêm những người nhiệt thành và quảng đại. Một số các bà, mặc dầu chưa hiểu về ý định của cha Eymard, cũng quyết tâm từ giã thế tục để bước vào đời tu, và sẵn sàng theo sự hướng dẫn của cha.
Nghe tin ấy, cha khuyên họ hãy thong thả. Nhưng thư cha chưa tới Toulon thì các bà đã tới Paris rồi. Họ tự tìm lấy nhà. Thuê được ngôi nhà số 18 đường Cassini, không cách nhà các cha ở đường Enfer bao xa. Các bà khởi sự nếp sống cộng đoàn.
Thay vì lạc quan, cha phải giấu những lo ngại khi đón tiếp họ. Theo kinh nghiệm, cha hiểu những bất trắc họ có thể gây cho nhau, và phá công việc chung. Tuy vậy cha cũng nghĩ, hay là những trắc trở cha gặp về phía nam tu hội, là dấu Chúa muốn chỉ có ngành nữ thôi. Ngành nam khó tìm được đệ tử mà nữ giới thì có nhiều người tình nguyện. Vật chất đỡ phải lo vì các bà là những người có nhiều tiền của, có gia tài lại quảng đại. Cha cũng chưa biết phải làm thế nào cho tốt đẹp mọi mặt, nhất là tránh mọi rắc rối có thể xảy ra đối với giáo quyền, cha khuyên họ hãy tạm sống như người đời, nhưng với vài quy luật đại cương, như một nhóm tông đồ giáo dân chuyên biệt, lấy nhiệm tích Thánh Thể làm tôn chỉ mục đích và lẽ sống siêu nhiên.
Được ít lâu họ đòi phải có áo dòng và một Hiến Pháp. Tìm hiểu cặn kẽ tư cách và tính tình mỗi người cha hơi thất vọng. Không một bà nào đáng tin cậy để cha trao phó trách nhiệm về tương lai, dầu chỉ là cộng tác với cha.
Chỉ có bà Margarita có khả năng, nhưng làm sao để Chúa đưa bà lên Paris.
Bà Margarita Guillot
Bà Margarita Guillot mồ côi cha từ nhỏ, sống với mẹ và hai chị ở Lyon. Tuy là em nhưng thông minh đạo đức hơn các chị. Margarita lại có một tâm hồn rất tế nhị, được mẹ và các chị yêu, người ngoài cũng mến chuộng. Khi cha Eymard còn làm giám đốc dòng ba Đức Mẹ ở Lyon, đã hướng dẫn Margarita. Trước khi bỏ Lyon, cha đã đặt Margarita làm hội trưởng dòng ba. Tuy tầm hồn hướng về cuộc đời chiêm niệm. Margarita không bao giờ nghĩ đến đi tu. Bà sợ thiếu sức khoẻ. Tính tình lại khẳng khái, thích thong dong, trong riêng tư, cô đã khấn khiết trinh nhưng vẫn sợ những bó buộc của lời khấn tuân phục và thanh bần. Bà rất kính yêu cha Eymard và nhiệt thành ủng hộ hoạt động của cha, nhưng không bao giờ có ý nghĩ sẽ theo con đường của cha.
Đột nhiên, ngày 1 tháng 1 năm 1857, bà được thư cha Eymard. Thư này khác với các thư khác cha viết cho bà trước kia. Nó là một mệnh lệnh:
“Con yêu dấu của Chúa,
Để đáp lại lời chúc đầu năm, cha đã dâng lễ cầu cho con: Chúc con năm nay được trở nên một nữ tu dòng Thánh Thể để sống bên nhà tạm Chúa. Cha tin rằng Chúa sẽ chúc lành cho đường hướng ấy, để danh Chúa được vinh quang.
Con sẽ là bạn tâm tình của Chúa, Chúa sẽ lo mọi sự cho con, Người là Đấng cứu chuộc con, là tất cả cho con.
Đang khi chờ đợi ngày hồng phúc, cha tin cho con hay: giờ đây đang thời kỳ chuẩn bị, khi nào xong xuôi sẽ báo cho con. Con hãy đứng lên, cầm lấy đèn sáng đi đón bạn tình chí thánh.
