Phần I - Chương II - Linh Đạo Ki-tô Giáo Là Gì

CHƯƠNG II

LINH ĐẠO KI-TÔ GIÁO LÀ GÌ?

 

 

          Linh đạo chúng ta theo là một Linh Đạo Ki-tô giáo. Như vậy vấn đề được đặt ra là: “Người ki-tô hữu là gì? Ai là người ki-tô hữu?”. Có thể đặt vấn đề cách khác: “Người ki-tô hữu khác với người ngoài kitô giáo thế nào?”, hoặc: “Yếu tố nào biến linh đạo của ta thành linh đạo ki-tô hữu?”.

          Chương trình của Thiên Chúa bao gồm hết mọi người sinh ra trong trần gian. Và theo chương trình này, hay theo Thánh Ý Chúa, thì mỗi người phải phản ảnh bản chất nội tại và đời sống tình yêu của Thiên Chúa. Đó là ý nghĩa câu: “Chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa”. Do đó, ơn kêu gọi của mỗi người là trở thành một cá vị yêu thương, và theo bản năng, mỗi người đều biết và thể hiện như vậy, ít nhất theo một mức độ nào đó. Tuy nhiên, người ki-tô hữu được đặc ân nhận biết những bí nhiệm trong kế hoạch của Thiên Chúa (Mc.4:10-11; Eph.1:3-10). Ý thức rõ về ơn kêu gọi này, người ki-tô hữu đã dấn thân (khi chịu Phép Rửa) để sống theo ơn kêu gọi ấy, và trong khi sống như vậy, họ trở nên dấu chỉ cho những người khác. Bởi thế, người ki-tô hữu yêu thương cách ý thứctheo mẫu mực của Chúa Ki-tô, nghĩa là yêu thương tới mức độ bẻ nát thân mình ra để hiến cho người khác khi Ngài nói: “Hãy cầm lấy mà ăn, đây là Mình Ta được hiến cho các ngươi”.

          Như vậy cách thức yêu thương của người ki-tô hữu phải vượt trên cách thức của người ngoài ki-tô giáo, nếu không, làm sao người ki-tô hữu có thể trở thành dấu chỉ được?: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và biệt phái, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt.5:20; Đọc:Mt.5:21-48 đặc biệt câu 48).

          Giáo Hội, dấu chỉ của tình yêu (hay cộng đoàn các ki-tô hữu yêu thương) nhằm mục đích phuc vụ nhân loại, hay: “Giáo Hội vì người ta, chứ không phải người ta vì Giáo Hội”. Bởi thế, bản chất nội tại của Giáo Hội được so sánh như muối, ánh sáng và men (Mt.5:13-14; 13:33). Mỗi yếu tố này đều không tồn tại cho mình, nhưng cho những sự vật khác. Bản chất của chúng là gây ảnh hưởng, là tác động trên ngoại vật, là biến đổi sự vật tiếp cận. Vì thế, ơn kêu gọi của người ki-tô hữu cũng là một tấm gương phản chiếu tình yêu đích thực của Chúa Ki-tô, một tình yêu sẵn sàng hiến mạng sống mình vì bạn hữu. Nói cách khác, theo định nghĩa, người ki-tô hữu là người không sống cho mình, nhưng cho Chúa Ki-tô và cho người khác (Coi: Kinh Tiền Tụng của Kinh Nguyện Thánh Thể II).

          Trong 1Cor.3:1-5, Thánh Phao-lô khiển trách giáo đoàn Cô-rin-tô vì thái độ gây chia rẽ của họ, đó là thái độ trần tục (unspiritual), tầm thường, hoàn toàn tuân theo những khuynh hướng của người phàm. Đó không phải là thái độ của Thần Khí hay thái độ ki-tô hữu (nghĩa là không giống như của Chúa Ki-tô). Thái độ của người ki-tô hữu đòi phải vượt lên trên những nhỏ nhen tầm thường. Như vậy, linh đạo ki-tô hữu đòi hỏi người ta phải yêu thương cách đích thực và vị tha, không theo cảm xúc, hứng thú và tưởng tượng, hoặc chỉ bằng lời nói xuông mà không được thể hiện bằng hành động dấn thân cụ thể, người ki-tô hữu phải có thái độ hi sinh và tự hiến mình cho một trật tự cao hơn.

          Dựa vào căn bản trên, Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô nói với chúng ta rằng, hành vi yêu thương của ta không nguyên chỉ nhắm vào những việc bề ngoài mà thôi, nhưng phải phát xuất từ tâm hồn: “Hỡi con, hãy dâng tâm hồn con cho Cha”, đó là hành vi mà kẻ tôn thờ đích thực phải thực hiện và phải hiến trọn con người mình cho Chúa để Người hoàn toàn xử dụng khi ta thưa với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?”. Kẻ tôn thờ đích thực phải luôn cố gắng thực hiện những việc biểu lộ tình yêu hơn. Người ấy sống Thánh Thể bằng cách bẻ nát thân mình ra vì người khác, nhờ việc hiến thân đầy vị tha, theo một cách thức phi thường, không miễn cưỡng hay không toan tính, nghĩa là không so sánh những gì cho đi với những gì người khác đáp lại, nhưng hoàn toàn tự nguyện. Hãy nhớ lại lời Cha E-ma (Eymard) nói: “Trong Thánh Thể, Thiên Chúa hoàn toàn ban mình Người cho tôi, vì thế qua Thánh Thể, tôi cũng muốn hiến thân trọn vẹn cho Người”.

 

MỘT VÀI CÂU HỎI

ĐỂ SUY TƯ

 

* Trong thực hành:

          - Trong cuộc sống hằng ngày, tôi có thường nghĩ đến người khác và quên mình không?

        - Tôi có thành thực và nghiêm túc đặt những nhu cầu, ủi an và lợi ích của người khác lên trên của tôi không?

        - Tôi có thực hiện những hành vi ấy cách phi thường để chúng trở nên những dấu chỉ cho người khác không? Hay chỉ khi nào những hành vi ấy hợp với ý thích của tôi hay thuận lợi cho tôi mà thôi?

         - Tôi có ý thức rằng tôi phải nói thứ ngôn ngữ mà mọi người trong nhóm hỗn hợp có thể hiểu được không?

* Theo một góc cạnh khác:

          Ý nghĩa của linh đạo ki-tô giáo không gì khác hơn là: cố gắng trở nên con người hoàn toàn và sống động. Vậy:

          - Tôi có cố gắng tìm mọi cách để lớn lên trong Chúa Ki-tô không?

          - Phải chăng sự phát triển con người của tôi chỉ nhắm vào một phương diện duy nhất, chẳng hạn: nghiên cứu, học hỏi, công cuộc mục vụ...?

           - Tôi đã học được những kỹ năng nào để phục vụ người khác cách hữu hiệu hơn?


 


 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.