Phần I - Chương I - Linh Đạo Là Gì

PHẦN I

LINH ĐẠO CỦA CHÚNG TA:

NHỮNG Ý NIỆM CĂN BẢN

 

CHƯƠNG I

LINH ĐẠO LÀ GÌ?

 

          Khát vọng bẩm sinh của con người là Thiên Chúa và những thực tại cao cả chứ không phải những bận tâm hoàn toàn vật chất (Tv.62). Tuy nhiên, có lẽ do Tội Nguyên Tổ mà tất cả chúng ta đều cảm thấy sự phân hóa nội tại nơi mỗi người, cũng như những chia cách giữa các nhóm mỗi ngày một cách biệt hơn. Bởi thế, trong cuộc sống, chúng ta cảm thấy có những phương diện xem ra đòi hỏi phải được quan tâm hơn phương diện khác, và thường chúng ta sẵn sàng hi sinh mọi phương diện khác để đạt tới điều mong muốn. Chẳng hạn, như chúng ta biết, có những người chỉ nhắm đạt tới một khía cạnh của cuộc sống như: trí thức, xã hội, tài chánh, lạc thú... Tình trạng đó làm cho cán cân của đời sống bị lệch đi. Linh đạo nhằm mục đích giữ cho mọi chiều kích của cuộc sống được cân bằng, hay cho những tương quan giữa khía cạnh của cuộc được hòa hợp với nhau.

          Làm thế nào để có thể thực hiện được điều đó?  Chúa Giêsu đề nghị một đường lối đặc biệt. Người nói với các môn đệ: “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Trời và đức công chính của Người trước, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ cho thêm” (Mt.6:33). Tuy đề nghị ấy có vẻ nghịch lý, nhưng sự thật là nếu chúng ta đặt Thiên Chúa lên trên hết và chỉ tìm kiếm “thực thi Thánh Ý Ngài”, thì tất cả mọi sự sẽ đâu vào đó trong sự hòa hợp thích đáng và trong mối tương quan xứng hợp.

          Thánh Phêrô Giulianô Eymard đã khám phá được điều này trong cuộc Tĩnh Tâm ở Rôma: Ngài hối hận vì đã đặt tầm quan trọng quá đáng vào những việc bề ngoài. Từ đó ngài quyết định sẽ luôn tự hỏi: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?”.

Ngài đã thực hiện quyết định ấy và nhờ thực hành như vậy, ngài đạt tới trình độ linh đạo cao.

           Bước đầu tiên chúng ta có thể thực hành là cố gắng luyện tập thói quen này là: trước khi quyết định điều gì, chúng ta sẽ ngừng lại và cầu xin: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?”. Chúng ta sẽ thực hiện điều đó ở lãnh vực cá nhân cũng như trong lãnh vực hoạt động tông đồ. Trước khi nói với một giáo dân đến xin việc gì, chúng ta hãy thầm thưa với Chúa, Đấng ngự trong Phòng Tiệc Ly Nội Tâm của tâm hồn: “Lạy Chúa, Chúa muốn con nói gì với người này?”. Cũng vậy, trước khi giảng giải, vào thăm viếng một gia đình, khởi sự nghiên cứu học hỏi cá nhân hay họp với Cộng Đồng Kitô Hữu Cơ Bản, v.v.

          Khi chúng ta quyết định thực hành như vậy - đó là trọng tâm linh đạo của Cha E-ma (Eymard), ít nhất là vào những năm cuối đời ngài -, chúng ta đồng thời cũng phát huy một khía cạnh khác của linh đạo mà ngài rất ưa thích, đó là luôn tìm cách “trở nên giống Chúa Giê-su, Đấng đã và đang hiện diện thế nào trước mặt Đức Chúa Cha”. Theo quan niệm của Cha E-ma (Eymard), đó là một trong những khía cạnh để trở nên kẻ tôn thờ đích thực. Theo ngài, kẻ tôn thờ đích thực không nguyên chỉ là kẻ thờ lạy Chúa trong Bánh Thánh, nhưng nhất là trở nên một con người đặc biệt... con người luôn hiến cho Chúa Giê-su “một nhân tính” để Người có thể đáp lại cách tế nhị và nhậy cảm trước những ước vọng của Đức Chúa Cha, kể cả những ước vọng nhỏ bé nhất. Ở đây cũng vậy, Linh Đạo Thánh Thể Canh Tân cũng bao gồm một thách đố, đó là kêu mời chúng ta nhắm vào khía cạnh năng động (dynamic) hơn là tĩnh thái (static) của sự hiện diện thực.


 


 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.