CHƯƠNG VI - MỘT CON ĐƯỜNG MỚI

 

CHƯƠNG VI

 MỘT CON ĐƯỜNG MỚI 

(Cha Eymard cảm thấy Chúa gọi theo một đường khác)

 

Lễ Thánh Giuse năm 1853

        Theo tục lệ của trường La Seyne sau lễ Thánh Giuse (19-3) học sinh được nghỉ một ngày để xuất du.

        Họ lên đường từ sớm tinh sương đi Sicie, một mũi đất rất đẹp nhô ra biển, giữa vịnh Sanary và tỉnh Toulon. Nơi đây có nhà nguyện dâng kính Đức Mẹ, là trung tâm hành hương cho cả miền. Lợi dụng ngày vắng học sinh cha Eymard dùng thời giờ. yên tĩnh, dâng lễ thong thả, bù lại những khi vì giờ giấc chật hẹp, vì ích chung không thể kéo dài như lòng ước mong.

        Sau lễ Cha lại trước bàn thờ cầu nguyện, một ơn siêu nhiên khác thường, nhưng êm đềm không thể tả được đã xâm chiếm lòng Cha. Cha như thấy Thánh Thể Chúa trở nên sáng chói uy linh gấp triệu mặt trời, làm muôn vật phải phát triển và linh động phi thường. Chúa muốn có một tâm hồn quảng đại hy sinh gây dựng một đoàn thể chuyên biệt phục vụ và rao giảng nhiệm tích Thánh Thể, Chúa mời Cha cộng tác với Người.

        Đang khi đó ông Cuers đã đến chờ và rủ cha đi chơi, thấy cha ra khỏi nhà nguyện, nét mặt tươi vui biểu lộ một cái gì khác thường trong nội tâm. Vì tín cẩn, và cũng vì tràn ngập hạnh phúc siêu nhiên, cha kể cho ông nghe tự sự và cả hai cùng nói: “Chúng ta phải thi hành việc đó, cần tìm thêm người cộng tác. Nhưng trước hết phải cầu nguyện, nhẫn nại chịu đựng và chờ thời gian Chúa muốn.”

Xao xuyến nội tâm

        Tuy biết rõ ý Chúa muốn trao cho một trách nhiệm lớn lao, nhưng nhiều khi cha Eymard bị ám ảnh bởi tư tưởng: “Hay mình kiêu căng muốn làm lớn, nên mới có những ý nghĩ ngông cuồng thế...” Có lúc cha lại cương quyết: “Phải làm một việc gì đáng để cho danh Chúa trước khi chết. Dù mình không là chi, nhưng vì Chúa hay chọn những cái yếu hèn, những cái đời coi khinh, những cái hư vô, để tạo nên những kỳ công kiệt tác. Thế mà mình lại có đủ những điều kiện ấy: yếu đuối, ai cũng biết. Đáng khinh, vì mình chỉ là con một người ép dầu, một nghề khó tìm được người làm công. Về khả năng, mình không có gì. Học thì học nhảy, thiếu nền tảng. Mình chỉ là hư vô, điều này cũng chả cần minh chứng. Trước mặt Chúa đã vậy, mà trước mặt vũ trụ cũng thế. Như vậy mình không thiếu điều kiện nào để Chúa dùng vào công việc của Người.”

        Lúc khác cha lại tưởng hoặc mình lầm. Vì chính lúc đó cha Colin đấng sáng lập dòng Đức Mẹ, đang làm Bề Trên Tổng Quyền, muốn lập một nhà tĩnh tâm, không những để các tu sĩ của bản dòng mà còn cho tất cả những người đời, dù có đôi bạn, có thể đến đó tìm an tĩnh bên Chúa, để chỉnh đốn lại đời sống nội tâm, rồi trở về sinh hoạt tông đồ với một tinh thần mới, một ý chí cương quyết hơn. Nơi đó sẽ gọi là nhà cầu nguyện, và có chầu Mình Thánh Chúa luôn đêm ngày.

        Cha tự hỏi: “Như vậy việc mình toan làm có chi mới lạ. Sẽ đem lợi ích gì hơn cho Giáo Hội Chi bằng làm một dụng cụ cho cha Colin sai khiến, như thế đời sống tinh thần vật chất có bảo đảm hơn.”

Không thể hoài nghi tiếng Chúa

        Nhưng khi ngẫm lại những ngày đã qua, và đọc lại những điều ghi trong sổ tay, cha không thể nào hoài nghi tiếng gọi phi thường của Chúa.

        Ngày 25 tháng 5 năm 1845, Lễ Mình Máu Thánh Chúa - cha Eymard được hân hạnh chủ sự cuộc kiệu Thánh Thể tại nhà thờ Thánh Phaolô Lyon, khi về nhà cha ghi: Nâng mặt nhật trong tay, tôi đã hứa với Chúa sẽ hiến cả cuộc đời tôi để giảng về nhiệm tích Thánh Thể.

        Ngày 2 tháng 2 năm 1851, tại nhà thờ Đức Bà Fouvière, cha đã linh cảm thấy cần phải có một tu hội chuyên giảng về tình yêu Chúa trong phép Thánh Thể, bằng chính sự thờ lạy Chúa trong nhiệm tích ấy.

