CHƯƠNG II - QUA ĐƯỜNG CHÔNG GAI TỚI CHỨC LINH MỤC

CHƯƠNG II

QUA ĐƯỜNG CHÔNG GAI TỚI CHỨC LINH MỤC

 

Lửa hồn

        Ở Laus về, Giulianô nài xin Cha sở cho rước lễ mỗi ngày Chúa nhật. Đó là nguồn an ủi và sức sống giúp Giulianô can đảm nuôi "lý tưởng linh mục", bất kể gian nan thử thách.

        Ông Eymard vẫn không đổi lòng, tuy không bướng bỉnh, nhưng rất khó chịu khi nghe ai bầu cử cho con, dù ai đó là linh mục.

        Cần hiểu hoàn cảnh để thông cảm với ông. Ngoài tình thương không muốn xa con, ưng thuận cho con vào trường La tinh là phải đài thọ học phí. Trong khi ấy, từ lúc ông lang thang với hai bàn tay trắng, đến nay có một nghề và cơ sở để gia đình sinh sống, Giulianô đã không nghĩ đến công sức của cha mà nối nghiệp, lại còn toán tính đi xa cũng như bắt ông phải  đóng học phí... thì làm sao ông chịu nổi? Đồng tiền liền khúc ruột, mà con thì lại chính là tim, là hy vọng, là lẽ sống của ông.

        Có người nói: Được Chúa nhìn đến gia đình mà chọn con mình thì khác nào như xưa Chúa đã chọn David để làm vua dân Do Thái. Ông trả lời: “Chúa dạy con cái thảo kính cha mẹ”. Mà thảo kính gồm cả phụng dưỡng. Tôi đã vất vả nuôi con, nay nó phải ở nhà phụng dưỡng cha mẹ khi về già. Không có luật nào Chúa bảo phải cho con đi tu. Thôi để tôi yên, đừng nói nữa. Và ông bảo Giulianô: “Con muốn cho bố mẹ yên, thì đến xưởng dầu làm việc đi”.

        Những lời bố nói như nước lạnh xối vào lòng, nhưng nhờ rước lễ luôn, Giulianô vẫn giữ vững chí nguyện lẫn tin tưởng vào Chúa. Đun lâu nước lạnh cũng phải sôi, vững tin, chướng ngại lớn mấy cũng tan dần.

Lòng mẹ

        Phải là một thiếu phụ đã vuốt mắt ba đứa con đầu, và phải mong đợi lâu ngày khi sinh đứa con út, mới hiểu tình mẫu tử của bà Eymard đối với Giulianô. Nhưng bà càng yêu con hơn khi thấy con ngoan, hăng hái trên đường mến Chúa, yêu người. Bà cũng muốn con làm linh mục. Bà coi đó là hạnh phúc lớn cho con, cũng là ân huệ vô giá cho mình. Bà nghĩ: làm linh mục, đời con mình sẽ có giá trị trước mặt Chúa và hữu ích cho đồng loại hơn tất cả công nghệ trên đời. Với bà, dâng mình làm linh mục là bảo đảm hạnh phúc đời đời cho mình, và có thể mưu hạnh phúc cho kẻ khác một cách tích cực hơn. Với những tư tưởng ấy bà nhìn Giulianô như viên ngọc quý. Nhưng càng quý con, bà càng đau lòng khi không thể uốn được lòng chồng. Trước sự độc đoán của chồng, bà chỉ ngậm ngùi. Nói ra, sợ gia đạo mất an hòa. Nhịn chồng nhưng thương con khắc khoải chờ mong. Tôi nhận mình làm mẹ mà không giúp được con toại nguyện.

        Tuy bà ước ao cho con làm linh mục, nhưng không bao giờ trực tiếp bảo, hay khuyên con dâng mình cho Chúa.

           Bà chỉ ca tụng chức linh mục là đặc ân Chúa ban cho nhân loại. Khi tiếp xúc hoặc nói đến các linh mục, bà tỏ ra tôn trọng để làm gương cho con. Khi Giulianô ngỏ ý muốn làm linh mục, bà bảo con: "Muốn làm linh mục phải trong trắng, quảng đại, bác ái và dễ dàng tha thứ cho người mất lòng mình. Muốn làm linh mục không được ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình và những điều  mình ưa thích. Làm linh mục phải biết cầu nguyện và cầu nguyện luôn, ngoài ra còn phải biết nhẫn nại cả với Chúa và với mọi người".

          Chị Maria cũng luôn luôn khuyến khích em bền chí bằng tất cả những gì chị có thể làm được.

          Đã có mẹ hiểu lòng, lại được chị nâng đỡ, Giulianô thấy mình không cô đơn, càng thêm vững tin vào tương lai.

Tự học La văn

        Mặc dầu bố cương quyết từ chối, Giulianô vẫn hy vọng. Vâng lời cha giải tội, cậu không tỏ dấu gì bề ngoài trái lệnh bố mà chỉ nhẫn nại chờ ngày Chúa định đoạt.

        Giulianô xin mẹ được một chút tiền, cậu nhờ bạn học mua lại cuốn văn phạm La văn, nhờ họ chỉ cách học. Tuy không bỏ hay chểnh mảng công việc, nhưng mỗi khi rảnh lại chúi đầu vào sách. Cố nhồi cho thật nhuyễn cách chia mấy đại tự mẫu.

          Người làm công cho ông Eymard, vì cảm mến tính tình Giulianô, nên nhiều khi che đậy hoặc làm thế công việc, để cho cậu có thời giờ dùi mài kinh sách.

         Đi từ nghề rèn dao, đến xưởng ép dầu, ông Eymard đã tậu thêm được cả đàn bò sữa và cánh đồng cỏ. Ông giao bây gia súc cho Annetta và Giulianô coi. Thật là cơ hội may mắn cho Giulianô, Tiếng là đi chăn bò, nhưng chỉ việc lùa bò vào cánh đồng, rồi tìm gốc cây tựa mình, đắm đuối vào cuốn văn phạm La văn. Thỉnh thoảng ngẩng đầu nhìn xem có cô bò nào đi xa quá thì chạy đi lùa chúng về, rồi lại chúi đầu vào "ego sum" hay "nos habemus".

         Nhưng khổ nỗi: “Không thầy đố mày làm nên”, la văn đâu phải thứ tiếng dễ mà tự học được cách mau chóng. Giulianô phải nhờ một thầy sinh viên thần học nghỉ hè tại La Murc giảng bài và sửa bài cho.

         Một hôm, không ngờ thầy ấy đi vắng, Giulianô cứ quen lệ thường vui vẻ ôm sách đến. Vô phúc gặp ngay ông thân sinh của thầy, thấy Giulianô quần áo loang lổ vết dầu, ông lườm lên giọng: "Cái thằng này nhớp nhúa và sặc hơi dầu, từ nay không có đến đây nữa nghe", rồi ông đóng sập cửa lại.