Phản ứng của Margarita thế nào, và gặp chướng ngại gì, ta sẽ đọc trong hạnh tích của bà. Thư ấy không mang lại hứng thú cho bà Margarita, trái lại chỉ gây xáo trộn và đau khổ cho bà. Bà biết rằng lời cha Eymard là ý Chúa, mà ý bà lại sợ đời sống nữ tu. Ngày 6 tháng 3 năm sau, tức năm 1858, cha lại viết cho bà:
“Có lẽ ngày con lên đường đã gần. Đau khổ, thánh giá dồn dập là những điềm tốt. Hãy can đảm và tin tưởng vào Chúa.”
Dầu sẵn sàng hy sinh, dầu nhận thấy ý Chúa qua sự hướng dẫn của cha Eymard, bà Margarita muốn chắc hơn, đã đi hỏi cha Gioan Vianey. Cha Gioan Vianey không biết bà Margarita. Vừa quỳ vào toà giải tội bà nói đến cha Eymard, cha Gioan Vianey đã kêu lên: “Ôi, việc vĩ đại! Đẹp đẽ thay cho các linh mục chầu Thánh Thể. Quý biết chừng nào. Phần con, ý Chúa muốn con lên Paris để tiếp tay với cha Eymard. Ơn kêu gọi của con là làm nữ tu dòng Thánh Thể. Không phải so đo gì nữa, con nên chuẩn bị sẵn sàng, lúc nào cha Eymard bảo thì con hãy đi ngay.”
Tuy vậy, Margarita vẫn còn chần chừ, vì bao lưu luyến ràng buộc, Cha Eymard viết thêm một lá thư nữa: “Hãy cương quyết đi con. Mặc cho tình cảm thêu dệt, mặc cho lo âu đe doạ. Đó là thường tình, Chúa gọi và đang chờ con.
Mọi việc đang được xếp đặt đâu vào đấy. Có lẽ đầu tháng năm sẽ hoàn thành. Mong con.”
Nhưng trước khi lên Paris, Margarita đi Ars gặp lại cha Vianey, và được cha bảo: Lên đường đi con, hãy tin tưởng vào Chúa mà đi. Tạm biệt con, chúc lành cho con và hẹn gặp nhau trên trời.
Hạt giống nữ tỳ
Ngày 25 tháng 5 năm 1858. Margarita cùng với chị ruột là Claudia và bà Benoite đến Paris. Cả ba cùng quyết chí theo tiếng Chúa gọi. Cha Eymard chưa biết bà Benoite nhưng theo người ta giới thiệu bà Benoite sẽ là một cộng sự viên đắc lực của cha, điều ấy có lẽ đúng theo thánh ý nhiệm mầu của Chúa. Bà Benoite đã trở nên một thánh giá rất nặng cho Margarita và cho chính cha, nhưng cũng là phương thế Chúa thanh luyện hai tâm hồn Chúa yêu.
Cha dẫn ba người mới đến nhập đoàn với ba bà từ Toulon lên Paris. Chờ sửa xong nhà ở đường St. Jacques số 66, mới đem tất cả các bà về đó.
Cảm tưởng của họ khi mới gặp nhau là vui mừng, vì gặp bạn cùng chí hướng bởi thành tâm muốn bước vào con đường thánh thiện, nên người nọ nhìn người kia như gương mẫu cho mình.
Khi khởi sự nếp sống cộng đoàn, cần phải có người làm đầu, quán xuyến công việc. Ai đây? Bà Margarita Guillot chân thành ca ngợi đức tin và tư cách khôn ngoan của một trong các bà ở Toulon, bà ta là người học thức, có nếp sống trung lưu, lại đạo đức, là vợ goá của một sĩ quan hàng hải.
Nhưng cha Eymard lại đề nghị chính bà Margarita. Vì khiêm nhường hay vì tự ti mặc cảm, bà Margarita hết sức từ chối. Nhưng mặc cho bà khóc, hờn, dỗi, và nài van. Tất cả mọi người đều tán thành sự chọn lựa của cha Eymard.
