CHƯƠNG III
Đời Linh Mục
Lên đường thi hành sứ mệnh
Ít ngày trước kỳ tĩnh dưỡng chấm dứt, cha Eymard đã nhận được thư tòa Giám Mục, cũng chính tay Đức Giám Mục viết:
Grenoble ngày 17 – 10 – 1834 “Cha yêu quý,
Nghỉ lâu có thể chán rồi, vậy cha thu xếp hoặc thứ ba, muộn lắm là thứ tư cha đi nhận nhiệm vụ làm cha phó họ Chatte hạt Marcellin.
Chúa muốn cha tập sự tuy quyền một cha sở rất tốt, trong một cánh đồng phì nhiêu.
Cầu chúc cho nên một ngọn đèn sáng và mong cha sẽ làm thỏa mãn những hy vọng tôi đặt nơi cha.”
Lời thư vừa thân ái vừa minh bạch, vắn tắt mà chỉ rõ nhiệm vụ. Không thôi thúc mà khích lệ, nên mặc dầu lòng còn lưu luyến bậc dòng, cha Eymard cũng thấy được phấn khởi cất gánh lên đường.
Giáo xứ Chatte
Chatte thuộc quận Isère, là một làng bám vào sườn núi đổ thẳng xuống một thung lũng phì nhiêu và ngoạn mục. Khí hậu trong mát, khung cảnh êm đềm, dân số không quá 2.000 người, tính tình thì đơn sơ chất phác, nói chung là sùng đạo. Nhà thờ cổ kính, nhưng sạch sẽ và yên tĩnh, ban ngày lúc nào cũng có người đến cầu nguyện.
Cách nhà thờ chừng 15 thước là nhà cha sở nằm yên tĩnh giữa một khuôn vườn cây ăn trái.
Khung cảnh là thế, cha sở lại đúng như lời Đức Giám Mục đã nói trong thư: “Một cha sở có tính tình tốt hơn khí hậu nữa”. Thiết tưởng đối với một tân linh mục đi làm phó, không có đâu lý tưởng hơn.
Ngày Chúa nhật đầu tiên sau khi cha đến nhận nhiệm sở là ngày 26 tháng 10 năm 1834, cha sở mời cha Eymard hát lễ trọng thể để giới thiệu cha với giáo dân. Và từ ngày đó, cha Eymard chính thức bắt tay vào việc.
Mang tiếng là đến đó vừa tập sự vừa dưỡng sức, nhưng vì giáo dân đông lại nhiệt thành, họ ra vào với cha luôn luôn, để bàn hỏi nhiều điều, kể cả những vấn đề kinh tế xã hội. Nói chung là cha đã phải cống hiến cho giáo dân không những sức khoẻ mà cả thời giờ.
Cha sở để cha Eymard tự do hoạt động, và chấp thuận hầu hết những sáng kiến và các đề nghị của cha. Vì thế nếu cha Eymard còn dành lại được chút thì giờ nào thì chỉ là thì giờ ban đêm, khi mọi người đã về nhà hết. Và cha dùng thời giờ đó để học hỏi thêm về tín lý luân lý và tu đức, nhưng nhất là để cầu nguyện. Đối với cha, cầu nguyện là tìm ơn soi sáng, là dưỡng sức thiêng liêng, là giữ quân bình cho tâm hồn, là mưu ích thực sự cho giáo dân.
Thời khoá biểu
Ai trong giáo xứ cũng đều biết cha Eymard là người thức dậy sớm nhất, và đến nhà thờ trước mọi người. Một giờ trước khi cha dâng thánh lễ, có việc cần lắm cha mới tiếp xúc với người khác. Không những cha rất chú trọng và vận dụng mọi khả năng tinh thần vật chất để dâng thánh lễ một cách tử tế, mà còn cả việc sửa soạn trước hay thầm lặng với Chúa.
Cha cũng rất quan tâm và coi trọng thời giờ sau thánh lễ là bổ ích cho mình.
Những người tham dự thánh lễ cha dâng đều ca tụng tư cách, điệu bộ sốt sắng và trang nghiêm của cha. Họ có cảm tưởng như trông thấy một vị Thiên Thần trước bàn thờ. Những người đã có dịp hân hạnh được tham dự thánh lễ cha Gioan Vianey dâng thì quả quyết: “Cha Eymard dâng lễ như cha sở họ Ars vậy, chả khác tí nào”. Có người khác thì cho rằng: “Có lẽ ông ấy đã trông thấy Chúa?”
