CHƯƠNG IV
CHA SỞ MONTEYNARD
Monteynard
Là một họ đạo cách La Mure chừng 12 km, dân cư không quá 500 người, ở lẻ tẻ ra nhiều chòm xóm, chuyên làm rẫy. Đã hơn ba chục năm qua, kể từ ngày đệ nhị cách mạng họ đạo không có cha sở, nên việc đạo nhếch nhác đã đành mà cả tính tình họ cũng bừa bãi, ít thuận hoà với nhau. Mỗi tháng một vài lần có cha từ Lamotte cách đó 7 km đến dâng lễ, trừ một vài bà già với vài đứa trẻ học giáo lý, ngoài ra chẳng có ma nào hết! Hầu hết đàn ông, đàn bà từ 40 đến 50 tuổi không biết giáo lý là gì, vì họ sinh ra và trưởng thành trong thời loạn lạc, bắt bớ và cấm cách; những người 40 tuổi trở xuống thì lại ham công việc, không lo gì cho con cái. Năm 1827, Đức Giám Mục muốn cứu vãn tình thế, đã gửi một linh mục đến, nhưng vị này sau ít tháng cố gắng hoạt động, thấy không có kết quả gì nên ngã lòng và rút lui. Từ đó nhà thờ Monteynard lại trở nên hoang vắng! Khi cha Eymard đến, tuy tường vách còn đứng vững, nhưng đã mốc meo, loang lổ, dột nát, nên vừa ẩm lại vừa hôi!!! Nhà cha sở lại càng điêu tàn hơn, bên trong không có một cái ghế hay một cái bàn, và đến ngày giường nằm cũng không có!”
Cha Eymard mời hai chị đến giúp và phân công: Cha sẽ lo xếp đặt trong nhà thờ, nhà ở thì nhờ hai chị.
Hai bà quét dọn sơ sơ trong và ngoài rồi trở về La Mure chở đồ đạc đến bày biện và ở lại quán xuyến nhà cha sở. Ăn uống, tiêu pha gì cha để mặc hai chị, còn cha, cha để tâm trí vào công việc mục vụ.
Việc nhà Chúa
Công việc đầu tiên cha lo lắng là sửa lại mái nhà thờ, sơn lại các tường cột, vì nhà thờ có trở nên khang trang, sạch sẽ và ấm cúng thì mới xứng đáng là nơi thờ tự cũng như hấp dẫn được giáo dân. Một vài người tò mò đến xem ông cha làm gì mà vác đá khuôn gạch... Họ ngạc nhiên thấy phía trong nhà thờ đã sáng sủa trang nghiêm, rực rỡ, không còn cục mịch, đen ngòm và hội mốc. Tiếng đồn lan ra, dân làng kéo đến xem đông, cha sở chào hỏi họ và chuyện trò niềm nở, sau đó, ngài dẫn họ lên gần bàn thờ nơi để Mình Thánh Chúa, cha nói: “Anh em đến chào ông chủ”. Họ ngạc nhiên khi nhìn thấy bàn thờ tuy cũ nhưng nay sáng sủa hơn, vui mắt hơn. Họ bắt chước cha quỳ xuống nhìn, theo hướng mắt cha, họ hiểu là mình đang ở trước mặt một Đấng thiêng liêng, Ngài đang hiện diện trong nhà Tạm.
Tiễn họ về, cha dặn: “Từ nay, nơi đây có Chúa ngự, và tôi đây, vâng lệnh Chúa đến phục vụ anh em. Hẹn Chúa nhật tới sẽ gặp lại anh em. Có lễ trọng lúc 9 giờ, anh em đừng quên nhé.”
Trên đường về họ khen: “Ông cha này có vẻ vui tính và biết làm việc”. Chúa nhật kế đó có một số người đến dự thánh lễ, tuy ít, nhưng cũng làm cha Eymard phấn khởi nhiều.
Công việc sửa chữa và trang hoàng nhà thờ đòi hỏi tốn phí nhiều, nhưng cha Eymard vẫn là “một linh mục thủng túi”, ngài rất ngại khi nói đến tiền bạc, càng ngại vay mượn hay quyên góp. Lần này vì danh Chúa và lợi ích cho linh hồn giáo dân. Cha trở về La Mure nhờ bà con và người bản quán giúp đỡ ít nhiều. Anh em linh mục trong Giáo phận cũng hiểu biết hoàn cảnh của cha, đã mách và giới thiệu cha với các nhà hảo tâm ở Grenoble. Khi tiếp xúc với cha Eymard, ai ai cũng nhìn thấy sự nhiệt thành và tinh thần vô vị lợi thể hiện rõ nơi cử chỉ và cách ăn mặc của cha. Họ đã mở rộng lòng. Rộng tay cũng như rộng cả túi tiền để giúp đỡ cha.