        Ngày 18 tháng 8 năm 1854, cha viết cho một người tín cẩn: “Tôi yêu dòng tu, tôi yêu anh em tu sĩ và các Đấng bề trên dòng. Tình huynh đệ tương thân tương ái các cha các thầy đối với tôi – Lòng quảng đại, sự săn sóc và sự tín nhiệm của bề trên và anh em trong dòng dành cho tôi, thêm vào tính nhu nhược và thân xác yếu đuối của tôi... tất cả chung đúc lại thành một lời khuyên tôi: An phận là hơn.” 

        Những đường lối Chúa muốn tôi theo đã tỏ tường. Chúa hiểu tất cả cái yếu hèn của tôi. Chúa muốn tôi phải sống chết với công việc Chúa toàn giao cho tôi. Tôi cảm thấy nếu tôi không vâng theo thì phụ ơn Chúa biết bao ! Tôi như bị thần lực thu hút không cưỡng lại được, cũng không thể lùi.

        Cha Eymard đã nhất quyết chấp nhận mọi hy sinh đau khổ, tâm hồn cũng như thể xác, để hoàn thành thánh ý Chúa, dù biết chắc trên đường đi đầy chông gai.

Ơn thừa hưởng

        Cha Colin muốn lập một nhà tĩnh tâm, nơi sẽ là trung tâm chầu Thánh Thể cả đêm ngày. Nhưng cảm thấy mình tuổi già sức yếu, cha toan uỷ thác công việc cho cha Eymard. Đồng thời cũng nói với cha Eymard tất cả những dự án mà cha đã suy tính, lâu ngày, đã bàn soạn kỹ lưỡng, đã đặt kế hoạch khởi công và bảo tồn. Người ta có lý mà nói: Cha Eymard đã nhờ ảnh hưởng cha Colin, nếu không muốn, nói là đã lấy dự án của cha Colin làm của mình.

        Nhưng nếu suy đến ơn Chúa Quan Phòng, ta sẽ nhận thấy rằng Chúa đã đặt cha Colin trên đường cha Eymard, để giúp cho Eymard giữ và làm tăng thêm lòng sùng mộ nhiệm tích Thánh Thể. Chính khung cảnh và lòng sùng mộ của họ đạo La Mure, của gia đình cha Eymard với Thánh Thể, đủ hun đúc cho cha lòng sùng mộ ấy. Tư tưởng và công việc cha Colin làm, cha Eymard thầm cảm rằng: “Lòng sùng mộ ấy cần thiết để thánh hóa các linh hồn, cũng như để bảo vệ thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội.”

        Ảnh hưởng ấy, ý niệm đó, lòng sùng mộ này đã chung đúc thành tiếng gọi mãnh liệt, hướng cha Eymard về nhiệm tích Thánh Thể.

Phải chăng bỏ hình bắt bóng

        Phải vâng theo tiếng Chúa gọi, mà theo thì phải quên mình vác khổ giá mà theo, cha Eymard nói: “Tôi biết, tôi phải trả giá rất đắt cho công việc Chúa trao. Tôi sẽ khổ lắm vì việc nào cũng đòi phải hy sinh và đón nhận khổ giá. Tôi sẽ phải bỏ nếp sống bảo đảm về mọi phương diện, để nhận lấy cuộc đời nghèo khổ, thiếu thốn và bị khinh khi, Nếu công việc không thành người ta sẽ chế giễu... Tôi thấy trước như thế. Tôi cảm thấy ngay từ lúc này. Nhưng tôi chỉ tìm thánh ý Chúa. Tôi không làm theo mộng tưởng, vì cái tôi thấy trước hết là thánh giá. Nhưng tôi không sợ thánh giá bằng sự phụ lòng Chúa.”

Một vài khuyến khích

        Lễ Phục sinh năm 1954, nhân dịp về Lyon dự Tổng công hội, cha Eymard đã trình bày tự sự cho cha Colin. Cha Colin vì tuổi tác và bệnh hoạn, đã xin từ chức tổng quyền, nên chỉ nghe cha Eymard mà không xét đoán, Đàng khác cha hiểu rằng cha Eymard muốn thành lập một ngành chiêm niệm và sáp nhập vào tu hội Đức Mẹ. Như vậy Tu hội vẫn có dòng ba dưới danh hiệu Đức Maria, nay lại thêm ngành dòng ba dưới tước hiệu Thánh Thể Chúa Giêsu. Như thế càng hay cha nói với cha Eymard:  tưởng ấy có thể do Chúa soi sáng nhưng phải cầu nguyện. Nên từ từ với nhiều dè dặt và khôn ngoan.

        Nhờ quen biết cha Jandel, đương kim tổng quyền dòng Đaminh, cha Eymard đã trình bày tất cả những ước muốn và dự tính của mình, và nhờ cha Jandel đệ đạt lên Đức Giáo Hoàng Piô IX. Cha hy vọng như thế sẽ yên lòng hơn vì ý kiến của quyền tối cao sẽ là dấu tỏ rõ thánh ý Chúa.

