CHƯƠNG 1 - TU VIỆN ĐẦU TIÊN VÀ NHỮNG BƯỚC KHÓ KHĂN

 PHẦN 2

Chúa Đưa Tới Đích (1856 - 1868)

 

CHƯƠNG 1 

TU VIỆN ĐẦU TIÊN 

VÀ NHỮNG BƯỚC KHÓ KHĂN

 

Chúa quan phòng

        Mười bảy năm trời sống trong dòng Đức Mẹ, tuy phải lo nhiều việc quan trọng. Nhưng vật chất và tinh thần đều được bảo đảm. Nay vâng lời Chúa phải cáng đáng một việc khác, tự mình phải khởi xướng, phải trông nom và hoàn toàn chịu mọi trách nhiệm. Nhà cửa chưa có, tiền nong lại không, vật dụng thường nhật cũng thiếu, cha Eymard cảm thấy cô đơn quá. Nhưng rồi một ơn an bình khác thường đã đến an ủi và làm phấn khởi khi cha tin chắc chắn: Nếu Chúa thử thách, Chúa sẽ ban cho sức chịu đựng, nếu được Chúa chọn làm dụng cụ cho công việc Chúa thì Chúa sẽ giữ gìn.

        Độc giả còn nhớ, trước khi đến Paris cha đã biên thư xin trọ nhà các nữ tu Đền tạ. Thư không tới, cha phải trú nhờ nhà các cha dòng Mẫu Tâm. Phòng thì lạnh, nhà thì cũ kỹ, tu viện lại sắp phải giải tán. Theo nhận xét bình thường của nhân loại, đó là một bước không may tí nào. Thế mà cái không may ấy lại là điều Chúa dự phòng cho con người Chúa yêu. 

        Tu viện ấy thuộc quyền sở hữu địa phận Paris, nên khi các cha dòng Mẫu Tâm đi thì trả nhà cho Toà Giám mục. Ban quản lý sẵn  sàng cho cha Eymard thuê lại với một giá tượng trưng. Lại cho thuê bằng miệng nên cũng không phiền hà chi về giấy tờ.

        Địa điểm này gần vườn Luxembourg hiện nay, mang tên là đường Enfer: Thời Rôma đô hộ gọi đường ấy là Via Infera, nghĩa là: đường hạ. Dần dần người ta nói trại ra Enfer là hoả ngục. Có lẽ vì sự nghèo cực của xóm ấy, mà người ta cho cái tên đó là hợp cảnh hợp tình nên cứ ghi như thế vào địa bạ.

        Cảnh tu viện cũng không có gì hấp dẫn, nhà nguyện lại chưa có, đồ dùng vẫn thiếu trước hụt sau.

Thánh giá

        Cha Eymard lo nhiều mà ít ăn mất ngủ nên đau nặng.

        Vì tình huynh đệ, các cha dòng Đức Mẹ ở Paris đến thăm và đưa cha Eymard về tu viện điều trị. Lúc hết bệnh, bác sĩ khuyên cha nên về nghỉ ở đồng quê.

        Khi còn ở dòng Đức Mẹ và phụ trách dòng ba cha có quen gia đình ông Leudeville. Ông có ngôi biệt thự tại vùng quê cách Paris không xa, ông mời cha về đó nghỉ.

        Ở nhà, cha Cuers tự tay sửa chữa những nơi cần thiết. Cần thiết nhất là nhà nguyện để Mình Thánh Chúa. Hai cha cùng ước mong điều ấy, để đêm ngày được gần gũi nhiệm tích Tình Yêu, cho vơi đau khổ xác hồn, hầu chu toàn sứ mạng Chúa trao.

        Cha Eymard nói: Cần có Chúa ngự gần, rồi cùng với Chúa, chúng tôi sẽ có muôn vàn ơn trọng đại.

Tu viện đầu tiên

        Ngày 1 tháng 6 năm 1856 là ngày cuối tuần lễ Mình Thánh Chúa, sau cơm trưa, cha Eymard cùng với cha Cuers từ giã các cha dòng Đức Mẹ. Về trụ sở đường Enfer, các cha gọi đó là nhà tiệc ly.

        Kiểm soát lại túi để làm dự án, cha Eymard chỉ còn 67 quan, trong số 200 quan do cha Favre cho để lên đường. Cha Cuers có chừng 600 quan tiền hưu bổng mới lãnh, trong khi ấy, nhà thì trống trơn, không có bàn ghế, giường nệm chi cả !!!