Cha Eymard cũng thận trọng, sửa soạn các lời chia sẻ trong Tin Mừng, bằng cầu nguyện suy gẫm nhiều hơn là lo chú trọng tới việc gọt giũa câu văn. Mỗi khi có dịp nghe cha giảng, người ta có cảm tưởng như là đang được hứng lấy một dòng suối ngọt, ấm từ tâm hồn cha tuôn ra.
Hễ thấy đông người dự lễ, dù là ngày thường, cha Eymard cũng giảng giải, hay trình bày cách thực hành một đôi câu sau Phúc Âm.
Mỗi khi chiều về, luôn luôn có một số người khi đi ngang qua nhà thờ, họ thường để vật dụng: cuốc xẻng, thúng mủng bên ngoài rồi vào trong nhà thờ. Và cha chờ sẵn họ, mời họ bước tới gian cung thánh, cha nói đôi ba lời giúp họ thêm lòng tin, cậy, mến Chúa Giêsu Thánh Thể. Lời cha nói trong những dịp đó như tên lửa làm họ cảm thấy ứng nghiệm lời Chúa: “Hỡi những ai lao nhọc gồng gánh nặng nề, hãy đến với Ta, Ta sẽ nâng đỡ và bồi dưỡng cho”.
Những ngày Chúa nhật, sau giờ kinh chiều, thường có một số giáo dân ở lại gẫm đàng thánh giá riêng, cha liền tập họp họ lại biến việc đạo đức ấy thành một nghi thức đền tạ. Cha lên tòa giảng diễn giải và hướng dẫn họ suy gẫm về “Con đường khổ giá của Chúa là con đường tình thương”. Có nhiều lần cha cảm động nói không lên lời, những lúc ấy đã gây ảnh hưởng sâu đậm vào tâm hồn giáo dân, làm nổi bật hình ảnh một tình yêu bị hất hủi. Do đó họ nguyện đền tạ Chúa thay cho bao người hững hờ, hoặc tệ hơn là tội lỗi mà không chịu hồi tâm trở về.
Tòa giải tội cũng là nơi cha hoạt động có hiệu quả nhiều và được giáo dân tín nhiệm. Nhiều tâm hồn đã được cha thúc đẩy tiến rất xa trên đường thánh thiện và đã hiến dâng mình cho Chúa. Những người cha hướng dẫn vào đời tu phần đông đã bền đỗ đến cùng.
Dạy giáo lý cho trẻ em là việc cha để hết tâm hồn và thời gian bao nhiêu có thể, soạn bài dạy, cầu nguyện trước khi vào lớp. Tính cha nhiệm nhặt mà trẻ thì ồn ào khó bảo, đã vậy lại còn đãng trí, tinh nghịch... nhưng cha vẫn một lòng nhẫn nại, giữ nét mặt hiền từ và ăn nói dịu dàng. Cha nương nhẹ nhưng cương quyết bài trừ những thói xấu và không dè sẻn lời khuyến khích khi thấy trẻ tỏ ra có thiện chí, có hiểu biết và phục thiện. Đối với những đứa rắn mày cứng mặt, cha thường gặp riêng trong phòng thánh, hay đến tận nhà chúng, không phải để nạt nộ, đánh mắng, cáo cha mẹ chúng, nhưng là tỏ ra yêu thương, thực tình muốn điều hay cho chúng, muốn chúng được Chúa yêu và mọi người nể phục. Với cung cách đó, bao giờ cha cũng thành công, tuy nhiên nó đòi hỏi cha phải nhẫn nại và quên mình nhiều. Ngoài ra, cha còn lo lắng cầu nguyện cho các trẻ ấy giữ được tâm hồn trong trắng và vững tin nơi tình Chúa yêu thương.
Cha còn thương cách riêng những trẻ em nghèo. Cha sở Chatte đã gọi cha Eymard là “Ông thủng túi”, vì chẳng mấy khi cha giữ được đồng xu cho tới chiều. Cả dân trong làng đều đồn tiếng rằng cha Eymard thương yêu và rất rộng rãi đối với người nghèo. Khi cha Eymard không còn tiền thì cha cho họ đồ dùng tuỳ theo nhu cầu của họ. Đến nỗi, người lo bếp núc và đồ đạc riêng cho cha, cứ thấy lâu lâu khi thì mất cái quần, lúc khác mất cái áo... Bà chỉ còn cách bỏ áo quần của cha vào tủ riêng khoá lại, khi nào cha cần dùng thì bà mới mang ra.