        Thật là nhục nhã! Nhưng cho đó là dịp để tập đón nhận mọi thử thách xỉ nhục. Giulianô ra về không chút giận hờn.

Phải quyết một phen

         Ngày qua tháng lại, Giulianô đã 18 tuổi. Ông Eymard bàn tính với bà tìm bạn đường cho con. Thấy đã đến lúc phải quyết, nên Giulianô cầu xin Đức Mẹ Maria tiếp cứu. Rồi đem hết can đảm thưa bố: "Thưa bố, trí con đã quyết làm linh mục. Con đã tự học La văn, xin bố cho con tiếp tục theo chương trình trung học, con không lấy vợ, không bao giờ ..." Ông Eymard giận lắm, nhưng nhờ bà Eymard và chị Maria khuyên can, nên ông cũng nguôi. Và có lẽ vì tuổi đã già, lại thấy con đứng đắn, tận tụy với công việc, người làng xóm đều yêu. Chính ông cũng không phải phiền trách gì con, nên lần này ông không quá phũ phàng, cấm đoán, mà chỉ vặn hỏi: “Vào trung học, lấy tiền đâu mà lo cho mày? tiền đâu mà đài thọ học phí?”

        - Thưa bố, con sẽ xin học bổng.

        - Không nghe tao thì thôi. Muốn làm sao thì làm. Liệu được học bổng thì học, không thì đừng đòi hỏi tao gì nữ.

        Thường mỗi năm, xã cấp ba học bổng cho học sinh nghèo. Đơn của Giulianô được hội đồng xã chấp thuận nhưng Ông giám đốc trường tỏ ý khinh bỉ. Cho là gia đình Eymard hà tiện, cướp Cơm chim. Ông bắt Giulianô phải trả bằng sức lao động gấp trăm lần. Cứ giờ chơi thì mấy anh được học bồng phải làm việc như lao công trường : quét phòng, dọn rác, thu nhà vệ sinh v,v... Với Giulianô ông càng hành hạ và xử đối rẻ mạt để làng nước biết rằng: đó là bọn giàu nhưng hà tiện, cướp học bổng của trẻ nghèo đấy.

        Tiếng xì xào đến lại ông Eymard, ông cố chịu nhưng qua một năm, bực không để đâu hết, ông lôi con về và cấm: "Không có học hành gì nữa, phải làm mà ăn thôi".

        Các linh mục trong xứ cũng nghi ngờ ơn kêu gọi của Giulianô, cho cậu là có đầu óc kiêu căng, cứng cổ, háo danh. Mà các cha đã bảo thế thì ai chẳng tin. Ngoài mẹ và chị Maria, Giulianô bị mọi người chỉ trích. Vừa tủi nhục vừa buồn phiền, nhưng Giulianô vẫn không sờn lòng.

May mà rủi

        Đang lúc ấy có cha Desmoulins tuyên úy trường trung học tỉnh, có việc qua La Mure nghe biết chuyện Giulianô. Phần thương đứa trẻ có chi, mà không gặp người nâng đỡ, phần thì cha đang  cần có người coi nhà nguyện, Gặp ông Eymard, cha nói: "Nếu Giulianô bằng lòng lo việc nhà nguyện và làm đôi chút việc vườn thì tôi sẽ dạy La văn cho cậu" thật là một dịp may hiếm có, Giulianô bằng lòng theo cha và ở với cha lại trường St. Rober cách Grenoble 6 cây số.

        Công việc quả không có gì nặng nhọc, cha Desmoulins cũng thật lòng yêu thương muốn giúp đỡ Giulianô, nhưng cha hay phải đi đó đây luôn. Họa hiếm cha mới giúp Giulianô được một vài giờ La văn. Bù lại, cha có tủ sách đầy đủ, Giulianô cố lợi dụng những sách song ngữ Pháp - La để học hỏi được ngần nào hay ngần ấy.

        Đã 18 tuổi rồi mà học còn dở dang. Càng nghĩ Giulianô càng tủi phận gần như thất vọng.

        Nhưng những tủi sầu bên trong đã làm sôi động nhưng thử thách bên ngoài. Nhà cha Da Memoulins lại ở sát trại cải hóa thiếu nữ trụy lạc, Hàng ngày Giulianô phải thấy những chương tai gai mắt do cách, ăn mặc lố lăng, cử chỉ gợi tình của họ. Cậu chán ngấy, cậu viết thư thở than với chị Maria:

        "Nói rằng ở đây em sầu khổ thì chị buồn, mà nói không là nói dối. Giá có ai bầu bạn thì cũng đỡ, nhưng nào có ai đâu. Em cầu xin Chúa đưa em ra khỏi cảnh hỗn loạn ghê tởm đang bao bọc chung quanh em. Cầu nguyện nhiều cho em. Trước những cảnh trụy lạc, sa đọa của đời. Không cầu nguyện cho em, em giữ mình sao nổi."

        An ủi độc nhất cho Giulianô tại đây là nhà nguyện. Có dịp qua lại, cậu thường ngừng lại đôi ba phút trước Nhà Tạm để trút cho Chúa mọi nỗi đắng cay chua xót, mọi thử thách, mọi yếu đuối của mình.

Mất mẹ

        Xa nhà, người con hiếu vẫn không quên bóng dáng mẹ hiền. Nhưng một ngày vào đầu tháng 8 năm 1828, Giulianô thấy ông giám đốc trường đón chàng, bùi ngùi đưa hung tin: “Mẹ em mất rồi, chia buồn cùng em". Như sét đánh, như trời sập đất tan. Giulianô run rẩy, chân đứng không vững, tay buông xuôi để giỏ rau mới hái rơi vãi tung tóe. Ráng hết sức chạy vào nhà nguyện quỳ trước ảnh Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, nức nở cầu khẩn: "Mẹ Maria, từ nay con chỉ có Mẹ là Mẹ con. Xin Mẹ hãy nâng đỡ dắt dìu cho con làm linh mục". Rồi vội vàng trở về La Mure để nhìn mặt mẹ yêu lần cuối cùng.

        Nhưng đau đớn thay ! chàng đến đầu làng thì việc an táng mẹ cũng vừa xong. Trông thấy bố từ nghìn địa về, Giulianô chỉ kêu lên được một tiếng "bố", rồi buông mình rơi vào hai cánh tay ông.

        Ông Eymard cũng ngậm ngùi: "Bố mong con. Con không trở lại Grenoble nữa chứ? Thôi ở nhà với bố, đừng xa bố nữa".

        Trong hoàn cảnh ấy, không thể giải quyết cách khác được. Không thể bỏ bố hiu quạnh lúc này. Giulianô nói không nên lời, chỉ ứa nước mắt gật đầu, mà lòng thì ngao ngán sầu thương. Để bố quên đau buồn, cậu lại đến xưởng ép dầu bầu bạn với ông.

