CHƯƠNG V - TU SĨ DÒNG ĐỨC MẸ

CHƯƠNG V

TU SĨ DÒNG ĐỨC MẸ

 

Đời tập sinh

        Ngày 20 tháng 08 năm 1839, cha Eymard tới tập viện dòng Đức Mẹ tại Lyon. Ngày 28 tháng 08, cha dự tuần tĩnh tâm chung với các linh mục trong dòng tại Belley.

        Viết về những ngày tĩnh tâm ấy cho một linh mục bạn, cha nói: “Thật là sung sướng! Tôi không biết diễn tả thế nào, tôi chỉ cảm nhận được một tình huynh đệ đằm thắm, một niềm vui thánh thiện giao động trong tâm hồn... là những gương xây . dựng anh em.”

        Nhưng đó chỉ là chút hương thơm của ngàn hoa chung đúc lại, dâng lên trong buổi bình minh, làm khuây khỏa nỗi nhớ nhung, làm dịu những vết thương của tâm hồn đã cam đảm bớt đi mọi ràng buộc của thế tục, để được thuộc trọn về Chúa. Ánh sáng nắng dịu ban mai dần dần sẽ trở nên gay gắt, làm tàn úa những cánh hoa đẹp, gió mạnh sẽ cuốn hết phấn hương.

        Nếu là con người mơ mộng hay thay đổi nếp sống, nếu là người tham danh chuộng lạ, họ sẽ thất vọng. Còn những con người hiểu biết và thực tâm tìm thánh ý Thiên Chúa, họ sẽ có dịp tận hưởng những giây phút êm đềm Chúa gửi đến. Họ không ngã lòng khi bị thử thách, lại biết thích ứng trong mọi hoàn cảnh, như người nông phu vừa thức dậy thấy trời tạnh mát thì đi làm, khi mặt trời lên cao tỏa sức nóng thiêu đốt thì tự nhủ: “Trời đẹp mùa màng sẽ bội thu”.

        Không ưng những tâm hồn ẻo lả và ỷ lại, ưa hưởng thụ hơn góp phần, nên Chúa dùng những đau khổ, thử thách để giúp những người tìm Chúa rèn luyện ý chí, hầu trở nên dụng cụ vừa tay Chúa. Ai quen với gian lao mà không thối chí sờn lòng, mới hy vọng được Chúa dùng.

        Từ thiếu thời, cha Eymard đã phải trải qua biết bao nhiêu thử thách. Những thử thách vượt qua ấy nay đã trở thành một vinh dự, nhưng Chúa không muốn cha bám vào vinh dự ấy, mà muốn tâm hồn cha bay bổng hơn, để hậu lai đừng tưởng cha Eymard là người hay thay đổi, chán cái hiện tại, và ao ước cái mới lạ! Chúa đã không ngừng tôi luyện cha trong một lò lửa nóng hơn.

        Đang là một cha sở được giáo dân yêu quý, được bề trên tín nhiệm, được anh em đồng nghiệp vị nể, nay vào nhà dòng trở lại một nếp sống tập sinh, đồng hàng, đồng cảnh với những thiếu niên vô ý thức hay quê mùa, thiếu hiểu biết...

        Đang là một vị linh hướng được nhiều tâm hồn tín nhiệm, nay mỗi tuần cáo lỗi với cha giáo tập để chịu mổ xẻ.

        Vốn giàu tình cảm ham hoạt động, đã thu được nhiều kết quả vẻ vang, nay phải xa những người thân thiết đáng tín nhiệm. Hoạt động thì vẫn còn nhưng chỉ là rửa chén, lau nhà... đâu có vấn đề mục vụ như cha ao ước thuở xưa.

        Đức thanh bần ư? Cha Eymard đã sống thanh bần từ lâu. Túi cha vốn thủng vì hay giúp đỡ kẻ khác, nhưng nay vào nhà tập thì bỏ cả túi tiền, gặp kẻ khó cũng chẳng có phương tiện gì giúp đỡ, trong trường hợp như thế, làm tập sinh có cảm tưởng thanh bần như vậy không hợp với đường lối Chúa. Xét theo một khía cạnh khác, điều đó không sai. Nhưng, lời khuyên Phúc Âm gọi ta tập thanh bần đến mức tuyệt đối: Không có và không giữ của riêng, lại còn thoát ly cả niềm an ủi, hãnh diện được làm phúc, được thấy nét mặt vui tươi và biết ơn của người nghèo. Phải nhận thân phận của người nghèo. Phải chịu cảnh người ta mỉa mai một cách oan uổng: linh mục mà keo!

        Đức thanh khiết? Dĩ nhiên là bất cứ một ai cũng phải trọng, phải quý, phương chi là linh mục. Công phúc không ở sự chấp nhận điều bó buộc, mà là ở lòng chân thành tự tình hiến thân. Nhưng cha Eymard thấy trong tập viên cũng không đủ giúp mình xa mọi cám dỗ thường tình! Tình dục luôn luôn đi đôi với cuộc sống của con người.

        Đức phục tùng? Phục tùng đến nỗi có sáng kiến mà không được thi hành, phục tùng để phải lãnh nhận những nhiệm vụ mà tự mình thấy quá sức, thì sự phục tùng ấy có thể làm thất vọng những tâm hồn không thực tâm muốn theo chân Chúa. Những người ấy, họ chỉ muốn làm theo ý riêng, mà quên rằng trong vườn cây dầu Chúa Giêsu đã thưa cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, xin đừng theo ý con, mà xin vâng theo ý cha”.

        Cha Eymard khấn nguyện bỏ ý riêng một cách hoàn toàn, nhưng phải bỏ cả cái quyền tự do vào quỳ trước nhà Tạm để cầu nguyện... thì quả là một điều cha không thể ngờ!

        Cha tự hỏi: Hay mình đã làm đường chăng? Đời sống tu dòng phải giúp mình bay lên cùng Chúa, và hưởng những phút êm đềm trong tình yêu Chúa, chứ sao lại bị cấm bị hạn chế như hoàn cảnh hiện nay! Không nói đến những điều trái tai gai mắt, nơi một vài tập sinh hay cả nơi tu sĩ thâm niên có thể làm cha thất vọng! Chịu đựng những bướng bỉnh hay quê mùa nơi người giáo dân còn có thể được, nhiều khi còn là một niềm vui, nhưng khi phải chịu những tu sĩ hay tập sinh đối xử một cách vô lễ, thiếu bác ái, thiếu kính nhường phải có đối với chức linh mục thì quả là khó hiểu, khó chấp nhận, khó tiêu quá!