Sau này khi kể lại chuyện đó, Margarita nói:
“Nài nẵng vô ích. Khi đó tôi thấy cha Eymard thật là cứng cỏi, tàn ác, độc đoán. Tôi hỏi cha tại sao cho không bảo trước khi gọi lên Paris. Nếu biết trước thế này thì không đời nào tôi đến. Nhưng cha chỉ cười nhỏ nhẹ bảo tôi: Con đang còn nóng lạnh, bệnh đó sẽ qua. Chúng ta cùng chung tay làm việc suốt mười hai năm trong hội dòng ba, thì sao bây giờ không cộng tác trong việc làm tôn vinh Chúa trong phép Thánh Thể. Con sợ? Sợ là phải, nhưng Chúa sẽ chỉ dẫn và giúp con, ta không có tài để điều khiển dòng tu, nhưng ta có Chúa... Con sẽ phải đau khổ nhưng Chúa sẽ ban sức mạnh cho con. Chúa đã chọn và tín cẩn con, hãy can đảm lên. Khi nào hết sức chịu đựng thì lúc đó thiên đàng sẽ mở cửa đón con.”
Vì danh Chúa, bà Margarita đã cúi đầu lãnh trách nhiệm, thế là dòng nữ tỳ Chúa Giêsu Thánh Thể được thành hình.
Tu viện nữ tỳ đầu tiên
Ngày 2 tháng 7 năm 1858 lễ kính Bửu Huyết Chúa Giêsu. Cha Eymard làm phép ngôi nhà 66 đường St. Jacques, và ngày 4 tháng 7 là ngày mở tập viện. Dưới sự hướng dẫn của cha Eymard, các tập sinh thi đua áp dụng những lời khuyên Phúc Âm. Ba người gốc Lyon, vốn đã có nếp sống bình dân, nên đời họ được cởi mở hơn. Đời tu đối với họ khác nào cánh đồng cỏ xanh đẫm sương, linh động với ánh bình minh, mà vẫn mát dịu khi mặt trời lên cao. Các bà từ Toulon đến vốn là những bà quý phái, quen đời trưởng giá, nên đối với nếp sống mới, họ có cảm tưởng mình là những cây già cỗi, được cắt lá tỉa cành, và bón đất mới để trở nên tươi trẻ hơn.
Vốn nhiệm nhặt nhưng không khắt khe, cha Eymard đề cao nhân đức chứ không bó buộc lương tâm. Cha gọi đức thanh bần là con đường giải thoát, đức phục tùng là bảo hiểm đời sống tu, đức ái và đức khiêm nhường là cơ sở tiếp liệu và kho dự trữ. Vì thế các tập sinh không cảm thấy nặng nhọc hay phải hy sinh. Đức khiết tinh là hoa thơm của các nhân đức thì không thành vấn đề, vì những tâm hồn ấy chỉ biết thiết tha theo đuổi một tình yêu cao cả duy nhất là Chúa Giêsu, nên đã quyết xa thế tục. Hơn nữa, nếp sống đơn sơ, ăn uống thanh đạm thì dục tình dù không mất hẳn cũng không ảnh hưởng được họ.
Nếp sống chung, cũng là nếp sống riêng biệt của nữ tỳ Thánh Thể là :
- Mỗi ngày ngoài việc dự lễ cộng đoàn còn đọc kinh phụng vụ chung.
- Nguyện ngẫm ít nhất là một giờ trước Nhà tạm hay Mình Thánh Chúa đặt trên toà.
Hoạt động tông đồ của họ là dạy giáo lý cho trẻ và lo cho các thiếu nữ lỡ thời được rước lễ lần đầu.
Tinh thần phải có
Những ngày đầu sống với nhau, các bà thấy hứng thú và tâm hồn như vươn lên trong cảnh trời rộng mở. Cha Eymard luôn luôn nhắc họ nhớ mình đang sống ở trần gian, việc họ phải làm là đem Chúa vào đời. Nhiệm vụ ấy đòi hỏi nhiều hy sinh và quên mình. Nếu lúc đầu Chúa cho hưởng hứng thú thì đó chỉ là một ơn khuyến khích, chứ không phải mục tiêu đã đạt, một ơn rất phụ thuộc chứ chưa phải là đặc ơn. Đặc ân cho một tâm hồn muốn thuộc trọn về Chúa, muốn nên thánh là được vác thánh giá bước theo con đường Chúa đã đi, để cùng chết với Chúa trong đau khổ trên thánh giá, đợi ngày cùng với Chúa sống lại trong vinh quang.