Một tia sáng

        Lúc này Giulianô đã quá 18 tuổi. Có thể chàng bị gọi tòng quân bất cứ khi nào. Vậy đi lính hay chọn nghề. Chứ hoàn cảnh này còn học hành gì nữa. Hy vọng đang tàn, thì may mắn thay ! Các cha dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm về giảng tuần đại phúc ở La Mure. Cha Gilbert, sau này là lông Y Tổng Giám Mục Paris, làm đoàn trường. Ngài là một linh mục trẻ, hoạt bát, được thanh niên tín nhiệm. Giulianô cũng đến gặp riêng cha, để trình bày cho biết nguyện vọng và hoàn cảnh của mình. Cha bảo: “Nếu anh muốn vào tập viện của chúng tôi tại Marseille, tôi sẽ giới thiệu anh, và thế nào cũng xuôi".

        - Nhưng thưa cha, bố con không nghe đâu.

        - Ông sẽ nghe chứ, để rồi xem.

        Trước khi kết thúc tuần đại phúc, cha tìm đến tiệm mài dao của ông Eymard. Ông niềm nở đón cha. Suốt tuần đại phúc, ông không bỏ một bài giảng nào của cha, và tỏ vẻ kính phục cha lắm.

        Tuần đại phúc ấy quả đã gây ảnh hưởng lớn cho ông, cũng như đã đổi mới nhiều người. Ông nói: “Nhờ cha và các cha, con cảm thấy lòng mình khác trước đôi chút”. Cha Gilbert vui vẻ nói thêm:

        - Khác trước tức là tốt hơn trước phải không. Ông vốn tốt nhưng ông còn có thể tốt hơn nhiều.

        - Thưa cha, con làm sao mà tốt được. Con chỉ biết lần này con được thỏa mãn, và chắc Chúa cũng thỏa mãn với con.

        - Đừng nói thỏa mãn. Chưa đâu, ông đã dâng cho Chúa thiện chí, hãy chứng minh thiện chí bằng việc làm.

        - Việc gì cơ ạ ?

        - Việc này này - Cha chỉ Giulianô – Ông dâng nó cho Chúa đi. Chúa muốn ông làm quà cho Chúa chính con ông.

        Thấy lộ liễu quá. Giulianô bỡ ngỡ nhưng cũng vui. Còn ông Eymard thì hết hứng, buồn run cả người lên. Trong trí ông hiện lên nấm mồ vợ chưa khô, con lại toan bỏ thân già cô quạnh. Ông ấp úng: Không ... không ... Con đã già, cửa nhà vắng nó sẽ trở nên hiu quạnh, nó ngoài 18, gần 19 tuổi rồi, còn học hành chi được. Rồi ông im lặng để hai dòng lệ tuôn rơi trên nếp má nhăn nheo.

        Nhưng cha Gilbert chưa tìm được lời an ủi thì ông đã tiếp: “Nếu đó là ý Chúa, vâng con xin dâng”. Ông không nói gì thêm được, nhưng tiếng nức nở của ông đủ nói lên ông vui lòng hy sinh cái gì ông yêu quý nhất đời.

Đời tập sinh

        Mọi trở lực đã tan biến để được thong dong theo tiếng Chúa gọi, Giulianô cảm thấy bồn chồn. Lúc ra đi lòng càng ngổn ngang trăm mối buồn vui, lo và mừng - buồn vì xa bố, xa chị. Vui vì được toại lòng mong ước. Lo vì để bố già sức yếu cho 2 chị săn sóc, không biết rồi sẽ ra sao. Mừng vì thấy bố đã làm một việc hy sinh thật anh hùng. Giữa lúc tang vợ còn để giá lạnh tâm hồn mà lại can đảm chia ly với con yêu. Mừng vì cử chỉ của ông đã đáp lại nguyện vọng của mẹ. Tiếc rằng mẹ không còn đó để vui.

        Đến tập viện ngày 7 tháng 6 năm 1829. Giulianô được mặc áo dòng sau một tháng. Đổi tên Louis Gonzague.

        Bản tính đạo đức và nhiệt thành. Nhưng trước đây, nhiều khi tự áp dụng đường tu đức sai nguyên tắc. Nay được sửa chữa lại và sống trong môi trường thuận tiện, biết phương thế để vững tiến trên đường thánh đức, nên lòng Giulianô như được tràn ngập Chúa Thánh Thần. Hy sinh nay đối với Giulianô không có nghĩa là để bắt thân xác chịu khắc khổ như trước, mà là một phương tiện để đạt đức ái : Mến Chúa và yêu người. Đức mến của Giulianô tập trung vào lòng sùng nến Chúa Giêsu ngự trong phép Thánh Thể. Cùng với Chúa Giêsu và nhờ Người, Giulianô thờ lạy yêu mến Chúa Cha. Nhờ Người cùng với Người, yêu thương tha nhân. Nếp sống Tập viện thật êm đềm, mà tâm hồn tập sinh thì hăng say. Ba mươi năm sau nhớ lại những ngày đó, Giulianô viết: "Nhờ những ngày ở Tập viện Marseille tôi đã nhận định được: Nhiệm tích Thánh Thể là trung tâm, là tình yêu của đời tôi".

Một bài học

        Để đào tạo một tâm hồn, Chúa dùng đủ mọi phương thế, khi thì dịu dàng, lúc lại cứng rắn. Có khi Chúa lại để cho những tâm hồn ấy làm những điều sai lạc, hầu sau đó họ biết tự hạ và có kinh nghiệm hơn mà chí báo cho người khác một cách sáng suốt hơn.

        Giulianô thấy mình lớn tuổi mà học hành còn dở dang, cho nên đã tính chuyện cướp thời gian, vì vậy khi nghĩ rằng tất cả các ngăn trở cũng như những chướng ngại giờ không còn nữa, thì giờ đây tha hồ mà học. Vì quá chăm chú, say sưa học tập, nên Giulianô đã mắc chứng đau đầu, kém ăn mất ngủ... Cha giáo tập cũng thiếu sót chỗ đó, nên đã không biết kịp thời và hướng dẫn cụ thể.

        Do đó, sức khoẻ của Giulianô mỗi ngày một giảm, rồi dẫn đến chỗ đau nặng và liệt giường. Bác sĩ sợ còn nhiều trở chứng bất ngờ khác, có thể lây sang những người bên cạnh, nên bảo phải cấp tốc gửi bệnh nhân về gia đình ngay.

        Đường xa gần 300 cây số, xe ngựa bánh gỗ lọc cọc trên con đường gập ghềnh, người khoẻ còn mệt huống chi là người bệnh! Về tới La Mure, Giulianô nằm mê mệt chờ tử thần đến. Trong khi mê sảng, thầy hay nói: “Con chỉ xin Chúa cho con được dâng Thánh Lễ lấy một lần, chỉ cần một lần thôi...”