        Trước khi vào dòng và những ngày mới đến, cha Eymard thấy ai cũng tốt lành thánh thiện, ai cũng là những mẫu gương sáng ngời cho mình noi theo. Nào ngờ, thức lâu mới biết đêm dài, ở lâu mới biết các ngài là ai: ông có tuổi thì hay cằn nhằn, ông bị đau yếu thì hay kêu ca, rên rỉ, ông thì ra vẻ kỳ cựu lên mặt khuyến cáo dạy đời, đám trẻ thì ham vui, hay bỏ, hay chểnh mảng việc chung, hoặc ỷ lại... Cần phải mạnh tin vào tình yêu của Chúa, mới thấy được sự quan phòng của Ngài. Chúa dùng tất cả những điều đó để đào tạo người tu sĩ theo gương Chúa để nên mọi sự cho mọi người.

        Vào một dòng, vì các tu sĩ trong dòng yêu quý mình hay vì thấy họ thánh thiện mà mình yêu qúy họ thì chỉ là tìm được thoả mãn tình cảm dưới hình thức siêu nhiên. Con người như vậy không bao giờ bay cao được.

        Vào những ngày đầu của tập viện, cha Eymard cũng cảm thấy mình đau khổ, dằn vặt, nhưng tâm đã quyết, cho nên, không có một chướng ngại nào có thể làm cho cha nản lòng thối chí, hoặc có ý nghĩ rút lui.

Linh hướng trường trung học

        Khi đã lấy lại được bình tĩnh, cha Eymard mới hiểu ra những cái tự nhiên khó nuốt nơi đời sống cộng đoàn, và những tư tưởng mâu thuẫn của chính mình là những phương thế Chúa giúp để khám phá ra thực trạng của tâm hồn, để biết sửa chữa hay tôi luyện mình, hầu có thêm kinh nghiệm giúp người khác. Khi Chúa thử thách ai là luyện cho người đó thành một dụng cụ để phục vụ như khi Chúa xuống trần gian không để được phục vụ mà là để phục vụ mọi người.

        Cha Eymard còn ở trong tình trạng tự ti mặc cảm vì những thử thách vừa qua, thì bề trên đã trao cho cha một trách nhiệm nặng nề, đó là làm linh hướng cho học sinh trường trung học Belley.

        Cách mạng đã qua, nhưng ảnh hưởng của chủ nghĩa vô thần. và bài giáo sĩ do cách mạng khởi xướng vẫn còn đang sôi nổi. Đầu óc bọn thiếu niên còn bị ru ngủ, mê hoặc bởi chiêu bài tự do tư tưởng, tự do xây dựng... Cách mạng khi đó chẳng khác gì chủ nghĩa vô thần hiện nay, đánh vào đầu óc còn ngây thơ của giới trẻ chưa hiểu biết sâu xa, chưa có kinh nghiệm và những suy nghĩ chín chắn thúc đẩy chúng xuống đường hay kéo bè gào thét: yêu cầu, đả đảo, lung tung... mà nhiều khi không ý thức được điều chúng đòi hỏi hay chê bai là như thế nào. Khi bị phản đối, thì phản ứng rất hung hăng, bất kể phải trái, chúng chỉ hành xử theo bản năng tự nhiên là muốn làm cái gì khác người. Cha mẹ dù muốn dù không thường bênh con cái, vô tình làm hậu thuẫn cho chúng, được thể, chúng lại thêm bồng bột, đấu tranh mù quáng, đến nỗi có thể đả phá cả những cái mà tương lai chúng cần đến.

        Muốn loại trừ những con người như thế không phải là một chuyện dễ: Rút dây thì động rừng; đóng cửa trường là đầu hàng sự gian ác, nhưng mở cửa trường thì chỉ làm khổ cho ban giáo sư. Dùng biện pháp cứng rắn, có thể lập được một trật tự tương đối bên ngoài, nhưng cải tạo được một lương tâm thanh thiếu niên thì cần phải có ơn Chúa. Ơn Chúa lại cần có một tâm hồn dồi dào đức ái, có kinh nghiệm sống và bền chí, để đi vào nội tâm bọn trẻ.

        Cha Colin và tổng tu nghị nhận thấy chỉ có cha Eymard có đủ những khả năng ấy, nên đã đồng lòng đề cử cha đảm nhận nhiệm vụ này.

        Khi được hỏi ý, cha Eymard do dự: Các vị tiền nhiệm có tài đức mà còn thất bại, mình sẽ làm được gì hơn? Nhưng khiêm nhường và tin tưởng vào ơn Chúa một cách vững mạnh, cha lãnh nhận sứ mạng và lên đường đi Belley.

        Đến nơi cho không tuyên bố chương trình hay một dự án cải tổ nào. Khởi sự, cha nhẫn nại xem xét và tìm hiểu từng học sinh, và cả nếp sống của gia đình chúng. Ngoài ra, cha còn kín đáo tìm hiểu hoàn cảnh và chế độ của nhà trường.

        Những công việc này đòi hỏi dè dặt, hy sinh, quên mình và thời gian. Người ngoài nhìn vào có thể lắc đầu phê phán: “Cũng thế thôi, chả hơn ai!”.

        Nhưng dần dần, cha Eymard đã thu hút được cảm tình của thanh thiếu niên, từ cảm tình đi đến tín nhiệm, từ tín nhiệm đi tới chỗ cởi mở không bao xa. Khi chúng biết cởi mở là lúc cha Eymard không còn được giờ phút nào riêng cho mình. Cha gặp từng trẻ vào bất cứ giờ nào khi chúng cần. Những tên cứng cỏi nhất đã trở nên thuần thục. Nhờ vậy, trật tự trong nhà trường được vãn hồi, việc học của trẻ cũng vì thế mà tiến. Tâm hồn chúng cảm thấy khoan khoái khi được ở gần cha và nghe cha chuyện trò.