Dần dần cha thay được bàn thờ cũ, sắm thêm các vật dụng trên cung thánh.
Tượng Đức Mẹ
Tuy rằng đã khá tươm tất, nhưng cha vẫn chưa yên tâm. Vì nhà thờ còn vắng một hình bóng thân yêu, đó là chưa có tượng Đức Mẹ.
Không những vì tình con hiếu kính đối với Đức Mẹ Maria, mà cũng vì hiểu biết lòng tôn sùng Đức Mẹ rất cần cho đời sống siêu nhiên của đoàn chiên. Không có Mẹ nhân lành hướng dẫn làm sao người ta có thể yêu mến Chúa một cách chân thành?
Một ngày kia, nhận được một kiện hàng từ La Mure gửi đến, cha đã biết trước là gì rồi, nhưng cha chưa vội mở, cha nhờ người ta đặt điện hàng lên bàn rồi gọi: “Các chị ơi có quà lớn lắm, quý lắm, đố các chị biết là gì?”
- Ai mà biết được cha Eymard quý cái gì?
- Cái này các chị cũng quý chứ không riêng tôi đâu.
- Áo lễ hay áo chầu?
- Không, thôi để tôi mở ra, các chị coi nhé.
Nói rồi cha lấy búa kìm nương nhẹ mở kiện hàng, cha lấy ra một khối, đặt lên bàn rồi trịnh trọng mở các lần giấy bọc.
- Giêsu Maria! Tượng Đức Mẹ đẹp quá! Hai bà chị cùng kêu lên một trật, vừa kêu vừa làm dấu Thánh giá.
- Hai chị có biết tượng này trước ở đâu không... Của nhà thờ làng ta đấy.
- Ô thảo nào coi quen quen, cha xứ cho à?
- Cha hạt trưởng sắm tượng khác lớn hơn, nên ngài nhường tượng này cho tôi, với một giá tượng trưng.
Cha sửa soạn một toà cạnh cung thánh, đợi ngày thứ bảy thì kiệu Đức Mẹ ra đặt trên toà và phó dâng đoàn chiên cho Đức Mẹ, nhờ Đức Mẹ săn sóc dắt dìu.
Ngoài ra, cha còn sắm sửa đồ lễ sạch sẽ. Đối với cha, tất cả những vật dụng gì dùng trực tiếp hay gián tiếp đối với phép Thánh Thể phải:
- Sạch sẽ, rất sạch sẽ.
- Càng tốt đẹp, càng quý càng hay.
Tự thánh hóa để thánh hóa giáo dân
Một linh mục thánh thiện giáo dân sẽ sốt sắng. Nếu loài người chỉ sốt sắng thì chưa đủ làm cho giáo dân nên đạo đức, nghĩa là họ chỉ ưa làm các việc thiêng liêng, chứ chưa nhìn thấy hay đúng hơn là chưa yêu Chúa trong tha nhân hay qua tha nhân.
Khi đó cha Eymard chưa phải là linh mục hoàn hảo, nhưng sự thánh thiện của ngài đã trở thành một hấp lực khá mạnh, người ta tin tưởng cha, vì thấy cha sống thanh bần, hiền hậu, vị tha. Người ta đến với cha và cha dẫn họ đến với Chúa. Thánh Gioan Vianey đã hoán cải họ Ars, thì cha Eymard cũng đem lại đức tin cho Monteynard.
Trước hết, cha Eymard lo cho trẻ em học giáo lý, và sửa soạn cho chúng rước lễ một cách chu đáo.
Một việc giáo dân của cha khó mà quên được là cuộc rước lễ lần đầu, đầu tiên của giáo xứ Monteynard kể từ ngày đệ nhị cách mạng Pháp đến nay.
Cha Eymard đã để hết tâm hồn vào cuộc lễ đó, từ lâu ngày, cha đã sửa soạn tâm hồn trẻ, thắp cho lòng chúng cháy lên ngọn lửa Tin, Cậy, Mến đối với Chúa như Cha nhân lành.