Những bà từ Toulon đến, thật là những tâm hồn thiện chí, quả cảm, hy sinh. Nhưng hy sinh không phải dễ, nếp sống tu đã làm các bà hết hứng. Có bà hiểu lầm rằng tu là được thong dong làm các việc thiêng liêng đạo đức mình muốn. Vì thế khi thấy kinh lễ có giờ, ngoài ra phải lo cho bọn trẻ nữ quê mùa nên chán nản. Tinh thần khó nghèo và ăn uống thanh đạm, đã đành là sự cần thiết giúp cho tinh thần ăn uống cũng không được tự ý hãm mình, mà phải ăn uống đủ để giữ sức khoẻ hầu lo cho người khác, làm các bà cảm thấy như mình lạc hướng, nên hay phàn nàn và gây chán nản giữa chị em.
Sợ để họ trong hoàn cảnh ấy, có hại cho chính họ và cho ích chung, cha Eymard thấy cần thanh lọc nhanh chóng. Nhưng nếu loại các bà đó thì sự đổ vỡ thấy ngay trước mắt. Các bà đã tự xuất của cải ra nuôi sống tu hội từ lúc khởi đầu. Mặc, công việc của Chúa không thể xây dựng bằng thế lực trần gian và tiền tài. Cha hội riêng các bà và bảo họ: “Dòng ta chưa thể đạt được những mục tiêu chính, các bà nên trở về nhà chờ khi tu hội có nếp sống vững chắc sẽ tự ý trở lại. Sống thánh thiện để làm nhân chứng cho tình Chúa yêu loài người hằng ngự giữa trần gian, cũng là nếp sống cao quý nhưng không gò bó theo kỷ luật, có thể thích hợp với các bà hơn. Các bà nghe ra và vui lòng rút lui.”
Những người còn lại
Còn lại ba người từ Lyon lên. Các bà tuy đã quen nếp sống thanh bần, nhưng nếp sống tu có lẽ còn khổ hơn nhiều. Những viễn tượng ấy làm cha Eymard lo lắng, vì chính cha đã qua những lúc không còn một mẩu bánh, không có nửa đồng xu. Đã thấy cử chỉ giận dỗi thất vọng của người đầu bếp đã vì dầu mỡ cạn, than củi không còn, mà đột nhiên lại có khách. Lấy gì mà ăn, nấu nướng làm sao? Gặp hoàn cảnh ấy cha cũng không dám nói một lời để thanh minh, mà chỉ âm thầm dâng cho Chúa, hoặc đến trước mặt Chúa xin giơ tay nâng đỡ, vì cha không còn phương thế nào.
Nếu những cảnh ấy xảy ra cho các nữ tu, họ có chịu nổi không. Mà thực tế rất có thể xảy đến luôn luôn. Tiền nong dự trữ họ không có là bao, còn những tổn hao về trái gió trở trời, nay đau mai ốm nữa. Cha cũng nói những ý nghĩ ấy cho họ và khuyên: Chúng con đừng lo về vật chất, đừng xin Chúa cho mình dư dật, chỉ nên xin được sống theo tinh thần Chúa. Đại sự chỉ có thể thành công bởi thánh giá và cầu nguyện, kẻo sau này chúng ta phải hối hận rằng: công việc không đạt kết quả vì ta sợ các thánh giá, ít cầu nguyện.
Chúa không thử thách quá sức chịu đựng
Những lời cha nói, nhất là gương của cha làm phấn khởi mọi người, các bà chỉ lo được nên dụng cụ vừa tay Chúa và đặt hết tin tưởng vào Chúa. Gian nan đau khổ mấy cũng sẵn sàng, miễn danh Chúa được vinh quang.