        Cha khéo léo dẫn đưa trẻ vào con đường đạo đức, nhưng không phải là thứ đạo đức uỷ mị hay lải nhải cầu kinh. Cha nhấn mạnh đến tinh thần bác ái và sự nhường nhịn nhau. Cha lấy Phúc Âm làm kim chỉ nam; lấy nhiệm tích Thánh Thể làm đích sống. Cha còn giúp chúng tự khám phá ra tình Chúa yêu, và khả năng tinh thần của chúng, để luyện chúng thành những Kitô hữu chân chính, đại lượng, quả cảm nhưng biết phục tùng.

        Trong giờ giải trí, cha thường hòa mình với trẻ, không để em nào đứng mơ mộng một mình. Cha hay nói: “Hỗ trẻ nào biết chơi thì cũng biết làm việc”.

        Một cựu học sinh nói về cha như sau:

        “Tôi từng là học sinh trường Belley vào năm 1840, khi cha Eymard làm linh hướng.

        Từ trước, chỉ có những người được gọi là linh hướng. Nhưng thực tế đối với bọn trẻ chúng tôi không có ảnh hưởng gì. Chúng tôi cũng không cần.

        Khi cha Eymard đến tôi đã 15 tuổi, đang tuổi hay giở chứng, ít chăm chỉ, nhiều lơ đễnh, luôn mơ mộng, hay hiểu lầm, đầu bất mãn, triền miên bực dọc... Nhưng không hiểu có một sức bí ẩn nào đã đầu tôi lại gần với cha Eymard. Tôi đến với cha không để tìm an ủi, nhưng là để kêu ca, chỉ trích. Cha nói gì, tôi không nhớ, tôi chỉ nhớ cha tặng tôi tấm ảnh nhỏ và bảo tôi: “Con xem, tấm ảnh này nói đúng tâm trạng của con”.

        Tấm ảnh đó mang hình chim bồ câu trắng bị trúng tên, nằm chết lịm giữa vũng máu đào.

        Sau buổi tiếp xúc đầu tiên đó, tôi liền bị ảnh hưởng bởi gương mặt hiền từ, lời nói dịu dàng của cha, nhất là qua tấm ảnh có ý nghĩa làm tôi phấn khởi và có cảm tình đặc biệt với cha.

        Phần đông bọn trẻ chúng tôi thường tìm đến để xin cha chỉ dẫn, nếu không thì cũng đến chuyện trò nơi phòng cha. Cha được toàn thể chúng tôi tín nhiệm. Cha được lòng mọi người...”

Với những người xa Chúa, quên Chúa

        Tuy bận rộn với học sinh, cha cũng không quên bệnh nhân tại các nhà thương, các viện dưỡng lão. Tại những nơi đó, cha đã khám phá ra nhiều linh hồn chai đá, nhất là những cựu chiến binh thời cách mạng, họ bị tiêm nhiễm tư tưởng vô thần. Qua những cuộc viễn chinh đã biến họ thành những người gian ác, vô nhân đạo. Nhờ cha, tận tình chỉ dẫn, họ có cơ hội trở về đường ngay nẻo chính. Có người trước khi chết đã nói với bà con của họ rằng: “Ôi Chúa tốt lành quá, cha Eymard cũng tốt, nhờ cha mà tôi hiểu được Chúa yêu thương nhân loại, Ngài yêu cả những người tội lỗi như tôi, ai muốn biết quá khứ của tôi, cứ hỏi cha Eymard, nhưng hiện tại tôi là con Chúa.”

        Tướng Carrier là một trong số đó. Gia đình ông rất sùng đạo, nhưng ông lại vô đạo hoàn toàn. Khi về hưu, ông vẫn giữ lối sống kiêu căng phóng đãng như trước. Cha Eymard kiếm cớ đến thăm ông. Cử chỉ khiêm tốn, lời nói sốt sắng của cha đã chiếm được cảm tình của ông ngay lần gặp gỡ đầu tiên này.

        Trong cơn đau nặng, vào giờ phút cuối cùng, ông đã xin chịu các bí tích, kể cả bí tích rước lễ lần đầu.

        Gia đình muốn giữ kín việc cho đến thăm, nhưng ông không nghe và bảo: “Việc gì phải giấu, tôi mong cả khu xóm đều biết và đến chứng kiến việc tôi xưng tội rước lễ, để thấy Chúa không bao giờ từ bỏ người tội lỗi.”

        Theo người ta kể lại: “Phút cảm động nhất làm cho nhiều người phải rơi lệ là tướng Carrier gọi con trai cả đến trăn trối, rồi bảo cậu quỳ xuống bên giường, ông nói:”Cha chúc lành cho con và mong con sống đạo tử tế. Hứa với cha, con sẽ không bao giờ chửi thề nữa nhé.”

Linh mục thánh

        Những việc cha Eymard làm ở Lyon được mọi người chú ý, và khi đến gần cha, họ cảm thấy như quyện quanh một sức thiêng. Qua cử chỉ, qua cái nhìn và lời nói của cha, người ta thấy tâm hồn cha tràn đầy lửa yêu mến. Họ trầm trồ bảo nhau: Ông thánh đấy.

    Cha Pierre Brochet nguyên là học sinh ngoại trú của trường Belley nói: “Người ta ca tụng cha Eymard quả là đúng. Tất cả học sinh chúng tôi khi đó cũng nhận thấy cha là một linh mục thánh thiện, vì lòng ngài đầy hứa mến Chúa và nhân hậu với mọi người.”

       Chính cha Eymard cũng ghi trong nhật ký hồi đó: “Tôi muốn nên thánh. Eymard phải là một linh mục thánh. Tôi mong bước vào con đường thánh thiện, quá khứ của tôi không có gì?”

Chúa thử thách

       Ước vọng của lòng cha với tiếng đồn thổi về cha là chính phương thế Chúa dùng để thử thách Chúa. Mong gì mà không có, thì buồn. Buồn vì bậc sống của mình phải nên thánh mà không thánh, thì lo. Cha viết cho cha Mayet thân tín: “Tất cả sự vật chung quanh đều gây trống trải và buồn chán cho lòng tôi. Không một tư tưởng hay hy vọng nào có thể an ủi tôi. Tôi thấy mình còn quá xa đích, đọc sách thánh vẫn không thấy hứng thú. Tôi cảm thấy chỉ có Chúa là Đấng duy nhất làm thoả mãn tâm hồn, và muốn có Chúa cần phải tận hiến, nhưng tôi lại không đủ can đảm tận hiến.”

