Chương 3 - Thánh Thể Là Lời Cảm Tạ

CHƯƠNG 3
THÁNH THỂ LÀ LỜI CẢM TẠ

 

21- Thánh Thể là Lời Cảm Tạ thế nào?

Trước những công cuộc vĩ đại và kỳ diệu Thiên Chúa thực hiện trong vũ trụ và trong Lịch Sử của dân Ngài, người Do Thái đã không ngừng dâng lời cảm tạ lên Thiên Chúa, và lời cảm tạ ấy được dâng lên Chúa cách đặc biệt trong Bữa Tiệc Vượt Qua.

Thánh Thể được lồng vào Bữa Tiệc Vượt Qua và thay thế cho Bữa Tiệc này, nên Thánh Thể cũng chính là Lời Cảm Tạ.

Ngoài ra, là một người Do Thái, nên Chúa Giê-su cũng thấm nhuần tinh thần đạo đức và lòng sùng mộ của người Do Thái, và một trong những thái độ căn bản của tinh thần ấy là cảm tạ không ngừng. Vì thế, cuộc sống của Chúa Giê-su là một lời cảm tạ liên tục. Lời cảm tạ ấy được cô đọng lại nơi Bí Tích Thánh Thể, trong đó Chúa Giê-su hiến toàn thân để làm lễ tế tạ ơn Thiên Chúa, do đó Thánh Thể là lời cảm tạ không ngừng dâng lên Thiên Chúa.

22- Lễ Vượt Qua cảm tạ Chúa về những biến cố đặc biệt nào?

Lễ Vượt Qua đặc biệt cảm tạ Thiên Chúa về bốn biến cố đặc biệt sau đây:

a- Công cuộc sáng tạo vũ trụ.

b- Lễ hiến dâng con của Áp-ra-ham.

c- Cuộc giải phóng dân Is-ra-en khỏi ách nô lệ Ai Cập.

d- Ngày Cánh Chung.

Bữa Tiệc Ly được lồng vào Bữa Tiệc Vượt Qua, vì thế chắc chắn Chúa Giê-su cũng đã dâng lời cảm tạ Thiên Chúa về bốn công cuộc đặc biệt trên đây.

23- Thánh Thể cảm tạ Thiên Chúa về công cuộc sáng tạo thế nào?

Khi mừng Lễ Vượt Qua, trước hết người ta dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ về những kỳ công mà Ngài đã thực hiện trong công cuộc sáng tạo. Đó là nội dung chính của Kinh Ha-len [1] mà Chúa Giê-su đã hát với các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly.

Lễ Vượt Qua cũng được mừng vào ngày khởi đầu Mùa Xuân Mới, thời gian tượng trưng cho công cuộc sáng tạo. Trong ngày đó, tức Ngày Xuân Phân, mặt trời chiếu sáng trọn mười hai tiếng, và ban đêm ánh trăng rằm soi tỏa đủ mười hai giờ. Như thế, trọn Ngày Xuân Phân, không có bóng tối. Vì vậy, Ngày Xuân Phân tượng trưng cho Ngày Vĩnh Cửu, tức ngày được ánh sáng chiếu soi bất tận. Do đó, trong Lễ Vượt Qua, người ta cũng tạ ơn Chúa về ánh sáng của ngày bất tận.

Những đề tài này cũng được cô đọng lại trong Thánh Thể. Vì thế:

a- Thánh Thể là lời cảm tạ Thiên Chúa về vũ trụ bao la, với muôn ngàn tinh tú; về trái đất và muôn loài sống trên đó; nhưng nhất là về trời mới đất mới được khởi đầu bằng cuộc Phục Sinh của Chúa Ki-tô.

b- Thánh Thể cũng là lời cảm tạ Thiên Chúa về công cuộc tạo dựng con người đầu tiên từ bùn đất; nhưng nhất là về A-đam Mới, mà cuộc Phục Sinh của Người đã đem lại cho thế gian nguồn vui sung mãn và sự sống vĩnh cửu[2].

c- Thánh Thể cũng cảm tạ Thiên Chúa về Mùa Xuân bất tận, mà cánh cửa đời đời được rộng mở nhờ cuộc Phục Sinh của Đức Ki-tô.

24- Thánh Thể cảm tạ Thiên Chúa về lễ hiến dâng con của Áp-ra-ham thế nào?

