CHƯƠNG X - ĐỜI VINH QUANG

CHƯƠNG X

 ĐỜI VINH QUANG

 

Tiếng dân

        Tin cha Eymard từ trần truyền đi khắp làng La Mure nhanh như chớp. Hầu như ai ai cũng vội vã bỏ công việc đến chiêm ngưỡng dung nhan cha lần cuối cùng. Ông xã trưởng phải động viên thanh niên để giữ trật tự ngoài phố.

        Những người đã viếng xác đi ra, đều ngậm ngùi cảm động, tiếc thương nói với nhau:

  • Thật là một vị thánh. 
  • Gọi là thánh tử đạo đúng hơn. 
  • Suốt đời chẳng khi nào được thanh nhàn.
  • Nguyên những bệnh tật suốt đời của cha cũng là một phúc tử đạo rồi. 
  • Thế mà ông còn hãm mình ghê gớm nữa chứ.

          Phải chờ đến khuya vắng, mới tắm rửa thi hài được và vận phẩm phục cho cha. Khi đó người ta mới thấy trên vai và sau lưng cha chi chít vết roi đánh tội và áo nhặm.

        Đáp lại ý nguyện của quần chúng, thi hài cha được đưa xuống phòng khách để người ta đến kính viếng.

        Không những họ La Mure không sót ai, mà cả các hộ chung quanh nghe tin cũng chen chúc vào để được nhìn thấy mặt cha.

        Họ đem chuỗi, ảnh, đặt trên thi hài cha rồi đưa về giữ như bảo vật. Các bà mẹ có con nhỏ cũng bế con đến hôn kính cha. Họ tin rằng trên thiên đàng cha sẽ chúc lành cho các trẻ.

        Lễ an táng được cử hành long trọng, có rất đông linh mục thay nhau khiêng quan tài. Có chừng 2.000 giáo dân đến tiễn đưa cha về phần mộ gia đình tại nghĩa trang La Mure.

        Năm 1870, người ta đồn: các cha dòng Thánh Thể đến đưa thi hài cha về Paris. Cả dân làng nhao nhao phản đối kịch liệt và cắt phiên ngày đêm canh gác nghĩa trang. Ròng rã một tuần, rồi không thấy gì họ mới thôi. Thực sự tu viện Mẹ của dòng Thánh Thể tại Paris vẫn còn ở phần đất thuê nên chưa ai dám nghĩ đến việc đưa thi hài cha về.

        Đến tháng 7 năm 1876, khi mua được đất và xây được tu viện tại 23 đường Friedlan, quận 8 Paris, cha Maréchal và cha Champion mới đem giấy tờ hợp thức đến La Mure xin thi hài cha Eymard. Dân làng nhất định không nhường. Phải nhờ đến lệnh bộ nội vụ và ông hạt trưởng Isère can thiệp, đưa cảnh sát đến giữ an ninh, họ mới chịu. Để tiễn đưa cha, nhiều người đưa hoa đến phủ trên quan tài, tỏ niềm tiếc thương kính ái.

        Tại Paris chính Đức Hồng Y Guibert và các vị Giám mục phụ tá đã đến đón thi hài cha và mai táng tại nhà nguyện Paris.

Giông tố phũ phàng 

        Được ít lâu, đệ nhị cách mạng nổi lên làm điên đảo Giáo Hội Pháp. Jules Ferry, với đạo luật 29 tháng 3 năm 1880, nhất định giải tán các dòng nam trên toàn cõi đất nước. Hơn 8.000 tu sĩ phải bỏ áo dòng hay phải trục xuất. Các tu viện phải sung công và bán đấu giá. Dòng Thánh Thể cùng chung số phận. Một số tu sĩ được mấy gia đình thương cho chỗ trốn tránh, số lớn sang Bỉ, tập trung tại tu viện ở Bruxelles.

        Tu viện ở Paris và đất đai bị sung công phát mại, nhưng nhà nguyện được tòa đại sứ Yphanho nhận là nhà thờ của sứ quán, nên còn đứng cho đến ngày nay. Do đó mà thi hài cha Eymard không bị đụng chạm như nhiều nhà thờ bị quân cách mạng xông vào đập phá, lật mộ các thánh và quăng hài cốt đi. Trong thời kỳ ấy, cha Eymard là Đấng bầu cử nhiệt thành không những cho con cái người mà còn cho tất cả những ai hướng về người.

Hữu xạ tự nhiên hương

        Từ khi cha Eymard qua đời, thay vì bị quên lãng dần dần, thì lại được nhiều người biết đến, và muốn biết rõ hơn. Để đáp ứng những đòi hỏi ấy, con cái cha, mặc dù đang lúc phải tản mác vì loạn lạc, không cơ sở, thiếu phương tiện sống, cũng sưu tập in ra nhiều tài liệu đại cương.

