Chương 2 - Thánh Thể Là Bữa Tiệc Vượt Qua

CHƯƠNG 2
THÁNH THỂ LÀ BỮA TIỆC VƯỢT QUA

9- Tiệc Vượt Qua là gì?

          Trong đêm giải thoát dân Do Thái khỏi ách nô lệ Ai-Cập, Chúa truyền cho mỗi gia đình Do Thái phải sát tế một con chiên vô tì vết và lấy máu bôi lên cửa, còn thịt thì ăn với bánh không men và rau đắng. Đêm ấy, Thiên Thần Chúa xông vào các nhà Ai Cập và giết tất cả các con đầu lòng, từ người cho đến xúc vật. Nhưng những nhà Do Thái có máu chiên bôi trên cửa, thì Thiên Thần “vượt qua” và không vào[1].

          Chỉ sau biến cố khủng khiếp ấy, vua Pha-ra-ô mới chịu để cho dân Do Thái ra khỏi Ai Cập[2].

          Biến cố này được gọi là biến cố “vượt qua”, trong đó Thiên Chúa biểu lộ cánh tay uy quyền của Ngài ra và sát phạt dân Ai Cập, đồng thời giải thoát Dân Riêng Ngài khỏi ách nô lệ lầm than.

          Để tưởng niệm biến cố vĩ đại ấy, Thiên Chúa truyền cho dân Do Thái: “Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Đức Chúa. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này: đó là luật qui định cho đến muôn đời”[3].

          Trung thành với lệnh truyền của Chúa, hàng năm dân Do Thái thể hiện lại biến cố vĩ đại và đáng ghi nhớ ấy bằng một bữa tiệc được gọi là “Tiệc Vượt Qua”.

10- Tại sao Thánh Thể được gọi là Tiệc Vượt Qua?

          Vì biến cố vượt qua của Do Thái chỉ là biểu tượng và là hình bóng về công cuộc mà Thiên Chúa sẽ thực hiện nhờ Đức Ki-tô, để giải thoát toàn thể nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết, đồng thời dẫn đưa mọi người về Đất Hứa thật trên trời. Khi thiết lập Thánh Thể trong Tiệc Vượt Qua Do Thái, Chúa Giê-su muốn ngụ ý rằng, biểu tượng và hình bóng của Tiệc Vượt Qua được chấm dứt và được thay thế bằng thực tại đích thật, nghĩa là tất cả những hình bóng và biểu tượng của Tiệc Vượt Qua Do Thái đều được thay thế bằng những thực tại đích thực:

            a- Trong Tiệc Vượt Qua Do Thái, con chiên vô tì vết được sát tế.

          Trong Thánh Thể, Con Chiên vô cùng vẹn sạch của Thiên Chúa là Đức Ki-tô cũng được sát tế.

           b- Trong Tiệc Vượt Qua Do Thái, máu con chiên đổ ra đã cứu sống các con đầu lòng của Dân Riêng Chúa.

          Trong Thánh Thể, Máu Con Chiên Thiên Chúa cũng đổ ra để đem lại sự sống đời đời cho muôn dân.

          c- Trong Tiệc Vượt Qua, thịt chiên trở nên của ăn cho mọi người trong gia đình chia sẻ với nhau.

         Trong Thánh Thể, Thịt Con Chiên Thiên Chúa cũng trở nên của ăn cho toàn thể gia đình nhân loại, để mọi người cùng nhau chia sẻ.

          d- Trong biến cố Vượt Qua, dân Do Thái được giải thoát khỏi ách nô lệ, để được tự do tiến vào đất hứa.

          Trong Thánh Thể, toàn thể nhân loại cũng được giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết, để được tự do tiến vào Đất Hứa thật trên trời.

          Như vậy, Thánh Thể quả là Bữa Tiệc Vượt Qua đích thực, chấm dứt và thay thế cho những biểu tượng và hình bóng của Tiệc Vượt Qua Do Thái.

11- Tiệc Thánh Thể gồm những đặc điểm nào?

          Tiệc Thánh Thể gồm những đặc điểm sau đây:

          a- Bữa tiệc đích thực.

          b- Bữa tiệc thánh.

          c- Bữa tiệc ban sự sống.

          d- Bữa tiệc biến đổi thực khách.

          e- Bữa tiệc thiết yếu.

12- Thánh Thể là bữa tiệc đích thực thế nào?

          Công cuộc cứu rỗi là một công cuộc vĩ đại và kỳ diệu, nên công cuộc ấy được cử hành bằng một bữa tiệc thực sự, mà của ăn và của uống là Mình và Máu Chúa Ki-tô: “Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống[4]. Bánh và rượu được truyền phép mà chúng ta ăn và uống, chính là dấu chỉ về sự tham dự vào bữa tiệc, không phải là biểu tượng và hình bóng, mà là bữa tiệc thực sự.

13- Thánh Thể là bữa tiệc thánh nghĩa là gì?

          Thánh Thể là bữa tiệc thánh, nghĩa là:

          - Bữa tiệc này mừng một biến cố thánh, tức Ơn Cứu Rỗi;

          - Đấng thiết tiệc là Đấng chí thánh, tức Thiên Chúa;

         - Của ăn và của uống là Bánh cực thánh từ trời xuống[5], tức Mình và Máu Con Một Thiên Chúa hiện diện dưới hình bánh rượu.