        Chúa theo dõi tôi, giam tôi vào ngục tối với Chúa để muốn nói thì chỉ có nói được với Chúa, muốn nhìn thì cũng chỉ có thể nhìn vào Chúa. Nhưng tôi không muốn nói và không muốn nhìn... tôi kỳ vọng mênh mang nhưng tất cả đều là viển vông.

        Ít lâu sau cha lại viết: “Trong đời sống siêu nhiên, tôi không cảm thấy chỉ là vui, tôi lo lắng, việc gì cũng làm tôi lo lắng. Tôi ao ước nhiều mà khi được lại chán ngay. Tôi chẳng yêu chẳng thích gì, mà lòng vẫn khao khát được mến, được yêu!... thật là đêm tối của linh hồn.”

Giám tỉnh

        Nhiều người ước mong và tưởng tu chỉ là để cầu nguyện, để được sống yên tĩnh bên Chúa, xa mọi hoạt động có thể làm xao lãng tâm hồn. Cha Eymard khi vào dòng Đức Mẹ cũng vì ý nguyện đó, nhưng tu là để phục vụ Chúa và đồng loại trong một đoàn thể và với tập thể.

        Dòng Đức Mẹ thành hình chưa được 20 năm nhưng tăng trưởng rất mạnh. Đức Giáo Hoàng Piô Vị trao phó cho dòng trách nhiệm truyền giáo tại các đảo Thái Bình Dương, nhiều tu sĩ đã được tử đạo tại đó. Cha Colin, Đấng sáng lập cũng là bề trên cả, thấy cần phải phân ra tỉnh dòng, người đã chọn cha Eymard làm Giám Tỉnh đầu tiên.

        Ghi lại phản ứng tự nhiên, cha viết:

        “Chúa hướng tôi về đời sống ẩn dật, để tránh làm quen, để tránh thăm viếng hay tránh đi lại tiếp xúc với người đời... Tôi thiết tha với đời sống khiêm nhường, ẩn dật và mong được dâng lễ ở một nơi thanh vắng, trong một nhà nguyện yên tĩnh. Tôi mong được sống cô liêu, không còn một ai nói đến mình. 

        Nhưng thay vì được quên lãng, cha lại phải gánh những nhiệm vụ nặng nề và phức tạp.”

        Một bà ở Lyon hỏi cha: “Trong dòng cha giữ nhiệm vụ gì?”, Cha chân thành đáp trong tiếng thở dài: “Giám tỉnh bà ạ. Giám tỉnh mà tuổi còn non, kinh nghiệm còn thiếu, tôi thẹn với chức vụ đó lắm.”

        Suốt hai năm làm Giám tỉnh, cha tận tụy cho việc chung, không quản thân mình sức yếu. Cha không bỏ thói quen thăm viếng bệnh viện, và giảng nhiều tuần tĩnh tâm.

        Khắp tỉnh Lyon, không nơi nào không lưu dấu vết cha Eymard. Ngoài ra, cha còn nhận lãnh định hướng cho nhiều người. Muốn nên gương mẫu cho tu viện, cha cố trách sự vắng mặt trong các giờ họp chung. Nhưng cha cũng không bỏ lỡ một cơ hội nào để giúp người ta. Trong số những người cha hướng dẫn và giúp đỡ có bà Pauline Jaricot, vị sáng lập Quỹ Trợ Giúp Truyền Giáo, khi đó bà đã ngoài 50 tuổi, bị kẻ bất lương lường gạt hết cả tài sản, bà phải đi ăn nhờ ở đợ vào người khác.

Bé cái lầm 

        Vì thành tâm muốn giúp bà Jaricot và vì quá tin tưởng ở người ta, cha khuyên bà bán đất còn lại để mua cổ phần trong công ty khai thác mỏ sắt Ruscret, hy vọng sẽ có lời gấp mười. Nhưng ba năm sau, công ty ấy vỡ nợ vì gian lận, bà Jaricot mất tất cả cố phần. Đã túng, giờ lại thêm cực!

        Tuy đó là đường lối Chúa dùng để cắt đứt những dây liên lạc vật chất cho một linh hồn muốn bay cao. Và đồng thời cũng để chúng ta thấy rằng: “Đường lối của Chúa khác với sự suy tính của con người. Chúa thường dùng những người tay trắng, những người yếu đuối để gây việc lớn như trường hợp bà Jaricot". 

        Nhưng, đối với cha Eymard thử thách này thực quá nặng nề! Đàng khác, việc xảy ra này cũng là điều các linh mục nên lưu ý, đừng quá tin tưởng, ham mê vào lời lãi trần gian, nó có thể là tai hoạ cho mình và cho người khác.

        Nhận mình có phần trong sự sụp đổ vật chất của bà Jericot, cha Eymard đã đứng ra biện hộ để mong gỡ gạc cho bà đỡ thiệt hại một phần nào. Cha cũng giúp đỡ vật chất một cách kín đáo cho bà đỡ bị dằn vặt, đau khổ, trong khi những người thân quen khác đều tránh xa bà!

        Tháng 07 năm 1849, bà Jaricot đang ở Paris tuyên truyền cho việc truyền giáo, được thư cha an ủi:

        “Xin Chúa nên sức mạnh, phần thưởng và đích duy nhất cho ' các hy sinh của chị. Những việc lớn lao đều xây dựng bằng khổ giá trên núi sọ.

        Chị hãy vững tin, vì bao lời cầu nguyện, bao đau khổ và bao tình yêu đối với Chúa không thể thành vô ích.

       Xin Mẹ Maria mà chị kính yêu tha thiết, hướng dẫn và giúp chị thành công. Để khi chị trở về, chúng tôi được nhìn thấy với niềm vui sướng, vì công việc của chị được Chúa chúc lành.”