Việc chung trong giáo xứ cha không bao giờ xử sự vượt quyền cha sở. Cha sở giao công tác nào, cha cũng làm chu đáo. Việc nào thấy cần mà không thấy ai lưu ý thì cha khiêm tốn trình bày ý kiến, và để tuỳ ý cha sở định đoạt, chứ không tranh làm. Nhưng một giáo xứ đông dân như Chatte trừ khi nhắm mắt để hưởng nhàn chứ còn công việc thì đâu có thiếu.
Để vừa hoạt động vừa trau dồi kiến thức, tại phòng thánh, nơi bàn làm việc bao giờ cha cũng có:
- Một bộ Kinh Thánh dẫn giải.
- Một bộ sách Summa Theologia của thánh Tômasộ.
- Một bộ sách luân lý của thánh Anphongso.
- Một sách bài giảng.
- Một cuốn sách lịch sử Hội Thánh.
Cha chủ tâm nghiên cứu nhất là thơ Thánh Phaolô, cha gọi thơ gửi cho giáo dân côlôsê là sách toát lược bí quyết làm con người mới.
Để giải trí cha thường đọc các sách về địa lý, vật lý học...
Không như người khác phác hoạ chương trình cho đẹp rồi để đấy, cha Eymard bao giờ cũng cố gắng thực hành những điều người đã quyết tâm. Tuy vậy vì lương tâm hơi ngặt, cha luôn khắt khe với mình. Cha viết trong nhật ký:
“A! Dòng giống Satan màu ngại khó nhọc, sợ nghèo nàn, sợ bị khinh chê... Ta sẽ cho mày nếm khổ hạnh... rồi mày coi, ta sẽ trị màu thắng tay, ta sẽ bắt màu nhịn đói... Xem ai thắng.
Phải tiến, tiến với bất cứ giá nào, nếu không thì sẽ bị tiêu diệt.”
Nói là làm, cha Eymard đã dại dột áp dụng lối sống khắc khổ với mình, hay nói đúng hơn là đã áp dụng một cách thiếu hiểu biết, nên chỉ ít lâu sau, cha bị chứng nhức đầu, phải bỏ dở nhiều công việc và còn bị khai huyết. Bác sĩ buộc cha phải thôi ăn chay, đánh tội và mặc áo nhặm.
Cải tiến nếp sống
Mặc dù bận rộn trăm ngàn công việc, cha vẫn không bỏ lý tưởng trở thành “con người mới”. Cha nghĩ bằng cách này hay bằng cách khác: linh mục phải nên giống Chúa Kitô. Cha viết: “Sống cả ngày trong nhà thờ , không nên. Nhưng đời linh mục phải là đời sống cho Giáo Hội. Chúa Giêsu luôn luôn ngự trong tôi để mỗi ngày lại sinh ra trên bàn thờ. Tay tôi cũng phải là bàn thờ cho Con Chiên Thiên Chúa đến ngự giữa trần gian.”
“Phúc thay và ngàn lần phúc thay cho ai chỉ mến Chúa Giêsu vì Chúa Giêsu. Chỉ lấy Chúa làm phần thưởng của tình yêu. Chỉ lấy làm vinh dự và hân hạnh khi được phục vụ và yêu mến Chúa một cách vô tư.”
“Phúc thay và ngàn lần phúc thay, cho ai biết tự giam mình với Đấng tự giam mình trong phép Thánh Thể vì yêu ta. Dù là giáo dân hay linh mục, đời sống vẫn phải quay về tình yêu Chúa Giêsu. Nhiệm tích Thánh Thể là cứ điểm của tình yêu.”.
Tôi có hai trụ sở: “Một nơi để làm việc tức là núi Calvario, nơi Con Chiên Thiên Chúa bị treo trên khổ giá để giải thoát loài người. Nơi khác để nghỉ ngơi đó chính là nhà Tạm, vì Chúa ngự đó để chờ tôi đến trình lên Ngài những điều tôi đã thực hiện và nhận lệnh mới cho mỗi ngày.”