Ngày đó được coi như là ngày vui mừng và cảm động không những cho các trẻ em, mà cho cả người lớn, nhất là cha mẹ chúng. Với nét mặt vui tươi biểu lộ một tâm hồn trong trắng, và với dáng điệu trang nghiêm nói lên một đức tin sống động. Bọn trẻ với quần áo trắng, tay cầm nến sáng, khoan thai tiến lên cung thánh, miệng ca vang những bài thánh ca tuy quen thuộc, nhưng hôm nay được thoát ra từ lòng đơn sơ, dạt dào lòng kính mến của các trẻ em đã ghi một ấn tượng đẹp vào tâm hồn nhiều người.
Có được kết quả đó, tất cả đều phát xuất từ tâm hồn thánh thiện và lòng nhiệt thành vì Chúa quên mình của cha Eymard.
Với người nghèo
Với ai, cha cũng cởi mở, cũng tận tâm, nhưng nhất là với người nghèo.
Giáo dân nói với nhau: “Cha sở mình đối đãi với người nghèo như khách quý. Khi không còn một đồng xu nào, thì ngài liền lấy phần ăn của mình để cho họ.”
Những người ốm đau càng được cha lưu tâm hơn. Cha viếng thăm, an ủi và giúp đỡ họ những gì cha có thể. Nhiều khi cha không quản ngại đi bộ từng bốn năm cây số để mua thuốc men cho họ, vì họ nghèo khó và cô đơn.
Gặp ai, cha cũng có rất nhiều câu chuyện để lôi cuốn, dễ gieo vào lòng họ một vài ý tưởng về Thiên Chúa và Đức Mẹ. Bao giờ trong túi cha cũng có tượng ảnh để khuyến khích trẻ giữ nết na, nhịn nhục, quảng đại, tha thứ và thuận hoà với nhau.
Thấy trẻ em quý cha và reo hò quanh cha, nhiều người lớn cũng tò mò lại gần, trước còn ngại ngùng, dè dặt sau cũng tự nhiên như con trẻ. Cha dùng lối nói chuyện để dạy giáo lý cho những người quê mùa. Đối với họ, Chúa Giêsu hay Đức Mẹ là chính pho tượng hay bức ảnh mà họ thấy trước mắt... nên cha phải dây công giảng giải để phá đi sự dị đoan đã ăn sâu trong tập tục và gây dựng cho họ một nếp sống đạo đức đơn thuần sáng suốt và vững mạnh.
Trong số những người lớn nhờ cha được ơn trở lại có ông Guillot, một tay chuyên hát dạo với cây vĩ cầm, trong vùng đâu có đình có đám là có ông ta. Từ nhỏ ông không được học giáo lý, lớn lên bị nghề nghiệp bó buộc sống về đêm, để chơi nhạc cho người ta khiêu vũ đến 3, 4 giờ sáng, nên chưa bao giờ ông bước qua ngưỡng cửa nhà thờ.
Năm 50 tuổi, ông được gặp và nghe cha Eymard giảng dạy giáo lý, ông đã ý thức được bổn phận người tín hữu đối với Chúa, ông thành tâm sám hối. Để tỏ thiện chí, ông cho cha cây đàn và nói: “Để từ đâu tội khởi động đến nó”. Ông đã trở nên người giáo hữu nhiệt thành.
Ông già Edmond cũng là một bằng chứng hùng hồn về tài chinh phục của cha Eymard, hay đúng hơn là chứng cớ hùng hồn về ảnh hưởng thánh thiện của cha. Edmond là một con người không những truỵ lạc mà còn gian ác, cha Eymard thường đến thăm ông tại nhà, cha đã nói gì, làm gì cho ông, không ai biết, nhưng ít lâu sau ông đã trở nên bạn thân của cha và cũng trở nên tín đồ nhiệt thành với Chúa, quảng đại với tha nhân. Vì tuổi tác đã cao nên ông nói với cha rất tự nhiên, Thấy cha rộng rãi với người nghèo, ông bảo: “Này! cứ để chúng bóc lột thế thì có ngày ổ rơm cũng không có mà nằm đâu, cha nghe không?”
Nếu cha Eymard có nhiều sáng kiến để đến với các linh hồn lạc lõng, thì đức yêu người của cha lại là tấm gương tận tụy và kiên nhẫn để chinh phục họ cho Chúa.