Với Thánh Thể Chúa

        Theo lời nữ tu Maria Giuse đã sống lâu năm bên bà Jaricot kể lại: “Bà rất tin tưởng và quý mến cha Eymard là một linh mục thánh, một linh mục của Chúa Giêsu Thánh Thể.” Chính đặc điểm ấy đã làm cho những người đồng chí hướng tìm đến với cha Eymard.

        Khi lên Paris lo công việc cho dòng, cha gặp ông Hermann Cohen, một nhạc sĩ dương cầm Do Thái đã gia nhập Hội Thánh Công Giáo, sau đó ông vào tu dòng Trappe. Người thứ hai là bá tước Raymond De Cuers sĩ quan hải quân. Ông này là cộng tác viên đầu tiên của cha trong việc sáng lập dòng các linh mục Thánh Thể.

       Cùng với một số bạn tâm giao đồng chí hướng, cha Eymard tổ chức những giờ chầu đêm, lấy nguyện đường của dòng Đức Mẹ làm cứ điểm, để họp các cổ động viên.

        Cha viết cho một nữ tu: “Chớ gì trên khắp mặt đất, đâu đâu Mình Thánh Chúa cũng được đặt trên toà cho người ta chầu kính. Đó chính là những cây thu lôi ngăn ngừa ác quả của tội lỗi trần gian.”

Phụ tá Tổng Quyền

        Hai năm làm Giám tỉnh, cha Eymard vẫn lo lắng vì sợ không làm trọn nhiệm vụ. Nhưng cha Colin lại nghĩ khác, nên đã đề nghị với tu nghị dòng chọn cha lên chức phụ tá Tổng Quyền, cha đã nhận và thi hành nhiệm vụ đó một cách chu đáo với nhiều kết quả. Không một tu viện nào trên mười tu viện của dòng tại Pháp mà không được cha đến thăm viếng, an ủi, giúp đỡ, hay giải quyết những khó khăn, phức tạp khác. Sự có mặt của cha làm mọi người phấn khởi, ai đến gặp cha khi trở ra cũng thấy lòng an tâm, khoan khoái.

        Thường khi đến đâu, cha cũng ở lại để có giờ gặp gỡ chung riêng mọi người. Chính cha hướng dẫn các giờ suy niệm chung, những bài gẫm của cha đều làm mọi người cảm động. Dáng điệu, lời nói và nhất là tư tưởng của cha phát xuất một cách tự nhiên chứng tỏ tâm hồn cha đầy lửa mến.

        Cha Bounomie và Molio tuy ở tu viện khác nhau, cũng có một nhận xét như nhau về sự thánh thiện, lòng ân cần, quảng đại của cha Eymard đối với mọi người. Cha chú trọng đến tinh thần và kỷ luật của tu viện hơn cả. Chỉ nhìn vào cha, vào việc làm của cha đủ thấy điều đó, mà không cần nghe ai nói. Vì thế, khi cha Eymard ra đi, mọi người đều bùi ngùi, thiết tha, lưu luyến.

        Cũng trong thời kỳ ấy, cha Colin nhờ cha tổ chức và hướng dẫn hội dòng ba. Thật là một công việc nặng nề và phức tạp. Nhưng cha Eymard đã đạt kết quả một cách khả quan, vì cha biết quên mình và hoàn toàn tin tưởng vào thần lực của thánh lễ và Thánh Thể. Không có một dự tính hay một quyết định nào mà cha không phó thác cho Chúa khi dâng thánh lễ, hoặc quỳ im lặng trước Nhà Tạm để xin ơn soi sáng.

        Cũng phải nhận rằng, cho thành công là vì khi lo toan một công việc nào, cha chỉ chú trọng vào việc đó. Lúc giáo huấn hay giảng tuần tĩnh tâm cho hội dòng bà, cha chỉ đặt trước mặt có dòng ba; đi kinh lý thì cha chỉ chú trọng vào nhiệm vụ kinh lý.

        Làm mọi việc vì Chúa và phó thác mọi sự cho thánh ý Chúa quan phòng, lo liệu; đồng thời cha cũng tin tưởng phó thác cho Mẹ Maria mà cha kính mến tận tình tin tưởng không bến bờ.

Con yêu của Đức Mẹ

        Mẹ Maria tỏ ra yêu cha Eymard đặc biệt. Tích chuyện sau đây là một bằng chứng.

        Dòng Đức Mẹ có một trường học lớn ở gần đập nước Valbenoite. Học sinh các lớp trung học đã góp nhau sắm một tượng Đức Mẹ và dựng tượng đài ở sân trường. Nhân dịp cha Eymard đi đến kinh lý, họ xin phép cha làm phép và chủ sự nghi lễ đặt tượng. Tượng bằng đá trắng nặng chừng 40 ký, đài dựng tượng chỉ là những viên đá chồng chất lên nhau, không vôi không vữa đứng giữa một vòng hoa, đơn sơ nhưng dễ coi, dĩ nhiên là không có kiên cố.

        Ngày 25 thánh 05 năm 1849 áp ngày lễ Đức Chúa Thánh Thần, cha Eymard chủ sự làm phép tượng, toàn thể học sinh của trường hiệu tượng Đức Mẹ đến đặt trên đài. Với sự hứng khởi siêu nhiên, cha Eymard đã giảng một bài rất hùng hồn, và kết:

        “Lạy Mẹ nhân lành, xin Mẹ ở lại đây săn sóc đoàn con nhỏ đáng yêu của Mẹ. Dù có biến cố nào xảy ra, Mẹ đừng bỏ chúng. Mẹ cứ ở lại đây gìn giữ nhà cửa đất đai cho con cái của Mẹ.”

        Rồi quay sang học sinh cha nói: “Các con hãy yêu mến tin tưởng Mẹ Maria, vì dù hoàn cảnh nào Đức Mẹ vẫn ở với chúng con, như xưa Người ở với các thánh Tông đồ.”

        Những lời trên làm nhiều người liên tưởng đến ngay những tai họa đã xảy ra tại miền này năm trước, và họ cầu xin Đức Mẹ đừng để những tai ương ấy tái diễn.