        Thấy bệnh tình con mỗi ngày một trầm trọng, ông Eymard xin cha sở lên hiệu chầu Mình Thánh Chúa cầu cho con được ơn chết lành. Vừa lúc đó Giulianô tỉnh dậy, chị Maria âu yếm bảo em: “Ở nhà thờ vừa khởi sự giờ thánh cầu nguyện cho em đấy.” Giulianô ứa nước mắt, im lặng. Một lát thầy nói như trong giấc mơ: “Phải rồi, có thể chứ, em sẽ làm được linh mục và dâng thánh lễ, Chúa Giêsu chúc lành cho em – em cảm thấy khoẻ rồi.” Tưởng Giulianô nói sang người coi bệnh nhân bảo: “Ở nhà thờ người ta đang cầu nguyện cho thầy” Giulianô trả lời: “Hay lắm, người ta cầu nguyện cho tôi. Hay, hay lắm.”

Vẫn một chí nguyện

        Nếu không phải là một phép lạ thì cũng là một ơn đặc biệt Chúa ban. Kể từ lúc đó, Giulianô bớt đau nhức, bớt mỏi mệt, dần dần ngồi lên, đi lại được. Khi đã bình phục hẳn, thầy lại quay vào sách vở, nhưng lần này rút kinh nghiệm Giulianô học hành có điều độ hơn. Để giải trí, cậu tập chơi vĩ cầm, thỉnh thoảng cùng hai chị hát những bản dân ca nhẹ nhàng. Cảnh gia đình buồn tẻ từ ngày mẹ mất nay đã trở lại đầm ấm, ông Eymard nhìn các con: trai thì đọc sách ngâm thơ; gái thì quay sợi dệt tơ trung hoà lời ca, làm cho lòng ông khuây khỏa. Thấy con vẫn nuôi chí làm linh mục, ông cũng không tỏ ý phản đối nữa, tuổi già sức yếu, tính tình ông trở nên dịu dàng. Việc làm ăn và mối bận tâm về tiền bạc không còn chi phối ông như xưa. Lòng ông giờ đây hướng về những việc đạo đức, về các công việc từ thiện, cũng như sẵn sàng chờ ngày Chúa gọi về nơi mà hai người bạn đường yêu quý và các con đã kế tiếp nhau đi trước, đang chờ đợi ông, để cùng nhau vui hưởng phúc trường sinh.

        Hạnh phúc trần gian duy nhất của ông khi đó là sống với các con. Tuy Annetta là con nuôi, nhưng trong tình cha con, anh chị em thì không có phân biệt chi. Ngày ngày, ông cùng với các con cầu nguyện chung, ngày Chúa nhật thì đóng cửa cả nhà cùng đi lễ với nhau. Lễ xong, cha con thường rủ nhau đi thăm viếng một vài người thân quen trong làng.

        Nhìn vào cảnh đầm ấm đó, có người vội trách yêu Giuliano: Được như cậu là nhất rồi, cha con yêu thương, kính nể nhau; chị chẳng khác gì mẹ hiền, gia sản bố tạo lập được tuy chằng giàu có gì, nhưng cũng còn hơn cả vạn người; thôi đừng đi tu nữa, ở nhà lập gia đình cho ông có tí cháu nội, mai này các chị cũng lập gia đình, thì còn có người phụ với mình săn sóc cha già...

        Giulianô không nghe những lời ấy, chỉ mỉm cười bỏ qua, nhưng trong lòng thì không ngớt cầu xin Chúa cho người ta hiểu được giá trị của đời linh mục. Để họ không còn lấy hạnh phúc trần gian mà so sánh: trước hết là hạ giá chức linh mục, sau đó là làm suy giảm thiện chí của những người được gọi dâng mình cho Chúa để ra đi loan báo Tin Mừng tình yêu bao la của Chúa, cũng như phục vụ mọi người.

Tang cha

        Cảnh gia đình Giulianô sống êm đềm, hạnh phúc không kéo dài được bao lâu, bất thình lình ông Eymard đau nặng. Mặc dầu tuổi đời của ông chưa tới thất tuần, nhưng ba phần tư đời sống là long đong vất vả, là đau buồn triền miên vì tang vợ, tang con kế tiếp nhau, vì vậy, sức đã mòn, thuốc thang cũng vô công hiệu. Vừa đau liệt giường, ông Eymard hiểu ngay: ngày Chúa đến đó đã gần kề, Ông bình tĩnh sửa soạn tâm hồn và lãnh các bí tích sau hết một cách sốt sắng. Điều ông hối hận hơn cả là đã phản đối mãnh liệt ơn kêu gọi của Giulianô, đối với Chúa như thế là quá hẹp hòi, đối với Giáo Hội là ích kỷ, đối với vợ con là làm khổ họ một cách vô ích, nay ông xin dâng đời sống, để chuộc lại những sai lầm xưa kia.

        Để an ủi bố, ba chị em thay nhau ở gần người. Giulianô tìm những bài Thánh Kinh, nhất là Phúc Âm đọc cho bố nghe, làm ông được an lòng và phấn khởi trong tâm hồn. Chúa nhân lành đã ban cho ông ơn an ủi bề trong một cách dồi dào, trên nét mặt ông luôn hiện rõ niềm vui, khiến những người đến thăm đều cảm kích nói với nhau: “Những người luôn trung thành với đức tin thì cái chết đối với họ không có gì đáng sợ đáng lo”.

        Ông nhắm mắt lìa đời trong cánh tay Giulianô ngày 03 tháng 03 năm 1831

Tiếp tục chí nguyện

        An táng bố xong, cả ba chị em đều cảm thấy nhà mình rộng quá, lạnh quá! Một nỗi buồn mênh mông làm người nọ cảm thấy cần người kia hơn bao giờ hết. Chị Maria thì tình nguyện hy sinh đời mình lo cho hai em; Annetta thì nguyện sống chết không rời chị Maria mà cô coi như người mẹ kế, còn Giulianô thì sao? Ý nguyện của cậu ai cũng rõ. Nhưng những chướng ngại đã hết, tình lưu luyến và đức hiếu thảo cũng không còn là một vấn đề đáng kể; hơn nữa trước lúc nhắm mắt lìa đời, bố đã chẳng tỏ ra hối hận vì đã ngăn cản cậu đó sao? Như thế tiếp tục chí nguyện có thể coi đó là cách đền tạ cho bố, là làm thỏa lòng mẹ, và cùng làm vui lòng hai chị, Giulianô mong rằng: Thánh lễ đầu tiên sẽ là thánh lễ dâng lên Chúa để tạ lòng mẹ đã dắt dìu nâng đỡ, để xin Chúa tha tội cho bố vì đã chống lại thánh ý Người. Giulianô chỉ còn một điều bận tâm lớn là: Không lẽ bố vừa mất, lại để hai chị thân gái bơ vơ sao, như thế có bạc tình, bạc nghĩa chăng? Nhưng chị Maria đã không cản, mà còn bảo em: “Không nên chần chừ làm gì, cần thực hiện hướng đi em đã định”,

Hướng về đâu?