Một ông già khác vừa câm lại vừa điếc, người trong vùng gọi là: “Ông già đập đá”, không biết quê quán ông ở đâu, bà con thân thích không có ai, tay trơn không tiền của, sống qua ngày, nay đây mai đó. Một ông chủ hầm đá thương tình cho ông một cái chòi để coi hầm và đập đá vụn cho phu làm đường. Chiếm được cảm tình của ông, cha Eymard đã vất vả dạy ông biết làm dấu thánh giá, đã cho ông rước lễ. Những người chứng kiến giờ phút lâm chung của ông đều nhận thấy sự vui mừng trên gương mặt còn lắng đọng dấu vết cuộc đời cơ cực của ông. Sự rạng rỡ ấy biểu lộ một tâm hồn tràn ngập ơn an bình siêu nhiên.
Nhờ cha Eymard thật tình yêu con chiên, không quản bao khó nhọc. Chỉ trong hai năm họ đạo Monteynard không còn một người nào bỏ rước lễ Phục Sinh.
Các ngày Chúa nhật đã trở nên một ngày vui mừng của họ và sự an ủi cho cha, phần đông họ rước lễ, sau lễ họ ra ngoài gặp nhau chuyện trò. Tình thân thiết giữa giáo dân và cha sở đã trở nên năng lực kích thích lẫn nhau hướng về Chúa, và biến Monteynard xưa kia khô khan nay sầm uất cả bên trong lẫn bên ngoài.
Còn muốn gì nữa
Thường tình mà xét, người ta tưởng cha Eymard đã yên phận làm một cha sở sung sướng giữa một đoàn chiên mới hồi sinh, đang trở về nếp sống lương thiện đạo đức. Nhưng không, chính giáo dân Monteynard lại có linh cảm là cha Eymard sẽ không ở lâu với họ, một linh mục tài đức như cha Eymard chắc sẽ được Đấng bề trên cất nhắc lên những nhiệm vụ quan trọng hơn trong địa phận.
Tất cả đều lầm! Mặc dầu rất tận tụy với nhiệm vụ một cha sở, nhưng lòng cha Eymard vẫn mong ước được lánh thân nơi một tu viện, chẳng màng chi đến những chức vụ lớn lao.
Cha Touche đã hướng dẫn và thúc đẩy cha Eymard dâng mình làm linh mục, nay ngài có dịp đến ghé thăm và nghỉ nơi nhà cha Eymard ít ngày.
Trong câu chuyện trao đổi, hai vị nói với nhau về những cạm bẫy và những nguy nan mà các linh mục thường gặp, nếu thiếu lòng đạo đức và kém đức tin họ sẽ sa ngã. Cha Touche đề cập đến một linh mục thông thái, đã bỏ áo dòng, mà còn nói và làm những điều đau lòng Giáo Hội.” Cha lại đem những thành tích vẻ vang của một linh mục khác ở một họ đạo hẻo lánh đang thực hiện, đã chấn động lòng đạo đức của nước Pháp, đó là cha Gioan Vianey, cha sở họ Ars.
Người cũng nói về sức sống của Giáo Hội sau cách mạng đang vươn lên mạnh mẽ qua nhiều hoạt động của các dòng tu, như một dòng mới có tên gọi là dòng Đức Mẹ (Mariste) thành lập chưa được mấy chục năm, đã trở thành một cây tốt tươi rườm rà. Dòng này chuyên lo việc truyền giáo và giáo dục thiếu niên.
Bị thôi miên về những câu chuyện ấy, cha Eymard đi Lyon để tận mắt quan sát sinh hoạt của dòng Đức Mẹ. Thật phấn khởi như người khát nước gặp được suối mát trong, cha về ngấm ngầm thu xếp mọi công việc để thực hiện ý nguyện. Muốn chắc ăn hơn, cha đem nguyện vọng này bạn hỏi cha Colin vị sáng lập dòng Đức Mẹ.
Cha Colin trả lời: “Điều chúng ta cần là chu toàn phận sự hiện tại, rồi nếu Chúa muốn, cái gì phải đến sẽ đến”.
Cha Eymard xin Chúa cho một dấu hiệu để tỏ thánh ý Chúa là: Nếu hết thảy giáo dân Monteynard rước lễ trong tuần lễ Phục Sinh năm 1839, thì cha sẽ lên đường ngay. Quả nhiên năm đó không một người giáo dân Monteynard nào bỏ rước lễ tuần Phục Sinh. Cha Eymard cho đó là ý Chúa đã rõ ràng.