Bạn đồng nghiệp
Chức linh mục không làm mất những khuynh năng tự nhiên, nhất là về tính dục, trái lại khuynh năng đó còn mạnh mẽ hơn. Cho nên, linh mục phải là người có quân bình về nếp sống, có sức khoẻ tương đối tốt, có khả năng tinh thần vật chất, để yêu tha nhân và được tha nhân yêu. Nhưng vì một lý tưởng siêu nhiên, vì nhiệm vụ tông đồ, linh mục phải hy sinh, hy sinh tất cả chẳng hạn như những thú vui êm đềm mà một đấng nam nhi có thể hưởng: có một người vợ ngoan hiền và những đứa con xinh đẹp do chính mình tác tạo nên. Dù linh mục có được giáo dân kính nể, ngưỡng mộ cách mấy đi nữa, cũng không khỏi có những lúc cần một người bạn để thổ lộ những nỗi niềm riêng hay cùng nhau giải quyết những vấn đề mà không thể bàn hỏi với giáo dân. Họ cần gặp nhau sống thân tình, cởi mở như anh em một nhà, để có thể giúp nhau tránh những lỗi lầm, để kịp dừng bước trước những con đường nguy hiểm. Vì thế linh mục nào sống cô đơn, lẻ loi, xa lánh những cuộc gặp gỡ anh em cùng chí hướng thì khó có thể sống quân bình và cởi mở được, đó là chưa nói đến những mối nguy hiểm khác.
Linh mục mỗi khi gặp nhau, dù chỉ để ăn với nhau một bữa cơm, chơi một ván bài, hay uống một ly rượu, cũng làm cho đời linh mục bớt căng thẳng, bớt những nguy hiểm, thêm phấn khởi vui tươi cho cuộc đời độc thân dâng hiến.
Hiểu như thế, nên cha Eymard thật tình xem cha sở như người cha và trọng kính như người thầy, đối đãi như bạn đồng nghiệp, xem nhau chẳng khác gì ruột thịt.
Nhưng dù có tốt với nhau đến cỡ nào, cha xứ và cha phó vẫn là những con người với những khuyết điểm không sao tránh được! Tuổi tác lại cách xa nhau, nên khỏi sao có lúc cha xứ lấy kinh nghiệm bản thân mà bác bỏ những sáng kiến của cha phó, hoặc vì tình yêu chân thành sợ cha phó quá hoạt động mà có hại cho sức khoẻ, nên ngăn cản việc này việc kia. Dù không ghen tượng với những thành quả cha phó đạt được, nhưng tránh sao không có lúc cha xứ nghiêm nghị cảnh cáo, vì cha phó mải mê công việc, lo thăm giáo dân mà không về đúng giờ ăn, nhất là khi trước những hương vị thơm phức mà phải chờ đợi, thức ăn nguội dần, thật khó có thể giữ được bình tĩnh! Những lúc ấy cho dù có khiêm nhường chịu lỗi chăng nữa, cũng không thể buồn. Buồn thì Đấng thánh đi cầu nguyện, và có khi Chúa soi sáng cho biết câu Ngài đã trả lời: “Ai muốn theo Ta hãy quên mình, vác thập giá mà theo”. Không thể đem những câu chuyện như thế hay tương tự mà phàn nàn với giáo dân, sợ họ không hiểu cho mà có khi còn cho là hai cha đang lục đục! Chính lúc này, rất cần anh em cùng chí hướng thông cảm và giúp mình khuây khỏa, nếu không dễ bị mặc cảm chi phối, sinh chán nản, nghĩ viển vông, mất dần nghị lực và hứng thú trong công việc hoạt động mục vụ. Cha Eymard tự thâm tâm đã thấy mình cần tình bạn và sự thông cảm giữa các anh em linh mục rất nhiều. Cha thường cùng với cha xứ đi thăm anh em đồng nghiệp. Những dịp hội họp, tĩnh tâm, chẳng khi nào vắng mặt cha. Mỗi khi gặp gỡ, cha Eymard thường trao đổi với các bạn những thắc mắc về mục vụ, về thần học, hoặc hỏi han những phương cách xử thế với các bậc lão thành.