        Triều yết Đức Piô IX rồi, cha Jandel viết cho cha Eymard: Phải chờ cơ hội mới được vào triều yết Đức Giáo Hoàng. Tôi đã trình lên Ngài những điều cha sở cậy. Ngài hỏi han thêm nhiều chi tiết và tỏ ý tán thành. Ngài nói: “Một dòng linh mục chuyên chầu Thánh Thể và hoạt động tông đồ Thánh Thể, không những rất hay mà còn cần thiết nữa. Nhưng Tòa Thánh không khi nào phê nhận trước. Chỉ cho phép làm, nếu có kết quả, mới chuẩn nhận. Vậy Ta vui lòng chúc lành trước cho công việc ấy.”

        Thể theo ý Đức Giáo Hoàng, việc nên làm không phải là tổ chức một hội dòng ba sát nhập vào dòng Đức Mẹ, nhưng là một dòng biệt lập chuyên về Thánh Thể Chúa Giêsu.

        Nghĩ tới đó cha Eymard thấy nhói trong tim, là ngài sẽ phải đoạn tuyệt với tu hội Đức Mẹ! Đau đớn thay! Biết có chịu đựng được không? Nhưng cha cũng vui mừng được thêm một dấu bảo đảm cho điều mình mong ước, và dự tính ấy, là thánh ý Chúa.

Băn khoăn

        Thánh ý Chúa đã rõ chần chừ mãi chỉ là thử thách Chúa, là kéo dài đau khổ tưởng tượng. Ơn Chúa sẽ qua, nghị lực sẽ mất. Vậy dù sao cũng phải quyết liều một phen. Cha Eymard trình bày quyết định ấy với cha Favre, tân tổng quyền dòng Đức Mẹ thay thế cha Colin. Cha Favre không trả lời. Đó là điểm của những đau khổ nội tâm sắp đến. Nhưng với cha Eymard, đau khổ không thành vấn đề, miễn là Thánh Thể Chúa được yêu mến và tôn sùng thì đau khổ sẽ có giá trị làm tăng năng xuất cho việc tông đồ.

        Không thể đợi được nữa. Đầu tháng 5 năm 1855, cha Eymard chính thức đệ đơn lên cha tổng quyền, xin phép hoạt động cho việc tông đồ Thánh Thể, nhưng vẫn được ở lại trong dòng Đức Mẹ.

        Sau gần một tháng chờ đợi, cha Eymard được thư cha tổng quyền trả lời:

        “Cha là tu sĩ dòng Đức Mẹ, dòng là thuyền đưa cha tới bến trường sinh. Xin cha xử sự khôn ngoan, để người ta khỏi vịn vào bất cứ nguyên do nào mà lên án cha: Đang là một tu sĩ vĩnh viễn tận hiến trong dòng mà hành động ngược với đường lối chung. Cái toàn thiện tưởng tượng thường là thù địch của cái chân thiện.”

        Ngao ngán thay! Bề trên không trả lời dứt khoát mà chỉ hoài nghi dự tính của Cha.

        Tuy vậy cha tổng quyền cũng hẹn sẽ đích thân đến Seine sur mer gặp cha. Đang khi chờ đợi, cha vẫn tiếp tục nhiệm vụ một cách chu đáo như thường lệ. Nhưng chắc chắn sẽ phải chọn một trong hai:

        - Ở lại dòng Đức Mẹ mà quên điều Chúa thôi thúc. 

        - Hay là bị loại khỏi dòng để thực hiện thánh ý Chúa.

        Ở lại thì đời mình có bảo đảm hơn, vì nếp sống đã có, và có thể dựa vào ý bề trên mà an tâm. 

        Theo đuổi công việc để thực hiện ý Chúa là bước vào con đường chông gai, là nhận một nếp sống bấp bênh, là chịu trách nhiệm một việc lớn lao, là đương đầu với tương lai mịt mù. Cha sợ, sợ cả hai đường. Bỏ qua tiếng Chúa thì không được, mà lìa dòng thì không đành tâm.

Mây đen 

        Tuy cha tổng quyền chưa trả lời dứt khoát, mà trong dòng đã có tiếng đồn: Cha Eymard định xuất dòng để tổ chức hội chầu Thánh Thể trong toàn cõi nước Pháp. Nhiều người trề môi nhìn cha một cách lạ lùng. Cha Mayet cũng lấy tình bạn khuyên cha Eymard: “Tôi sợ là chước quỷ muốn ngăn trở công việc hữu ích cha đang thực hiện. Cha bỏ một ơn kêu gọi chắc trăm phần trăm, để theo một dự tính viễn vông. Cha mịn vào đâu mà bảo là Chúa gọi cha theo con đường đó. Trái lại, ở đây những việc cha làm đều có kết quả. Ai cũng thấy có bàn tay Chúa trong công việc của Cha. Phải chăng ma quỷ đã lợi dụng lòng nhiệt thành của cha, mà bày ra những ước muốn đó để phá việc hiện tại. Hoặc cha chán công việc, hay theo tính tự nhiên muốn đổi nơi . Cho nên nghĩ lại xem.”