        Nhiều người nghĩ đến lời Chúa phán: đừng thắp đèn rồi lấy thùng đậy lại, các tu sĩ, các nữ tỳ dòng Thánh Thể nghĩ đến việc mình có bốn phận phải xin Toà Thánh chính thức nêu cao gương cha Eymard, một ngọn đèn sáng Chúa đã thắp lên trước nhiệm tích Thánh Thể, để con cái cha được phấn khởi theo đường cha đã vạch, để nhờ gương sáng cha mà tiến lại gần Chúa, tiếp tục hát khác trường ca nhiệm mầu đức tin mà cha là một nốt nhạc nổi bật.

        Những việc làm đó, thời bình an kể là khá vất vả, gặp thời ly loạn thì lại càng khó khăn hơn. Nhất là những môi trường hoạt động của cha Eymard xưa, vừa nhiều vừa rộng, thu thập hồ sơ khi ấy phải nói là khó thực hiện !

        Nhưng việc mọi người không dám ước mong thì lại xếp đặt dễ dàng. Đầu niên khóa 1882 – 1883, cha Tenaillon tìm lối đưa tu sĩ trốn sang Roma để theo học thần học, vì khi đó nước Bỉ cũng còn chịu ảnh hưởng của cách mạng Pháp. Tu sĩ khó sống yên lành chứ đừng nói đến chăm chú học hành. Cha đến Roma ngày 15 tháng 10 năm 1882, lúc đầu trọ trong một nhà nhỏ gần công trường các thánh tông đồ. Sau được tôn thất Bourguignons nhượng quyền sử dụng nhà thờ San Claudio và lập tu viện. Ngày 24 tháng 6 năm 1886, chính Đức Hồng Y Parochi phụ tá địa phận Roma đến đặt Mình Thánh và khai mạc các giờ chầu liên tiếp tại San Claudio.

        Đức Hồng Y vốn là một tâm hồn yêu mến Thánh Thể Chúa, nên tận tình và nhân hậu giúp đỡ nhóm tu sĩ Thánh Thể lưu vong. Ngài hỏi han về nếp sống tu và Đấng sáng lập. Khi đọc hạnh tích cha Eymard và ít bản viết tay của cha, Đức Hồng Y ngạc nhiên cho rằng: “Tại sao một tâm hồn như thế mà chưa được tuyên dương chân phúc.”

        Sau đó chính người nhận bảo trợ tu hội linh mục Thánh Thể, và lo liệu thu thập hồ sơ về cha Eymard. Các tòa án sơ cấp được mở ra tại toà Giám mục Paris và Grenoble. Các bút tích của cha Eymard được gom góp lại. Các người quen biết cha Eymard đều được hỏi đến.

Ấn tín của Chúa

        Cuộc đời thánh thiện của cha Eymard do các chứng nhân kể lại được kiểm chứng bằng phép lạ Chúa đã làm vì công nghiệp cha.

        Ở đây chỉ kể lại hai phép lạ được Toà Thánh công nhận ngày 9 tháng 5 năm 1922.

        Phép lạ thứ nhất: Cô Lucinda người Chí Lợi sống tại Santiago bị chứng ung thư ruột. Sáu bác sĩ săn sóc cô đều đầu hàng. Thân hình cô chỉ còn da bọc xương, đợi tử thần đón đi. Không thể hy vọng vào một ai được nữa, mổ xẻ cũng vô ích. May có người đi Paris về tặng cô một mảnh áo dòng, và cuốn tiểu truyện của cha Eymard. Đọc rồi cô thấy tin tưởng và nguyện sẽ góp phần và sở phí ngày Giáo Hội tuyên dương công phúc cha, nếu trong vòng 15 ngày cha cầu cho cô được lành.

        Chưa hết 15 ngày, cô thấy bớt đau và khỏi hẳn. Các bác sĩ đã chữa cô đều nhận thấy có một sự lạ phi thường. Bệnh nhân ung thư biến mất không để lại dấu vết nào.

        Phép lạ thứ hai xảy ra tại Pháp: Một thiếu nữ 15 tuổi, Renée Fonchereau, bị đau khớp xương chân đầu gối, nằm nhà thương thánh Blasio tại Angers chân bị bó bột. Đi lại phải có nạng và rất khổ, mà nằm thì lại càng tê nhức.

        Dì phước săn sóc em bảo em hướng về cha Eymard, Đấng xưa hoạt động nhiều ở Angers, nay đang có thần thế trước mặt Chúa. Em làm tuần cửu nhật cầu xin Chúa thương mình vì công nghiệp cha Eymard. 