        Đồ lễ ngoài một khăn vai và 2 khăn lau chén thánh, tất cả đều phải mượn. Nhà bếp càng thiếu vật dụng. Những ngày đầu tiên phải đi ăn hết tiệm này, mai tiệm khác. Cha Eymard viết: chúng tôi như hai kẻ vừa thoát được nạn đắm tàu, gặp tay trơn trên một hoang đảo.

        Nhưng cảm thấy mình được giống Chúa trong cảnh nghèo, làm hai cha không quan tâm đến vật chất, tâm hồn vì thế được an vui dạt dào. Mỗi ngày hai cha đều đến nhà thờ gần đó để chầu Mình Thánh Chúa, hầu giữ vững chí nguyện. 

        Đi ăn tiệm hằng ngày, vừa phí thời giờ vừa bất tiện, cần phải chấm dứt càng sớm càng hay. Nhưng chưa biết giải quyết thế nào, thì có bà bề trên viện bác ái Thánh Thomas de Villeneuve ở cùng khu phố hay tin. Nhận ra tư cách thánh thiện của cha Eymard bà vui lòng cung cấp phần ăn cho cả hai cha.

        Là một nữ tu đạo đức, quảng đại, có ảnh hưởng rộng lớn với đại chúng. Mỗi khi có dịp, mẹ Guyot không ngớt lời ca tụng cha Eymard. Bà cũng nói cho nhiều khách đến thăm bà hoàn cảnh của hai cha, vì thế có nhiều người chưa biết cha Eymard bao giờ cũng đến thăm, giúp đỡ cho vật này, thức nọ. Người thì cho vài cái đĩa, cái xiên... có người lại cho cả xoong chảo... Có hai anh em Do Thái mới trở lại và định dâng mình cho Chúa, trước khi vào chủng viện, họ chở đến cho cha Eymard tất cả những vật dụng họ có.

        Ai gặp cha Eymard lúc đó đều có một ấn tượng khó quên. Họ bảo nhau: Nghèo mà cha vẫn vui vẻ, coi như cha quý và sung sướng với cảnh nghèo lắm. Mắt cha tinh anh, lộ niềm an vui khó tả. Tâm hồn chắc phải tràn đầy ơn Chúa.

Nghèo mà cao thượng

        Lời phê bình trên kia đã nói lên một phần nào sự thực về cha Eymard. Cha vui mừng được nên giống Chúa Giêsu, Đấng đã sinh ra khó nghèo. Suốt đời sống thanh bần, và chết trần trụi trên khổ giá. Cha Eymard có nhiều con thiêng liêng giàu có ở Lyon nếu muốn, cha chỉ nói vài lời là họ đua nhau đem tặng vật đến. Họ hằng mong ước được hân hạnh giúp đỡ cha. Nhưng tính vốn dè dặt, cha sợ sau này sẽ gặp phiền phức nhiều. Mặt khác, cha đặt hết tin tưởng vào một mình Chúa. Cha viết: “Đã là cận vệ của Chúa, ta chỉ phải trung thành với nhiệm vụ Chúa trao cho, cái gì ta không liệu được Chúa sẽ lo.”

        Niềm tin tưởng ấy đã được Chúa đáp trả: vì Đức Cha Sibour, Tổng Giám Mục, đã giúp cho những phí tổn để sửa chữa nhà cửa và trả công thợ.

        Dù sức khỏe không được dồi dào, hai cha cũng phụ với thợ để công việc nhanh chóng. Cha Cuers tương đối khoẻ hơn thì chuyển gạch khiêng vôi, cha Eymard đảm nhận công việc sơn trần, phết tường.

Một thử thách

        Việc sửa chữa nhà cửa đang tiến hành may mắn, hy vọng trong ít ngày phòng khách sẽ biến thành nhà nguyện, để được dâng lễ hằng ngày và được giữ Mình Thánh Chúa. Ngờ đâu, lúc trả công thợ, số tiền Đức Cha Sibour và các người hâm mộ hảo tâm cho, cộng với số lương hưu trí của cha Cuers đã không cánh mà bay! Buồn rầu chả biết tỏ cùng ai, cũng không dám nghi ngờ ai thì đến giờ cơm...