Chơi bài
Mùa đông, trời mau tối, từ 5 giờ chiều giáo dân ai đã về nhà . nấy quây quần bên bếp lửa, nhà thờ thì lạnh, cha sở không đồng ý cho cha phó ở lại đó lâu, vì người đau luôn, để người về phòng đọc sách cũng không được, vì đọc nhiều thì mệt. Nhất là khi cha sở đã già, đọc sách cũng không được lâu, nói mãi thì hết chuyện. Vậy làm sao đây? Cha Eymard không biết chơi bài và cũng không thích chơi, nhưng trong khi đi thăm anh em, cha sở được ai rủ chơi vài ván bài thì thấy Ngài có vẻ thích thú lắm! vì vậy, muốn làm vui lòng cha sở một cách kín đáo, cha Eymard thưa: “Cha già có rảnh dạy con bài mới”. Gãi đúng chỗ ngứa, cha sở nói: “Ừ, biết chơi một tí để đôi khi giải trí cũng nên”. Rồi người sắm một cỗ bài mới, dạy cha phó chơi. Không ngờ ít ngày thôi, cha phó đã tinh thông, thắng cha sở luôn. Cha sở khen cha phó thông minh, chóng hiểu biết. Nhưng tinh ý, cha Eymard biết ngài không được vui, nên giả vờ thua luôn, thỉnh thoảng mới ăn một ván, để cha sở không hay biết sự cố tình vụng về của mình!
Cương quyết bảo vệ đoàn chiên
Về mùa xuân, các họ đạo khác thường tổ chức những cuộc vui, múa hát công cộng. Mấy người giáo dân họ Chatte cũng muốn mở dạ hội khiêu vũ tại sân nhà thờ vào mỗi chiều Chúa nhật. Nguyên tắc và mục đích đề ra không có gì đáng trách, vì giáo dân cũng cần có những cuộc giải trí lành mạnh. Nhưng theo kinh nghiệm các nơi thì các cuộc khiêu vũ đều có sự chung đụng giữa thanh niên nam nữ, dễ đưa đến những lạm dụng, thường đưa đến quá trớn! Sợ cho tương lai của thanh thiếu niên trong họ, nên cha sở trao việc đó cho cha phó tùy tiện trả lời.
Cha Eymard mời mọi người họp nhau bàn tính, ban đầu cha trình bày chỗ hơn thiệt bằng những lời nhã nhặn, nhưng khi kết thúc thì cha lại nghiêm khắc và lập đi lập lại câu: “Nếu xúc tiến việc đó thì sau này các ông sẽ hối hận. Trách nhiệm của chúng ta không chỉ đối với Chúa, mà còn đối với cả tương lai con cháu chúng ta.” Sau cuộc họp đó không thấy ai nói đến vấn đề này nữa. Nhưng trong tâm trí cha vẫn để ý tìm một giải pháp thích hợp, hữu ích khác.
Một lần khác khi cha đang ở trong nhà thờ, vắng nghe vọng vào những giọng hát lả lơi với lời lẽ thô tục, cha ra coi, thì thấy bọn thợ làm đá ở nghĩa trang, đang vừa hát vừa ngả nghiêng theo điệu nhảy cho tụi trẻ con xem và cười. Thấy bóng cha họ im liền, cha nghiêm khắc bảo: “Bên nhà thờ, trước mắt bọn trẻ ngây thơ mà các anh hát lăng nhăng thế không có được! Trẻ chưa hiểu gì, nhưng gương xấu vẫn có thể in vào đầu óc chúng.” Rồi dịu giọng cha nói: “Từ nay các anh đừng có hát bậy bạ vậy nghe!”.
Bọn thợ ấp úng vài lời chữa mình, và cả ngày đó họ không dám cười nói huyên thuyên. Họ xấu hổ với cha Eymard, vì quý mến ngài, họ sợ làm phiền cha.
Thay vì mở hội nhảy nhót, cha thường liên lạc với những đám hát rong có bảo đảm về luân lý, nhắn họ đến tổ chức các tối vui cho giáo dân trong họ, đôi ba tuần hay mỗi tháng một lần.
Đổi xứ
Đang khi mọi người trong họ Chatte mong ước khi cha sở già về hưu, cha Eymard sẽ làm cha sở, thì ngày 02 tháng 07 năm 1837, cha Eymard được bài sai toà Giám Mục do chính tay Đức Giám Mục viết:
“Cha thân yêu. Cha hạt trưởng La Mure đề nghị cha về nhận chánh sở Montegnard, cha nghĩ xem, sức khoẻ của cha có ngăn trở gì không? Khí hậu ở đó lạnh hơn ở La Mure. Và nếu cha về đó thì tôi chắc chị Maria thân yêu của cha sẽ thu xếp đến ở với cha, săn sóc cho cha. Mong cha không từ nàn.
