CHƯƠNG 5
THÁNH THỂ LÀ HI LỄ
39- Hi lễ là gì?
Theo nghĩa Kinh Thánh, Hi Lễ là một hành vi tôn thờ Thiên Chúa, được thực hiện qua việc hiến dâng lên Ngài một lễ vật, và lễ vật này thường phải được hủy đi để chuyển sang lãnh vực siêu nhiên của Thiên Chúa.
40- Kinh Thánh đề cập đến những loại Hi Lễ nào?
Kinh Thánh đề cập đến ba loại Hi Lễ chính sau đây:
a- Hi Lễ Thượng Hiến.
b- Hi Lễ Kỳ An.
c- Hi Lễ Đền Tội.
41- Hi Lễ Thượng Hiến là gì?
Hi Lễ Thượng Hiến là hi lễ mà tế vật là một con bò, hoặc con chiên, hay con dê, được đưa lên bàn thờ, rồi hỏa thiêu đi, để khói của lễ vật tỏa lên trước ngai Thiên Chúa. Tế vật phải được hỏa thiêu hoàn toàn, nghĩa là phải được hiến dâng trọn vẹn và không thể phục hồi lại được [1].
42- Hi Lễ Thượng Hiến có những giá trị nào?
Ban đầu, Hi Lễ Thượng Hiến là lễ hi sinh để cảm tạ [2] và cầu xin [3]; Sau đó sách Lê-vi thêm vào một giá trị khác là giá trị đền tội.
43- Hi Lễ Kỳ An là gì?
Hi Lễ Kỳ An là hi lễ hiến dâng một con vật như Hi Lễ Thượng Hiến. Nhưng trong Hi Lễ Kỳ An, tế vật được chia làm ba phần: một phần dành cho Thiên Chúa, một phần dành cho các tư tế, và một phần dành cho những người dâng lễ:
- Phần dành cho Thiên Chúa, thì được hỏa thiêu hoàn toàn.
- Phần dành cho các tư tế, thì các tư tế được hưởng dùng.
- Phần dành cho những người dâng lễ, thì sau khi được dâng trên bàn thờ, mọi người cùng nhau chia sẻ trong bữa tiệc thân ái[4].
44- Ý nghĩa của Hi Lễ Kỳ An là gì?
Hi Lễ Kỳ An với bữa tiệc tiếp theo có một ý nghĩa rất sâu xa: đó là bữa tiệc qui tụ mọi con cái của Cha nhân từ để biểu lộ sự hiệp thông với nhau và với Thiên Chúa.
45- Hi Lễ Đền Tội là gì?
Hi Lễ Đền Tội là hi lễ hiến dâng một tế vật để đền tội cho con người. Trong hi lễ này, vị tư tế dùng máu con vật hi sinh và rẩy bẩy lần trước Màn Thánh Điện[5] ; rồi lấy máu thoa lên các sừng của bàn hương án[6] ; sau cùng, đổ tất cả phần còn lại dưới chân bàn thờ.
46- Máu của con vật hi sinh có giá trị đền tội như thế nào?
Theo quan niệm của Do Thái, một sinh vật sống được là nhờ linh hồn, và máu là nơi cư ngụ của linh hồn. Vì thế máu được coi là chính sự sống của tế vật[7], và có giá trị đến tội, nghĩa là tế vật chết thay cho tội nhân: “Vì mạng sống của xác thịt thì ở trong máu, và Ta, Ta đã ban máu cho các ngươi, trên bàn thờ, để cử hành lễ xá tội cho mạng sống các ngươi. Thật vậy, máu xá tội được vì nó là mạng sống”[8].
47- Thánh Thể là Hi Lễ như thế nào?
Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, bẻ ra, trao cho các môn đệ và phán: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em”[9]. Người cũng cầm lấy chén, trao cho họ và phán: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em”[10]. Sau cùng, Người truyền cho họ: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”[11]. Như vậy, Thánh Thể là tưởng niệm cái chết của Chúa, và cái chết ấy chính là Hi Lễ Thượng Hiến, Hi Lễ Kỳ An và Hi Lễ Đền Tội. Vì thế Thánh Thể quả thực là một Hi Lễ.
48- Cái chết của Chúa Giê-su là Hi Lễ Thượng Hiến thế nào?
Cái chết của Chúa Giê-su là Hi Lễ Thượng Hiến, vì được đưa lên bàn thờ thập giá, và được hủy diệt hoàn toàn, để cảm tạ Thiên Chúa, để cầu xin và đền tội cho nhân loại.