Dĩ nhiên Chúa không cất thánh giá, nhưng Chúa ban những ơn an ủi khuyến khích không thể ngờ. Đang lúc cha Eymard vì hoàn cảnh túng thiếu không nhận thêm người, mà các bà lại sợ không có thêm người, công việc sẽ lụi tàn, thì Chúa gửi đến một bông huệ tươi đẹp làm mọi người tươi lên.
Cô Caroline de Boisgrollier, một thiếu nữ quý phái, cha mẹ là công tước dưới triều vua Charles X. Khi nhỏ cô được vào ở trong đền vua, nô đùa với các công tằng tôn nữ. Nhưng không vì thế mà lòng cô bị vấn vương với vinh hoa phú quý. Khi được rước lễ trọng thể hồi 13 tuổi, cô đã hứa sẽ dâng mình thuộc trọn về Chúa trong một tu viện chuyên về lòng sùng kính nhiệm tích Thánh Thể Chúa Giêsu. Lớn lên cô đã vào một tu viện chuyên lo cho trẻ mồ côi. Ở đó nhiều năm nhưng cảm thấy không phải là đường lối hợp với mình. Được bà bề trên vừa sáng suốt vừa vô tư hiểu biết, khuyên cô đi Paris, ở đó có nhiều tu hội, cô sẽ gặp được nhiều ước mong..
Đến Paris, cô tìm đến các nữ tu dòng Biển Đức, dòng Đền Tạ, dòng Thánh Tâm mà không thấy đâu hợp ý nguyện. May có bà chị họ biết cha Eymard, dẫn cô đến gặp cha. Chính bà cũng chỉ biết và tin tưởng vào cha, vì ở Paris người ta gọi cha là linh mục thánh, chứ không biết rõ cha chuyên về hoạt động nào.
Khi cô Caroline đến trình bày với cha nếp sống xưa, và sở nguyện nay của mình, cha nói: gần đây mới có một tu viện Nữ Tu Thánh Thể Chúa Giêsu, nhưng sợ cô không chịu nổi nếp sống thanh bần....
- Thưa cha, cha chưa rõ con đó. Cha giới thiệu con vào đó đi.
Nhận thấy Caroline có tư cách đơn sơ, quý phái mà không kiêu kỳ. Cha thầm nghĩ đây là một tâm hồn cao quý, có nhiều đức tính siêu việt, nhưng vẫn dè dặt, cha bảo cô:
Chiều ý Cô, tôi sẽ giúp, nhưng trước tiên cô đến nhà các bà tĩnh tâm một tuần, để nhận xét lòng mình và nếp sống của họ. Với điều kiện là cô phải coi mình như khách qua đường. Đồ vật nào không dùng đến cứ để nguyên trong rương.
Cô đến và khởi sự tuần tĩnh tâm ngay chiều hôm ấy. Ngày kế, bà bề trên đến thăm cô, thấy cô đã bỏ đồ đạc ra, và xếp đặt trong phòng như có ý định ở vĩnh viễn. Bà thầm nghĩ: Caroline quên lời hứa nên hỏi:
- Ô! Cô làm gì vậy?
- Thưa bà, xin bà nhận các vật của con vào tủ chung. Con thấy đây là nhà con rồi, con không muốn ra khỏi nơi đây nữa.
Cử chỉ của cô tuy đột ngột, nhưng do chân thành chứ không phải nhẹ dạ, làm bà yên tâm. Cuộc đời Caroline sau này đã chứng minh thiện chí lúc đầu của chị.
Nếu con người của Caroline là một món quà quý Chúa cho dòng Nữ Tỳ lúc mới thành lập, thì của hồi môn của cô cũng là một ơn Chúa ban để tu viện đầu tiên tạm thời khỏi lâm cảnh thiếu thốn nhiều.
Sau Caroline, có nhiều người khác từ các lớp bình dân đến. Sau một thời gian huấn luyện, cha Eymard tung họ ra hoạt động tông đồ Thánh Thể. Lửa mến họ nhận lãnh trong những giờ chiêm niệm trước Mình Thánh Chúa, đã trở thành những tia sáng chiếu vào các khu xóm nghèo nàn, hướng nhiều tâm hồn lạc lõng biết đàng tìm về Chúa là nguồn sống vui, nguồn vui cho tâm hồn.