        Lúc vào phòng ăn thấy trên bàn còn chưa có gì, xuống bếp thì thấy lạnh ngắt. Bấy giờ mới hay là người nấu bếp là thủ phạm đã xa chạy cao bay. 

        Cha Eymard không buồn vì mất tiền hay vì công việc phải bỏ giở, mà buồn vì toán thợ làm công đều nghèo. Gia đình họ chỉ trông vào đồng lương công nhật của chồng. Nay cuối tuần không còn tiền để trả lương, để họ về tay không, thì tội cho cả gia đình họ. Cha cũng không giận kẻ bất lương, mà chỉ kết tội cho mình: không cẩn thận, để làm cớ cho người khác mù quáng vì tiền bạc.

Ơn an ủi

        Nhưng Chúa thử thách rồi Chúa lại ủi an. Chủ thầu đã giúp cha thanh toán công nợ, và cung cấp vật liệu để tiếp tục công việc điều hoà, hẹn khi có cha sẽ trả lại.

        Theo chương trình dự liệu, cha cứ lên đường đi giảng các nơi, đồng thời chiêu mộ ơn kêu gọi. Trong cuộc hành trình này, cha đã gặp được nhiều người quảng đại giúp đỡ tinh thần, vật chất. Ông Dupont ở Tour, một chiến sĩ nhiệt thành trong việc truyền bá lòng sùng kính “Thánh Nhan Chúa Giêsu”, và cũng là một tông đồ Thánh Thể, ông tán thành công việc của cha, giúp đỡ và giới thiệu cha với các hội viên hội chầu Thánh Thể ban đêm tại Tour. 

        Ở Poitiers, bà Sauvestre cũng nhiệt thành cổ động cho cha. Sau một tháng trời, cha trở về Paris với một số tiền tương đối có thể lấp được các lỗ hổng. Công việc sửa chữa cũng tiến một cách khả quan, nếu không muốn nói là được quá điều cha mong ước.

        Trang trải công nợ với chủ thầu và nhân công rồi, cha dùng số còn lại sắm sửa các đồ thờ phượng. Định ngày 28 tháng 9 sẽ làm phép nhà nguyện, mở cửa cho dân chúng vào dự lễ và chầu Thánh Thể.

Ai hay chữ ngờ  

        Nhưng vào chính ngày làm phép nhà nguyện, có một bà vừa là ân nhân tu viện, vừa là người quen với Toà Giám mục rỉ tai cha Eymard: “Hình như ngôi nhà này Toà Giám mục có ý nhường cho các cha dòng Observatoire. Họ sẽ đến tiếp thu vào cuối năm.”

        Tuy không phải tin chính thức, nhưng hai cha nghĩ rằng có phần nào là thực. Bao ngày mong đợi bao tổn hao, chả lẽ nay lại trở thành công cốc! Ngao ngán thay trước những thử thách nặng nề, nhưng không ngã lòng, cha nói với cha Cuers: Nếu việc ấy có thể xảy ra, ta sẽ hỏi Chúa: “Thưa Thầy chúng ta sẽ mừng lễ Chiên ở đâu?”

        Nói rồi, cha đến quỳ dưới chân tượng Đức Mẹ Sầu Bi, xin được lợi dụng thử thách này để thông cảm nỗi khổ đau của Mẹ. Nếu Đức Mẹ giúp cho được ở lại thì tốt, không thì xin Mẹ giúp cho biết vui lòng cùng Mẹ theo đường khổ giá Chúa đã đi.

        Cũng ngày đó, cha đến văn phòng ban quản trị tài sản địa phận Paris hỏi thăm để biết rõ thực hư. Được biết đó chỉ là tin đồn, nhưng cha vẫn không chắc dạ vì họ nhất định không làm giấy tờ hợp thức hoá và giao nhà cho cha.

        Vậy họ có thể đuổi nhà bất cứ lúc nào. Mà khổ thay, muốn khai sinh một tu hội cần phải có một trụ sở... 

        Bài học này đã làm cha sáng suốt hơn: phải vững tin vào Chúa, nhưng cũng phải biết hoài nghi, dè dặt, khôn ngoan đối với người đời. Tự coi mình là khách lữ hành, quán trọ duy nhất cha đặt tin tưởng vào là tình yêu Chúa quan phòng. Nhưng cha cũng để tâm tìm một nơi khác phòng xa.