Để thử thách lòng tin, tình yêu và sự tuân phục của Áp-ra-ham, Thiên Chúa đã truyền cho ông sát tế con một yêu quí là I-xa-ác, người con duy nhất mà Chúa hứa sẽ làm phát sinh ra một dòng dõi đông đúc như sao trên trời, và như cát dưới biển. Trước cảnh éo le ấy, Áp-ra-ham không ngần ngại, nhưng đã mau mắn tuân hành lệnh truyền của Chúa. Còn I-xa-ác thì sẵn sàng cúi đầu chịu sát tế. Thái độ của Ap-bra-ham và I-xa-ác rất đẹp lòng Thiên Chúa, và Ngài đã đáp lại những cử chỉ cao đẹp ấy bằng cách cho I-sa-ac khỏi chết, tức cho ông tái sinh từ cát bụi.

Trong Lễ Vượt Qua, người ta cảm tạ Thiên Chúa:

a- Về đức tin sâu xa của Áp-ra-ham mà từ đó đã phát sinh ra dân tộc giao ước.

b- Về tình yêu và sự tuân phục tuyệt đối của Ap-ra-ham trong việc hiến dâng con một yêu quí làm lễ hi sinh dâng lên Thiên Chúa.

c- Về cử chỉ dũng cảm của I-xa-ác đã sẵn lòng chấp nhận thánh ý Thiên Chúa.

Tất cả những đề tài cảm tạ trên đây được chứa đựng trong Thánh Thể. Nhưng đặc biệt:

a- Thánh Thể là lời cảm tạ Thiên Chúa là Cha, Đấng “đã không dung tha chính Con Một Ngài[3], nhưng “vì quá yêu thương trần gian, đến nỗi đã ban Con Một mình cho trần gian[4].

b- Thánh Thể là lời cảm tạ Thiên Chúa về tình yêu và lòng tuân phục tuyệt đối của Đức Ki-tô, Đấng đã tình nguyện và sẵn lòng chết thay cho mọi người, để “làm hiến lễ, làm hi lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt”[5].

25- Thánh Thể là lời cảm tạ về cuộc Xuất Hành thế nào?

Xuất Hành là biến cố được đặc biệt cử hành trong Lễ Vượt Qua. Nhưng biến cố này chỉ là biểu tượng và hình bóng cho cuộc Xuất Hành của Chúa Ki-tô được cô đọng lại trong Bí Tích Thánh Thể. Vì thế:

a- Thánh Thể cảm tạ Thiên Chúa về cuộc giải thoát dân Is-ra-en khỏi ách nô lệ Ai-Cập; nhưng nhất là về cuộc khải hoàn của người Con yêu quí tiến vào vinh quang với Cha Người.

b- Thánh Thể cảm tạ Thiên Chúa về cuộc vượt qua Biển Đỏ như phép rửa “trong làn mây và biển cả”[6]; nhưng nhất là về Phép Rửa giải thoát ta khỏi quyền lực tội lỗi và sự chết, và dẫn đưa ta tới miền đất tự do vĩnh cửu trong Đấng Phục Sinh.

c- Thánh Thể cảm tạ Thiên Chúa về cột lửa soi sáng ban đêm trong sa mạc; nhưng nhất là về Anh Sáng chân thật là Đức Ki-tô soi đường cho những kẻ lạc lối tìm về sự sống trường sinh[7].

d- Thánh Thể cảm tạ Thiên Chúa về Môi-sê, “người đầy tớ trung tín”[8], và là người lãnh đạo cộng đoàn đã được giải thoát; nhưng nhất là về Môi-sê Mới mà Thiên Chúa Cha đã thiết lập làm “chủ trong nhà Ngài và chúng ta thuộc về Người”[9].

e- Thánh Thể cảm tạ Thiên Chúa về mạch nước đem lại sự sống chẩy ra từ tảng đá nơi hoang địa; nhưng nhất là về “mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”[10] do niềm tin vào Đức Ki-tô.

f- Thánh Thể cảm tạ Thiên Chúa về Lề Luật được ban hành vào ngày thứ 50 sau khi dân Is-ra-en ra khỏi Ai Cập; nhưng nhất là về Thánh Thần của Chúa Ki-tô, Lề Luật Mới, được đổ vào tâm hồn ta[11] trong ngày Lễ Ngũ Tuần, tức 50 ngày sau khi Người sống lại.

g- Thánh Thể cảm tạ Thiên Chúa về Giao Ước được ký kết tại Xi-nai; nhưng nhất là về Giao Ước Mới được ký kết trong Máu Chúa Ki-tô.