Nếu cha nhận thì nên thu xếp đi sớm và thưa với cha sở tôi sẽ cho cha khác thế ngay!”
Đức Giám Mục Giáo phận ấn ký.
Cha Eymard đưa trình cha sở bài sai ấy: đọc xong, hai vị linh mục nhìn nhau không nói mà hiểu nhau, tình quyến luyến lộ nơi nét mặt. Cha sở không dám giữ vì biết rằng được cử làm cha sở là một vinh hạnh, và cũng là bước đường tương lai của cha phó. Phần cha phó vốn lấy ý bề trên làm ý Chúa và muốn vâng lời mau mắn.
Sau một lúc im lặng, cha sở nói: “Cha nên nhận và phải nhận. Nhưng cũng tại tôi cả”. Cha Eymard còn chưa hiểu, cha sở đã nói tiếp: “Tại lỗi tôi mà tôi mất cha”. Tại sao? Những lần các cha hạt St. Marcellin họp nhau, cha xứ Chatte thường ca tụng cha Eymard với cha Brieu. Cha Brieu lại thân quen với cha hạt trưởng La Mure. Có lần nói chuyện với nhau, cha Brieu nói đến cha Eymard với nhiều tình cảm và nhiều lời ca tụng. Cha sở La Mure vì trước kia không muốn cha Eymard vào chủng viện, nay có ý hối hận, nên xin cho cha Eymard về hạt của mình cũng là một cách gián tiếp tỏ lòng quý mến và bù lại việc đã qua. Cử chỉ thành thật đáng khen ấy làm cha Eymard mủi lòng và không ngại khi về gần La Mure.
Để lên đường đi nhận nhiệm sở, cha Eymard cũng không phải mất nhiều giờ thu xếp hành trang. Công việc ngày nào thì cha đã làm xong ngày ấy, những gì còn dở dang thì cha cũng ghi để lại. Tiền bạc thì không có, đồ đạc thì ngoài một ít sách vở và quần áo thường dùng, ngoài ra cha chẳng có chi hết! Ngay cả những vật thường dùng, nếu cha sở không tiên liệu và bà bếp không lo giữ gìn thì cha cũng chẳng còn. Trong ví lúc ấy, cha chỉ còn vỏn vẹn có 8 xu, thù lao cho người mang thư tòa Giám Mục mất 4 xu, còn lại 4 xu nếu có kẻ khó đến xin thì cũng trắng tay.
Giáo dân họ Chatte nghe tin cha phó đổi đi nhiệm sở mới, cả già lẫn trẻ đều mến tiếc, mặc dầu chỉ ở giúp họ có ba năm, nhưng khi đi, cha đã để lại biết bao tình cảm sâu xa; đến nỗi nhiều năm sau, khi cha qua đời, vẫn có người còn nhớ.
Năm 1904, tại nhà thương công tỉnh Grenoble, có một ông già đau nặng gần chết, cha tuyên uý đến khuyên ông nghĩ đến việc linh hồn, ông văng tục đuổi cha đi. Cô y tá săn sóc ông già trách nhẹ ông: “Cha tuyên tuý đó tốt lắm, ai cũng kính yêu mà sao ông lại đang tâm sỉ nhục người vậy?”
- Tôi chẳng biết ai! Tôi biết có mỗi một ông cha tốt mà thôi, ông ấy đã giúp tôi rước lễ lần đầu.
- Tên cha đó là gì?
- Cha Eymard, tôi nhớ mãi. Giá tôi gặp ông cha ấy luôn, chắc tôi không bỏ đạo đâu!
Cô y tá nhớ ra mình mới nhận được một cuốn sách viết về cha Eymard, trang đầu có hình ảnh của cha. Cô đi tìm và mang đến hỏi ông già: “Có phải cha Eymard của ông đây không?”
Ông già nhìn đi nhìn lại tấm ảnh, tỏ vẻ suy nghĩ, rồi rưng rưng nước mắt, ông nhờ cô y tá đi tìm cha tuyên uý xin lỗi cho ông và mời cha lại.
Ông đã lãnh nhận các bí tích sau hết và qua đời trong sự bình an.