Một người bạn tâm phúc hay việc cho ra đi, viết thư can ngăn và đưa ra nhiều lý do trở ngại. Cha Eymard trả lời: “Khi tôi đã biết rõ thánh ý Chúa, tôi không có ngại một trở lực nào”.
Yêu nhau trăm sự chẳng nề
Đặt tình yêu Chúa làm đích sống. Sống để yêu Chúa và làm cho Chúa được yêu. Cha Eymard biết rõ chức vụ linh mục là đường Chúa dành riêng cho mình để nên thánh, bằng việc rao giảng tình Chúa yêu nhân loại và đem người ta vào tình yêu Chúa. Nhưng thấy đời sống một cha xứ không đủ làm cho riêng mình được hoàn toàn thuộc về Chúa, tuy linh mục triều có thể muốn làm gì cho danh Chúa và lợi ích cho giáo dân thì làm, chứ không phải tùy thuộc ý bề trên như các linh mục dòng. Nhưng chính điều đó lại làm cho cha lo sợ:
- Sợ có thể quá trớn mà lạc đường.
- Sợ quá bù đầu óc vào những phương tiện mà quên đích.
- Sợ làm không xuể.
- Sợ không có người tiếp tục công việc đã khởi xướng.
- Sợ nhiều khi quá sợ quá lo.
Cha quan niệm về bản thân cha: Mình chưa có thể làm ích cho ai khi mình chưa trở nên một dụng cụ hoàn toàn thuộc về Chúa. Nhưng linh mục chưa phải là người thuộc trọn về Chúa sao? Dĩ nhiên là phải thế, nhưng tuỳ từng linh mục, tùy đường Chúa gọi, tùy đường Chúa đặt ra. Riêng cha, cha không thấy yên tâm làm nhiệm vụ linh mục khi không được tuyên thệ ba lời khấn thanh bần, khiết tịnh và phục tùng.
Khi cha Eymard xin phép Đức Giám Mục vào dòng, Đức Giám Mục bảo cha: “Địa Phận không thiếu việc hợp khả năng và nguyện vọng của cha. Cho nên chuẩn bị để tổ chức giảng các tuần đại phúc trong địa phận.”
Nhưng sau đó, nghĩ lại Đức Giám Mục nói thêm: “Linh mục là người của Chúa và của Giáo Hội. Việc Chúa thì đi đâu ở đâu, linh mục cũng phải làm. Ích lợi chung của Giáo Hội cần hơn của riêng giáo phận.
Cha đã chờ đợi mà không nản lòng, tôi tưởng đó là thánh ý Chúa đã rõ. Vậy cha hãy lên đường theo tiếng Chúa gọi.”
Đức Giám Mục cũng viết cho cha Colin: “Để tỏ lòng ưu ái của tôi đối với dòng Đức Mẹ, tôi tặng cho người con yêu quý vào bậc nhất của Giáo Phận tội”.
Thế là êm xuôi về lương tâm và mặt pháp lý. Nhưng còn về mặt tình cảm đối với hai chị thì khó! Nhất là chị Maria nay tuổi đã ngoài bốn mươi, sở dĩ chị ở vậy là để lo cho em, hơn nữa vì em mà chị cũng hao tổn sức khỏe nhiều. Chị Maria không mong muốn gì hơn là được tận tuỵ lo lắng cho em về mọi vấn đề, nhất là về mặt thể chất, để em yên tâm lo việc Chúa. Chị sẵn sàng hy sinh mọi sự cho em, nhưng lúc này mà phải hy sinh để em vào dòng, chị em không được gần nhau, chị không còn dịp săn sóc cho em nữa... Quả là một hy sinh quá lớn, nặng lòng quá! Nói ra thế nào các chị cũng can ngăn, cũng khóc lóc vật vã, rồi giáo dân biết được thì khó mà ra đi bình yên!
Cha nhất định dấu hai chị và giấu cả mọi người chung quanh. Tuy vậy việc thu xếp sổ sách không qua mắt chị được. Một hôm Maria bỏ cái giọng thân mật thường ngày hỏi cha một cách đột ngột:
- Cha định đi đâu mà không nói?
Lúng túng như tên trộm bị bắt quả tang, cha đành phải thú thật với chị tất cả và van nài chị:
- Vì Chúa, xin chị để em được ra đi theo tiếng gọi của lương tâm, chị gắng hy sinh cho em một lần nữa.