        Thật đau lòng khi người bạn tín cẩn nhất cũng hoài nghi mình, nhưng cha Eymard điềm tĩnh trả lời: “Tôi biết rõ Chúa thôi thúc tôi. Khi nghĩ đến việc tông đồ Thánh Thể, tôi cảm thấy một niềm tin yêu dịu dàng nhưng mạnh mẽ, giúp tôi bình tĩnh và nghĩ đến phải thánh hóa mình hơn và tiến hơn.” 

Giận cá băm thớt

        Cha Eymard rất dè dặt và nhẫn nại chờ giờ Chúa định. Nhưng đại uý Cuers, một tông đồ Thánh Thể đã được cha tín nhiệm, lại quá nhiệt thành. Ông đã đổi nghề thuỷ binh và đang học thần học để sửa soạn lãnh chức linh mục, để có thể cộng tác đắc lực với cha Eymard trong bước đầu. Ông nói: “Cha Eymard lừng khừng quá, tôi phải đẩy ông mới được”. Ông xin đến trọ ở trường La Seyne ít lâu để luôn luôn thúc đẩy cha Eymard. Các giám mục địa phận Fréjus, Marseille và Valence, khi biết ý nguyện cha Eymard do ông Cuers làm môi giới, đều tán thành, ủng hộ và sẵn lòng đón tiếp. Cha Eymard cũng để ý đến một đan viện bỏ hoang cạnh một ngôi nhà đủ thâu nạp 40 tu sĩ, hiên ngang đứng giữa một khu đất 4 mẫu tây. Thật lý tưởng. Nhưng những may mắn ấy lại là những thất bại đầu tiên. Chính ông Cuers nóng nảy đã làm cha Eymard bị hiểu lầm và bận tâm.

        Nhưng cái đau khổ nhất của cha trong thời kỳ ấy là bị phá ngầm, và có những người phải oan khổ vì cha.

        Trong những học sinh lớn có khuynh hướng làm linh mục, và có đủ điều kiện để trở nên tu sĩ chân chính, các cha giáo sư đã hướng họ về Dòng Đức Mẹ. Khi nghe cha Eymard sắp lập dòng các linh mục Thánh Thể, một số lại muốn theo cha và ước ao được khấn dòng trong tay cha. Cha Eymard không khuyến khích hay từ chối họ. Thế mà các cha trong trường cho là cha Eymard đã dụ dỗ bọn trẻ thiếu kinh nghiệm, để bước vào một tương lai không có gì hứa hẹn. Nhân một ngày cha Eymard vắng mặt, cha hiệu trưởng gọi mấy anh đến mắng trách thậm tệ và cho là nhẹ dạ đáng phải loại trừ.

        Mũi giáo đâm sau lưng bất ngờ đó làm tê tái tâm can cha Eymard. Nhưng đau phận mình ít, mà thương các trẻ vô tội nhiều hơn.

        Dịp này Cha viết cho một bạn thân tín kể đầu đuôi sự việc ấy nói: “Đó là dấu hiệu đáng vui mừng vì việc Chúa đã khởi sự. Mầm đã nảy trên núi Calvario. Muốn cho mau lớn cần phải tưới bằng máu. Khổ tâm mấy trẻ, hai đứa phải loại. Cha hiệu trưởng còn phạt chúng không được lãnh ơn xá giải.”

Chọn một trong hai

        Cha tân tổng quyền giữ lời hứa đến thăm và trả lời cha Eymard rõ ràng: “Một là tổ chức sẽ đứng trong khung cảnh dòng Đức Mẹ, hai là biệt lập. Nhưng nhân danh đại hội đồng, cha Faure tuyên bố dòng Đức Mẹ không chấp thuận tổ chức dưới bất cứ hình thức nào, cũng không cho phép một tu sĩ bản hội tổ chức việc nào ngoài mục đích tôn sùng Đức Maria.”

        Bị đặt vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, cha Eymard xin một thời gian suy nghĩ và cầu nguyện.

Một ơn an ủi

        Đang lúc đó cha được thư cha Touche: “Tôi đã cầu nguyện, suy nghĩ và đây là vài dòng để cha hay: Việc cha dự tính hơn là việc Chúa, một việc có hệ trọng đến cả Giáo Hội. Cần phải trình bày với Đức Thánh Cha.”

        Nhân dịp cha Touche có việc phải ngang qua Roma, cha Eymard nhờ người đệ trình lên Đức Giáo Hoàng một dự án, một đơn xin phép thi hành.

        Ngày 27 tháng 8 năm 1855. Đức Piô IX trả lời cha Touche: Ta tin việc này do Chúa soi dẫn và Giáo Hội rất cần. Phải dùng mọi phương thế cho các linh hồn hiểu biết về nhiệm tích Thánh Thể. Cha Touche cũng tầu Đức Giáo Hoàng: Cha Eymard là tu sĩ dòng Đức Mẹ.