        Chiều đến, trong giờ giải trí, các cha giáo sư đang đứng với nhau trước đài Đức Mẹ, cha Eymard đi ngang qua, ngước nhìn tượng Đức Mẹ và nói: “Mẹ Maria, chúng con đã tổ chức một nghi lễ long trọng đưa tượng ảnh Mẹ đến đây để tôn vinh Mẹ. Mẹ hãy đứng cho vững, nếu có bề nào con sẽ không đến đặt lại đâu.”

        Cha Germain khi đó là giám đốc trường, rất thân tình với cha Eymard trách nhẹ: “Cha nói với Đức Mẹ theo kiểu bằng vai quá?” Cha Eymard mỉm cười: “Chỗ mẹ con phải đánh vào tình cảm để bó buộc Mẹ phải làm gì cho con cái Mẹ chứ.”

        Chuyện đó qua đi, nhưng gần 5 tháng sau, một việc không ai ngờ đã xảy đến. Ngày 10 tháng 07 năm 1848, một tiếng nổ long trời lở đất từ đỉnh Pilat phát ra, tiếp theo là giông tố, là gió táp mưa sa... Đập nước Valbenoite bị vỡ. Nước chảy ào ào đổ xuống đồng bằng cuốn theo cây cối nhà cửa và mọi thứ. Bức tường hoa trước nhà trường sụp đổ, nước tràn vào sân trường, ngập cao hơn một thước. Thầy, trò chỉ còn kịp chạy rút lên lầu. Nửa đêm nước rút đi, để lại một cảnh tượng tan hoang khắp thung lũng Valbeniote, nhà cửa, cây cối, cát đá, cả xác người chết nữa... ngổn ngang.

        Nhưng lạ lùng thay! Tất cả những cây to cây nhỏ trước trường học đều bị bật rễ, trôi dạt cùng với những tảng đá từ đâu lăn đến làm thành một hàng rào chặn sức nước. Nhờ đó ngôi trường không bị nước cuốn, riêng tượng Đức Mẹ vẫn đứng trên đài. Không ai bảo ai, mọi người đều nhận đó là ơn Đức Mẹ giữ gìn vì cha Eymard đã thiết tha gửi gắm nhà trường trong tay Mẹ lành.

        Cả những người ngoan cố, bướng bỉnh, vô thần; những tay du côn, ngang tàng đến xem cảnh tượng ấy đều buột miệng nói:

Thiên Chúa thật uy linh! Cánh tay Chúa quả là vừa mạnh vừa dài”.

Can đảm trước thử thách

        Trong thời đệ nhị cách mạng Pháp, sau Paris, Lyon là một thành phố bị nhiều tang tóc hơn hết. Chủ trương cách mạng là tận diệt Kitô giáo. Bọn người quá khích thường kéo nhau đi đập phá, cướp bóc các nhà thờ, các tu viện, gặp linh mục, tu sĩ chúng chế giễu tục tằn, nhiều khi còn đánh đập tàn nhẫn nữa. Tình cờ một hôm, cha Eymard giáp mặt một toán người đang hung hăng đập phá một quần thể tượng đài bên bờ sông Rhone, cha bình tĩnh lại gần can ngăn. Một tên quay lại hỗn xược hỏi: “Cái gì? Sao lại có áo dòng ở đâu? Anh em, quăng hắn xuống sông nào.” Lệnh sắp sửa được thi hành thì có toán công nhân đi qua, họ nạt lớn: “Đừng! linh mục Eymard đấy mà.” Bọn đó ngừng tay bỡ ngỡ nhìn nhau. Đám công nhận sáp lại, đưa cha về tu viện.

Giám Đốc trường trung học La Seyene Sur Mer

        Kinh lý các tu viện tuy vất vả nhưng không phải lo đến vật chất. Ở Lyon tuy bận việc nhưng quá quen và có nhiều cán bộ lành nghề công tác. Hội dòng ba đã sống và có đường lối để tiến. Nhiều tâm hồn thiện chí nhờ cha dẫn dắt mà vươn lên trong đường thánh thiện. Ở La Seyene Sur Mer thì khác, trường trung học lớn nhất của miền do các cha dòng Đức Mẹ đảm nhiệm, đang bị ảnh hưởng cách mạng, tuy chưa tan rã hoàn toàn, nhưng cũng ít hy vọng tồn tại lâu dài! Nghĩ rằng chỉ có cha Eymard vị tha và thánh thiện mới hy vọng cứu vãn được tình thế, nên dù Lyon đang cần, cha Colin cũng không ngần ngại nhờ cha Eymard đi làm Giám đốc trường đó. 

        Tính tự nhiên ai cũng ngại, cha Eymard thì càng ngại hơn, nhưng cha không từ nan.

        Về đó ít lâu, cha viết cho những người thân tín ở Lyon: “Dù muốn dù không, bây giờ tôi là Giám đốc trường trung học. Chúa muốn thế, chúc tụng thánh ý Người! nhưng cực khổ lắm! Phải nhẫn nại, phải cầu nguyện, phải nhờ Chúa hướng dẫn, phù trợ thì mới có sức chịu đựng; chứ đừng nói tới phần khởi sự.

        Tôi chưa thể bước chân ra khỏi cổng nhà trường, cảnh tượng đây thật thơ mộng, non xanh nước biếc nơi đây đã thu hút bao nhiêu du khách. Nhưng đối với tôi, tôi vẫn chưa có thời giờ để thưởng thức! Làm nhà giáo đối với tôi không thơ mộng chút nào, nhất là gặp tình trạng đạo đức tôn giáo của học sinh và phụ huynh các em nơi đâu. Sống lúc này buộc luôn luôn phải quên mình, quên ngoại cảnh, tôi không ưa núi Calvario chút nào. Nhưng muốn là họ lễ đẹp lòng Chúa, phải vui nhận đau khổ, phải nhẫn nại trước mọi chống đối và tàn bạo. Chao ôi! biết bao là cố gắng và giá đắt phải trả.”

        Cha Eymard tự viết về mình thì như thế, nhưng những người sống chung quanh cha thì lại thấy khác. Cha là người có khiếu, có khả năng tổ chức và điều khiển. Cha Mayet đã viết: “Cha Eymard đến như bình minh gieo tươi sáng cho vũ trụ; như chiếc cầu vồng nổi bật trên nền trời sau cơn giông tố, Phải nói: Cha Eymard là sứ giả của hòa bình đem lại hoan lạc cho chúng tôi. sự hiện diện của cha làm cho những đầu óc bướng bỉnh trở nên thuần thục, những tâm hồn lạnh nhạt được ấm lên, mặn mà tình Chúa tình người.”