        Trước tiên Giulianô muốn trở lại Marseille để trở thành linh mục thừa sai dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm, nhưng sức thì yếu làm sao theo được nếp sống khắc khổ ấy; thầy quyết định xin vào chủng viện Grenoble làm linh mục triều.

        Cha David, giám đốc đại chủng viện nhận đơn, và đòi hai điều kiện:

1. Một thư giới thiệu, chứng nhận hạnh kiểm cá nhân và gia đình do cha sở cấp.

2. Phải chịu sát hạch, để xem năng lực có đủ sức theo môn triết học không.

        Điều thứ nhất tuy dễ mà khó, cha xứ vốn không có thiện cảm với Giulianô lắm,và ngài cũng không cần tìm hiểu về con người của thầy. Đối với Cậu, có người khen thầy nhân đức, nhưng ngược lại, có người phê bình là: tính kỳ cục! Cha sở nghiêng về dư luận đó hơn. Đàng khác, có lần vì lòng ngay và vì lòng kính mến đối với các linh mục, Giulianô thật thà thưa với cha sở ít điều người ta dị nghị về các cha trong họ. Cha sở nghe được thì lại nghĩ khác: Cha cho đó chính là do Giulianô đã dựng chuyện, bày đặt ra, chứ mọi người vẫn tín nhiệm các linh mục. Chuyện tuy chỉ có hai người biết, vậy mà chỉ vài ngày sau, khi các bà già gặp Giulianô đã thấy bỉu môi nói kháy với nhau: “Ông thánh đấy, học thì chẳng nên thân, tu thì không thành, chỉ được cái tài hay là xét nét các cha, chia rẽ các cha với giáo dân...”

        Vịn vào những lời kết luận đó, cha sở đã hững hờ lại càng trở nên lạnh nhạt với Giulianô. Khi Giulianô vào xin giấy chứng nhận để được đi học, cha trả lời: “Việc của anh cần phải có thì giờ tìm hiểu, vị tất đã xuôi!”

        Giulianô buồn rầu, trở về nhà với một sự mặc cảm không sao quên được. Bởi vì, nếu cha sở cấp giấy thì chắc chắn sẽ có câu: “Chúng tôi không bảo đảm về hành vi của người này”.

        Vài ngày sau giấy giới thiệu của cha sở được gửi tới nhà, chị Maria linh cảm có điều chẳng lành đối với Giulianô, nên lén mở ra coi trước. Quả thật đúng như vậy! Cha sở cho Giulianô là một đứa vô dụng, chẳng hy vọng làm nên trò trống gì... Tìm gặp em, chị Maria nói: “Cha sở đã gửi thư giới thiệu đến cho em, theo chị, em đừng trình giấu này cho cha giám đốc đại chủng viện, cha sở không hiểu em, nên ngài không muốn cho em làm linh mục”. Nói rồi chị bỏ thư vào bếp lửa. Nghe xong, Giulianô tái xanh cả mặt mũi... nhưng rồi sau đó tự an ủi mình: “Đã có Chúa lo gì”. Cả hai chị em liền đến quỳ trước ảnh Đức Mẹ Maria và xin Đức Mẹ thương giơ tay nâng đỡ, dìu dắt những kẻ cô đơn, tuyệt vọng.

Dù ai nói ngả nói nghiêng

        Ngày tựu trường đã đến, mặc dầu giấy giới thiệu không có thuận lợi, Giulianô cũng nhất quyết lên đường, vì vững tin rằng: Chúa sẽ làm những việc mà mình không thể nào tự lo liệu được. Tuy vậy khi bước ra khỏi nhà, Giulianô cảm thấy lòng vắng lạnh, buồn tê tái hơn bao giờ hết, chẳng khác gì bãi tha ma! Trên đường đi, chàng dừng chân ở một nhà thờ, đến trước ảnh Đức Nữ Vương các Thánh Tông đồ mà dâng phó tương lai mình cho Mẹ Maria nhân lành. Khi thấy lòng đã bình tĩnh, ấm lại, Giulianô liền tiến bước thẳng tới chủng viện.

        Lửa thử vàng, gian nan thử đức, Chúa dùng gian nan không chỉ để thử mà còn dùng để tinh luyện những con người Chúa yêu, Khi con người không còn bám víu vào sự nâng đỡ của người thế gian, mà lòng họ không thể nào lay chuyển được, lúc đó chính Chúa ra tay.

        Quả là thế, Giulianô vừa ra khỏi cửa nhà thờ thì gặp ngay cha Mezenod, vị sáng lập dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm, sau này là Đức Giám Mục thành Marseile. Chính cho hai năm trước đã nhận cậu vào tập viện. Vừa nhìn thấy Giulianô, cha nhìn ra ngay, không để Giulianô kịp chào, cha đã giang hai tay ôm lấy thầy và hỏi:

        - Ủa! sao con lại ở đây? Con vẫn còn giữ áo dòng à?

         - Dạ, con chưa bao giờ có ý định bỏ áo dòng.

        Rồi Giulianô kể lại tất cả những gì đã xảy đến trong cuộc đời từ khi vì đau ốm bỏ tập viện về La Mure và cho đến giờ này: những lo lắng đang chi phối con người của cậu. 

        Nghe xong cha bùi ngùi thông cảm bảo cậu:

        - Không sao, có Chúa lo, con đi theo cha, cha sẽ giới thiệu con với cha Giám Đốc, khỏi cần giấy tờ chi. Và như làm cho bầu khí vui lên, cha hóm hỉnh nói: Cha sẽ nói cho cha Giám Đốc biết tất cả cái xấu mà cha biết về con. 

        Được có người hiểu thấu lòng mình, Giulianô phấn khởi theo cha Mazenod vào chủng viện...

        Nhưng còn điều kiện thứ hai là phải sát hạch. Nếu căn cứ vào việc học hành của Giulianô mà đoán thì chẳng có hy vọng gì! Vậy mà, trái lại Giulianô đã đạt kết quả khả quan.

Một chủng sinh gương mẫu

        Ban Giám Đốc chủng viện đã có một buổi nhận xét về các tân chủng sinh niên khóa 1831 – 1832: cha David Giám Đốc, cha Ferroy giám học, cha Gay quản lý và các giáo sư khác tất cả đều là linh mục hội Xuân Bích. Đối với Giulianô hội đồng nhận định: dáng điệu nết na, có khiếu thông minh và đạo đức, hướng về chiêm niệm, nhưng sức khoẻ yếu, sợ rằng chí không bền.