        Đức Giáo Hoàng trả lời:

        “Như vậy phải có sự ưng thuận của cha tổng quyền dòng Đức Mẹ, và giám mục địa phương. Ta có ban phép khởi sự nhưng theo sự khôn ngoan, Toà Thánh đòi phải có sự thoả thuận của cha tổng quyền, chắc cha Tổng quyền sẽ vui lòng.”.

        Khi trở về Roma, cha Touche không gặp cha Eymard nên kể tự sự cho ông Cuers. Nhờ chuyển một thư đến cha Eymard. Tưởng công việc đã xong xuôi, nên ông Cuers gửi kèm theo mấy hàng: “Nhờ Chúa phù trợ, xuôi rồi, hễ cha tổng quyền dòng Đức Mẹ đồng ý là đại nghĩa sẽ khởi công.”

        “Nếu tôi đã nóng lòng đợi thư Roma, thì thư trả lời cho cha lại là một nhu cầu thiết yếu. Tôi đợi đây, đợi tiếng hát tạ ơn của cha và tôi sẽ hoà ca :Alleluia.”

Bị xối nước lạnh

        Ông Cuers cũng không phải đợi lâu, nhưng thư trả lời không phải của cha Eymard, vì người đang tĩnh tâm chung với anh em dòng Đức Mẹ. Cha tổng quyền thấy thơ từ La Seyne gửi cha Eymard tưởng là thơ về việc trường trung học sợ có điều chi cần nên mới mở coi và viết:

          Kính ông,

        Chúng tôi đang dự tuần đại tĩnh tâm. Trừ cha tổng quyền có nhiệm vụ phải biết, và giải quyết kịp thời các vấn đề quan hệ. Không ai được nhận và đọc thư riêng. 

         Vậy thư ông gửi cha Eymard cũng liên hệ đến tôi, và giải quyết điều ông mong đợi là hoàn toàn nơi tôi.

        Xin ông tin rằng, tôi chân thành kính trọng mọi quyết định của Toà Thánh, nhưng tôi thiết tưởng những điều cha Touche nói không đủ giải quyết một vấn đề quan trọng như thế. Người cũng không có sứ mệnh chuyển ý Toà Thánh cho tôi. Có thể những lời của Đức Thánh Cha bị người ta không hiểu hay hiểu lầm.

        Theo lẽ khôn ngoan, tôi cần phải đợi một cái gì chính thức từ Toà Thánh, để có thể hy sinh theo ý ông.

        Dù không để cha Eymard đến với ông, tôi không có ý chê việc ông. Trái lại tôi thấy là việc rất tốt đẹp và thật tình mong nước cho các linh hồn biết yêu mến Chúa ngự trong nhiệm tích Thánh Thể.

Mong ông hiểu cho.

Chân thành 

Tổng quyền dòng Đức Mẹ

 

 

Tình thân ái giữa cha Favre và cha Eymard

        Nếu cha Eymard lo lắng thi hành lệnh Chúa trao, thì cha Favre lại lo lắng cho cha Eymard, sợ cha Eymard lầm vào bước đường vô định và đau khổ. Cha Favre rất quý cha Eymard nhưng không thấy được ý Chúa như đương sự. Cha chỉ biết cha Eymard là một vị chân tu, có thế giá cũng như thế lực. Đã có những địa vị quan trọng trong dòng Đức Mẹ. Dòng còn đặt nhiều hy vọng nơi cha Eymard. Mất cha Eymard là một hy sinh. Nhưng hy sinh để cha Eymard bước vào con đường chông gai là một hy sinh thiếu đức ái.

        Để giữ cha Eymard, cha Favre đề nghị cha làm linh giám hội chầu đền tạ Thánh Thể mới lập ở Lyon. Nhưng điều đó không làm thỏa ý nguyện cha Eymard. Cha đã viết cho bà Guillot: Cha tổng quyền tìm mọi cách để dung hòa nguyện vọng của tôi với sinh hoạt của dòng. Nhưng những lời khuyên của Ngài không hợp với công việc của tôi. Tóm lại, người ta bảo tôi: phải bỏ công việc hay bỏ dòng Đức Mẹ.

Chờ đợi trong thinh lặng

        Hết niên khoá 1854 - 1855, cha Eymard được thoát nhiệm vụ Giám đốc trường La Seine. Nhưng phải về Chaintre tu chỉnh luật dòng ba Đức Mẹ. Lợi dụng thời gian ấy, cha chuyên chăm đời sống nội tâm, sống ẩn dật trong chiêm niệm, và đợi chờ Roma trả lời.

        Tháng giêng năm 1856, cha tổng quyền đi Rôma. Người hứa với cha Eymard sẽ trình lên Đức Giáo Hoàng công việc của cha Eymard. Hy vọng cha Eymard sẽ tuân phục lời Đức Thánh Cha chỉ dạy. Cha Eymard trả lời: “Con chỉ thành thật mong có thế. Con đặt tin tưởng vào bề trên, khi bề trên quyết định dứt khoát, con sẽ vâng theo và an lòng.”

        Ai cũng hiểu ý cha Favre quyết giữ cha Eymard và chắc Đức Piô IX sẽ chấp thuận ý Ngài.