        Chỉ sau vài tháng khi cha đến, bầu không khí trong trường học đã đổi hẳn; sĩ số học sinh tăng lên; trường có ảnh hưởng rất lớn trong miền.

        Nhưng nếu trường trở nên phồn thịnh thì thân xác của cha Eymard lại tàn tạ đi! những người quen biết cha năm trước đến thăm, nếu nhận ra cha cũng phải sụt sùi rơi lệ. Cha gầy đi vì bị chứng nhức đầu kinh niên, nhiều khi không thể dâng lễ được Cha Eymard ngày xưa, khi chưa làm linh mục, ngài chỉ ước ao được dâng lễ một lần rồi chết cũng cam, thế mà nay phải bỏ việc dâng lễ thì khổ tâm cho biết là bao!

        Để tránh những điều tệ hại hơn, cha buộc lòng phải đi tịnh dưỡng, nhưng vừa ra khỏi nhà, thì cha đã muốn quay trở lại ngay. Các cho giáo thấy thế phải can ngăn và xin lãnh hết trách nhiệm đối với học sinh khi cha vắng mặt. Cha mới đành lòng ra đi. Cha thật đã hao tổn thân xác vì Chúa và vì người ta.

        Từ trung tâm tĩnh dưỡng, cha viết cho một người bạn: “Đời tôi là một lễ vật hy sinh liên tỉ. Từ sáng cho đến chiều, không lúc nào tôi được yên, cứ lúc lúc lại có người đến gõ cửa, và họ đòi hỏi tôi đủ chuyện làm tôi chẳng còn giờ mà lật qua trang sách hay viết một lá thư. Nhiều lúc tôi muốn làm như người ta: Chỉ tiếp đãi vắn tắt, đối xử lạnh nhạt, cắt đứt câu chuyện dài dòng, vô bổ. Làm như thế, có lẽ tôi được lên thân hơn. Nhưng sau đi tính lại thì đâu là mến Chúa và yêu thương anh em mình.”

Nhận xét của một cựu học sinh

        Ông Hyacinthe đã thụ giáo cha Eymard 5 năm, nói: “Nhân đức cha Eymard đã ảnh hưởng nhiều đến học sinh, nhất là những anh lớn. Phần đông khi ra đời, họ sống đời sống kitô hữu một cách đáng khen, vì họ nhờ cha Emard hướng dẫn.” Ông Laurent Bonnifay viết: “Cha Eymard có cái nhìn thôi miên và có lòng từ tâm, làm chúng tôi mỗi khi thấy cha là thêm phấn khởi, mỗi lần nghe cha nói thì không cưỡng lại được. Cha đã thành công trong việc làm sống lại bầu khí trong lành của trường học. Nhân đức của cha đã nêu gương cho chúng tôi. Cha giúp chúng tôi tìm ra cách để luôn luôn nhớ Chúa mà không ngăn trở việc học hành. Giờ ra chơi cha cho phép những anh lớn được vào viếng Mình Thánh. Nhờ cha, chúng ta yêu mến thánh lễ và rước lễ hằng ngày.

        Khi huấn đức, cha thường nói về phép Thánh Thể, nhưng, mỗi lần thấy cha qua lại trước nhà tạm cũng đủ làm một bài giảng hùng hồn về thái độ và tâm tình chúng ta phải có đối với phép Thánh Thể.”

        Cha thường nói với mọi người: “Muốn cứu vãn một xã hội đang rời xa đức tin thì phải cậy nhờ đến phép Thánh Thể. Sở dĩ người ta mất đức tin là vì người ta đã đánh mất tình yêu Chúa. Chúa đã phán: “Ta đem lửa xuống trần gian, và mong ước thấy lửa bốc cháy khắp không gian. Lửa đó là lửa tình yêu, mà nhiệm tích Thánh Thể là nguồn tình yêu.”

        Thắp lên tình yêu Thánh Thể ở đâu? là gây được ở đó mầm sống siêu nhiên. Hoa trái là các nhân đức, tự nhiên sẽ trổ sinh dồi dào.

Hữu xạ tự nhiên hương

        Khi bỏ Lyon, cha Eymard thầm nghĩ dù ở đâu, đi đâu cũng là làm việc cho Chúa, vì Chúa và cùng với Chúa. Mặc dù ngại và lo sợ. Cha vẫn lãnh nhận mọi nhiệm vụ, ngoài ra cha còn tìm được lý do giúp ngài can đảm. Ví. dụ khi phải đi La Seyene Sur Mer, cha đã nghĩ là mình sẽ thoát được cuộc đời bề bộn với trăm thứ việc không tên ở Lyon. Chỉ còn phải lo việc của trường học với vài trăm học sinh. Công việc sẽ đi vào chuyên môn hơn, ít hơn, và sẽ đào tạo được một lớp thiếu niên đạo hạnh. Nhưng đâu có đơn giản và dễ dàng như cha tự an ủi. Ở Seyene cũng như ở Lyon và Belley xưa, tiếng đồn về nhân đức của cha đã lôi cuốn nhiều người tìm đến. Họ đủ mọi hạng người: Quân nhân, công chức, lao động và cả người lang thang đầu đường xó chợ; khi thì họ đến bàn hỏi việc linh hồn, hoặc trình bày những hoàn cảnh éo le về tinh thần, vật chất nhờ cha giúp cái gỡ, nhất là để xưng tội. Vốn giàu lòng mến Chúa yêu người, cha không thể và không có can đảm từ chối bất cứ ai khi họ cần đến cha.

Một tình bạn.

        Trong những người đến với cha Eymard có đại uý Raymond de Cuers. Cha đã gặp ông tại Paris trước đây, là lính hải quân, ông thường nay đây mai đó nên chểnh mảng việc đạo nghĩa, tính tình nóng nảy, lại bị quan, không bè bạn, không biết nể nang ai. Tóm lại theo cha Marechal dòng Xitô nói: “Ông Raymond de Cuers là người có chí, dũng cảm, nhưng kém thông minh, tính nết thì không hợp với một ai.” Nhưng đối với cha Eymard, ông Raymond de Cuers đã trở nên một người bạn tín cẩn. Cha đã tìm hiểu hoàn cảnh gia đình ông, về nếp sống riêng của ông để lựa chiều tiếp đãi.