        Ngoài việc học hành, Giulianô được trao phó nhiệm vụ phụ trách phòng thuốc và phòng bệnh. Cha giám đốc bảo: “Vì đau yếu như con, con đã có kinh nghiệm về nhu cầu của bệnh nhân, con sẽ hiểu biết cần phải săn sóc người đau như thế nào”.

        Quả vậy, Giulianô đã không phụ lòng tin tưởng của bề trên. Với tư cách dịu dàng phát sinh từ đức ái, với lời ăn tiếng nói nhỏ nhẹ, tận tâm, thầy đã làm cho các bệnh nhân tin tưởng và một lòng trông cậy, phó thác vào Chúa, mà không còn cảm thấy bệnh tật là một khổ đau nữa.

        Năm thứ nhất thần học, học về ân sủng, một vấn đề trừu tượng và có thể nói được là một phần khó nhất trong tín lý. La - văn của Giulianô lại chỉ là La-văn thiếu thực tập, không đủ để lãnh hội tư tưởng một cách dễ dàng. Lúc đầu thật là vất vả tiếp thu, lại thêm nay ốm mai đau, phải bỏ học nhiều lần. Nhưng tin tưởng vào ơn Chúa, Giulianô không ngã lòng.

        Tất cả mọi sự, thầy đều phó thác cho Chúa Giêsu Thánh Thể, chỉ ít lâu sau, nhờ quen tai, quen tiếng, quen kiểu trình bày của giáo sư, Giulianô đã tỏ ra lanh lợi và sáng suốt hơn, lại có trí nhớ và chăm chỉ hơn người, nên cuối năm, Giulianô đã đứng vào hàng nhất trong lớp.

        Tuy thế, thầy không bao giờ tự phụ, trái lại thấy càng khiêm nhường hơn. Kỳ tĩnh tâm niên khoá 1832 – 1833 thầy đã ghi lại mấy dòng:

        - Không được tự phụ vì có tài ăn nói trôi chảy trong lớp.

        - Không được nhắc người bên cạnh, hay tranh thưa những câu hỏi khó.

        - Bài trừ tham vọng được nổi danh. Hãy nhớ học vì Chúa, cho danh Chúa.

        - Với mọi anh em, thầy rất đơn sơ, tự nhiên. Với bề trên hay với các giáo sư thầy không câu nệ, nhưng thực tình yêu mến kính tôn.

        Những tư cách đó không phải là tự nhiên mà có, nhưng là do luyện tập, hay do chiến đấu để tự chủ mà không tự phụ mà có, tự trọng mà không tự tôn, yêu tha nhân mà không phiền lụy những người chung quanh.

        Trong nhật ký thầy tự nhận xét:“Tôi có cảm tưởng được mọi người yêu quý, vì những việc lặt vặt mình giúp họ, ngoài ra còn được bề trên tin tưởng. Do đó nhiều khi bị cám dỗ: bầu chữa cho người nọ, bệnh để cho người kia, với lý do là anh em giúp nhau nên thánh, giúp nhau thi hành nhiệm vụ..., nên muốn kết thân tình với vài người. Thật là nguy hiểm, tôi cần phải chấm dứt ngay.”

        Niên khoá 1832 – 1833, thầy được cử làm ý tá trưởng trong chủng viện: Bác sĩ riêng của chủng viện khen thầy tận tâm, có lòng bác ái, khéo chân khéo tay và nhất là khéo cả miệng lưỡi đối với bệnh nhân.

        Về phương diện siêu nhiên, Giulianô được coi là có tâm đạo, vì thầy rất trung thành với luật sống riêng và trọng kỷ luật chung. Nơi thầy có tính tình dễ thương, tư cách dịu dàng, được bạn bè kính nể và các cha giáo yêu quý. Đặc điểm của thầy là: Đơn sơ, tươi vui và đáng mến.

        Linh mục Magenin là người cùng trường là bạn học và sống lâu hơn cha Eymard 30 năm, thường kể với mọi người rằng: “Khi còn là bạn học với nhau, tôi thấy cha Giuliano Eymard có nhiều nét thánh thiện. Không bao giờ tôi nghĩ người sẽ là thánh, nhưng người đã sống ra vẻ thanh lắm.”

Mùa chơi

        Mỗi năm mùa hè về, các thầy chủng sinh được về nghỉ hè nơi nhà cha mẹ, và được cha sở đón tiếp như những người con yêu quý của họ đạo, nên tự nhiên các thầy được mọi người kính nể và tín nhiệm. Riêng Giuliano thì ngược lại, vì như chúng ta đã biết các cha đều phản đối việc thầy gia nhập đại chủng viện. Nhưng sau này, dần dần thấy tư cách, nếp sống của thầy, lòng mọi người đều phải đổi. Thầy đã làm gì trong mùa hè? Ông Lucien Pellat xã trưởng La Mure nói: “Cả làng chúng tôi ai cũng qua tay ông ấy. Cho nên, cứ mỗi năm đến độ hè về, ai cũng mong được gặp thầy Giuliano, vì thầy khéo giải thích các nghi lễ, cũng như khéo tổ chức các cuộc học hỏi.” Vì vậy, ai cũng chịu ảnh hưởng của thầy Giulianô. Họ trao đổi với nhau:

        - Không ngờ Giulianô ngày nay lanh lợi hoạt bát đến thế?”

        - Đạo đức nữa chứ!

        - Đã hẳn rồi, cậu ta là sinh viên thần học cơ mà.

        - Thế nào làng ta nay mai cũng có một ông cha nữa.

        Họ nói vậy vì La Mure trước đó đã có nhiều linh mục.

Nhập hàng Tư giáo

        Đời Giulianô từ nhỏ tới nay đã trải qua nhiều thăng trầm. Nhưng chí nguyện trước sau vẫn là một: “Dâng mình làm linh mục thánh”. Vậy không cần phải nói đến những việc xảy ra trong mấy năm tại chủng viện, nếu có nghe nói ai khen thầy cũng là điều dĩ nhiên.

        Một tâm hồn thật tình yêu mến Chúa và chân thành với anh em, tất yếu sẽ phát sinh một điều linh thiêng, dịu dàng đáng kính yêu. Vì vậy, có thể nói được rằng: đời chủng sinh là một cuộc đời tốt đẹp nhất. Này nhé, cảnh yên tĩnh, nên thơ của chủng viện, và các thầy lại chỉ chuyên chăm làm các việc lành phúc đức. Thật thế, các chủng sinh phát xuất từ các gia đình đạo đức, lương thiện, đến đây cùng theo đuổi một lý tưởng, cùng tiến trên con đường đạo đức, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Dĩ nhiên công việc học hành chiếm nhiều thì giờ, đến nỗi trong các câu chuyện thường ngày, khi nói với nhau cũng chỉ nói đến các câu chuyện có đề cập đến môn thần học tín lý, luân lý. Ngoài ra, các Đấng Bề trên lại sẵn sàng gánh vác tất cả những gì có thể làm bận tâm hoặc khuấy động đến cuộc đời của các chủng sinh.