Tương lai mịt mù

        Trụ sở bấp bênh mà tương lai lại càng mịt mù. Đã một năm trời vẫn chưa có một thỉnh sinh nào. Thực ra thì có, nhưng họ đến rồi lại đi. Họ vào rồi lại rút lui ngay. Quay đi không thấy ai, nhìn lại cũng chỉ thấy cha Cuers với mình.

        Những người xưa khuyến khích cha và hứa sẽ đến cộng tác với cha chưa ai đến cả. Nhất là các linh mục ở Toulon... Những vị cha Eymard rất tin tưởng đều bặt tin. Ít nhiều vị khác đến tĩnh tâm vài ngày để quan sát, nhưng thấy cảnh tình nghèo nàn, đời sống khắc khổ, đã im lặng rút lui. Một số khác vì thiếu tâm hồn quảng đại và ý chí, nên chính cha Eymard khuyên họ nên trở về đời. Trong thư gởi bà Margarita, con thiêng liêng và cũng là người cộng tác với cha sau này để lập dòng nữ, cha viết: “Công việc nhỏ bé vẫn bị mây đen che phủ. Nhưng chúng tôi cảm thấy có Chúa phù trợ khuyến khích và soi dẫn. Đáng lẽ theo gương những tâm hồn thánh thiện, chúng tôi cũng phải can đảm xin Chúa hành hạ và huỷ diệt chúng tôi, để người ta chỉ thấy bàn tay Chúa và chúc tụng vinh quang Chúa.

        Xin hãy cầu nguyện để những người đầu tiên có lòng mến Chúa thiết tha.”

        “Nhiều người kể cả bạn hữu, chỉ nhìn cái bên ngoài, qua khung cảnh, qua con số mà đoán định tương lai chúng tôi, họ chế giễu chúng tôi là những thửa đất hoang, là cây cằn cỗi, hy vọng gì ở tương lai. Có thể như thế thật, nhưng chúng tôi cũng có thể là phân bón cho vườn cây của Chúa, khi phân mục thì cây mới có thể xanh tươi.”

Một tâm hồn bạn

        Trong khi bị thử thách, cha Eymard vẫn biết ở xa kinh thành Paris có một tâm hồn thánh thiện, có thế lực trước mặt Chúa, vẫn cầu nguyện cho công việc của cha. Người ta còn giữ được một thư cha viết cho người bạn đó:

        “Kính gửi cha Gioan Vianey, chính xứ Ars 

        Thưa cha,

        Con chắc rằng, cha Herman đã nói với cha về những công việc mà chính cha đã khuyến khích và cầu nguyện cho con. Vâng, công việc đó đang được thực hiện.

          Dòng các linh mục Thánh Thể đã khai sinh tại Paris được bốn tháng nay.

        Mẹ Maria đã dắt đến Chúa Giêsu một tôi tớ bất tài để lo công việc đó. Tôi tớ ấy chính là con, kẻ cách đây mười năm đã được hân hạnh nhận cha vào hội dòng ba Đức Mẹ.

        Xin cha vì Thầy Chí Thánh, tiếp tục cầu nguyện cho con, và chúc lành cho hạt cải nhỏ mọn này.”

Lời tiên tri của thánh Gioan Vianey

        Đáp lại sự tin tưởng ấy, thánh Gioan Vianey không những cầu nguyện, chúc lành mà còn ca tụng cha Eymard. 

        Thầy Rémy Rajeur thường đến nghe thánh Gioan Vianey dạy giáo lý, đã kể lại rằng:

        Có một lần cha thánh Vianey nói đến những việc đã và đang được thực hiện trong Giáo Hội, cho vinh danh Chúa, và cao hứng cha lên giọng cương quyết: “Những công việc ấy chính Chúa đã sửa soạn, và sửa soạn lâu dài. Chúa dùng những thử thách để che dấu bước tiến của nó. Nó vẫn tiến âm thầm, coi như chậm chạp, nhưng vững mạnh. Hiện nay, có một linh mục, Chúa đã chọn và ban cho người lòng nhiệt thành yêu mến phép Thánh Thể. Lòng yêu mến ấy luôn ám ảnh người, và cũng là duyên cớ cho người phải thử thách, nhiều khi rất phũ phàng, do cả những bạn thân.

        Linh mục đó là cha Eymard. Cầu cho người đừng nản lòng trước những chướng ngại. Người ta muốn hay không muốn, Chúa sẽ giúp người đến thành công.