        Cha hiểu rằng tâm hồn ông bị ám ảnh bởi nhiều đau thương và bất công xã hội, làm cho ông trở thành khắt khe và sống cô đơn. Vốn thuộc dòng dõi quý tộc, nhưng thời cách mạng, cha mẹ ông phải trốn ẩn, khi bình yên trở về thì gia sản bị tàn phá, giấy tờ cần và gia phả bị thất lạc, nên không thể phục hồi địa vị và gia thế được! Riêng đối với ông, có một lần bị té ngã, gây chấn thương sọ não, Do đó thường bị nhức đầu, khiến ông trở thành người khó tính, dễ bẩn gắt thất thường!

Nơi nhiệm tích Thánh Thể

        Hai người khác tính tình nhau đã gặp nhau: cha Eymard và ông Raymond de Cuers. Ông Cuers thì quảng đại, ưa điều nhân nghĩa, nhưng dễ nóng nảy và nổi sung; còn cha Eymard thì vị tha hay quên mình và nhẫn nhục. Nhiệm tích Thánh Thể đã làm cho hai người nên đôi bạn thân tình, cùng chung một chí hướng: nhiệm tích Thánh Thể phải được quảng bá và tôn sùng.

        Đúng như lời nhà văn Saint Exupéri đã nói: “Yêu nhau không phải là nhìn nhau, nhưng cùng nhìn về một hướng”. 

        Tại Toulon gần Seine, ông Cuers đã chiêu tập được một số người để tổ chức hội chầu Thánh Thể ban đêm, được hàng giáo sĩ địa phương ủng hộ mạnh mẽ, nên hội đã có thể đứng vững. Nhiều hội viên muốn trở thành linh mục, trong số đó có ông Plas, sau này ông gia nhập dòng Tên, và chính ông Cuers sau này trở thành cha Cuers của dòng Thánh Thể. Nữ giới cũng ghi tên đông đảo vào hội chầu Mình Thánh Chúa ban ngày.

        Đức Giám Mục Địa Phận Fréjus xin cha Eymard làm tuyên uý lo cho họ cả nam lẫn nữ.

        Vốn đã ủng hộ bằng tinh thần, nay được chính thức làm tuyên uý, cha Eymard vui mừng vì gặp được điều hằng mong ước. Chưa bao giờ cha trốn tránh nhiệm vụ, nhưng nay lần đầu tiên được vui nhận một nhiệm vụ đúng như sở nguyện, cha viết cho bà Guillot: “Ở Toulon, tôi có một công tác rất đẹp trong một đoàn thể mới thành lập chưa tròn một năm, đó là hội chầu Thánh Thể. Ban ngày thì dành cho phụ nữ, ban đêm là giờ của nam giới, thật là hứng thú và phấn khởi, tôi sẽ ra sức xây dựng và củng cố hội chầu này. Đức Giám Mục đã đặt tôi làm tuyên tuý, dĩ nhiên là có sự đồng ý của cha Bề Trên Tổng Quyền.”

        Cha Eymard điều khiển các giờ chầu ban đêm, lời cha giảng linh động chứa chan tình yêu Chúa, làm các hội viên ngây ngất trong niềm an vui siêu thoát. Khi nào cho không giảng dạy, thì sự có mặt của cha cũng đủ là một ơn thôi thúc họ yêu mến Chúa rồi. Chỉ trong một năm, hội viên nam từ 24 đã vượt số 100, cộng với 3.000 nữ hội viên. Hết thảy họ đều tỏ ra nhiệt thành, và tỏa ra một làm khí ấm áp, đến nỗi làm dấy lên một nếp sống đạo mạnh mẽ trong cả một khu vực.

        Cha Eymard cũng hay ra vào trong các trại giam để thăm viếng những người bị lâm vào vòng tù tội. Cha tổ chức những tuần tĩnh tâm trong lao xá, nhiều người nhờ cha, dù thân mang xiềng xích, nhưng tâm hồn đã bay cao trong bầu trời siêu nhiên. Nhiều phạm nhân cũng xin được ghi tên vào hội chầu Thánh Thể, và mỗi đêm thứ sáu, họ thức một giờ để hướng tâm hồn đến với các hội viên chầu Thánh Thể tại nhà thờ.

Càng cháy lửa càng nóng, căng tràn lan.

        Vốn tâm hồn đã bị thu hút bởi nhiệm tích Thánh Thể nay lại có dịp được tiếp xúc với những người cùng chung một niềm tin yêu Chúa, cha Eymard càng thấy lòng mình nóng nảy, khát khao. Cha ao ước được luôn sống gần bên nhà Tạm.

        Bên nhà nguyện có một phòng nhỏ hẹp không ai muốn ở, đó lại chính là nơi được cha Eymard lưu ý. Cha tự tay sửa phòng đó thành phòng ngủ cho mình. Không ai hiểu tại sao, chỉ có cha Mayet là bạn thân mới được cha Eymard tiết lộ bí mật mà thôi.

        Thấy cha Eymard trước khi tiếp mình lại hướng về một góc bái quỳ một cách cung kính, cha Mayet bỡ ngỡ đưa mắt hỏi thì cha Eymard đưa cha đến góc đó, quỳ xuống thì thấy nhà tạm ngay trước mắt lỗ hổng. Chính cha Eymard đã tự tay đục tường, để không những ban ngày có thể luôn luôn nhìn thấy nhà Tạm và cả ban đêm, cha vẫn có thể sống những giây phút êm đềm khi nhìn vào nhà Tạm mập mờ qua ánh đèn chầu.

        Nhưng một đêm kia, người coi phòng thánh nhức đầu khó ngủ, anh dậy đi lang thang rồi quẹo vào nhà nguyện. Anh nghe được tiếng cầu nguyện vọng từ trên cao xuống, anh để ý thì nhận ra là cha Giám đốc, anh liền đem câu chuyện này kể cho người khác được hay.



 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.