14- Thánh Thể là bữa tiệc ban sự sống thế nào?

          Tiệc Thánh Thể là bữa tiệc Mình và Máu Chúa Ki-tô, và Chúa Ki-tô chính là Bánh ban sự sống: “Tôi là bánh trường sinh”[6]. Vì thế, Tiệc Thánh Thể dưỡng nuôi, bảo tồn và làm phát triển sự sống, mà ta nhận lãnh được nhờ công cuộc Cứu Rỗi. Đó là sự sống của linh hồn, sự sống siêu nhiên, sự sống đích thực, sự sống đời đời, sự sống thần linh của chính Thiên Chúa.

15- Thánh Thể là bữa tiệc biến đổi thực khách thế nào?

          Nhờ Tiệc Thánh Thể, chúng ta lãnh nhận được chính Chúa Ki-tô, được nên giống như Người và trở thành những con cái của Thiên Chúa: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy”[7].

          Như vậy, nhờ Tiệc Thánh Thể, thân xác ta được trở nên giống thân xác của Chúa Ki-tô, những tâm tình của ta được mặc lấy những tâm tình của Chúa Ki-tô, toàn thể cuộc sống của ta được trở thành cuộc sống của Chúa Kitô.

16- Tiệc Thánh Thể là bữa tiệc cần thiết thế nào?

          Điều kiện cần thiết để được rỗi là Ơn Cứu Độ, và Tiệc Thánh Thể bao gồm trọn vẹn công cuộc Cứu Độ của Chúa, vì thế Thánh Thể chính là bữa tiệc cần thiết cho Ơn Cứu Rỗi, như lời Chúa Ki-tô phán: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống”[8] .

          Như chúng ta biết, thiếu của ăn vật chất, thân xác ta sẽ phải chết. Cũng vậy, thiếu của ăn thần linh, sự sống thiêng liêng của ta cũng không thể sống được. Tiệc Thánh Thể đem lại cho ta của ăn thần linh, nhờ đó sự sống thiêng liêng của ta không những được bảo tồn, mà còn được phát triển không ngừng cho tới khi đạt tới mức độ sung mãn trong Nước Trời.

17- Tiệc Thánh Thể đòi hỏi ta phải có những thái độ nào?

          Tiệc Thánh Thể đòi hỏi ta phải có hai thái độ chính được diễn tả qua hai dụ ngôn về “tiệc cưới”[9], đó là:

a- Phải ân cần đáp lại lời mời gọi của Vua trên trời và đến dự Tiệc Cưới.

b- Khi vào phòng tiệc, phải mang y phục lễ cưới.

18- Phải ân cần đáp lại lời mời đến dự Tiệc Thánh Thể thế nào?

          Tiệc Thánh Thể là Bữa Tiệc do Vua trên trời khoản đãi, đồng thời cũng là Bữa Tiệc ban sự sống và cần thiết cho Ơn Cứu Rỗi. Vì thế, ta phải coi đó là một vinh dự lớn lao và một đặc ân cao quí, nên phải ân cần đáp lại lời mời đến dự tiệc, nghĩa là phải siêng năng tham dự những cuộc cử hành Thánh Thể và Hiệp Lễ, để đáp lại lòng ưu ái của Vua trên trời, và để đời sống thiêng liêng của ta được nuôi dưỡng, bảo tồn và phát triển.

          Ngoài ra, vì Thánh Thể là một bữa tiệc, nên tham dự cử hành Thánh Thể, tức tham dự Thánh Lễ mà không rước lễ, thì cuộc cử hành Thánh Thể không những không được trọn vẹn, mà còn tỏ ra khinh chê lời mời gọi của Thiên Chúa nữa.

19- “Phải mặc y phục lễ cưới” khi tham dự Tiệc Thánh Thể là gì?

          Vì Tiệc Thánh Thể là Bữa Tiệc Thánh, nên khi tới dự tiệc, “phải mang y phục lễ cưới”, nghĩa là phải có tâm hồn xứng hợp, như lời Thánh Phao-lô truyền dạy: “Vì thế bất cứ ai ăn Bánh và uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình”[10].

20- Khi được tham dự Tiệc Thánh Thể, ta phải có những thái độ nào?

          Vì Thánh Thể là Bữa Tiệc biến đổi ta, nghĩa là khi tham dự Tiệc Thánh Thể, ta lãnh nhận được chính Chúa Ki-tô, nhờ đó ta được biến đổi nên giống như Người là Sự Thật và là Sự Sống. Vì thế, ta phải luôn cố gắng sống theo Tin Mừng và sống chính Sự Sống của Chúa, như Thánh Phao-lô nói: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi”[11].


 

[1] Xh.12:13.

[2] Xh.12:31-33.

[3] Xh.12:14.

[4] Ga.6:55.

[5] Ga.6:51.

[6] Ga.6:48.

[7] Ga.6:56

[8] Ga.6:53-55.

[9] Mat.22:1-14 và Lc.14:16-24

[10] 1Cr.11:27-29.

[11] Gl.2:20


          


 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.