- Nhưng em còn yếu! Và Đức Giám Mục?
- Em đã được phép Đức Giám Mục.
Maria không nói cho ai biết, chị âm thầm đi Grenoble xin Đức Giám Mục đừng cho cha Eymard đi vào dòng. Đức Giám Mục chỉ biết an ủi bà: “Ở đâu linh mục cũng làm việc cho Chúa và Giáo Hội. Tôi đã có ý định giữ, nhưng vì lương tâm mỗi người đối với Chúa, giữ không được.”
Một chiều thứ bảy, cha đã ngấm ngầm nhắn người đánh xe ngựa từ La Motte đến. Lúc vắng chị, cha đã để sẵn sương sách vở và đồ nhật dụng ở cửa vườn sau, anh chỉ có việc đến lấy một cách kín đáo đưa đến một khúc quẹo xa làng một đỗi, và đợi cha ở đó.
Bữa đó là Chúa nhật, cha cứ theo lệ thường hát lễ trọng thể lúc 9 giờ. Sau lễ, cha gọi người chơi phong cầm, móc túi cho ông một số tiền và bảo: Đàn đi cho người ta vui. Đàn cho khéo nghe!
Đang khi tiếng phong cầm réo rắt thu hút mọi người, cha lẳng lặng đi không ai hay, kể cả chị Annetta đang lui cui nấu ăn.
Cha vừa ra khỏi làng, một chiếc xe đò từ Grenoble cũng vừa đỗ bến, trong đám người xuống xe có chị Maria. Biết không thể nào tránh được, cha đến từ giã chị, chị oà lên khóc.
- Em... Chị hiểu rồi... Nhưng chị xin em ở lại một ngày nữa thôi.
Cha Eymard im lặng. Nếu ở lại dù chỉ một giờ thì cũng không bao giờ đi được nữa. Trước vẻ mặt buồn rầu đẫm lệ của chị... Cha cương quyết:
“Chị ơi. Chúa gọi em hôm nay, để mai mốt sợ muộn chăng? Chị tha cho em.” Dứt lời, cha bước nhanh lại chỗ xe đậu, lên xe và giục người đánh xe đi ngay. Chị Maria đứng thẫn thờ như người mất hồn, còn cha thì không dám quay mặt nhìn lại…
Buồn quá hóa giận - Chị Maria về đến nhà thì Annetta mới hay chuyện, họ buồn không ăn cũng không nói được gì! Nếu sự hy sinh của cha Eymard để đạt được ý nguyện, thì sự hy sinh của hai chị là mất tất cả. Mất một người em mà họ hằng quý mến, mất một người cha linh hồn mà họ luôn tin tưởng, để từ đây họ trở nên cô đơn! Sao lại có người tệ bạc hay vô tình đến thế!
Ác một điều nữa, là chính chiều Chúa nhật đó, có cha xứ mới về nhận họ. Hai chị không còn thời gian để mà khóc, mà buồn, họ phải thu xếp đồ đạc trở về La Mure ngay.
Về đến nhà cảnh cũ còn đây, cửa đóng then cài, nhưng tâm hồn cả hai đều trống trải lạnh lùng, lại càng làm cho tâm hồn hai chị tê tái thêm.
Hai chị viết cho cha Eymard một lá thư đầy những lời trách móc cay đắng, rồi từ đó im lặng luôn. Kể từ đây, bao nhiêu thư cha Eymard viết về, chẳng thấy hồi âm, và cũng không có tin tức, hay một lời hỏi han, coi như là không còn bà con tình nghĩa chi hết!!! Điều này làm cha Eymard thật khổ tâm, vì cha rất yêu quý và biết ơn hai chị.
Giáo dân Monteynard cũng phản ứng một cách sôi nổi, họ cử đoàn đại biểu lên toà Giám Mục xin cho cha Eymard trở lại. Đức Giám Mục nói: “Tôi không thể giữ cha Eymard được. Nhưng nếu họ xin được cha trở về thì tôi lại để cha coi họ Monteunard.” Đoàn người đi thẳng tới Lyon để gặp cha, đang khi đó những người ở nhà thì sửa soạn một ngày đại hội để chào cha trở về.
Những người ở nhà chờ cũng như người đi đón đều thất vọng! Một nỗi buồn man mác xâm nhập vào từng gia đình và mỗi người như một cái tang chung. Vì cha không trở về.