        Đến Roma, cha Favre gặp Đức Cha Duquet, cũng là người dòng Đức Mẹ, cùng với cha Alphose, giám tỉnh dòng Capucino bên Pháp, và cha Januel tổng quyền dòng Đaminh. Tất cả các vị ấy đều có thể giá và đều tán thành ý kiến cha Favre. Các ngài cho rằng mất cha Eymard, dòng Đức Mẹ mất một nhân tài.

        Ngày vào triều yết Đức Giáo Hoàng, cha Favre còn nói đến cha Eymard với Đức Cha Duquet tại phòng đợi. Thế mà khi Đức Giáo Hoàng bàn hỏi nhiều chuyện về dòng Đức Mẹ, cha Favre không nói gì đến cha Eymard. Đến khi ra về mới biết mình đã quên chuyện của cha Eymard, nhưng đã muộn. Tuy nhiên, cha tự an ủi, còn có Đức Cha Duquet và Cha Jandel, các ngài sẽ thưa hộ với Đức Thánh Cha.

        Khi trở về Roma, cha Favre thấy cần phải dứt khoát, nên người đích thân đến gặp cha Eymard tại Chaintré. 

        Nhưng dứt khoát thế nào? Đây là những lời cha Eymard viết cho ông Cuers:

        Thư đề ngày 22-4-1856

        Riêng với bạn thôi nhé. Tôi biết tạ ơn Chúa thế nào về những ơn Người bạn. Chúa đã cắt đứt mọi giây ràng buộc, tạ ơn Chúa!

“Sáng nay lúc 9 giờ, cha tổng quyền đến phòng tôi, chúng tôi cũng ra đi dạo ngoài vườn. Sau những điều ít quan trọng, đến việc “Dòng Thánh Thể”. 

        Người nói: Tôi đã đem công việc của cha bàn với cha Jandel, cha Alphonse và Đức Cha Duquet. Cả ba vị đều nói tôi không nên và không thể để cha lo việc đó. Tôi đã định tâu lên Đức Thánh Cha. Nhưng khi triều yết tôi lại quên mất. Chúa muốn thế chăng! Bây giờ phải dứt khoát: Cha nên xếp công việc đó lại. Nếu cha bỏ dòng Đức Mẹ, tôi không thể nào tháo lời khấn cho cha. Không, tôi không được làm thế. Người ta nói với tôi rằng Đức Giáo Hoàng thường trả về tổng quyền những vấn đề đó, mà cho biết tôi sẽ không khi nào chịu mất cha. 

        Sau một lúc tôi tự bảo: Đây là một giai đoạn quyết liệt. Xin Chúa giúp con. Rồi tôi trả lời: Thưa cha, ba vị đã nói với cha theo lý, nhưng các ngài không xét đến thực tại. Các ngài không thể xét đoán về nội tâm của con. Các ngài không biết Chúa thôi thúc con.

        Cha tổng quyền ngắt lời tôi: “Cha căn cứ vào đâu mà quả quyết một cách chắc chắn như vậy? Đâu là những dấu Chúa gọi cha theo con đường mới?”

        Tôi trả lời: Không có phép lạ nào làm chứng. Con cũng không được thấy Chúa hiện ra, cũng không có dấu gì khác thường bề ngoài. Nhưng Chúa thúc đẩy con một cách liên lỉ và quyết liệt, nhất là từ hai năm nay. Đã 4 năm con cảm thấy điều đó. Con đã hoài nghi, đã chống trả. Con sợ thánh giá, sợ thử thách, sợ đau khổ... Nhưng con thấy Chúa đòi con phải hy sinh hoàn toàn. Phải huy đi những điều con muốn giữ. Bây giờ con phó mình để hoàn toàn theo ơn Chúa. Điều này còn đã làm và còn làm.

        - Cha sẽ bỏ dòng Đức Mẹ? 

        - Vâng, thưa cha. 

        - Cha đã tuyên khấn? 

        - Con xin cha tháo các lời khấn, để con giữ được liên lạc và tình nghĩa với cha, 

        - Tôi không làm thế được.

        - Vậy con sẽ đi xin Đấng bản quyền. 

        - Người không có quyền.

        - Con biết các Đấng bản quyền được tha lời khấn đơn. Cha Colin cũng nói vậy. Nếu cha không đồng ý, con kính nể tôn ý cha. Nhưng con sẽ có cách, con đã quyết rồi. Cha Faure bảo tôi: Cha suy nghĩ lại đi và nên dè dặt.

        - Thưa cha, con cầu nguyện đã lâu, đã xin Chúa, Đức Mẹ, Thánh Giuse, thà con chết, chứ đừng để con lạc đường hay theo tưởng tượng hão huyền. Con thấy lòng bị thôi thúc, và hướng về thánh giá, về đau khổ, để nên phân bón cho cây Chúa muốn trồng. 

        - Thôi, nếu cha đã quyết định như thế, tôi không ngăn trở cha. Tôi sẽ tháo lời khấn trên giấy tờ đàng hoàng. 

        - Cám ơn cha. 