49- Cái chết của Chúa Giê-su là Hi Lễ Kỳ An thế nào?
Cái chết của Chúa Giê-su là Hi Lễ Kỳ An vì Tế Vật được sát tế để trở nên của ăn và của uống cho các con cái thuộc gia đình Thiên Chúa: “Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở trong người ấy”[12].
50- Cái chết của Chúa Giê-su là Hi Lễ Đền Tội thế nào?
Cái chết của Chúa Giê-su là Hi Lễ Đền Tội, vì Tế Vật đã hi sinh mạng sống mình để đền thay tội lỗi trần gian: “Đây là chén máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn dân được tha tội”[13].
Thánh Gio-an cũng quả quyết: “Chính Đức Giê-su Ki-tô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa”[14].
51- Hi Lễ của Chúa Ki-tô gồm những đặc điểm nào?
Hi Lễ của Chúa Ki-tô là:
a- Hi Lễ hoàn hảo.
b- Hi Lễ duy nhất và vĩnh cửu.
c- Hi Lễ đẹp lòng Thiên Chúa.
52- Hi Lễ của Chúa Ki-tô là hi lễ hoàn hảo như thế nào?
Hi Lễ của Chúa Ki-tô là hi lễ hoàn hảo, trước hết vì giá trị vô cùng cao quí của Lễ Vật, tức Con Chiên Thiên Chúa tuyệt đối thánh thiện, vô tì vết, Con Một vô cùng yêu quí của Thiên Chúa: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” [15].
Hi Lễ của Chúa Ki-tô cũng là hi lễ hoàn hảo vì chỉ cần dâng một lần duy nhất cũng khử trừ được mọi tội lỗi của muôn dân khắp nơi và mọi thời, đồng thời thiết lập được Ơn Cứu Độ muôn đời cho toàn thể nhân loại: “Vào kỳ kết thúc thời gian, Người đã xuất hiện chỉ một lần, để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình… Đức Ki-tô đã tự hiến tế chỉ một lần, để xóa bỏ tội lỗi muôn người”[16].
53- Hi lễ của Chúa Ki-tô là hi lễ duy nhất và vĩnh cửu như thế nào?
Khi đề cập đến Hi Lễ của Chúa Ki-tô, tác giả thơ gởi tín hữu Do Thái đã không ngừng lặp đi lặp lại cụm từ “duy chỉ một lần” [17] để nhấn mạnh đến giá trị duy nhất và vĩnh cửu của Hi Lễ này.
Sở dĩ Hi Lễ của Chúa Ki-tô là hi lễ duy nhất và vĩnh cửu, vì chức Linh Mục của Người là chức Linh Mục duy nhất, và Lễ Vật Người dâng có giá trị vô cùng cao quí.
Quả thực, vì linh mục là đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, và Đức Ki-tô là Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại, vì ở nơi Người, nhân tính và thiên tính kết hiệp nên một: “Chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Ki-tô Giê-su, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người” [18].
Người cũng là Con Một duy nhất được Đức Chúa Cha vô cùng yêu thương: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”[19], Người đã hiến mình làm lễ tế dâng lên Thiên Chúa.
Vì bao gồm và thay thế cho mọi hi lễ khác, nên Hi Lễ của Chúa Ki-tô là hi lễ duy nhất và vĩnh cửu.
54- Hi Lễ của Chúa Ki-tô là hi lễ đẹp lòng Thiên Chúa thế nào?
Hi Lễ của Chúa Ki-tô là hi lễ đẹp lòng Thiên Chúa:
a- Trước hết, vì đó là hi lễ hoàn hảo tuyệt đối, bao gồm mọi hi lễ mà nhân loại có thể dâng lên Thiên Chúa.
b- Đó cũng là hi lễ do chính Thiên Chúa ấn định cho Con Một Ngài thực hiện.
c- Sau cùng, vì Hi Lễ của Chúa Ki-tô là hi lễ đẹp lòng Thiên Chúa, nên đã được Thiên Chúa chấp nhận bằng cách cho Người sống lại từ cõi chết và suy tôn Người làm “Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng”[20], đã “đặt Người làm Chúa và làm Đấng Ki-tô”[21], và “đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” [22].
55- Hi Lễ của Chúa Ki-tô đòi hỏi ta phải có những thái độ nào?