        Sáu ngày đầu, gối vẫn đau, nhưng qua ngày thứ bảy thì không thấy gì nữa, dù bác sĩ ấn rất mạnh chỗ mọi khi, chỉ hơi động đến là có thể làm em ngất đi. Nay đã lành. Đợi vài ngày, thấy em tươi tỉnh khác thường và không tỏ vẻ gì đau nữa, nên bác sĩ cho gỡ bột. Em đi không phải chống nạng nữa. Chiếu điện cũng không thấy còn một vết tích gì về đau khớp xương.

        Cuối năm 1920, bộ nghi lễ đã nhận được 13 tập hồ sơ dày, đã xét kỹ lưỡng và đệ trình lên Đức Thánh Cha Piô X.

        Ngày 12 tháng 8 năm 1908, Đức Thánh Cha ban sắc dụ nhận cha Eymard vào bậc đáng kính, và chuyển các hồ sơ qua Tòa án : phong thánh.

        Ngày 30 tháng 4 năm 1918, các Đức Hồng Y được chỉ định xét về vụ này họp phúc thẩm các hồ sơ, nghị quyết, và đòi thêm nhiều nhân chứng.

        Ngày 16 tháng 5, Đức Piô X chủ sự phiên họp đại hội, phúc quyết và ban sắc dụ nhận cha Eymard là một bậc đạt đức anh hùng.

        Qua năm 1925, Đức Piô XI chủ sự đại hội các Đức Hồng Y, hỏi và cùng giải đáp câu: có đủ bằng cớ chắc chắn để tuyên dương chân phúc cho cha Eymard không? Sau đó Đức Giáo Hoàng bạn dụ tiến hành về việc tuyên dương.

         Ngày 12 tháng 7 năm 1925, cũng là năm toàn xá thứ nhất đời Đức Piô XI, trước mặt hàng vạn khách hành hương, Đức Giáo Hoàng đã long trọng tuyên dương chân phúc cha Eymard. Chân dung cha đã được trưng bày nơi cao đẹp nhất trong đền thánh Phêrô. Đức Hồng Y Parochi cử hành thánh lễ tạ ơn thay mặt Đức Giáo Hoàng. Từ đây, Giáo Hội được cậy nhờ vì công nghiệp chân phúc Eymard mà dâng lời cầu nguyện lên cùng Chúa.

        Chiều ngày ấy, Đức Thánh Cha ngự ra đền thờ thánh Phêrô để tôn kính hài cốt thánh Eymard, và ban phép lành Mình Thánh bế mạc ngày đại lễ.

Bậc hiển thánh

        Sau đó, Toà Thánh đã chiếu lời xin của những tâm hồn nhiệt tâm với nhiệm tích Thánh Thể, muốn chân phúc Eymard được nêu cao như một tấm gương sáng cho muôn phương, đã tiếp tục thu nạp những hồ sơ về các ơn Chúa ban cho người ta, qua sự bầu cử của chân phúc Eymard.

        Ngày 15 tháng 11 năm 1962, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã ban sắc, định ngày tuyên dương bậc anh hùng hiển thánh cho chân phúc Eymard.

        Ngày 9 tháng 12 năm 1962, tức là sau ngày bế mạc khóa thứ nhất Công Đồng Vatican II, trước mặt một số đông nghị phụ, hàng ngàn linh mục và đông đảo giáo dân, hội tại đền thờ thánh Phêrô. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã long trọng tuyên bố:

        “Để vinh danh Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thanh, 

         Để đức tin công giáo được sáng tỏ 

         Để Kitô giáo được thăng tiến

      Ta nhờ quyền Chúa Giêsu Kitô, quyền hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, quyền Chúa đã ban cho Ta”

        Tuyên bố và chỉ thị rằng:

      “Chân phúc Giuliano Eymard, Hiển tu, được suy tôn là Đấng Thánh và Ta ghi tên người vào số các thánh để lưu danh Người muôn đời trong toàn thể Giáo Hội.”  Đức Thánh Cha vừa dứt lời, từ đền thờ thánh Phêrô vang lên muôn điệu nhạc vui, tiếp theo là kinh tạ ơn từ muôn tấm lòng thoát ra, hoà cùng tiếng chuông dồn dập trổi lên từ các thánh đường tại Roma.

        Những tuần tam nhật kéo dài tiếp tục ngày đại lễ đó được tổ chức khắp nơi có mặt con cái thánh Eymard. Nhất là ở Paris nơi có nhà dòng đầu tiên, và ở La Mure, sinh quán của Thánh Nhân.


 


 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.