        Chúng tôi ở lặng một lúc lâu...

        Thế là dứt khoát. Phải hy sinh nhiều nhưng ơn Chúa đã thắng. Tôi cảm thấy ơn an bình tràn ngập tâm hồn. Tôi sung sướng, vì Chúa đã nâng đỡ sự yếu hèn của tôi. Eymard – Linh mục dòng Thánh Thể.

Buồn vui đắp đổi

        Vui chưa được bao lâu thì cái lo thực tế đã đến ám ảnh. Một vết thương mới, ngoài mặt coi không đáng lo ngại, nhưng thực tế thì nặng. 

        Muốn khởi sự, phải ra đi, ra đi mới thấy tình lưu luyến khăng khít. Tuy trong anh em có người mỉa mai, nhưng phần đông tu sĩ đều có cảm tình với cha Eymard: kẻ vì tình, người vì nghĩa thầy trò. Ai cũng tưởng cha còn ở lại ít lâu chờ ngày gây được cơ sở, nên tự nhiên muốn bám lấy cha trong những ngày còn lại. Đi là “chết ở trong lòng” đối với cha Eymard quả là đúng, nhưng dù sao cũng phải đi, không đi thì không thể khởi sự, chần chừ chỉ là kéo dài đau khổ.

        Cha viết trong nhật ký: “Không ai biết được lòng tôi héo hắt sầu khổ thế nào, khi phải nhất quyết ra đi. Lạy Chúa Giêsu con đã từ biệt bà con thân hữu, quê quán rồi. Nay lại phải từ biệt gia đình thiêng liêng để đi phục vụ Chúa, Đấng đã trở nên lễ vật hy sinh cho đời trong nhiệm tích Thánh Thể. Lạy Chúa, Chúa đã muốn. Con đâu...!”

        Tuy vậy, cha còn nán lại sửa cho xong luật dòng ba Đức Mẹ, và tạm thế cha giáo tập vắng mặt ít ngày. Với tập sinh cha vẫn ca tụng ơn kêu gọi của tu sĩ dòng Đức Mẹ, và tỏ tình luyến ái chân thành.

        Nhưng một tu sĩ già có tiếng nhân đức, đã nghiêm khắc nói với cha: Công việc cha định làm chỉ do tự phụ, kiêu ngạo, rắn đầu và ương ngạnh, không thể tha thứ được! 

        Vốn khiêm nhường, cha Eymard nhận lời phê bình ấy có lý, nhưng cha cũng không thể chối được tiếng Chúa. Do đó cha bối rối, không biết nên đi hay ở. Tỏ bày tâm sự với cha tổng quyền, cha xin hãy thong thả tháo lời khấn. Nhưng cho phép cha được lên Paris tĩnh tâm 12 ngày, ngoài tu viện của dòng Đức Mẹ, để bàn hỏi với các vị không thuộc bản dòng. Hứa sẽ nhắm mắt vâng lời, nếu các ngài bảo tiến hay lui.

        Cảm động trước sự đau khổ của bạn, cảm phục tâm hồn khiêm nhường chân thành, cha Favre ôm lấy cha Eymard nói: “Để cho thấy tôi yêu quý cha dường nào, với tình nghĩa chân thành, tôi cam đoan: nếu việc không thành hoặc bất cứ vì lý do nào, cha muốn trở lại, chúng tôi vẫn đón nhận cha như người con yêu quý của dòng.”

        Nhờ vậy, cha Eymard yên tâm lên đường.

Trên đường phiêu lưu

        Khi làm xong việc cha Favre nhờ, và lúc cha giáo tập đã về, cha Eymard thu xếp đi Paris.

        Trong chuyến đi này, cha ghé Montlucon thăm cha Bounome dòng Đức Mẹ, đang làm giáo sư tại trường St. Joseph. Cha Bounome phàn nàn: “Tôi chỉ có thời giờ ôm lấy người. Người lại đi ngay. Tôi cảm thấy một nỗi buồn mênh mang tràn ngập tâm hồn, coi người như già đi nhiều, có vẻ buồn và đau khổ lắm.” Cha vội vã lên Paris làm gì ? Đã có cơ sở gì đâu?

        Thật vậy, Paris đã có nhiều dòng. Dân chúng cũng như giáo quyền sẽ hoài nghi và coi thường một linh mục gầy yếu có dáng bi quan, mà lại muốn lập dòng. Quả là một bước phiêu lưu. Các đấng lập dòng khác khi khởi sự thì có bạn hữu nhường cho một nơi, hoặc lấy nhà cha mẹ, hoặc biến một trụ sở có sẵn thành một tu viện, còn cha Eymard chỉ có hai bàn tay trắng.

Chồn có hang, chim có tổ, nhưng...