Ta thương toàn dân
Nếu cha Eymard, các cha và các thầy đã có thể tự nhiên đi vào các khu xóm nghèo, thì các nữ tu vẫn còn phải dè dặt. Trước hết cha Eymard nhờ các thanh thiếu niên làm tông đồ nơi các chị em gái chúng, và họ đã trở nên nhiệt thành đáng khen. Một hôm đang ngồi trong tòa giải tội nhìn ra, cho thấy một trẻ nữ quần áo xốc xếch, ngơ ngác vào nhà nguyện. Cha hỏi:
- Con muốn chi?
- Ở đâu có những đứa con gái được rước lễ như bọn con trai?
- Con bao nhiêu tuổi?
- 13 tuổi rồi, tôi phải đi làm rồi.
Mười ba tuổi! Cha tưởng em chỉ độ 8 tuổi là cùng. Hầu hết các trẻ gái khác cũng thế: cha mẹ nghèo nên không được học hành, lại phải đi làm sớm, làm nhiều giờ nên không lớn lên được, nhỏ con và yếu đuối, lại đang lúc tuổi phải được ăn uống đầy đủ, mà thiếu thốn, lại phải làm việc trong những nơi mà điều kiện luân lý cũng như vệ sinh không được đảm bảo, không tình thương, không nâng đỡ.
Các trẻ nữ ấy được giao sang các bà, và không mấy lúc phòng học giáo lý hết chỗ.
Trước những nét mặt sớm nhuộm ưu tư. Trước những thân hình gầy yếu, ẩn hiện dưới những mảnh áo rách bươm, các bà như khám phá ra còn có những thế giới đau khổ túng thiếu mà mình không thể tưởng tượng được. Nhưng sự túng thiếu ấy còn đèo thêm cái đau khổ khác, là xa Chúa, họ không biết tìm đâu ra được sự siêu nhiên cho tâm hồn được cởi mở và phát triển. Các bà nhận thấy nếp sống thanh bần tình nguyện của mình chưa thấm vào đâu. Nhờ vậy các bà thấy có nghị lực vui sống trước những thử thách, và tận tình yêu quý, săn sóc bọn trẻ, mong đem lại cho chúng nụ cười hồn nhiên đáng lẽ phải luôn tươi nở trên nét mặt của tuổi thơ ngây, hay ít nhất làm chúng được hạnh phúc hiểu biết và yêu mến Chúa, Đấng đã tự làm thân lao động sống đời lam lũ hầu nên bạn người nghèo, để mang lại cho họ vinh phúc đời đời. Chính Người khi thấy lũ đông đến nghe giảng đã thốt lên: Ta thương đoàn dân.
Hoa Hướng Dương
Đôi khi gặp trẻ khó dạy, hầu như uổng công. Nhưng qua những vất vả và sự thành thực hy sinh cho người ta biết Chúa, các bà khám phá ra những trẻ nghèo khó, bị xã hội bỏ rơi, cha mẹ cũng chẳng thiết tha gì, lại có những tâm hồn cao đẹp. Một khi nghe nói về Chúa thì chúng trở nên như những hoa hướng dương hằng quay theo mặt trời. Mặt trời của chúng là cha Eymard Thánh Thể. Cũng như bọn con trai, các trẻ gái này cũng trở nên những tông đồ nhiệt thành cho đồng bọn, mà nhiều khi cho cả cha mẹ chúng. Số trẻ nữ rước lễ lần đầu vẫn tăng cao và còn hơn số trẻ nam.
Thấy việc làm của con cái mình có kết quả, cha Eymard vui mừng khôn tả. Nhưng bao giờ cha cũng lưu ý các bà: việc tông đồ Thánh Thể rất cần, nhưng làm cho mình có tinh thần Chúa Giêsu cần hơn. Chúng con phải sống dưới chân Thánh Thể trước khi muốn đem người khác đến cùng Chúa. Chúa có được vinh quang trong tâm hồn chúng con thì thế gian mới nhìn thấy Người.