        Dòng người sáng lập sẽ phát triển mạnh, và lan tràn ra nhiều xứ nhiều miền, bất kể gặp khó khăn, thử thách. 

        Với nhẫn nại, cha Eymard đã được thấy kẻ thù trở thành bạn thân, một khi họ sáng mắt để nhận ra công việc của cha là việc của Chúa.” 

        Tất cả những lời tiên tri ấy đã và còn đang ứng nghiệm cho cha, và cho dòng các linh mục Thánh Thể.

Đông qua xuân tới

        Từ khi bỏ Lyon, dòng dã bảy tám tháng trời, cha Eymard hầu như chỉ gặp toàn những ngày mưa phùn gió bấc. Nhưng dần dần mưa ngớt gió ngừng.., thỉnh thoảng vẫn có những tia sáng ấm áp xuyên qua làn mây đen.

        Nhiều người quen nghe tiếng nhân đức của cha Eymard, tìm đến với người. Khi đầu vì tò mò, nhưng qua những lần gặp gỡ, họ đã cảm phục cha, rồi từ cảm phục đến tín nhiệm.

        Một sớm Chúa nhật, ngày 28 tháng chạp năm 1856, một đoàn người gồm cả bậc thượng lưu lẫn thợ thuyền, có cả bóng một vài áo dòng đen tiến vào nhà nguyện. Tuy cha Eymard đã được Đức Cha Segur báo trước rằng: một nhóm hội viên chầu Mình Thánh ban đêm tại Paris sẽ đến, nhờ nhà nguyện của cha để họp khoá thường niên. Nhưng cha không ngờ nhóm đó lại đông như thế. Nhất là chính Đức Cha Segur tuy mù, mà cũng nhờ người ta dắt đến dự hội.

        Đức Cha Séguy hứa sẽ tuỳ khả năng, tận tình giúp đỡ cha. Cha Eymard với kinh nghiệm sống, không dám đặt tin tưởng vào ai ngoài Chúa, nhưng hai tâm hồn ấy đã trở nên đôi bạn thân, cả hai cùng đơn sơ, thẳng thắn, lạc quan và đồng chí hướng.

Mục đích của tu hội 

        Ngày hội thảo kết thúc bằng một giờ chầu Thánh Thể do cha Eymard giảng và điều khiển.

        Tâm hồn cha vốn đã đầy tràn lửa mến, nay có cơ hội bộc lộ và . chuyển thông cho người khác. Cha nói rất hùng hồn làm thính giả say mê và thấm thía tình Chúa yêu nhân loại. 

        Sau đó Đức Cha Segur xin cha cho biết về tôn chỉ và mục đích của dòng mới.

        Ứng khẩu lời cha Eymard nói: “Đức Cha và quý ông muốn biết chúng tôi là ai. Công việc của chúng tôi thế nào. Xin thưa: theo thánh Gioan Tiền Hô đã khiêm nhượng xưng mình là tiếng kêu nơi rừng vắng, còn chúng tôi thực sự là những kẻ vô dụng. Nhưng nhờ ơn Toà Thánh chúng tôi được gọi là các tu sĩ của dòng mới, dòng các linh mục Thánh Thể.

        Tôn chỉ của dòng là: Tôn sùng Chúa Giêsu ngự trong phép Thánh Thể.

        Mục đích của dòng là làm cho mình hiểu biết, mến yêu, và giúp các linh hồn hiểu biết mến yêu nhiệm tích ấy.

        Cùng với hoạt động mục vụ theo hoàn cảnh, chúng tôi: 

1. Thay phiên nhau cầu nguyện trước Thánh Thể, cầu cho Giáo Hội được hưng thịnh, cho thế giới được an bình, cho người tội lỗi bỏ đường tà, cho tất cả nhân loại được biết Chúa Kitô là tình yêu bao la, đang ngự giữa trần gian trong phép Thánh Thể. 

2. Tổ chức các tuần tĩnh tâm, các lớp giáo lý cho người tín hữu lỡ thời chưa được rước lễ. 

3. Khi có phương tiện thì chầu Thánh Thể Chúa ngự trên toà, để giáo dân đến tham dự. Đó là một việc đạo đức long trọng bề ngoài, cũng là phương thế đắc lực để nhóm lên và bảo vệ lửa mến cho nội tâm.


 


 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.