        Từ biệt tu hội Đức Mẹ, cha Eymard tuy không lâm cảnh màn trời chiếu đất, hay phải tất tưởi như Chúa trên thánh giá không nơi tựa đầu, nhưng cũng bơ vơ... Trước khi bỏ Lyon, cha đã biên thư cho các nữ tu Đền Tạ tại Paris, xin trọ một thời gian. Thư lạc nên không có sẵn phòng. Cha đến xin trú tại các cha dòng Mẫu Tâm, số 114 đường Enfer. Nơi đây có phòng, nhưng thiếu mọi nhu cầu. Viết cho bạn tâm phúc, cha nói: “Tôi đã được các cha dòng Mẫu Tâm cho trọ, nhưng nhà dòng sắp giải tán, đồ đạc đem phát mại, chỉ còn phòng trống. Tôi được một phòng, nhưng gió lọt tứ bề. Lạnh! Ngủ không được. Các cha, đối cho tôi một phòng tương đối khá hơn, nhưng lại ẩm thấp quá. Lúc lên giường, tôi tưởng như chăn mền vừa lấy ở ngoài sương vào. Còn ăn uống thì đạm bạc. Nhưng Chúa nâng đỡ tôi.”

        Trong một thư khác, cha viết: “Tôi đến Paris vừa mệt vừa thiếu thốn, như người chạy loạn lạc đường”.

Cay đắng dồn dập

        Sau ít ngày tĩnh tâm nhiệm nhặt, cha Eymard được Đức Cha Bouillerie giới thiệu với Đức Cha Sibour, phụ tá Giám mục Paris. Đức Cha Sibour tiếp cha Eymard nhiều lần, nhưng dè dặt gần như lạnh lùng. Đã không một lời khuyến khích mà còn như hất hủi, coi cha như kẻ quấy rầy không thèm xét đến đơn từ.

        Đang khi đó, cha Favre lên Paris tìm cha Eymard nói: “Tôi đang cho cha một phép rộng sai ý ban Cố vấn, mong cha nghĩ lại để trở về Lyon với tôi”: Thật là khó nghĩ...

        Đau khổ này chưa qua thì khó khăn khác đã dồn dập. Cha Eymard toan khăn gói trở về Lyon. Nhưng trước khi lui bước, cha còn đến Toà Giám mục Paris một lần nữa để dứt khoát, thâm tâm cha nghĩ rằng: Người ta không hiểu về mục đích của mình, lần này chắc sẽ chuốc thêm tủi nhục, nhưng cha cứ đến cho an lòng. Phải sử dụng tất cả những điều có thể cho toại ý Chúa. Cha rủ cha Cuers cùng đi cho có bạn.

        Tại phòng khách nhỏ, hai cha đang hồi hộp đợi Đức Giám mục phụ tá, thì Đức Tổng Giám mục tiễn khách về qua, thấy hai linh mục, người hỏi:

        - Các cha ở đâu đến? Có việc gì đây?

        - Thưa Đức Cha, chúng con ở xa đến. Chúng con đợi Đức Cha phó. 

        - Đôi khi Đức Cha chánh cũng có thể giải quyết thay, Đức Cha phó, nếu không phải việc riêng. Các cha muốn gì? 

        - Chúng con đến để nhận lời chỉ dẫn dứt khoát về dòng Thánh Thể. 

        - A! Cha là tu sĩ dòng Đức Mẹ phải không?

        - Thưa vâng. 

     - Đức Cha phó đã cho tôi biết về các cha. Nhưng không được. Chuyên về chiêm niệm... tôi không đồng ý. Không... không được. 

       Hăng hái cha Eymard thưa: “Đức Cha chưa rõ mục đích chính của chúng con. Không phải chúng con chỉ chuyên về chiêm niệm. Dĩ nhiên thờ lạy Mình Thánh Chúa là mục đích chính, nhưng chúng con phải làm cho người ta biết mà thờ lạy Chúa trong chân lý và tinh thần... Chúng con sẽ lo cho người lỡ thời học giáo lý và rước lễ lần đầu. Chúng con sẽ tung lửa mến ra bốn phương nước Pháp, và trước tiên là Paris.”

        Khi nghe nói thế, nét mặt Đức Tổng Giám Mục tươi lên và miệng người lặp lại: “Lo cho người lỡ thời học giáo lý, và rước lễ lần đầu. Phải rồi, việc đó chưa có ai lo, mà chính là việc tôi mong ước.” 

        Nói rồi Đức Cha đưa hai cha vào phòng khách lớn, nơi Đức Cha phó đang tiếp cha Carrière, tổng quyền tụ hội Xuân Bích.

        Theo cha Eymard kể lại: Đức Tổng Giám mục khen ngợi công việc chúng tôi, Đức Giám mục phụ tá cũng như hiểu ra, cho là việc bao gồm mọi công việc đối với phép Thánh Thể ở Paris. Cha Carrière cũng triệt để tán thành... sau cùng Đức Tổng Giám mục đã chấp thuận với lời hứa tha thiết này:

        “Từ nay các cha sẽ là các con của tôi.” Và Ngài ân ái, ban phép lành cho chúng tôi.

        Vừa bỡ ngỡ như tỉnh giấc mơ, vừa vui mừng vì thấy giờ Chúa định đã điểm. Hai cha rời Tòa Giám mục, đến thẳng nhà thờ Xuân Bích tạ ơn Chúa và Đức Mẹ.


 


 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.