Hi Lễ của Chúa Ki-tô là hi lễ duy nhất, trọn hảo và đẹp lòng Thiên Chúa, điều đó không có nghĩa là lễ hi sinh của ta và của toàn thể nhân loại thiếu giá trị và không cần thiết. Thực ra, Lễ Hi Sinh của Chúa Ki-tô cũng bao gồm mọi lễ hi sinh của toàn thể nhân loại. Vì như Người phán: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi đất, tôi sẽ kéo mọi sự lên cùng tôi”[23]. Vì là Đầu của Thân Mình là Hội Thánh, là Trưởng Tử của mọi loài thụ sinh, nên Đức Ki-tô đã kéo toàn thể nhân loại lên với Người khi Người dâng lễ hi sinh trên thập giá.
Do đó, Thánh Thể luôn mời gọi ta liên kết toàn thể cuộc sống với Lễ Hi Sinh của Chúa Ki-tô để “nhờ Người, với Người và trong Người” mà dâng lên Thiên Chúa lễ tế tôn thờ đẹp lòng Ngài như lời Thánh Phao-lô khuyên nhủ: “Vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa, đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người”[24].
Công Đồng Va-ti-ca-nô II cũng khuyên nhủ: “Mọi công cuộc, kinh nguyện và nỗ lực tông đồ, đời sống hôn nhân và gia đình, lao công hằng ngày, sự nghỉ ngơi thể xác và tinh thần, nếu tất cả được thực hiện trong Chúa Thánh Thần, và ngay cả những khó nhọc của cuộc sống, nếu người ta biết kiên trì chịu đựng, thì tất cả đều trở thành hi lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa nhờ Đức Giê-su Ki-tô[25]. Khi cử hành Thánh Thể, những hi lễ này được kính dâng lên Đức Chúa Cha cùng với Mình Thánh Chúa Ki-tô. Như thế, nhờ mọi hành động thánh thiện, người tín hữu trở thành những kẻ tôn thờ Thiên Chúa và thánh hiến thế giới cho Ngài”[26].
Tóm lại, khi tế lễ Thiên Chúa, Hội Thánh dâng hiến chính Hi Lễ của Chúa Ki-tô, nhưng đồng thời cũng bao gồm trong Hi Lễ này trọn cuộc sống của toàn thể nhân loại, mọi hoạt động cùng với những vui buồn, gian khổ và thử thách. Chính vì thế, Thánh Thể luôn là một lời mời gọi và thách đố ta can đảm đón nhận mọi hi sinh gian khổ của cuộc sống và kiên trì trong mọi thử thách, để liên kết với Hi Lễ của Chúa Ki-tô mà dâng lên Thiên Chúa làm lễ tế tôn thờ, cảm tạ, đền tội và cầu xin.
[1] Lv.6:1-6
[2] 1Sm.6:14
[3] 1Sm.7:9
[4] Lv.7:11-15
[5] Màn Thánh Điện: Trong cuộc hành trình nơi sa mạc, dân Do Thái dựng một Nhà Tạm tượng trưng cho sự hiện diện của Chúa giữa dân Ngài. Trong Nhà Tạm này có một bức màn ngăn Nhà Tạm thành hai phần: Bên ngoài gọi là “Cung Thánh”, bên trong gọi là “Nơi Cực Thánh”. Bức màn phân cách hai phần đó gọi là Màn Thánh Điện.
[6] Bàn Hương Án hay Bàn Xá Tội: Hòm Bia Thánh chứa đựng tảng đá có ghi khắc Mười Giới Răn của Chúa được đặt trong Nơi Cực Thánh. Hòm Bia này bị mất tích vào khoảng năm 587 trước Công Nguyên, khi Thành Thánh Giê-ru-sa-lem bị thất thủ (coi: Gr.2:16). Sau thời kỳ Lưu Đày ở Ba-bi-lon, người ta làm một bàn bằng vàng giống như nắp Hòm Bia xưa và đặt trong Nơi Cực Thánh của Đền Thờ. Đó là Bàn Hương An hay Bàn Xá Tội.
[7] St.9:4; Lv.17:11; Đnl.12:16
[8] Lv.17:11.
[9] Lc. 22:19
[10] Lc. 22:20
[11] Lc.22:19; Mt.26:26-29; Mc.14:22-25; Lc.22:14-20; 1Cr.11:23-25.
[12] Ga.6:55-56
[13] Mt. 26:28
[14] 1Ga.2:2
[15] Mt.3:17
[16] Dt.9:26,28
[17] Dt.9:12; 9:26; 9:28; 10:10
[18] 1Tm.2:5-6
[19] Mt.3:17
[20] Rm.1:4
[21] Cv.2:36
[22] Mt.28:18
[23] Ga.12:32
[24] Rm.12:1
[25] 1P.2:5
[26] Hiến Chế về Giáo Hội #34.