        Vì vậy, gọi đời của các chủng sinh là quãng đời an vui nhất của cuộc đời, tưởng cũng không ngoa.

        Những dòng này, chỉ ghi lại vài ngày mà bất cứ một chủng sinh nào cũng quý mến, sửa soạn, tận hưởng và nhớ lâu dài.

      Thầy Giulianô chịu chức cắt tóc ngày 17 tháng 03 năm 1832 do Đức Giám Mục Bruollard GM Hrenoble và ngày 16 tháng 06 năm ấy lãnh đủ các chức nhỏ.

        Một năm sau ngày 23 tháng 03 năm 1833 thầy nhận chức phó tế.

      Ngày 21 tháng 07 năm 1833, thầy được, thấy được lên hàng phó tế, và kể từ đây, thầy luôn luôn được thi hành chức vụ. Nếu thầy hân hạnh được đứng gần bàn thờ thì chắc Chúa vui mừng biết bao, vì tâm hồn thầy khi đó không chỉ gần mà còn kết hợp với Chúa một cách thiết tha, thiết tha như thánh Phaolô đã nói: “Chẳng phải tôi sống mà là Chúa sống trong tôi”.

Năm sau cùng tại chủng viện

        Công việc học hành năm sau cùng này thật là bận, lại thêm , những môn phải thực tập nữa: Như giảng thuyết trong nhà thờ hay tập giảng trong phòng hội, trước mặt các giáo sư và anh em,ngoài ra còn phải đọc kinh nhật tụng chung với nhau, nên thời gian đi rất mau... Nhưng đối với tâm hồn thầy Giulianô như đóa hướng dương, thầy hoàn toàn tập trung vào thánh lễ và nhiệm tích Thánh Thể.

        Trái với điều người ta tưởng là thầy sung sướng và thảnh thơi lắm! nhưng càng đến gần ngày chịu chức linh mục, thầy càng lo sợ. Không phải thấy sợ cái sợ “mâu thuẫn”, vừa muốn lại vừa không; cái sợ làm điên đảo lòng thầy đây chính là cái sợ: kiếm củi ba năm thiếu một giờ! Sợ nhỡ ra có ngăn trở hay bệnh hoạn mà không được chịu chức... sợ sự bất xứng của mình; sợ ngày mai trong đời linh mục không biết làm gì cho cân xứng... Tâm trạng của thầy lúc đó giống như tâm trạng của Thánh Phanxicô Salêsiô run rẩy trước ngày lãnh chức linh mục, vì những trách nhiệm vô hình của chức vụ Thánh. Thầy Giulianô còn sợ chức linh mục có thể là có cho mình mất hạnh phúc đời đời, vì những dịp tội gần; vì không chu toàn được sứ vụ; vì tính yếu đuối bản thân... Trong nhật ký tuần tĩnh tâm dọn mình lãnh chức linh mục thầy viết: “Một hỏa ngục dành riêng cho linh mục bất trung. Tôi có vào số đó chăng?.”

        Có thể nếu tôi không cương quyết, thẳng nhặt đối với tôi và cố gắng tiến mãi.

        Có thể nếu tôi cầu nguyện ơ hờ, thiếu khiêm tốn.

        Có thể nếu tôi coi tình nghĩa ở đời là lẽ sống, và tha thiết với trần gian hơn với Chúa.

        Có thể nếu tôi thiếu can đảm tỏ ra mình là linh mục của Chúa.

        Có thể nếu tôi ngại hy sinh... 

        Một trong hai điều phải chọn: 

        - Tôi muốn được hưởng ơn cứu độ.

        - Hay tôi muốn bị án phạt đời đời xa Chúa?

        Sở dĩ thầy có những tâm tư quá bi quan như vậy là vì thầy hiểu sứ vụ linh mục là một chức thánh, đòi con người linh mục phải thánh - Nghĩa vụ linh mục cũng đòi hỏi bản lĩnh của một Đấng Thánh - Thầy muốn lên thánh, mà lại sợ không có can đảm tiến lên. Thầy sợ mình còn xa đàng thánh thiện, hơn nữa thầy còn tự khám phá ra trong nội tâm mình còn một căn bệnh, người ngoài không biết đã đành, mà chính mình nếu không nhờ ơn Chúa thì càng khó biết hơn. Thầy ghi trong sổ tay:

        - Chi tử tế với phỉnh nịnh. 

        - Khen người khác để chinh phục nhiều người khen mình.

        - Tính tự nhiên vẫn muốn được nổi danh, nhưng cho rằng muốn làm ích cho người ta, linh mục phải có thần thế và danh dự.

        - Đó là một hình thức háo danh và rất tế nhị. Phải triệt để khử trừ.

        Thêm vào những nhận xét trên, một chuyện xảy ra đã làm thầy nghĩ ngợi lâu ngày: Theo tập tục của hội Xuân Bích thời đó, các chủng sinh đi đứng phải trang nghiêm; lúc ra ngoài cũng đội mũ vuông, cử chỉ phải khoan thai, không ngả nghiêng, đầu hơi chúi về phía trước.

        Một hôm, vào giờ yên lặng, các thầy đang tản bộ trong hành lang, Giulianô ngang nhìn các bạn trong bộ áo dòng đen, đầu đội mũ ba khía, trông xa như các chai rượu champagne di động, mà cái nút lại lệch. Tính tinh nghịch nảy ra, thầy Giulianô nhón gót lại gần thấy Baret, người cùng làng, chớp lấy cái mũ của bạn rồi chạy. Bị tước lột mũ thình lình, thầy Baret phản ứng không suy nghĩ, rượt theo ngay, kẻ chạy người đuổi làm nhộn khắp nhà. Cha giám đốc thấy ồn ào, ra coi: Cha không ngờ là Giulianô, người cha vốn tín nhiệm! thường đề cao cho các thầy noi gương nay lại là thủ phạm. Bị mời vào phòng, cha giám đốc cảnh cáo nhẹ nhàng, nhưng đối với thầy thật thấm thía. Sau đó, mỗi lần nghĩ đến chuyện này, thầy lại giật mình và thầm ước mong được làm linh mục trong chốn thâm u tĩnh mịch để không vô tình nêu gương xấu cho một ai. .

Tĩnh tâm và thụ phong linh mục

        Tâm trí còn chưa an thì ngày chịu chức đã gần kề. Buổi tối áp ngày thụ phong linh mục, thầy viết vào sổ tay:

        - Sẵn sàng chết ngày sau thánh lễ đầu tiên.