Tóm lại, Thánh Thể cảm tạ Thiên Chúa về cuộc giải thoát Dân Riêng khỏi ách nô lệ Ai Cập; nhưng nhất là về cuộc giải thoát toàn thể nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết do Đức Ki-tô thực hiện.

26- Thánh Thể là lời cảm tạ về Thời Cánh Chung thế nào? [12]

Lễ Vượt Qua kỷ niệm biến cố dĩ vãng, nhưng đồng thời cũng hướng về biến cố tương lai trong niềm hi vọng tràn trề và đầy phấn khởi, đó là Ngày Cánh Chung, “khi thế gian tới ngày tận cùng của công cuộc Cứu Rỗi… và Vua Mê-si-a sẽ từ trời cao ngự xuống”[13]. Trong ngày được dựng nên cho cõi đời đời ấy, Lễ Vượt Qua hoàn hảo sẽ được long trọng cử hành và Tiệc Vượt Qua sẽ khởi đầu cho một thế giới mới: “Ngày ấy trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, rượu ngon tinh chế. Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, và tấm màn trùm lên muôn nước.Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần. Đức Chúa là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người, và trên toàn cõi đất, Người sẽ xóa sạch nỗi ô nhục của dân Người” [14].

Đó là lời Chúa hứa cho dân Ngài trong Lễ Vượt Qua, và người ta cảm tạ Thiên Chúa về lời hứa ấy trong niềm hi vọng vô biên và đầy phấn khởi.

Lời hứa này cũng được bao gồm trong Thánh Thể, khi Chúa Giê-su hứa, Người sẽ không ăn Lễ Vượt Qua nữa “cho đến khi lễ này được nên trọn trong Nước Thiên Chúa”[15], và Người cũng sẽ “không còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến khi Triều Đại Thiên Chúa đến”[16]. Như vậy, Thánh Thể vừa là bảo chứng cho lời hứa về Thời Cánh Chung, đồng thời vì là Bữa Tiệc Vượt Qua, trong đó người ta cảm tạ Thiên Chúa về lời hứa Cánh Chung này, nên Thánh Thể cũng chính là lời cảm tạ về Ngày Cánh Chung.

27- Thánh Thể là lời cảm tạ đòi hỏi ta phải có những thái độ nào?

Thánh Thể là Lời Cảm Tạ đòi hỏi ta phải có hai thái độ chính sau đây:

a- Trước hết, Thánh Thể mời gọi ta tưởng nhớ và chiêm ngưỡng mọi kỳ công của Thiên Chúa trong công cuộc sáng tạo và Cứu Rỗi; đồng thời nhìn nhận muôn hồng ân cao quí Ngài hằng tuôn đổ xuống trên cuộc đời ta, cũng như trên mọi người và trên toàn thể tạo vật.

b- Tưởng nhớ, chiêm ngưỡng và nhìn nhận mọi kỳ công và muôn hồng ân của Chúa thôi thúc ta phải cảm tạ Ngài từng giây từng phút. Nói cách khác, cũng như trọn cuộc sống của Chúa Ki-tô là một lời cảm tạ liên tục thế nào, và lời cảm tạ ấy được cô đọng lại nơi Thánh Thể ra sao, đó là Người đã hiến toàn thân để cảm tạ Thiên Chúa, thì chúng ta cũng phải dâng lên Thiên Chúa toàn thể cuộc sống của ta, để cảm tạ Ngài về muôn hồng ân Ngài hằng tuôn đổ xuống trên cuộc sống của ta từng giây từng phút như vậy, vì thế, “Phải cảm tạ Chúa khi mạnh khỏe cũng như lúc yếu đau. Phải cảm tạ Ngài khi gặp nghịch cảnh cũng như lúc được may mắn. Phải cảm tạ Chúa về giấc ngủ ngon phục hồi sinh lực,  nhưng  cũng  phải  dùng những đêm trường thao thức mất ngủ để đếm từng ơn lành Ngài tuôn đổ xuống trên cuộc đời ta” [17].


 

[1] Hallel: Tv.136.

[2] Rm.5:12-21.

[3] Rm.8:32.

[4] Ga.3:16

[5] Êp.5:2

[6] 1Cr.10:2

[7] Ga.8:12

[8] Dt.3:5

[9] Dt.3:6

[10] Ga.4:14

[11] Rm.5:5

[12]  Thời Cánh Chung là thời gian sau ngày thế mạt.

[13] Coi: Bài Ca về Bốn Đêm

[14] Is.25:6-8.

[15] Lc.22:16

[16] Lc.22:18

[17] Bernard Haring: The Eucharist and our everyday life, tr. 92


          


 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.