        - Triệt để khử trừ tính kiêu ngạo.

        Ngày 20 tháng 07 năm 1834 tại nhà thờ chính toà Grenoble, thầy Giulianô được Đức Giám Mục Bruillard trao sứ vụ linh mục. Từ đó người ta không còn gọi thầy là Giulianô nữa mà gọi là cha Eymard.

        Cha Eymard không để lại bút tích nào về cảm tưởng của những ngày trọng đại đó. Theo người ta kể lại, thì ngày đó cha Eymard có vẻ cảm động lắm; Ít nói, không muốn gặp ai, hầu như suốt ngày cha ở trước nhà Tạm, âm thầm sống với Chúa Giêsu Thánh Thể. Người ta chỉ thấy gương mặt cha đăm chiêu, lộ vẻ hân hoan thánh thiện, vì được chìm đắm trong tình yêu của Chúa.

Lễ mở tay

        Được thụ phong linh mục rồi, cha Eymard chưa dâng thánh lễ mở tay ngay, vì cha muốn những ngày đầu đời linh mục của mình phải là những ngày sống thân mật với Chúa Giêsu.

        Vì thế, không như ở nhiều nơi khác, các tân linh mục thường bị gia đình, bà con lôi cuốn vào các cuộc đón tiếp rầm rộ, yến tiệc linh đình; nên thay vì qui hướng mọi sự về Thiên Chúa trong bối cảnh thánh thiện buổi ban đầu, để tạ ơn Chúa, chúc tụng Ngài, thì các tân linh mục lại bị biến thành cái định cho các đại tiệc, và nhất là làm đối tượng cho các bài chúc khen, ca ngợi, ở đây, ở đó... Trong dịp này, các ngài được tặng nhiều quà mừng, có những tặng phẩm rất có giá trị vật chất hoặc nghệ thuật cao, nhưng lại không thích hợp, hay giúp ích cho sứ vụ linh mục. Nhất là từ đó phát sinh những tình cảm liên hệ qua đi đáp lại, giữa linh mục và những người có ơn nghĩa hay còn gọi là ân nhân hoặc là tình nghĩa thiêng liêng để hàng năm sau đó, linh mục phải đáp lễ, tặng quà để trả ơn trả nghĩa trong những dịp quan, hôn, tang, tế phức tạp... chẳng khác gì ngoài đời, điều này nếu không cẩn trọng, rất có thể có hại cho thanh danh linh mục, nếu không muốn nói là sẽ gây buồn tủi cho thân nhân của chính linh mục! Vì phải lịch sự với người ngoài mà quên để ý đến cha mẹ, anh chị em những người thân thiết của mình.

        Nên ngay từ buổi chiều ngày chịu chức linh mục, cha Eymard đã tìm đến Osier, nơi được gọi là trung tâm Thánh Mẫu do các cha dòng Tận Hiến Thánh Mẫu quản nhiệm, đây chính là dòng mà đã có thời cha Eymard được nhận vào tập viện ở Marseille.

        Trong những ngày ở đó, hầu như suốt ngày cha Eymard thinh lặng ở trước nhà Tạm, tâm sự với Chúa Giêsu, để duyệt xét lại những điều cha mơ ước và quyết tâm trong suốt những năm học thần học, cha đúc kết lại thành chương trình hoạt động cho đời linh mục; cha sẽ dâng chương trình ấy với tất cả ý nguyện trong thánh lễ mở tay.

        Cha dâng thánh lễ mở tay trong nhà nguyện dâng kính Đức Mẹ ở tu viện Osier ngày 22 tháng 07 năm 1834 nhằm ngày lễ kính thánh nữ Maria Madalêna.

        Cha không mời cũng không báo tin cho một ai, dù là với hai chị thân yêu; để giữ luật phụng vụ, cha chỉ xin hai người bạn thân đã có thời gian cùng ở tập viện Marseille là cha Daisy và cha Guides giúp.

        Tuy vậy không có một ai trách cha, hay than phiền cha, vì đó là thói quen của các tân linh mục ngày xưa. Thánh Gioan Vianey khi chịu chức, dâng lễ mở tay cũng vậy.

        Sở dĩ cha Eymard chọn nhà nguyện này để dâng lễ tạ ơn đầu tiên, là vì chính nơi đây Đức Mẹ đã lay chuyển lòng một người tin lành quá khích trở lại, và biến anh trở thành một người tổng đồ nhiệt thành truyền bá lòng lân tuất của Chúa đối với trần gian. Người viết: “Đối với tôi không thể có lòng tôn sùng Thánh Thể Chúa một cách chân thực, nếu không nhờ Đức Mẹ hướng dẫn”.

        Sau đó cha ngỏ ý muốn vào tu lại trong dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm, nhưng các cha trong dòng đã lấy tình bạn mà can ngăn: “Sức khoẻ của cha như thế không hợp với đời sống khổ hạnh!”.

        Cha định ở trọ lại tu viện để vừa tĩnh dưỡng, vừa chờ thư bổ nhiệm, và chính tay Đức Giám Mục Giáo Phận viết cho cha: “Cha yêu quý, tôi rất mong cha mạnh lại để sửa soạn đi làm phó một giáo xứ. Cha đừng ngại, nơi tôi chọn cho cha là nơi có khí hậu thật trong lành, nhưng cha sở của cha có một tính tình tốt hơn khí hậu nữa...”

Tình ruột thịt

        Vì lo cho sức khoẻ của cha Eymard không mấy khả quan. Chị Maria đã bạo dạn đến xin Đức Giám Mục Giáo Phận Grenoble cho cha Eymard được về quê tịnh dưỡng, để chị Maria có dịp bồi dưỡng, chăm sóc cho cha trước khi lên đường thi hành nhiệm vụ.

        Xét thấy quả là điều hợp lý và rất cần cho cha Eymard, Đức Giám Mục Giáo Phận đã cho cha Eymard được về quê nghỉ ngơi ba tháng. Thật là quá điều mong ước, làm cho hai chị của cha vui mừng không kể xiết, ngoài ra cả cộng đoàn giáo xứ La Mure cũng vui mừng thêm.

        Phần cha Eymard, tuy muốn được làm mục vụ ngay, nhưng vì cảm thấy sau năm học cuối cùng vừa qua bận tối mặt, thêm phần lo lắng, nên sức khoẻ có phần sa sút, lại nữa hai chị đã bao năm qua thay cha mẹ lo lắng cho em, nên cha đã về sống với hai chị để tỏ lòng biết ơn.

        Và cha Eymard đã lợi dụng cơ hội này để cầu nguyện, để tự học hỏi thêm những điều cần thiết cho sứ vụ trong tương lai. Cha đã biến mái ấm gia đình thành cung thánh để bồi dưỡng tâm linh.



© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.